Lãi suất rục rịch tăng, thị trường chứng khoán thêm gánh nặng

Từ đầu tháng 10, lãi suất huy động của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV đã rục rịch tăng nhẹ ở các kỳ hạn ngắn.

Thị trường chứng khoán đã trải qua những ngày cuối tháng 10 rất căng thẳng khi bất ngờ chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh gần 8% chỉ trong vài ngày. Tháng 10 cũng là thời điểm kết quả kinh doanh quý 3 được công bố và thường đó sẽ là yếu tố nâng đỡ thị trường phục hồi.

Tuy nhiên tháng 10 năm 2018 đã xuất hiện trong một bối cảnh mới mà các năm gần đây chưa từng trải qua. Đây là những thay đổi tạo nên gánh nặng mới cho thị trường chứng khoán.

Lãi suất, tỷ giá biến động mạnh

Mặt bằng lãi suất huy động khá bình yên trong một thời gian dài đã phần nào hỗ trợ thị trường chứng khoán nói chung. Mặc dù thị trường vẫn tăng giảm nhưng xu hướng chính sau khi chạm đáy tháng 7/2018 đến nay vẫn là đang tăng. Kết quả kinh doanh quý 3/2018 dự kiến tích cực cũng là yếu tố hỗ trợ tốt. Tuy vậy nếu nhìn dài hơn, các yếu tố hỗ trợ đang dần thay đổi theo chiều hướng kém tích cực hơn.

Từ đầu tháng 10, lãi suất huy động của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV đã rục rịch tăng nhẹ ở các kỳ hạn ngắn. Mức tăng khá nhỏ, chẳng hạn Vietcombank đẩy lãi suất huy động 1-2 tháng tăng thêm 0,1 điểm phần trăm, kỳ hạn 3 tháng tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm. Agribank tăng 0,2-0,3 điểm phần trăm cũng ở các kỳ hạn ngắn dưới 5 tháng. Đó là chưa kể tới các chương trình khuyến mại, cộng lãi suất ngoài.

Lãi suất, tỷ giá biến động mạnh

 

Mức tăng chưa đủ lớn để thay đổi mặt bằng lãi suất huy động một cách rõ rệt, nhất là ở các kỳ hạn dài. Thế nhưng đây lại là một thay đổi mang tính báo hiệu cho một xu hướng mới. Cùng với đó lãi suất huy động trái phiếu chính phủ qua các đợt phát hành cũng đang tăng lên. Ví dụ phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc nhà nước phát hành hôm 17/10 vừa qua đã có lãi suất trúng thầu tăng 0,08% so với phiên ngày 3/10. Cụ thể, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 4,1%. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng tăng lãi suất 0,05% so với phiên ngày 10/10 lên 4,85.

Lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng có thể biến động do tình hình dư nợ của từng ngân hàng nhưng khi biến động cùng chiều với lãi suất trái phiếu chính phủ thì tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Khi các tổ chức tài chính đòi hỏi một mức lãi suất cao hơn đối với khoản đầu tư cố định (trái phiếu) tức là họ lo ngại về mức lãi suất sẽ tăng lên trong tương lai.

Thực vậy, việc tăng lãi suất của các ngân hàng gần đây không hẳn do tình trạng thiếu hụt thanh khoản nội tại. Bằng chứng là lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tính đến 18/10 cũng chỉ ở mức 3,21%/năm. Thời điểm 11/9/2018 là 4,21%, %, thời điểm 1/10/2018 là 3,15%. Lãi suất qua đêm giảm xuống và biến động không lớn tức là nhu cầu vay mượn ngắn hạn không tăng lên.

Xu hướng tăng lãi suất xuất phát từ các nguyên nhân mang tính xu thế nhiều hơn. Nguyên nhân trước hết là đánh giá dự kiến về lạm phát sẽ tăng ở những tháng cuối năm và sang năm 2019. Tốc độ tăng của lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ, nhưng xu hướng tăng dần là điều khó tránh khỏi. Ví dụ đơn giản nhất là khả năng tăng giá nhiên liệu do ảnh hưởng của giá dầu trong kỳ tháng 9 vừa qua: Nhóm giao thông tăng 0,82% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 6/9/2018 và thời điểm 21/9/2018 làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 1,77%, tác động làm CPI tăng khoảng 0,08%. Chưa có gì đảm bảo giá dầu sẽ dừng lại hay suy giảm ở những tháng cuối năm 2018.

