Lý thuyết Corporate Entrepreneurship trong bối cảnh cổ phần hóa tại Việt Nam hiện nay

PGS.TS. Bùi Thanh Tráng (Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) & ThS. Hồ Xuân Tiến (Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Sài Gòn)
Tóm tắt:
Nghiên cứu đóng góp về thực tiễn trong việc phân biệt các thuật ngữ khởi nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, startup và entrepreneur trong quá trình thực hiện Chương trình Quốc gia khởi nghiệp năm 2016 của Chính phủ. Quan trọng nhất là hệ thống hóa lý thuyết Entrepreneurial orientation và Corporate entrepreneurship, đồng thời đóng góp về mặt lý thuyết với việc sử dụng phương pháp nghiên cứu khám phá định tính để chỉnh thang đo Corporate entrepreneurship trong bối cảnh cổ phần hóa tại Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Tinh thần làm chủ, tinh thần làm chủ doanh nghiệp, định hướng làm chủ doanh nghiệp, cổ phần hóa.

1. Đặt vấn đề
Thuật ngữ Corporate entrepreneurship xuất hiện phổ biến từ những năm 1970 tại các nước phát triển, tạm dịch là tinh thần làm chủ doanh nghiệp, tuy nhiên tại Việt Nam được khởi xướng vào năm 1986 khi Chính phủ bắt đầu công cuộc đổi mới. Do chưa có nghĩa tiếng Việt tương đương, cũng như chưa có sự thống nhất của nhiều nhà nghiên cứu về khái niệm này trên thế giới, vì vậy, nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trước để đưa ra một cách nhìn tổng thể có hệ thống và xét sự phù hợp với môi trường của Việt Nam để điều chỉnh thang đo Corporate entrepreneurship phù hợp với ngữ cảnh cổ phần hóa tại Việt Nam. Qua đó, nghiên cứu cũng làm rõ ý nghĩa giữa các thuật ngữ chưa có nghĩa tương đương trong tiếng Việt như entrepreneur, entrepreneurship, startup với những tên gọi khác nhau nhưng thường dễ gây nhầm lẫn và có liên quan chặt chẽ.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu tổng hợp được sử dụng để tổng hợp các nghiên cứu trước về lý thuyết và thang đo lường khái niệm Corporate entrepreneurship và Entrepreneurial orientation. Phương pháp nghiên cứu khám phá định tính được sử dụng để điều chỉnh thang đo Corporate entrepreneurship cho phù hợp với ngữ cảnh cổ phần hóa của Việt Nam.
3. Entrepreneur và Startup
Theo Từ điển Oxford, Entrepreneur là một người kiếm tiền bằng cách bắt đầu công việc kinh doanh hoặc vận hành công việc kinh doanh, đặc biệt là khi việc này bao gồm sự chấp nhận rủi ro về tài chính, Entrepreneur là những người làm chủ, người chủ động giải quyết vấn đề, làm chủ được vấn đề của mình. Trong bối cảnh Việt Nam, Entrepreneur tạm dịch là lập nghiệp được hiểu là gây dựng cơ nghiệp bằng cách lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể như mở nhà hàng, quán ăn, tiệm hớt tóc, quán cà phê hay quán phở; tuy nhiên, người khác bán phở, bạn cũng bán phở thì dù thành công vẫn được gọi là lập nghiệp (Entrepreneur) chứ không thể gọi là khởi nghiệp (Startup) (Trương Gia Bình, 2017).
Startup hay Start-up được xem là xuất hiện đầu tiên tại thung lũng Silicon của Hoa Kỳ, vì vậy yếu tố công nghệ được xem là một đặc tính tiêu biểu của một sản phẩm từ một Startup, mặc dù khái niệm về Startup không có từ ngữ nào đề cập đến công nghệ. Hiện nay trong tiếng Anh chưa có một định nghĩa chính xác về Startup, tuy nhiên, có hai khái niệm được cộng đồng Startup thừa nhận rộng rãi là khái niệm của Ries (2011) và Blumenthal (2013), Startup được hiểu là một tổ chức được thành lập nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới trong các điều kiện cực kỳ không chắc chắn (Ries, 2011), Startup là một công ty hoạt động nhằm giải quyết một vấn đề mà giải pháp để giải quyết vấn đề đó chưa rõ ràng và sự thành công chưa đảm bảo (Blumenthal, 2013). Như vậy, chúng ta thấy khái niệm Startup không đề cập gì đến chữ công nghệ, nhưng thông thường Startup thường xuất hiện liên quan đến công nghệ, một ví dụ điển hình của Startup là Taxi công nghệ Grab, được xem là hãng taxi lớn của thế giới nhưng công ty không có một chiếc taxi nào mà chỉ dựa trên ý tưởng triển khai dịch vụ gọi xe bằng điện thoại thông minh chưa từng xảy ra trước đó. Một Startup thành công là Startup gọi được vốn và bán được mình cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, chứ không phải lập ra để được làm chủ mãi mãi (Trương Gia Bình, 2017).
