Đây không phải lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản với các hệ thống phân phối lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản với các hệ thống phân phối lớn, và các hệ thống phân phối lớn đã thực hiện rất có hiệu quả trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay hoạt động này cần phải làm quyết liệt hơn vì sản lượng nông sản hiện nay cần hỗ trợ tiêu thụ rất lớn.

“Có những mặt hàng cần tiêu thụ ngay thời điểm này nhưng cũng có những mặt hàng một vài tháng nữa mới đến thời gian thu hoạch, các Sở Công Thương và hệ thống phân phối cần chủ động có kế hoạch kết nối cụ thể hơn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Bộ công thương giải cứu nông sản
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối... đã tích cực phối hợp, chung tay vào cuộc để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản

Kể từ khi dịch corona bùng phát, để hạn chế lây lan dịch bệnh, một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan nên một số mặt hàng nông sản xuất khẩu theo mùa đang và sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ. 

Vì vậy, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối... đã tích cực phối hợp, chung tay vào cuộc để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản. Ngay từ ngày 4/2, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp phân phối về việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, trong đó có yêu cầu các đơn vị kết nối tiêu thụ trong hệ thống các mặt hàng nông sản gặp khó khăn. Về phần mình, các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị cũng đã và đang tham gia tích cực trong việc thu mua nông sản cho nông dân để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước...

Nguy cơ thiếu thị trường cho nông sản sắp thu hoạch

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của nông sản Việt Nam, do vậy, tình hình dịch bệnh do virus nCoV đang gây ảnh hưởng mạnh tới tình hình xuất khẩu của những sản phẩm này.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, hiện nhiều sản phẩm của Đồng Tháp bị tồn đọng, cụ thể khoai lang khoảng 11.000 tấn, ớt 6.700 tấn... Bên cạnh đó, sản phẩm xoài của Đồng Tháp sẽ vào mùa thu hoạch trong khoảng 30 ngày tới với sản lượng dự tính 90 nghìn tấn cũng có nguy cơ bị ảnh theo.    

bộ công thương hỗ trợ giải cứu nông sản
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp lo ngại về tình hình xuất khẩu quả xoài của tỉnh khi mặt hàng này chuẩn bị vào vụ chính

Với những nông sản chuẩn bị đang vào vụ thu hoạch, đại diện Sở Công Thương Đồng Nai rất lo ngại về tương lai của những mặt hàng này với sản lượng thu hoạch lớn như: xoài (khoảng 110.000 tấn), mít (khoảng 47.000 tấn), chôm chôm (155.000 tấn), sầu riêng (39.000 tấn)… 

Tỉnh Bình Thuận cũng đang gặp khó khăn đầu ra với khoảng 96.000 tấn thanh long cho thu hoạch trong tháng 2 và 3. Tỉnh này kiến nghị doanh nghiệp thu mua, tích trữ vào kho lạnh, tìm thêm thị trường. Đại diện Sở Công Thương Tiền Giang cho biết đầu ra của khoảng 18.400 ha cây ăn trái như sầu riêng, mít, thanh long, chuối… cũng đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đồng Nai, Sở Công Thương Đồng Nai cũng cho rằng, lượng nông sản cần tiêu thụ trên địa bàn tỉnh khá lớn, khoảng 85.000 tấn chuối cấy mô và 59.000 tấn xoài.

bộ công thương giải cứu nông sản
Tại Hội nghị, đại diện của nhiều tỉnh, thành phố đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương khi dịch bệnh diễn biến phức tạp

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, tỉnh lo ngại nhất là đầu ra cho quả vải thiều. Bởi, mùa vụ vải bắt đầu từ 20/5, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm từ 45-60%, nhưng trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, đầu ra của quả vải sẽ bị ảnh hưởng.

Hệ thống phân phối sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Tại cuộc họp, trên cơ sở các thông tin về nguồn hàng do các Sở Công Thương cung cấp, các doanh nghiệp phân phối đã đưa ra kế hoạch tăng dự trữ nguồn hàng, chương trình triển khai các hoạt động xúc tiến nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản trên hệ thống.

Đại diện của các hệ thống phân phối lớn nhất cả nước (Vincommerce, Tập đoàn Central Retail - Siêu thị BigC và Go!, MM Mega Market, AEON, Saigon Co.op...) đều khẳng định, năng lực tiêu thụ nông sản tại các hệ thống siêu thị rất lớn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, ngay từ những ngày đầu tháng 2/2020, các siêu thị đã tăng cường tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng do dịch bệnh nCoV, đặc biệt hai mặt hàng mùa vụ thu hoạch là dưa hấu và thanh long.

Đại diện cho các các doanh nghiệp phân phối, bà Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi Vinmart) cho biết, hiện nay, hệ thống siêu thị của công ty đang hỗ trợ phân phối 2 sản phẩm là thanh long đỏ và thanh long trắng. Năng lực tiêu thụ sản phẩm này của hệ thống Vinmart lớn hiện tại, bởi Vinmart còn hệ thống bán hàng qua Scan&Go và bán hàng qua mạng. Hiện mỗi ngày Vinmart tiêu thụ 250-300 tấn dưa hấu và thanh long.

bigc
Bà Đinh Hải Vân, đại diện Central Retail cho biết, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh vận chuyển hàng hóa ra các hệ thống của Big C để tiêu thụ

Theo bà Đinh Hải Vân Giám đốc thu mua miền Bắc của Tập đoàn Central Retail (sở hữu chuỗi siêu thị Big C và Go) cho biết, từ ngày 5/2, tập đoàn đã hỗ trợ tiêu thụ 100 tấn dưa hấu, gấp 10 lần so với những ngày thường và 70 tấn ngày đối với mặt hàng thanh long ruột đỏ. Riêng trong ngày rằm tháng giêng vừa qua, hệ thống Big C bán 15 tấn thanh long ruột đỏ chỉ trong một buổi sáng.  Bà Vân khẳng định, toàn hệ thống Central Retail có thể phân phối tiêu thụ lượng nông sản lớn hơn hiện tại. Đặc biệt, Big C sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh vận chuyển hàng hóa ra các hệ thống của Big C để tiêu thụ.

