Theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước đạt 473,73 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa đến tháng 11 đạt kỷ lục 9,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2018. Tuy vậy, tháng 11, xuất siêu ước tính đạt 100 triệu USD, thấp hơn so với mức 1,86 tỷ USD của tháng 10. 

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 241,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điện thoại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 48,7 tỷ USD, tăng 5,4%. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục giảm, trong đó thủy sản giảm 2,3%, rau quả giảm 2,4%,...

Về xuất khẩu, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,6%).

Trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 48,7 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,4 tỷ USD, tăng 19,4%; hàng dệt may đạt 29,9 tỷ USD, tăng 7,8%; giày dép đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 9,8%.

Xuất khẩu nhóm hàng nông sản tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Thủy sản đạt 7,8 tỷ USD, giảm 2,3%; rau quả đạt 3,4 tỷ USD, giảm 2,4%; hạt điều đạt 3 tỷ USD, giảm 3,4% (lượng tăng 21,5%); gạo đạt 2,6 tỷ USD, giảm 8,3% (lượng tăng 4,8%); cà phê đạt 2,5 tỷ USD, giảm 22,2% (lượng giảm 14,6%); hạt tiêu đạt 672 triệu USD, giảm 6,5% (lượng tăng 21%). Riêng cao su đạt 2 tỷ USD, tăng 7,6% (lượng tăng 8,1%); chè đạt 212 triệu USD, tăng 8,2% (lượng tăng 5,8%).

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9%. Tuy nhiên, 2 thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn tiếp theo là Liên minh châu Âu và Trung Quốc lần lượt ghi nhận mức giảm 2,3% và 0,6%. 

Ở chiều nhập khẩu, tổng kim ngạch tăng 7,4% và ước đạt 232,3 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu ôtô từ nước ngoài tăng mạnh nhất với 40,4%; hàng điện tử máy tính và linh kiện tăng 20,2%,...

Nhập khẩu từ các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhập từ Trung Quốc tăng 15,2%, từ Mỹ tăng 11,3%, từ Nhật Bản tăng 3,5%,...

Xét về đối tượng xuất nhập khẩu, khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch cao hơn nhiều khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Với xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước ghi nhận kim ngạch tăng 18,1%, cao hơn nhiều tốc độ tăng 11 tháng của khu vực FDI là 3,8%. Tương tự, với tăng trưởng nhập khẩu, khu vực kinh tế trong nước đạt 13,9% trong khi khu vực FDI đạt 3,1%.