Ở Việt Nam, từ Startup phổ biến rộng rãi nhất vào năm 2016 khi Chính phủ xác định năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp và phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016. Theo tinh thần của Quyết định này có thể thấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, tạo ra sản phẩm mới mà trước đó trên thị trường chưa hề có, mô hình kinh doanh mới, công nghệ độc đáo, xu hướng tiêu dùng mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới và giá trị cốt lõi của sản phẩm doanh nghiệp khởi nghiệp chính là công nghệ, đây là tiêu chí quan trọng tạo ra sự khác biệt giữa một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup) và doanh nghiệp lập nghiệp (Entrepreneur).
Như vậy, theo ngữ nghĩa Startup ở Việt Nam được hiểu chính xác là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ mô hình kinh doanh mới và thời gian hoạt động là không quá 5 năm, còn thuật ngữ khởi nghiệp là cách gọi tắt của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc là cách gọi nhầm lẫn của các bạn trẻ sinh viên về phong trào Startup. Do đó, không nên đánh đồng giữa Startup với khởi nghiệp mà có thể xem Startup tương đương với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cần có sự phân biệt với lập nghiệp trong bối cảnh Việt Nam, lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn, còn nói đến Startup phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm (Trương Gia Bình, 2017), những người tham gia Startup chính là những Entrepreneur nhưng ngược lại Entrepreneur không nhất thiết phải là Startup.
4. Entrepreneurship
Khái niệm Entrepreneurship gắn liền với vai trò của các Entrepreneur trong các lý thuyết kinh tế, Entrepreneurship đề cập đến các đặc trưng của chủ thể và quá trình sáng tạo giá trị mới trong một môi trường mới (Zahra, 1996). Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Entrepreneurship là một khá niệm mờ, chưa rõ ràng (ill-defined) và có nhiều cách tiếp cận khác nhau (Wennekers & Thurik, 1999). Tuy nhiên, có sự thống nhất cơ bản, kết quả trực tiếp của Entrepreneurship là sáng lập, tạo lập mới một thực thể hay quy trình có tính bước ngoặt và sự đột phá (Maes, 2003), cho ra đời một hình thức kinh doanh mới bằng một công ty mới trên cơ sở một công ty đã có (Lumpkin & Dess, 1996). Ban đầu, Entrepreunership được xem là đồng nghĩa với tạo lập doanh nghiệp nhỏ cho sự nỗ lực kinh doanh của các cá nhân, sau đó, tinh thần Entrepreneurship cho doanh nghiệp được phát triển thành nhiều thuật ngữ khác nhau như intrapreneurship (Pinchot 1985; Kuratko et al.,1993; Antoncic & Hisrich, 2003); internal corporate venturing (Burgelman 1984); internal corporate entrepreneurship (Schollhammer 1982), corporate ventures (MacMillan et al. 1986; Ellis and Taylor 1988); venture management (Veciana 1996), internal corporate venturing (Burgelman 1984), entrepreneurial posture (Covin & Slevin 1986; 1991). Mặc dù có nhiều cách phân loại khác nhau về các thuật ngữ và các cách đo lường khác nhau được sử dụng để đo lường mức độ Entrepreneurship trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, hai thuật ngữ phổ biến nhất được cộng đồng khoa học thừa nhận và sử dụng rộng rãi là Entrepreneurial orientation của Lumpkin & Dess (1996) và Corporate entrepreneurship của Zahra (1991; 1993, 1996). Do chưa có nghĩa tương đồng trong tiếng Việt nên trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, thuật ngữ Entrepreneurship được tạm dịch là tinh thần làm chủ của những Entrepreneur là những người làm chủ.