Tuy nhiên, vấn đề sản lượng tiêu thụ, và mặt hàng tiêu thụ và khả năng cung ứng ổn định của sản phẩm nông sản  được đại diện các hệ thống quan tâm. Đây cũng là những điều kiện tiên quyết để các các nhà tiêu thụ có thể tiêu thụ bền vững, và dài hạn cho nông sản.

bộ công thương giải cứu nông sản
Đại diện Mega Market đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản

Đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, đại diện hệ thống siêu thị Mega Market cho biết, từ những ngày có dịch đến nay các hệ thống của Mega Market đã hỗ trợ tiêu thụ mỗi ngày tới 35 tấn thanh long và hơn 70 tấn dưa hấu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có kế hoạch dài hạn cho sản phẩm thị trường.

Đại diện hệ thống Siêu thị Saigon Co.op, Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc hệ thống Saigon Co.op Hà Nội cho biết, từ ngày 5/2, Co.opMart đã có chương trình hỗ trợ dưa hấu và thanh long với 800 điểm bán trên cả nước, sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày là 1.600 tấn. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng dưa hấu và thanh long phải chờ đợi nguồn cung, do vậy, đại diện SaigonCo.op mong muốn, các địa phương cung cấp nguồn hàng, đảm bảo số liệu tốt nhất để tiêu thụ cho người nông dân, tránh ảnh hưởng nguồn cung. 

Saigon Coop
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc hệ thống Saigon Co.op Hà Nội cho biết, từ ngày 5/2, Co.opMart đã có chương trình hỗ trợ dưa hấu và thanh long

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng kênh tiêu thụ nông sản

Nhấn mạnh về việc cần có các giải pháp tiêu thụ dài hạn cho nông sản, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cần phải đảm bảo tiêu thụ đầu ra cho người nông dân, nhưng vẫn phải đảm bảo quy định chung về chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ tích cực tiếp tục triển khai kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại.  

Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng yêu cầu, Sở Công Thương các tỉnh, thành cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi với các Cục Vụ của Bộ Công Thương để tìm kiếm các thị trường mới.

“Riêng với mặt hàng thanh long có mùa vụ khá ngắn, nên trước hết phải tập trung vào thị trường nội địa. Ngoài ra, thị trường thúc đẩy xuất khẩu hướng đến là Campuchia và Myanmar tương đối khả thi. Đối với các mặt hàng nông sản khác cũng cần chú trọng đến việc tiêu thụ trong nước, nhất là kết nối với các hệ thống siêu thị bán lẻ để hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu hệ thống các Thương vụ tìm kiếm thị trường mới, nhất là ở thị trường dễ tính để có thể đàm phán nhanh, trao đổi, sớm đưa các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào các thị trường này”, Thứ trưởng nói.

bộ công thương giả cứu nông sản
Ngay sau cuộc họp này, các địa phương và các hệ thống phân phối tham gia ký kết bản thỏa thuận cam kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm

Tuy nhiên, về lâu dài, đối với mặt hàng nông sản, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, cần có giải pháp căn cơ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Thứ trưởng nhấn mạnh, sẽ phải làm việc này tốt hơn để không phụ thuộc vào một thị trường.

Việc kết nối hỗ trợ cho việc thu mua, tiêu thụ nông sản không chỉ đối với các sản phẩm cần ngay lập tức, phải có kế hoạch dài hạn trong trường hợp tình hình bệnh dịch kéo dài. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định: cần tính phương án với quả vải, vì không chỉ ở Bắc Giang, còn có thể các địa phương khác như Hải Dương, Hưng Yên,… Nếu như đến thời điểm đó, dịch bệnh tại Trung Quốc đã được khống chế, thị trường được giải tỏa thì rất tốt. Nhưng với tình huống xấu, chúng ta cần phải chủ động, không thể lúc nào cũng hô khẩu hiệu “giải cứu”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Trên cơ sở những thông tin địa phương và các doanh nghiệp đã nêu ra các nội dung cụ thể về nguồn cung và năng lực hỗ trợ tiêu thụ, ngay sau cuộc họp này, các địa phương và các hệ thống phân phối tham gia ký kết bản thỏa thuận cam kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm.  Theo thỏa thuận, các bên cam kết triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong xuất khẩu do dịch nCoV; thường xuyên trao đổi thông tin thị trường, đánh giá diễn biến cung cầu, thông tin giá cả, chủng loại, chất lượng, số lượng, trữ lượng, phẩm cấp hàng hóa để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp; Sở Công Thương các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân trong hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản như: tạo điều kiện trong lưu thông hàng hóa trên thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, bán kẻ trong các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình tiêu thụ nông sản trên địa bàn quản lý.