Bà nằm bẹp mấy hôm nay vì sốt virus. Bị những cơn sốt liên miên hành hạ nên bà nó chả thiết gì nữa, từ ăn, uống, cho đến cả việc giữ phép lịch sự. Bố nó đi làm về tranh thủ buổi trưa mang lên cho bà ít đồ ăn vặt và trái cây vì bà biếng ăn quá, cứ không chịu ăn uống, bồi bổ thế làm sao nhanh khỏi bệnh được. Nhìn ổ bánh mỳ gối con trai vừa mang về, bà nhăn mặt “Nhiều thế này tao ăn bao giờ cho hết hả mày”. Mẹ nó vội vàng nói đỡ: “Mẹ cứ ăn đi được miếng nào hay miếng ấy, còn lại cứ để con mang xuống dưới nhà cho bọn trẻ ăn đỡ bà”. Chả nói chả rằng, đang xúc thìa sữa chua mẹ vừa mua lên, mặt bà lại nhăn lại: “Eo, sữa chua nhà con kinh lắm, mẹ không ăn được”. Mẹ nó lại nhẫn nại: “Là do mẹ ốm nên mồm miệng đắng chát thôi, chứ sữa chua này con mua ngoài hàng, cũng cái hãng mẹ vẫn mua đấy mà. Mẹ cố ăn lấy vài thìa cho đỡ háo”.

Trời nắng như đổ lửa, oi bức nồng nặc, thằng bé thót tim mấy lần dò thái độ của bố mẹ nó. Nó thấy những giọt mồ hôi to đùng trên trán bố đang chuẩn bị rơi xuống đất nếu như bố nó không lấy tay gạt theo phản xạ. Nó thấy khuôn mặt bố cau lại, cố kìm để không nổi nóng khi nghe bà nội nó nói những lời vừa rồi. May quá không ai nói gì thêm. Nó thở phào và nhìn bố mẹ đầy ngưỡng mộ rồi bảo: “Bố mẹ dịu dàng thế nhỉ”. Bố mẹ nó nhìn nhau, tủm tỉm cười khiến nét mặt đỡ căng hẳn ra. May có mấy lời pha trò của thằng bé con nên không khí vui vẻ hơn hẳn.

Bà giờ đã chuyển sang ăn cơm, sêu sêu từng hạt cơm trong bát cơm chan canh chua sườn nấu sấu vào miệng bà uể oải nói: “Bữa chiều cứ để mẹ ăn nốt mấy thứ này cho xong. Con không phải mang cơm lên nữa đâu”. Mẹ nó lại “dịu dàng” nói với bà nội: “Không, chiều con nấu cơm mới mẹ ăn cho ngon, chứ đã ốm rồi ai còn ăn cơm nguội. Đằng nào con cũng nấu cho cả nhà con mà”.

Tối, hai mẹ con nó lại mang cơm lên cho bà. Nhìn bà trệu trạo ăn nét mặt căng như sợi dây đàn, nó nheo nheo mắt bảo: “Bà ơi, theo cháu bà nên xuống nhà cháu ở để còn được chăm sóc, chứ cứ ăn uống thế này thì lâu khỏi ốm lắm”, vừa nói nó vừa lắc đầu như “ông cụ non”. Bà hỏi giọng hơi “gây sự”: “Thế tôi xuống nhà anh thì còn chỗ nào cho tôi nằm?”, “Bà ở ngoài ban công ạ. Ngoài ấy rộng, mát và thoáng cực, cháu toàn ra đấy đọc truyện rồi nằm ngủ quên luôn”. Đúng là cái thằng, nói câu đầu còn thấy khôn, nói câu thứ hai thì hỏng hẳn. Bấm bụng nín cười vì sợ cười thì bà giận chết, mẹ nó đành phê bình nhẹ nhàng: “Ơ sao con lại nói vậy. Vui thôi thì được, đừng vui quá thành ra luyên thuyên, bà giận”…

Bà cứ không chịu bồi dưỡng như vậy nên mức độ hồi phục chậm. Điều này tỉ lệ thuận với sự khó tính, nhăn nhó của người bệnh. Thế là bố và mẹ nó không thể giữ mãi sự “dịu dàng” được, mẹ đã bắt đầu có những lời im lặng trong các bữa ăn phục vụ bà. Còn bố thì “dọa” đưa bà vào viện nếu bà không hợp tác.

Còn nó thì đã nhìn thấy mắt bà hơi ướt.

Chả biết làm thế nào, buồn buồn, nó mang từ dưới nhà lên chiếc đàn ukulele mẹ nó mua cho nó chơi hồi năm ngoái. Khổ đã được học đàn ngày nào đâu ngoài mấy buổi xem cùng mẹ trên youtube cách chơi chiếc đàn bé xinh, thế nên nó mò mẫm mãi cũng đánh ra được bài “ầy bì ci di đí ép di”, nghe ngang phè phè. Nó ngồi xuống cạnh bà rồi bảo: “Bà cứ ngồi yên nghe cháu đánh đàn cho bà nghe nhé. Bà có biết bài gì đây không?”. Bà mệt nhưng không nỡ làm thằng cháu mất hứng, đành nhăn nhó nằm nghe… “Biểu diễn” xong nó bảo: “Mai cháu tập thêm bài nữa rồi tặng bà nhé. Để bà ăn cho ngoan, bố mẹ cháu còn dịu dàng với bà”…

Bố mẹ nó vừa lên đến nơi nghe kịp những lời này. Họ nhìn nhau cùng nghĩ về hai từ “dịu dàng” thần thánh mà thằng con trai dạo này mê mẩn.

Không nói ra nhưng cả hai đều cùng tự nhủ: Đúng là phải cố gắng dịu dàng hơn nữa vậy!