5. Entrepreneurial Orientation và Corporate Entrepreneurship
Các nghiên cứu về Entrepreneurship thường được xây dựng ở cấp độ doanh nghiệp (firm-level), mặc dù chưa có một định nghĩa rõ ràng về Entrepreneurial orientation (EO) và Corporate entrepreneurship (CE) nhưng cả hai khái niệm EO và CE đều được dùng để đo lường mức độ Entrepreneurship trong doanh nghiệp (Zahra, 1991, 1993, 1996; Zahra et al., 2000; Covin & Slevin, 1991; Lumpkin & Dess, 1996). Tuy nhiên, Entrepreneurial orientation tập trung đo lường xu hướng của doanh nghiệp hướng đến Entrepreneurship (Zahra, 1991; Covin & Slevin, 1991; Lumpkin & Dess, 1996), còn Corporate entrepreneurship tập trung đo lường những hoạt động Entrepreneurship thật sự xảy ra trong doanh nghiệp (Guth & Ginsberg 1990; Zahra 1991; 1993; 1996; Zahra et al., 2000). Mặc dù có sự khác biệt trong phương pháp đo lường, tuy nhiên hai khái niệm EO và CE có thể thay thế hoặc bổ sung cho nhau trong quá trình đo lường Entrepreneurship trong doanh nghiệp (Antoncic & Hisrich 2003). Do chưa có nghĩa tương đồng trong tiếng Việt nên trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, Corporate entrepreneurship được tạm dịch là định hướng làm chủ doanh nghiệp, còn Corporate entrepreneurship được tạm dịch là tinh thần làm chủ doanh nghiệp.
Entrepreneurial Orientation (EO) lần đầu tiên được đề cập trong công trình nghiên cứu Peterson & Berger (1971), đến đầu những năm 1980, Burgelmam (1983) & Miller (1983) là hai tác giả có công trình nghiên cứu về EO trong doanh nghiệp với quan điểm EO được hiểu như là một chiến lược và phong thái lãnh đạo trong các doanh nghiệp lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh mạnh mẽ. Covin & Slevin (1991) tiếp cận EO theo quan điểm xu hướng hướng đến Entrepreneurship của doanh nghiệp và cho rằng EO là khái niệm đa hướng, gồm ba thành phần là chủ động (proactiveness), đổi mới (innovativeness), chấp nhận rủi ro (risk taking) được đo lường bằng 9 biến quan sát và xây dựng thang đo EO trên cơ sở thang đo của Miller & Friesen (1982) và Khandwalla (1976; 1977). Trong đó, chủ động (proactiveness) thể hiện bản chất tiên phong của doanh nghiệp, sẵn sàng ở vị trí tấn công đối thủ cạnh tranh, chủ động trong chiến lược và mục tiêu kinh doanh, luôn đưa ra dịch vụ và sản phẩm mới trước đối thủ cạnh tranh (Lumpkin & Dess, 2005). Schumpeter (1947) nhấn mạnh vai trò của đổi mới (innovativeness) trong quá trình định hướng kinh doanh, đổi mới là những việc làm mới hay những việc được sẵn sàng thực hiện theo cách mới. Lumpkin & Dess (2001) đổi mới là sẵn sàng ủng hộ sự sáng tạo và thử nghiệm trong việc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới theo xu hướng dẫn đầu công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) quy trình sản xuất mới. Miller & Friesen (1982) cho rằng chấp nhận rủi ro (risk taking) trong quá trình định hướng kinh doanh là mức độ mà các nhà quản lý sẵn sàng đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới, đầu tư vào các dự án và chấp nhận thử thách của thị trường để tận dụng cơ hội kinh doanh. Theo Lumpkin & Dess (2001) chấp nhận rủi ro là xu hướng thực hiện những hành động táo bạo như mạo hiểm tham gia vào các thị trường mới chưa xác định, đầu tư một lượng lớn nguồn lực nhưng kết quả thu được không chắc chắn.