Nguyên nhân thứ hai là xu hướng thắt chặt tín dụng đang tăng tốc ở các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. FED đã liên tục tăng lãi suất USD theo lộ trình và tháng 9 vừa rồi đã tăng lần thứ 3 trong năm nay. Tháng 12 tới khả năng cao sẽ có thêm một lần tăng nữa. Việc tăng lãi suất của FED đã đẩy lợi suất trái phiếu chính Phủ Mỹ tăng vọt lên đỉnh 7 năm, gây ra sự rúng động trên thị trường chứng khoán. Theo thống kê thì xu hướng tăng lãi suất đã xuất hiện ở gần 40 ngân hàng trung ương. Đây là phản ứng bình thường hóa lãi suất sau khi các ngân hàng trung ương thực hiện nới lỏng tiền tệ quyết liệt để chống khủng hoảng tài chính 2008.

Nguyên nhân thứ ba là xu hướng tăng giá của đồng USD với tất cả các đồng tiền khác. Trong khi đó các đồng nội tệ có liên quan nhiều tới Việt Nam như đồng Nhân dân tệ lại đang mất giá mạnh. Tỷ giá chưa tăng mạnh tại Việt Nam một phần do có sự điều tiết của Ngân hàng nhà nước. Khả năng can thiệp vào thị trường ngoại tệ sẽ không phát huy tác dụng nhiều và lâu bền. Việc tăng lãi suất cũng là biện pháp hỗ trợ cho tỷ giá.

Có thể thấy những nguyên nhân chính nói trên đang xảy ra ngày càng rõ rệt và mang tính xu hướng rất khó để đảo ngược. Lấy ví dụ tiến trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lúc này không phải là động thái mang tính nhất thời, hay nền kinh tế càng tăng tốc nhanh thì lạm phát sẽ càng tăng nhanh theo. Vì vậy mặt bằng lãi suất chắc chắn sẽ phải tương thích với bối cảnh mới.

Thị trường chứng khoán gặp khó

Lãi suất cao luôn được xem là kẻ thù của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên không phải cứ lãi suất cao nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ đi xuống. Ở điểm cân bằng, thị trường chứng khoán vẫn có thể tăng trưởng trong môi trường lãi suất được bình thường hóa.

Yếu tố có thể tác động mạnh tới thị trường chứng khoán chính là việc môi trường lãi suất cao sẽ làm giảm tính hấp dẫn của chứng khoán. Sau khi các ngân hàng trung ương đồng loạt giảm lãi suất để vực dậy nền kinh tế chống chọi với khủng hoảng, lượng tiền giá rẻ đương tung ra tràn ngập. Nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp vay mượn rất dễ dàng và chi phí thấp, nên khả năng đầu tư mở rộng tăng lên. Lượng tiền giá rẻ này được tung vào thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài sản nói chung như bất động sản. Khi mặt bằng lãi suất tăng lên, chi phí vay mượn sẽ tăng.

Môi trường lãi suất cao sẽ làm giảm tính hấp dẫn của chứng khoán

 

Lượng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán và các thị trường khác sẽ được định hình lại trong bối cảnh mới. Ví dụ tiêu biểu là lợi suất trái phiếu tăng cao sẽ làm tăng tính hấp dẫn của kênh đầu tư phi rủi ro này. Các quỹ đầu tư lớn đều không chỉ bỏ riêng vốn vào thị trường chứng khoán mà còn ở nhiều thị trường khác, trong đó có trái phiếu. Khi thị trường trái phiếu ít hấp dẫn do lãi suất thấp, chứng khoán lại tăng mạnh nhờ lượng vốn giá rẻ, nguồn vốn đầu tư sẽ được phân bổ sang chứng khoán nhiều hơn. Ngược lại khi trái phiếu tăng lãi suất, tiền có thể được phân bổ lại, giảm vào thị trường chứng khoán mà chảy nhiều hơn sang thị trường  trái phiếu.

Không phải ngẫu nhiên thị trường chứng khoán Mỹ lại có những biến động giảm rất mạnh trong tháng 10, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt lên trên 3,2%. Đó một phần là hiện tượng cơ cấu lại dòng vốn đầu tư.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ thị trường là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tích cực. Lãi suất tăng, tỷ giá biến động mới chỉ ở mức độ tạo rào cản chứ chưa thể làm thay đổi xu thế tăng cơ bản dựa trên tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy vậy môi trường hiện tại đã khác xa năm 2017, năm mà thị trường chứng khoán bùng nổ mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hoàng Nguyên