Long An: Nâng cao nhận thức người dân về an toàn thực phẩm

Triển khai Chương trình 90 của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Long An đã tham gia phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để thực hiện chương trình giám sát chuyên đề ATTP.

Trong quá trình triển khai hoạt động an toàn thực phẩm (ATTP), Sở Công Thương Long An tập trung vào việc phối hợp tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức về lĩnh vực này. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ và liên tục được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP.

Trong giai đoạn 2016-2020, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 11 hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn kiến thức mới về ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành hàng thực phẩm. In ấn, phát hành hàng nghìn tờ rơi và viết hàng chục bài báo về ATTP để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân.

ATTP Long An
Kiểm tra cơ sở sản xuất rượu Hai Đinh ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng. Ảnh: baolongan.vn

 

Để tổ chức được các hội nghị, hội thảo có chất lượng, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao, năm 2017, Sở phối hợp với Phòng Kinh tế Tp. Tân An, UBND Phường 5 tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật về ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh tráng. Sau đó tiếp tục phối hợp với Công ty CP Mía đường  Thành Thành, Công Tây Ninh tổ chức Hội thảo “Nâng cao nhận thức và phương pháp xây dựng hệ thống về phòng vệ thực phẩm” cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ quan quản lý nhà nước...

Trong năm 2018, Sở phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Kinh tế thành phố Tân An, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện tổ chức 03 lớp “Tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho công chức quản lý nhà nước và đối tượng kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương” tại địa bàn thành phố Tân An, thị xã Kiến tường và huyện Bến Lức. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty CP Chứng nhận và Giám định IQC và Công ty TNHH Eurofins Sắc ký Hải Đăng tổ chức “Hội nghị triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật về An toàn thực phẩm”. Mỗi khóa tập huấn thu hút hàng trăm người là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, được đánh giá tốt, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về ATTP.

Để tăng hiệu quả hoạt động, năm 2019, Sở tăng cường phối hợp với các đơn vị, ban ngành trong tỉnh tổ chức các khóa tập huấn mới cho nhiều đối tượng. Cụ thể, phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tổ chức lớp tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về môi trường và an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Giavico; Tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Kinh tế thành phố Tân An, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thực ATTP ngành Công Thương cho các đối tượng là Ban Quản lý chợ; Các cơ sở sản xuất kinh doanh và tiểu thương kinh doanh tại chợ.

Đặc biệt, Sở còn phối hợp với Công ty CP Fado Việt Nam tổ chức hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ hàng hóa nông sản với doanh nghiệp Trung Quốc với sự tham dự của đại diện Cục công tác phía Nam, đại diện các sở ngành của tỉnh và nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các loại nông sản như thanh long, lúa gạo của tỉnh Long An và các doanh nghiệp Trung Quốc.

ATTP Long An
Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn được Đoàn kiểm tra chuyên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh Long An rất quan tâm. Ảnh: baolongan.vn

 

Năm 2020, từ đầu năm, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp. HCM tổ chức lớp “Tập huấn chuyên môn lấy mẫu thực phẩm cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương” cho các đối tượng gồm cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm của Sở Công Thương, Phòng Kinh tế Tp. Tân An, Phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Ban quản lý chợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường.

Bên cạnh tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo trực tiếp cho các cơ sở, doanh nghiệp, Sở Công Thương Long An còn thực hiện nhiều bài phóng sự, phổ biến kiến thức đăng trên website của Sở và phát trên các đài phát thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố. Tại các chợ, Sở phối hợp tận dụng hệ thống loa di động của Ban Quản lý chợ để phát các bài viết, các kiến thức về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Hàng năm, Sở Công Thương đều phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương; Treo băng rôn khẩu hiệu cổ động các chương trình tại trụ sở, đăng banner hưởng ứng Chương trình trên website của Sở; Ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp lễ tết, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Mặt khác, phối hợp với các cơ quan liên ngành, Đội quản lý thị trường trong công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… Trong giai đoạn 2016-2020, các đoàn kiểm tra đã xử lý các cơ sở vi phạm số tiền 965,6 triệu đồng, đồng thời tiếp tục nhắc nhở các cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm.

Đặc biệt, từ năm 2018, Sở Công Thương chủ động triển khai đến UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các địa phương áp dụng TCVN 11856: 2017 về Chợ kinh doanh thực phẩm trong quá trình cải tạo, xây dựng mới các chợ trên địa bàn quản lý. Tham gia đóng góp ý kiến nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, đồng thời thường xuyên kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Long An, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, do ngành Công Thương không đủ cán bộ có chuyên môn về ATTP, đặc biệt là cấp huyện (100% kiêm nhiệm); kinh phí phân bổ cho công tác quản lý ATTP của ngành rất hạn hẹp, mức độ quan tâm, khả năng tiếp cận các quy định của pháp luật về ATTP của cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ còn hạn chế, nên công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác đảm bảo ATTP ngành Công Thương rất hạn hẹp, chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho quản lý, thanh, kiểm tra, nhất là các thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm. Do vậy, việc thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh còn hạn chế.

Do đó, Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh Long An, Bộ Công Thương tăng cường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế đăng ký nhu cầu sử dụng kinh phí của các Sở Công Thương, có sự phân bổ đồng bộ kinh phí hoạt động giữa các ngành ở địa phương để cơ quan chuyên môn quản lý ATTP có đủ kinh phí trang bị các dụng cụ, thiết bị thiết yếu, tăng cường tập huấn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý... nâng cao hiệu quả nhiệm vụ quản lý ATTP.

Hoàng Hồ