Làm ngay những việc này nếu không muốn tàn phá ô tô khi xe bị ngập nước

Mưa to khiến nhiều con đường ngập sâu trong nước. Những chiếc xe không may bị ngập sẽ đứng trước nguy cơ vận hành không an toàn và hỏng hóc liên tục khiến chủ nhân hao tiền tốn của.

Khi chạy qua vùng ngập nước hoặc bị ngập nước sẽ có nhiều tác động gây hại cho ô tô. Việc không biết cách xử lý sẽ khiến chiếc xe càng dễ hỏng hóc thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng.

Vì vậy, ngay sau khi xế hộp qua vùng ngập nước hoặc bị ngập nướccần làm ngay những việc sau:

1. Kiểm tra khoang máy

Việc kiểm tra khoang máy, nhớt hộp số và động cơ phải được chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện ngay.

Kiểm tra khoang máy và dầu sau khi xe qua vùng ngập nước

Nếu có tình trạng dầu máy ngả màu trắng đục do hòa lẫn nước, cần xả hết dầu cũ và thay mới bao gôm dầu động cơ, dầu hộp số. Chủ xe nên mang ô tô đến các điểm chăm sóc hoặc đại lý chính hãng để được kiểm tra tốt nhất.

2. Kiểm tra hệ thống phanh

Sau khi đi mưa hay qua các vùng ngập nước, phanh, mai-ơ thường là những chi tiết dễ bị hư hỏng bởi đây là các chi tiết tiếp xúc trực tiếp và bị bùn, nước xâm nhập.

Làm sạch và bảo dưỡng hệ thống phanh sau khi lái xe qua vùng ngập nước

Nên đưa xe đến gara để kiểm tra, làm sạch và bảo dưỡng hệ thống phanh để tránh hỏng hóc hệ thống này.

Nếu không thực hiện việc làm sạch và bảo dưỡng hệ thống phanh, sẽ dẫn tới hiện tượng phanh tay bị kẹt cứng hay phanh nhả chậm vì khớp di động của yên phanh bị han, gỉ. Nếu để lâu dễ dẫn đến hỏng hóc nặng hơn và gây nguy hiểm khi xe đang vận hành trên đường.

3. Hệ thống dây cu-roa và gầm xe

Dây cu-roa ở xe ô tô thường được đặt ở trị trí khá thấp trong khoang động cơ nên dễ bị bùn, đất, nước bám vào gây hiện tượng trượt đai. Đai trượt nhiều sẽ dẫn đến tình trạng không đủ sức kéo máy nén cho hệ thống điều hòa, trợ lực lái và máy phát điện.

Kiểm tra dây cu-roa để tránh hiện tượng trượt đai

Có thể tự kiểm tra hệ thống dây cu-roa bằng mắt thường sau khi đã tắt động cơ. Nếu phát hiện dây bị dính bùn, đất hãy sử dụng khăn lau sạch dây đai và bánh đai

Kiểm tra các chi tiết khung, gầm nếu bị gỉ sét, cần xử lý bằng cách làm sạch, sơn hoặc phủ bằng dung dịch xịt gầm.

4. Kiểm tra hệ thống gạt nước

Gạt nước là hệ thống an toàn quan trọng và cũng phải làm việc nhiều trong mùa mưa bão. Khi hệ thống cần gạt có vấn đề, đi xe trong mùa mưa dễ nguy hiểm vì tầm nhìn bị hạn chế.

Gạt nước là hệ thống an toàn quan trọng đảm bảo tầm nhìn của tài xế trong mùa mưa bão

Kiểm tra hệ thống cần gạt nước khá dễ. Tài xế có thể tự kiểm tra và thay cần gạt nếu mua đúng kích cỡ.

Sau khi thay, bật công tắc kiểm tra hoạt động của cần gạt nước để xem đã gắn đúng vào khớp nối hay chưa. Nếu chưa vào đúng vị trí, sau vài lần gạt, lưỡi gạt cao su sẽ tuột ra và gây bất tiện khi đang đi trên đường.

5. Sấy khô giắc cắm hệ thống điện và nội thất

Khi lái xe qua vùng ngập, giắc cắm hệ thống điện nhiễm nước sẽ bị gỉ, ảnh hưởng đến khả năng truyền điện, chập cháy gây tê liệt các chức năng trong xe.

Nội thất dễ bị tàn phá sau khi xe ngập nước trong thời gian dài

Vì vậy, chủ xe cần nhanh chóng kiểm tra, sấy khô giắc cắm hệ thống điện để hệ thống điện của xe an toàn.

Nội thất xe cũng là phần nhạy cảm với hư hỏng sau khi bị ngập nước. Cần sấy khô, khử mùi thảm lót sàn, nỉ trải sàn, mút cách ẩm, ghế... vì các bộ phận này dễ ngấm nước tạo ra nấm mốc, nguy hại cho sức khoẻ.

6. Kiểm tra lốp xe

Trời mưa, đường ngập và kẹt xe khiến tài xế vừa lo xử lý cho xe qua vùng nước ngập, vừa phải rà phanh xe liên tục để tránh đụng xe, vật cản.

Kiểm tra độ mòn lốp thường xuyên trong mùa mưa bão

Lốp xe hoạt động trong điều kiện thắng liên lục sẽ nhanh mòn. Vì vậy, kiểm tra lốp thường xuyên trong thời tiết mưa bão là việc cần thiết.