Kỳ tích xuất khẩu

Trái với mọi dự đoán, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế nước ta. Chuyên gia kinh tế Bloomberg còn cho rằng xuất khẩu là đầu tàu, kéo tăng trưởng Việt Nam khi 2 động lực còn lại không gặp thuận lợi.

Những mảnh ghép tươi sáng

Trong nhiều thập kỷ qua, chưa năm nào hoạt động xuất khẩu cùng lúc gặp nhiều trở lực như 2021. Không kể những hoạt động thường xuyên, có xu hướng gia tăng như chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch, điều tra phòng vệ thương mại; chỉ riêng chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu, thiếu container nghiêm trọng, giá cước vận tải biển tăng vọt… đã đủ làm cho doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới lao đao.

Tuy nhiên, trái với mọi dự đoán, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế nước ta. Chuyên gia kinh tế Bloomberg còn cho rằng xuất khẩu là đầu tàu, kéo tăng trưởng Việt Nam khi 2 động lực còn lại không gặp thuận lợi; Thứ nhất, tổng vốn đầu tư toàn xã hội có mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều năm qua; Thứ hai, tổng mức bán lẻ hàng hóa dù tăng trưởng dương cũng không gánh nổi cho doanh thu dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành giảm sâu.

Có thể nói, dù thống kê theo tiêu chí nào, xuất khẩu cũng vẫn là một mảnh ghép tươi sáng trong bức tranh kinh tế. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19%, cao gấp 4 lần so với kế hoạch Quốc hội giao (tăng 4-5%), đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Về cơ cấu, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu, khoảng 86,24% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước.

Về quy mô mặt hàng, số mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD là 35, tăng 1 mặt hàng, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2020, và cả 8 đều là hàng chế biến, chế tạo: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; hàng dệt, may; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác.

thu truong Khanh
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Trưởng đoàn khảo sát thực tế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) nhằm tháo gỡ khó khăn, kịp thời khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới trong bối cảnh dịch Covid-19.

Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá: “Kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm qua không chỉ  đóng góp vào tăng trưởng GDP mà còn góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”. Quả thực, đây là phần đóng góp lớn nhất của đầu tàu xuất khẩu. Xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu (xuất siêu 4 tỷ USD) góp phần làm cho dự trữ ngoại hối nước ta vượt ngưỡng 100 tỷ USD - là nguồn lực quan trọng để giảm thiểu những biến động về tỷ giá, lạm phát.

Những kết quả trên có sự đóng góp trực tiếp, mạnh mẽ từ Bộ Công Thương, trong cao điểm phòng chống dịch đã sát cánh cùng địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ngày 27/4/2021, thì 2 ngày sau, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tập đoàn Samsung về các dự án hợp tác giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cải tiến sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Samsung và các tập đoàn đa quốc gia khác.

Ngày 14/10/2021, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến với Samsung Việt Nam và hơn 20 nhà cung ứng của Samsung tại TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, xử lý các kiến nghị nhằm khôi phục sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng.

Trên bình diện quốc tế, Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá cao sự chuyên nghiệp và phối hợp nhịp nhàng giữa Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Chính sách thương mại Đa biên và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp khi bị kiện phòng vệ thương mại.

Những ví dụ trên cho thấy, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý trong xử lý kịp thời các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu…

Hồng Hà