Lựa chọn hình thức đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

PHẠM VĂN NAM (Khoa Quản trị - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Lựa chọn hình thức đầu tư là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Bài viết trình bày những hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp và những hàm ý cho việc lựa chọn hợp lý hình thức đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Hình thức đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có khả năng về tài chính, kinh nghiệm và trình độ tổ chức quản lý để có thể đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng khi đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên quá trình này phức tạp và đầy rủi ro, đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp phải vận dụng sáng tạo những điều kiện thực tế để có những chiến lược đầu tư phù hợp, nhất là phải có những chiến lược kinh doanh hữu hiệu dựa trên những khác biệt hóa và những lợi thế cạnh tranh bền vững của mình để có thể thành công khi đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Trong quá trình đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp, ngoài việc phải chuẩn bị một nguồn tài chính đủ mạnh để chủ động trong sản xuất kinh doanh, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải thiết kế được mô hình kinh doanh phù hợp trong tương quan với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp của mình với thị trường nước sở tại, muốn vậy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải chọn lựa cho mình hình thức đầu tư phù hợp. Khi chọn lựa và xác định được hình thức đầu tư phù hợp, các doanh nghiệp mới có điều kiện thiết kế những chiến lược cạnh tranh thích ứng với từng thị trường và với từng lĩnh vực ngành hàng mà mình đầu tư vào.

Kinh nghiệm từ đầu tư trực tiếp (FDI) của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam từ những năm 1990 đến nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng và vai trò của việc chọn lựa hình thức đầu tư phù hợp. Sự thành công của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ là bài học quí cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Trong đó, bài học kinh nghiệm của việc chọn lựa hình thức đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn hay chọn lựa hình thức đầu tư với chiến lược phát triển dài hạn của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vẫn là bài học mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu cẩn thận để có những áp dụng hiệu quả trong hoạt động đầu tư của mình ra nước ngoài.

2. Các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) định nghĩa đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc một nhà đầu tư từ một quốc gia có được một tài sản ở một quốc gia khác cùng với quyền quản lý tài sản đó. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đầu tư trực tiếp nước ngoài là một hoạt động đầu tư được thực hiện nhằm đạt được những lợi ích lâu dài trong một doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ của một nền kinh tế khác nền kinh tế nước chủ đầu tư, mục đích của chủ đầu tư là giành quyền quản lý thực sự doanh nghiệp. Như vậy ta có thể hiểu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI - foreign Direct Invesment) là nhà đầu tư đưa vốn bằng tiền và các tài sản khác để đầu tư ra nước ngoài và trực tiếp tham gia vào quản lý điều hành quá trình sản xuất kinh doanh.

Hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được xem là các cách thức mà nhà đầu tư sử dụng vốn của mình nhằm đạt được quyền sở hữu hay quản lý một thực thể kinh tế ở nước ngoài. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài thường được thực hiện trên hai kênh đầu tư chính là đầu tư mới (Greenfield) và Mua bán sát nhập (Mergers anh Acquisitions - M&A), trong đó hình thức M&A ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong dòng đầu tư quốc tế và được các doanh nghiệp có định hướng chiến lược đầu tư ra nước ngoài chú ý.

2.1. Hình thức đầu tư mới

Là hình thức các nhà đầu tư xây dựng các doanh nghiệp mới ở các thị trường họ đầu tư vào, với kênh đầu tư này, các doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhưng các hình thức cơ bản của kênh này là: (1) Doanh nghiệp liên doanh; (2) Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; (3) Công ty mẹ - con, và (4) Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

1. Doanh nghiệp liên doanh là hình thức được sử dụng rộng rãi trong đầu tư quốc tế. Liên doanh hoạt động trên cơ sở đóng góp của các bên về vốn, quản lý và cùng chịu trách nhiệm về hoạt động, cùng chia sẻ rủi ro và cùng phân phối lợi nhuận khi đạt được hiệu quả trong hoạt động. Doanh nghiệp liên doanh là một thực thể pháp lý độc lập, có tư cách pháp nhân hoạt động theo luật pháp của nước sở tại và bị chi phối bởi những đặc điểm của môi trường kinh doanh của nước sở tại. Hình thức đầu tư này giúp các nhà đầu tư tận dụng được kinh nghiệm của phía đối tác, tận dụng khả năng thâm nhập thị trường hay vượt qua những rào cản về chính sách hay những đặc trưng văn hóa của nước sở tại. Tuy vậy, hình thức này có những khó khăn như mâu thuẫn trong quản lý điều hành, chậm trễ trong quyết định kinh doanh hay những vấn đề mâu thuẫn về văn hóa doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là hình thức đầu tư mà quyền sở hữu và quản lý điều hành doanh nghiệp hoàn toàn nằm trong tay chủ đầu tư. Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng là một thực thể pháp lý độc lập, có tư cách pháp nhân chịu sự kiểm soát của luật pháp nước sở tại. Đây là một hình thức đầu tư có một vị trí quan trọng trong chiến lược đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp. Hình thức đầu tư này đòi hỏi chủ đầu tư phải am hiểu sâu sắc thị trường nước sở tại, cũng như có trình độ quản lý và công nghệ tốt để điều hành hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đồng thời phải chịu toàn bộ rủi ro trong quá trình đầu tư, tổ chức hoạt động và cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên hình thức này giúp các chủ đầu tư có khả năng vượt qua những rào cản về chính sách, thuế quan hay phi thuế quan, cũng như những khác biệt về văn hóa của nước sở tại mà vẫn có quyền sở hữu hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động trong chiến lược kinh doanh và phát triển của mình.

