Lại phát hiện 2.028 sản phẩm mỹ phẩm không nguồn gốc

Trong ngày ra quân, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn thành phố và tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trị giá hàng hóa vi phạm lên đến 149 triệu

Sáng 06/07/2018, tại trụ sở Chi cục QLTT Hà Nội đã diễn ra cuộc họp triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/06/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giữa Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) với Chi Cục QLTT Hà Nội.

Tại cuộc họp, báo cáo về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trong nửa đầu năm 2018, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, tình trạng vi phạm thời gian qua xảy ra ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng sản phẩm hết hạn, sản phẩm không có tem, nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tình trạng mua bán, sử dụng các chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến, không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Trước tình hình trên, ông Trần Hùng - Cục phó Cục QLTT đã chỉ đạo Chi cục QLTT Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng...

              Chi cục QLTT Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Sáng cùng ngày, Chi cục QLTT Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất hàng chục cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố. Sau ngày ra quân, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn thành phố và tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trị giá hàng hóa vi phạm lên đến 149 triệu đồng.

Cụ thể, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Thảo - chủ kinh doanh có địa chỉ tại số 70 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 151 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập lậu, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 9 triệu đồng.

Ngoài ra, Đội QLTT số 1 cũng kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Hoàng Hải Anh - chủ kinh doanh tại địa chỉ C4 ngõ 53 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội. Qua kiểm tra, đã phát hiện 239 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập lậu; trị giá hàng hóa vi phạm: 23,3 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được tiếp tục xác minh làm rõ.

Đội QLTT số 13 kiểm tra Cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm “Skin House” và thu giữ hàng trăm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Cũng trong ngày ra quân, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh số 26 Hàng Đường, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cửa hàng này thuộc Công ty TNHH Việt Hà Phát do bà Nguyễn Thị Mai Hương (thường trú tại số 94B Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm Giám đốc. Qua kiểm tra, Đội QLTT số 2 đã phát hiện mặt hàng mỹ phẩm L’oreal có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 26 sản phẩm mỹ phẩm trên. Hiện vụ việc đang được xác minh làm rõ.

Cùng ngày, Đội QLTT số 13 tiến hành kiểm tra Cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm – Biển hiệu “Skin House” do ông Trần Văn Tiến làm chủ kinh doanh tại địa chỉ số 19 Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Quá trình kiểm tra, ngoài các hàng hoá có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng bày bán hàng hoá gồm: 396 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, ước tính trị giá hàng hoá theo gía niêm yết tại cửa hàng khoảng 49.440.000 đồng. Hiện nay, Đội QLTT số 13 đã tạm giữ toàn bộ hàng hoá vi phạm để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Vụ việc đang được tiếp tục xử lý.

Trực tiếp có mặt, kiểm tra tại hiện trường, ông Phạm Ngọc Oanh-Đội trưởng Đội QLTT 13 cho biết: “Trong đợt kiểm tra đột xuất này, đoàn kiểm tra sẽ chủ động chờ chủ cửa hàng đến để làm việc. Nếu ở xa thì đoàn công tác sẽ chờ đến khi chủ hàng có mặt. Các mặt hàng được bán ra trong quá trình chờ chủ cửa hàng đến đều phải có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc. “Và trong quá trình kiểm tra, chúng tôi cũng sẽ không tiếp nhận bất kì cuộc gọi nào có tính chất can thiệp vào việc kiểm tra của QLTT.”, ông Phạm Ngọc Oanh cho biết thêm.

Quảng cáo là hàng "xách tay" nhưng chủ cơ sở lại không thể xuất trình hóa đơn, giấy tờ liên quan

Ngoài ra, cũng trong ngày ra quân, Đội QLTT số 14 đã tiến hành kiểm tra: Cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, địa chỉ tại số 22 Chùa Bộc - Đống Đa - Hà Nội do Bà Đặng Thị Thu Thùy là chủ hộ kinh doanh. Quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện tại cửa hàng có 608 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, là hàng hóa nhập lậu; trị giá hàng hóa vi phạm là 48.950.000 đồng.

Đội QLTT số 14 đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, Đội QLTT số 14 cũng kiểm tra Cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Skin House, địa chỉ số 56, Trần Đại Nghĩa, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Qua kiểm tra phát hiện khoảng hơn 600 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định và 8 chai nước tẩy trang nhãn L’ore’al loai 400 ml/chai có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Trao đổi với báo chí về công tác kiểm tra, xử lý gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, ông Trần Hùng cho rằng còn có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; năng lực của lực lượng QLTT còn hạn chế khi phối hợp với công an và các ban ngành khác, nên rất khó khăn trong việc xử lý các vi phạm, đặc biệt là các vụ vi phạm lớn.

“Để xử lý nghiêm vi phạm sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu xuất hiện trà lan trên thị trường thì phải có tinh thần ý thức trách nhiệm cao, đặc biệt là ở cơ quan công an và lực lượng QLTT”, ông Trần Hùng nhấn mạnh.

Nhiều sản phẩm, mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng nhưng phần mềm icheck không thể nhận diện đượcTrong ngày ra quân, lực lượng QLTT Hà Nội tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trị giá hàng hóa vi phạm lên đến 149 triệu đồng

Để xử lý các hành vi kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu không rõ nguồn gốc cần tinh thần ý thức trách nhiệm cao ở cơ quan công an và lực lượng QLTT


Hoàng Hòa