Lumpkin & Dess (1996) khi nghiên cứu về EO đã bổ sung thêm rằng EO là các quá trình, thực thi và hoạt động ra quyết định đi đến gia nhập cái mới (new entry), EO bao gồm cả ý định và hành động hướng đến sáng tạo kinh doanh mới, Về cấu trúc, ngoài ba thành phần như của mô hình Covin & Slevin (1991), Lumpkin & Dess (1996) bổ sung thêm hai nhân tố tự chủ (autonomy) và quyết liệt cạnh tranh (competitive aggressiveness). Trong đó, tự chủ được hiểu là tự mình hành động với khuynh hướng bất chấp các ràng buộc; quyết liệt cạnh tranh đề cập xu hướng công ty thách thức trực tiếp các đối thủ cạnh tranh trong ngành để cải thiện vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, Keh & et al., (2007) & Rauch et al., (2009) cho rằng mô hình EO của Covin & Slevin (1991) với ba thành phần là mô hình được chấp rộng rãi đã được kiểm định nhiều trong các nghiên cứu và có độ tin cậy cao.
Corporate Entrepreneurship (CE)
Zahra (1991) tiếp cận Entrepreneurship với tên gọi là Corporate entrepreneurship theo quan điểm tập trung đo lường những hoạt động Entrepreneurship thật sự xảy ra trong doanh nghiệp chứ không phải là xu hướng tiến đến Entrepreneurship. Zahra (1991, 1993) cũng cho rằng CE là khái niệm đa hướng gồm ba thành phần mạo hiểm (venturing); đổi mới (innovativeness) và thay mới chiến lược (strategic renewal) và xây dựng thang đo lường bằng 14 biến quan sát. Trong đó, mạo hiểm là tạo ra những việc kinh doanh mới hay độc lập liên quan đến những sản phẩm hay dịch vụ đã có. Thay mới chiến lược là áp dụng những cấu trúc tổ chức mới để khuyến khích sự mạo hiểm và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp bao gồm cả việc định hình lại khái niệm kinh doanh, tái tổ chức doanh nghiệp để mở đầu cho toàn bộ hệ thống thay đổi. Đổi mới về cơ bản vẫn tiếp cận theo quan điểm của thang đo EO. Sau đó, Zahra et al., (2000) tiếp tục phát triển thang đo CE với 22 biến quan sát với 5 thành phần đổi mới tổ chức (organizational innovation), đổi mới sản phẩm (product innovation), đổi mới quy trình (process innovation), mạo hiểm quốc tế (international venturing) và mạo hiểm nội địa (domestic venturing).
6. Thang đo Corporate Entrepreneurship trong ngữ cảnh cổ phần hóa tại Việt Nam
Nguyen (2015) nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp, Corporate entrepreneurship và cổ phần hóa tại Việt Nam; Yiu et al., (2007) và Yiu et Lau (2008), hai công trình nghiên cứu nghiên cứu về Corporate entrepreneurship tại Trung Quốc vốn có nền kinh tế đang chuyển đổi khá tương đồng với Việt Nam cho rằng khái niệm và cách đo lường Entrepreneurship trong doanh nghiệp theo quan điểm của Zahra (1991; 1993; 1996) và Zahra et al., (2000) tập trung vào những thay đổi thật sự xảy ra trong doanh nghiệp liên quan đến việc tạo ra cái mới trong kinh doanh hay định hình lại (reconfiguration) một doanh nghiệp hiện hữu (Sharma & Chrisman, 1999), tái tổ chức doanh nghiệp để khuyến khích sự mạo hiểm, đổi mới sáng tạo và mở đầu cho sự thay đổi của hệ thống, nên được sử dụng phù hợp trong ngữ cảnh cổ phần hóa hơn so với cách đo lường của Covin & Slevin (1991) với thuật ngữ Entrepreneurial orientation. Trên cơ sở đó, để đo lường mức độ Entrepreneurship của các doanh nghiệp cổ phần hóa tại Việt Nam, tác giả đã tham khảo thang đo gốc của Zahra (1996) với 14 biến quan sát, thang đo gốc của Zahra et al., (2000) với 22 biến quan sát, kết hợp của kết quả điều chỉnh thang đo Corporate entrepreneurship của Nguyễn (2015) với 11 biến quan sát và Yiu et al., (2007) với 14 biến quan sát được nghiên cứu tại các doanh nghiệp Trung Quốc vốn có nền kinh tế khá tương đồng với nền kinh tế đang chuyển đổi của Việt Nam. Sau đó, tác giả thực hiện nghiên cứu định tính với 7 chuyên gia trong lĩnh vực cổ phần hóa để điều chỉnh thang đo Corporate entrepreneurship cho phù hợp với thực trạng cổ phần hóa tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu có 12 biến quan sát với ba thành phần thay mới chiến lược (4 biến quan sát); đổi mới (4 biến quan sát); mạo hiểm (4 biến quan sát), chi tiết được thể hiện trong Bảng 6.1.
