Lafchemco xây dựng giải pháp công nghệ giảm chi phí xử lý môi trường

Đề tài “Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axít H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường” được Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Lafchemco) triển khai vào thực tế sản xuất đã mang lại hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường.

Áp dụng công nghệ xử lý H2SiF6 do Liên Xô cũ chuyển giao, kể từ năm 1962 đến nay Công ty đã sử dụng muối NaCl để phản ứng với axit H2SiF6 tạo ra muối trừ sâu công nghiệp Na2SiF6 dùng cho một số ngành công nghiệp khác. Nhược điểm của công nghệ này là giá thành muối Na2SiF6 cao mà giá bán rất thấp do khó tiêu thụ, xử lý nước thải tốn kém chi phí nhưng vẫn không đạt theo quy định QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù Công ty phải chi phí gần 30 tỷ đồng/năm.

Để giải quyết triệt để vấn đề cấp bách về môi trường, Nhóm tác giả đã đề xuất triển khai đề tài: “Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axít H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường”.

lafchemco
Hệ thống máy nghiền bi ướt, nghiền và phản ứng giữa quặng apatit loại 2 và axít H2SiF6

Sau khi triển khai nghiên cứu và thử nghiệm, thực nghiệm thành công, Công ty đã lựa chọn được phương án tối ưu xử lý nước thải sản xuất supe lân là: Thay đổi công nghệ không sản xuất Na2SiF6 (trừ sâu công nghiệp). Xử lý trực tiếp dung dịch axít H2SiF6 12% hấp thụ được của quá trình sản xuất supe lân (khoảng 120 tấn/ngày/2 dây chuyền sản xuất supe) bằng cách dùng quặng apatit loại 2 vụn của dây chuyền lân nung chảy phản ứng với dung dịch axit H2SiF6 tạo ra hỗn hợp bán thành phẩm supe.

Đầu năm 2017 Công ty đã đăng ký và bảo vệ thành công giai đoạn cơ sở và được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề tài cấp Tập đoàn mã số 11RD/HĐ-HCVN. Ngày 9/11/2017, Hội đồng khoa học gồm có các nhà khoa học, chuyên gia về sản xuất phân bón, chuyên gia hóa học đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu. Kết quả, hội đồng nghiệm thu xếp Đề tài vào loại xuất sắc. Đề tài đã đáp ứng được tính mới và tính sáng tạo, cụ thể:

Tính mới: Giải pháp nghiên cứu và thực hiện là hoàn toàn mới ở Việt Nam và thế giới.

Tính sáng tạo: Đề tài đã tạo ra công nghệ mới trong xử lý axit H2SiF6, tìm được nguồn nguyên liệu hợp lý với công nghệ là quặng apatit loại II vụn, sản phẩm của quá trình này là bán thành phẩm supe sử dụng cho công nghệ sản xuất phân bón (không tạo ra chất thải), thay thế quặng apatit tuyển để trung hòa supe tươi trong sản xuất supe lân. Hiện Đề tài đã được Công ty triển khai vào thực tế sản xuất.

Hiệu quả kinh tế:

- Do không phải đóng bánh quặng loại II vụn kích thước < 25 mm tại Dây chuyền lân nung chảy để tái sử dụng nguyên liệu nên giảm được chi phí là 11,42 tỷ đồng/năm.

 - Do không sản xuất trừ sâu công nghiệp (Na2SiF6) nên giảm được chi phí là 28,27 tỷ đồng/năm (chênh lệch giữa giá bán thấp do khó tiêu thụ và giá thành sản xuất cao).

- Do không còn xả nước thải ra môi trường nên giảm được phí xả thải 0,36 tỷ đồng/năm.

- Giảm chi phí do dùng bán thành phẩm supe thay thế cho quặng apatit tuyển để trung hòa supe lân trong kho ủ như sau: Lượng quặng apatit tuyển trước đây sử dụng để trung hòa supe lân tươi là: 120 tấn/ngày x 340 ngày = 40.800 tấn/năm.

Giá thành quặng nguyên khai loại II có giá thành thấp hơn quặng tuyển 385.415 đồng/tấn (quặng tuyển: 1.265.513 đồng/tấn, quặng nguyên khai loại II: 880.098 đồng/tấn).

 Số tiền tiết kiệm từ việc sử dụng quặng nguyên khai loại II thay thế cho quặng tuyển là: 40.800 tấn x 385.415 đồng/tấn = 15.724.930.000 đồng  15,72 tỷ đồng.

 Tổng số tiền làm lợi khi áp dụng đề tài trong một năm là 15,72 + 11,42 + 28,27 + 0,36  =  55,77 tỷ đồng/năm.

Hiệu quả kỹ thuật, xã hội và môi trường:

- Chất lượng sản phẩm supe lân khi trung hòa supe lân tươi bằng bán thành phẩm supe đạt Tiêu chuẩn cơ sở công bố của Công ty và tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về Quản lý phân bón.

- Cải thiện được nhiều điều kiện lao động cho người công nhân do đã dừng sản xuất muối trừ sâu công nghiệp Na2SiF6 và xử lý trung hòa nước thải của quá trình sản xuất này.

- Giải quyết triệt để về môi trường: Không phát sinh nước thải tại 02 dây chuyền sản xuất supe lân ra môi trường, đồng thời không tạo ra chất thải mới. Thành công của đề tài này đã góp phần hoàn thành mục tiêu tuần hoàn được 100% nước thải sản xuất trong toàn Công ty, không xả nước thải sản xuất ra môi trường, tạo điều kiện cho Công ty triển khai xác nhận hệ thống quản lý môi trường và xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 nhằm phát triển bền vững.

- Tiết kiệm quặng apatit tuyển và quặng apatit nguyên khai loại I, hiện nay trữ lượng còn rất ít. Sử dụng được tài nguyên của đất nước do hiện nay quặng apatit nguyên khai loại II trữ lượng còn rất nhiều.

Công trình Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axít H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường đã đạt giải Nhất giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2017 lĩnh vực Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Đồng thời, công trình cũng đã đoạt Huy chương Bạc giải thưởng quốc tế về KHCN tại Hàn Quốc năm 2018.

Nhóm tác giả Đề tài:

1- KS. Phạm Quang Tuyến - Tổng Giám đốc Công ty.

2- KS. Văn Khắc Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty.

3- KS. Nguyễn Thành Công - Phó Tổng Giám đốc Công ty.

4- KS. Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty.

5- KS. Trần Đại Nghĩa - Trưởng phòng Kỹ thuật, An toàn và Môi trường.

6- KS. Quản Viết Bính - Phó trưởng phòng Kỹ thuật, An toàn và Môi trường.

          7- KS. Bùi Văn Chiến - Trưởng phòng Cơ điện.

          8- KS. Dương Văn Đắc - Giám đốc Xí nghiệp Supe 2.

9- KS. Phạm Văn Thọ - Giám đốc Xí nghiệp Supe 1.

10- KS. Hoàng Văn Thịnh - Trưởng phòng Nghiên cứu sản phẩm mới.

11- KS. Vũ Văn Thức - Chuyên viên phòng Kỹ thuật, An toàn và Môi trường.

Nguyệt Anh