3. Công ty mẹ - con (Holding company) là hình thức một công ty (chủ đầu tư - thường hiểu là công ty mẹ) sở hữu vốn trong một công ty khác (công ty con) với một mức độ đủ để có quyền kiểm soát và tham gia điều hành công ty đó thông qua chiến lược hoạt động hay quyền quyết định các vấn đề sản xuất kinh doanh. Hình thức đầu tư này giúp chủ đầu tư phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực tài chính, công nghệ hay thương hiệu để mở rộng thị trường tạo sự cộng hưởng trong cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Tuy vậy hình thức này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư phải có tiềm lực tài chính và trình độ công nghệ mạnh, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư quốc tế.

4. Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hình thức ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh trên cơ sở qui định rõ ràng trách nhiệm của các bên, qui định về phân chia lợi nhuận và phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới. Hình thức đầu tư này giúp các bên đầu tư giải quyết tình trạng thiếu vốn hay công nghệ; tạo thị trường mới. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân riêng và mọi hoạt động đầu tư phải dựa vào pháp nhân của nước sở tại, do đó hình thức đầu tư này chứa đựng những rủi ro như nhà đầu tư không kiểm soát được hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước sở tại.

2.2. Hình thức mua lại và sát nhập (M&A)

Là hình thức ngày càng trở nên quan trọng trong dòng đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp ra nước ngoài, là hình thức các doanh nghiệp mua lại hay sát nhập các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Hình thức đầu tư này không tạo ra những chủ thể pháp lý mới mà còn có thể làm mất đi chủ thể đang tồn tại, tuy vậy hình thức này giúp các chủ thể đầu tư nhanh chóng gia nhập thị trường mới hay vượt qua những rào cản cạnh tranh của nước sở tại. Thông thường đầu tư theo hình thức M&A có thể có 3 xu hướng chính:

1. M&A hàng ngang là khi hai công ty hoạt động trên cùng lĩnh vực sản xuất và cùng thị trường tiến hành sát nhập để tăng qui mô, tăng khả năng cạnh tranh và có khả năng kiểm soát thị trường tốt hơn.

2. M&A hàng dọc là khi hai công ty hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau nhưng có sự chi phối từ công ty mẹ và có sự liên quan về công nghệ hay thị trường với nhau, loại hình đầu tư này giúp các nhà đầu tư từng bước kiểm soát và mở rộng chuỗi giá trị của mình để gia tăng trình độ cạnh tranh của công ty trên các thị trường mới.

3. M&A hỗn hợp là khi các công ty sát nhập với nhau trên cơ sở khai thác thị trường nhằm để tối thiểu hóa rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư vào một thị trường mới.

Mua lại và sát nhập có nhiều lợi ích hơn nếu so với hình thức đầu tư mới, đó là: (1) Công ty đầu tư có thể rút ngắn thời gian thâm nhập vào thị trường nước ngoài, hạn chế thấp nhất những rủi ro và chi phí khi tiếp cận thị trường hay những rủi ro do thay đổi công nghệ sản xuất. (2) Công ty đầu tư có thể nhanh chóng tạo ra những rào cản gia nhập đối với các đối thủ cạnh tranh của mình thông qua việc gia nhập nhanh và triển khai nhanh những hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở tiếp nhận hoạt động của doanh nghiệp bị mua lại, nhanh chóng gia tăng hiệu quả các công ty được mua lại bằng cách chuyển giao công nghệ, vốn và kinh nghiệm quản lý của bên đầu tư. (3) Doanh nghiệp đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro khi tận dụng được các yếu tố cạnh tranh của công ty được mua như hệ thống phân phối, giá trị thương hiệu, hệ thống sản xuất, quan hệ khách hàng... Tuy vậy, hình thức M&A sẽ có những rủi ro hay những khó khăn như vấn đề thay đổi văn hóa doanh nghiệp, hình thành những giá trị cốt lõi mới và bảo đảm tính thống nhất trong điều hành doanh nghiệp.