7. Kết luận
Với phương pháp nghiên cứu tổng hợp, nghiên cứu đã làm rõ các khái niệm có mối quan hệ chặt chẽ nhưng dễ gây nhầm lẫn như khởi nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, startup và entrepreneur. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã hệ thống hóa lý thuyết Entrepreneurial orientation và Corporate entrepreneurship, đồng thời có sự đóng góp quan trọng về mặt lý thuyết với việc điều chỉnh thang đo Corporate entrepreneurship trong ngữ cảnh cổ phần hóa tại Việt Nam hiện nay. 

Tài liệu tham khảo:
1. Antoncic, B. & Hisrish, R.D., 2003. Privatization, Corporate Entrepreneurship and Performance: A Testing Normative Model. Journal of Developmental Entrepreneurship, Vol.8, No. 3, 197-218.
2. Covin, J. G. & Slevin, D. P., 1991. A Conceptual Model of Entrepreneurship as Firm Behavior. Entrepreneurship: Theory & Practice, 16, 7-25.
3. Keh, H.T., Nguyen Thi Tuyet Mai & Nguyen H.P., 2007. The effects of entrepreneurial orientation and marketing information on the performance of SEMs. Journal of Business Venturing, 22: 952-611.
4. Lumpkin, G. T. & Dess, G. G., 1996. Clarifying the entrepreneurial orientation construct and linking it to performance. Academy of Management Review, 21 , 135-172.
5. Nguyen, T.M.H, 2015. Corporate Entrepreneurship, Ownership and Governance in Post Privatisation Vietnam. PhD, Manchester Business School, London.
6. Miller, D. & Friesen, P. H., 1982. Innovation in conservative and entrepreneurial firms: Two models of strategic momentum. Strategic Management Journal, 3, 1 -25.
7. Ries Erics, 2011. The Lean Startup: How Constant Innovation Creates Radically Successful Businesses, Penguin Book Ltd, London, United Kingdom.
8. Zahra, S. A., 1991. Predictors and financial outcomes of corporate entrepreneurship: An exploratory study.Journal of Business Venturing, 6, 259-285.
9. Zahra, S. A., 1993. A conceptual model of Entrepreneurship as firm behavior: A critique and extension Entrepreneurship Theory And Practice, Summer, 1993.
10. Zahra, S.A., 1996. Governance, ownership, and corporate entrepreneurship: The moderating impact of industry technological opportunities. Academy of Management Journal 39(6): 1713–1735.
11. Zahra, S.A., Neubaum, D.O. & Huse, M., 2000. Entrepreneurship in medium-size companies: Exploring the effects of ownership and governance systems. Journal of Management 26(5): 947–976.
12.http://chiasethanhcong.net/khoi-nghiep-va-lap-nghiep-dung-nham-lan/ (Trương Gia Bình, 2017).
13.https://www.forbes.com/sites/natalierobehmed/2013/12/16/what-is-a-startup/#1f13a3ca4044 (Neil Blumenthal, 2013).

The Corporate Entrepreneurship theory in the context of the equitization of companies in Vietnam

Assoc.Prof, Ph.D Bui Thanh Trang
International School of Business, University of Economics Ho Chi Minh City
Ph.D student, Master. Ho Xuan Tien
University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:
This research is expected to contribute to the distinghuishing terms of startup, entrepreneurship, innovative startup and entrepreneur in the context of implementing the national program to support startups of Vietnam 2016. The most important context of this research is the systematization of the Entrepreneurial Orientation and the Corporate Entrepreneurship theories. In addition, the research also theoretically contributes to the use of the quantitative exploratory according to the Corporate Entrepreneurships scale in the context of the equitization of companies in Vietnam.
Keywords: Entrepreneurship, corporate entrepreneurship, entrepreneurial orientation, equitization.