3. Một số hàm ý trong lựa chọn hình thức đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp nước ngoài

3.1. Cơ sở lựa chọn hình thức đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nước ngoài

Lựa chọn hình thức đầu tư khi doanh nghiệp tiến hành đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cần tính toán dựa trên những cơ sở cơ bản sau:

* Trình độ phát triển của nước nhận đầu tư: Trong giai đoạn đầu của đầu tư quốc tế, những dự án đầu tư trực tiếp thường có hướng từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia đang phát triển để khai thác nguồn tài nguyên dồi dào hay nguồn lao động rẻ. Càng về sau luồng đầu tư ngược lại từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển bắt đầu diễn ra mạnh mẽ, nhằm khai thác trình độ công nghệ, trình độ lao động cao và thị trường rộng lớn. Tùy theo trình độ của nước nhận đầu tư mà các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành đầu tư cần cân nhắc lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, ví dụ hình thức M&A hiện đang là hình thức mà các nhà đầu tư Việt Nam lựa chọn khi quyết định đầu tư vào thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản.

* Lĩnh vực doanh nghiệp muốn đầu tư vào: Tùy vào đặc điểm của lĩnh vực đầu tư như nhu cầu nguồn vốn, khả năng sinh lời hay vòng đời sản phẩm mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn những hình thức khác nhau. Mỗi hình thức đầu tư sẽ phát huy hiệu quả khác nhau trong từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh cụ thể. Ví dụ những lĩnh vực mà độ rủi ro cao, xuất hiện nhiều rào cản trong việc tiếp cận thị trường thì hình thức liên doanh có thể sẽ phù hợp hơn.

* Trình độ và kinh nghiệm quản lý của doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài: Một yếu tố không thể không tính tới khi doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài là trình độ quản lý và khả năng hội nhập quốc tế của nguồn nhân lực. Với các thị trường mà trình độ phát triển phù hợp với trình độ doanh nghiệp thì hình thức đầu tư 100% vốn là một lựa chọn khả dĩ. Hoặc khi doanh nghiệp tiến hành đầu tư theo hình thức M&A thì khả năng thành công phụ thuộc rất lớn vào trình độ quản lý và khả năng hội nhập của doanh nghiệp khi tiếp nhận những doanh nghiệp bị sát nhập hay bị mua lại.

* Nguồn lực tài chính của doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài: Khi đầu tư trực tiếp nước ngoài, các doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu hiệu quả và lợi nhuận, và phải có những tính toán mang tính đường dài để phát triển bền vững ở những thị trường mới đó; một bài toán luôn đặt ra khi đầu tư là nguồn vốn và khả năng huy động nguồn vốn cho đầu tư, một mặt bảo đảm cho các giai đoạn đầu tư theo lộ trình đã định, mặt khác cần phải chuẩn bị những nguồn lực tài chính để xử lý các rủi ro trong đầu tư. Việc chọn lựa hình thức đầu tư không đặt trên cơ sở phù hợp nguồn lực tài chính sẽ tiềm ẩn rủi ro thất bại lớn trong đầu tư.

* Chiến lược phát triển của doanh nghiệp: Tùy theo chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp mà lựa chọn các hình thức đầu tư để thực hiện tối ưu nhất chiến lược đề ra. Đối với các doanh nghiệp đa ngành và có qui mô lớn, chọn hình thức đầu tư ra nước ngoài để tăng khả năng cạnh tranh hay tạo sự cộng hưởng trong sản xuất kinh doanh về thị trường hay thương hiệu thì hình thức công ty mẹ - công ty con có thể là lựa chọn phù hợp.

* Những ràng buộc về bí quyết công nghệ: Mặc dù mặt bằng trình độ công nghệ kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam so với các quốc gia đang phát triển khác không cao hơn, nhưng công nghệ và bí quyết công nghệ không chỉ có từ các quốc gia phát triển với nền khoa học tiên tiến, mà trong môi trường hội nhập ngày nay các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể sở hữu những bí quyết công nghệ cần được bảo vệ. Do vậy khi lựa chọn hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải xem xét trên khía cạnh này để có những quyết định chính xác.

Ngoài những cơ sở lựa chọn cơ bản trên, trong quá trình đầu tư trực tiếp ra nước ngoài các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động sáng tạo, dựa vào những tình huống cụ thể của mình và đặc điểm của môi trường kinh doanh của nước sở tại để lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với tình huống của doanh nghiệp.

3.2. Lựa chọn hình thức đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

* Hình thức liên doanh phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường mới, với nhiều rủi ro và nhiều rào cản gia nhập. Đặc biệt đầu tư vào những quốc gia có những đặc thù về văn hóa, tôn giáo, luật pháp hay những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh thì hình thức liên doanh sẽ là một lựa chọn hợp lý. Hình thức này giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng kinh nghiệm về sản xuất, thị trường hay tiếp cận khách hàng của các đối tác ở nước sở tại, dễ dàng chia sẻ rủi ro và gia tăng khả năng thâm nhập thị trường. Tuy vậy các doanh nghiệp khi chọn hình thức này cũng phải chuẩn bị những giải pháp xử lý các xung đột về tranh chấp quyền, lợi ích hay xung đột về văn hóa công ty.

* Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài đang trở thành một lựa chọn thông dụng trong đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đối với hình thức này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể ưu tiên lựa chọn khi các dự án đầu tư cần có sự tự chủ trong các quyết định quản trị. Hình thức này cũng thường được áp dụng cho các dự án có qui mô vừa và nhỏ phù hợp với khả năng tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân hiện nay. Hình thức này cũng tỏ ra thích hợp cho các thị trường hay các lĩnh vực kinh doanh độ rủi ro thấp, nhu cầu nguồn vốn không quá cao và khi nhà đầu tư am hiểu sâu sắc thị trường muốn đầu tư vào.

* Hình thức công ty mẹ - con thường phù hợp cho các doanh nghiệp có qui mô lớn, hoạt động đa dạng và có chiến lược mở rộng qui mô khu vực và quốc tế. Những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và đang từng bước hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu thì hình thức này mang lại những lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, bên cạnh đó khả năng xử lý những rủi ro thị trường của hình thức này khá linh hoạt, cho phép các doanh nghiệp khi đầu tư trực tiếp ra nước ngoài dễ xử lý những khủng hoảng trên phạm vi khu vực và quốc tế.

* Hình thức hợp đồng kinh doanh thường là kết quả của sự hợp tác giữa chính phủ Việt Nam với chính phủ nước tiếp nhận thông qua các hiệp định. Hình thức này thường phù hợp cho những doanh nghiệp hoạt động có kinh nghiệm trên những thị trường truyền thống như Đông Nam Á, Đông Âu hay một số thị trường quen thuộc khác.

* Hình thức M&A ngày càng được chú ý trong dòng đầu tư quốc tế hiện nay, hình thức này là con đường nhanh chóng để tiếp cận với công nghệ hiện đại cũng như sở hữu thương hiệu mạnh. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hình thức này có nhiều lợi thế so với hình thức đầu tư mới. Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng hình thức này để tiếp cận nhanh chóng với trình độ quản trị hiện đại, thâm nhập nhanh vào những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của các nước phát triển, thậm chí những nước phát triển trong nhóm dẫn đầu. Hình thức này tỏ ra thích hợp với các doanh nghiệp sáng tạo hay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến mà các doanh nhân Việt Nam thuộc thế hệ doanh nhân trẻ rất có ưu thế.

4. Kết luận

Có nhiều hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, mỗi hình thức đầu tư phù hợp với những điều kiện cạnh tranh cụ thể của nước sở tại và những khả năng cạnh tranh của chính các doanh nghiệp đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng nhưng quyết đoán trong việc lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với từng doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Việc lựa chọn hình thức đầu tư đặt trên sự phân tích những cơ sở khách quan đang tác động đến dòng đầu tư quốc tế, có tính đến những đặc thù của từng doanh nghiệp. Chính việc chọn lựa chính xác hình thức đầu tư là điều kiện cần thiết bảo đảm cho hoạt động đầu tư trực tiếp của mỗi doanh nghiệp Việt Nam thành công, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thế giới, thúc đẩy nhanh chóng các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh đó đóng góp tích cực vào vào quá trình hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng hiện nay n

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Casson M. (1985), Theory of foreign direct investment, Macmillan press, London.

2. Lê Xuân Sang, Hoàng Văn Hải (2011), Chính sách thúc đầy đầu tư ra nước ngoài - Xu hướng, kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam. Báo cáo của VNR500, Hà Nội.

3. Lê Bộ Lĩnh (2005), Thương mại và đầu tư trực tiếp quốc tế những thập niên đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới.

4. Đinh Trọng Thịnh (2006), Thúc đầy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

5. Vietnam Report (2011), Doanh nghiệp Việt Nam với đầu tư ra nước ngoài, Báo cáo thường kỳ số 12 của VNR500, Hà Nội.

6. Vũ Anh Dũng (2012), Chiến lược Kinh doanh quốc tế - Thực tiễn của Việt Nam, Châu Á và thế giới, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

CHOOSING FORMS OF INVESTMENT ABROAD

FOR VIETNAMESE ENTERPRISES

Master. PHAM VAN NAM

School of Management, University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Forms of investment play a key role in the success of Vietnamese enterprises when these enterprises invest abroad. This study introduces forms of direct investment abroad that are used by enterprises. The study also draws some implications about choosing appropriate forms of investment for Vietnamese enterprises in the current period.

Keywords: Forms of investment, foreign direct investment, Vietnamese enterprises.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây