Lý thuyết năng lực cạnh tranh ngân hàng: Nghiên cứu thực nghiệm tại một số ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

ThS. LƯƠNG XUÂN MINH - ThS. NGUYỄN THỊ THU TRANG (Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết đưa ra lý thuyết năng lực cạnh tranh (NLCT) của các ngân hàng, bởi hiện nay có rất nhiều khái niệm về NLCT, đa phần các khái niệm này đều rất khác nhau. Đồng thời, đưa ra thực trạng về năng lực cạnh tranh hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Năng lực cạnh tranh, ngân hàng thương mại, TP. Hồ Chí Minh.

1. Lý thuyết năng lực cạnh tranh

Có rất nhiều khái niệm về NLCT, cụ thể:

Ở góc độ nền kinh tế vĩ mô, báo cáo về NLCT của Công nghiệp châu Âu (CEC, 1996) chỉ ra rằng "NLCT của một quốc gia là khả năng quốc gia đó tạo ra mức tăng trưởng phúc lợi cao và gia tăng mức sống cho người dân của nước mình". Diễn đàn kinh tế thế giới năm 1997 (WEF) cho rằng: "NLCT của một quốc gia là khả năng đạt, duy trì được mức tăng trưởng cao trên cơ sở các chính sách, thể chế bền vững tương đối và các đặc trưng tương đối khác".

Ở góc độ vi mô, Michael Porter (Đại học Harvard) cho rằng "để có thể cạnh tranh thành công, các doanh nghiệp (DN) phải có được lợi thế cạnh tranh dưới hình thức hoặc là có được chi phí sản xuất thấp hơn; hoặc là có khả năng khác biệt hóa sản phẩm để đạt mức giá cao hơn trung bình. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, các DN cần ngày càng đạt được những lợi thế cạnh tranh tinh vi hơn, qua đó có thể cung cấp những hàng hóa hay dịch vụ chất lượng cao hơn hoặc sản xuất có hiệu suất cao hơn".

Như vậy, đã có nhiều quan điểm khác nhau về NLCT, tuy nhiên tùy từng đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, mục đích nghiên cứu để đưa ra được một khái niệm về NLCT cho một DN, một quốc gia hay một sản phẩm nào đó. Từ khái niệm NLCT đó, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá NLCT của DN đó, quốc gia đó hay sản phẩm đó. Và cuối cùng là đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao NLCT.

1.1. Lý thuyết NLCT của ngân hàng thương mại (NHTM)

Từ những quan điểm khác nhau về NLCT của một quốc gia hay một DN nói chung, có thể đưa ra một khái niệm về NLCT của một NHTM như sau: NLCT của một NHTM là khả năng mà ngân hàng đó có thể tạo ra mức lợi nhuận cao, từ đó duy trì và mở rộng thị phần trước mọi biến động của môi trường kinh doanh. Đồng thời, đảm bảo sự an toàn và lành mạnh trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, để đánh giá NLCT của một NHTM cần đánh giá trên 2 tiêu chí, đó là: khả năng tạo ra mức lợi nhuận cao và sự an toàn trong hoạt động kinh doanh.

1.2. Các chỉ số đánh giá NLCT của NHTM

1.2.1. Năng lực tài chính

Trước hết, có thể hiểu năng lực tài chính của NHTM là khả năng tài chính để ngân hàng có thể thực hiện được các hoạt động kinh doanh của mình một cách hiệu quả. Nó thể hiện khả năng của ngân hàng trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xã hội.

Năng lực tài chính của NHTM được đo lường thông qua các tiêu chí cơ bản, đó là: Quy mô Tổng tài sản (TTS); quy mô vốn tự có; nguồn vốn huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đó.

a. Quy mô TTS

Về mặt sổ sách kế toán, TTS của ngân hàng luôn bằng tổng nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn là những nguồn lực tài chính mà ngân hàng có thể dựa vào để thực hiện hoạt động kinh doanh và cung ứng dịch vụ đối với nền kinh tế. Nguồn vốn bao gồm: vốn chủ sở hữu; các quỹ (được trích từ lợi nhuận sau thuế); vốn huy động từ hoạt động nhận tiền gửi, phát hành giấy tờ có giá và đi vay…

Tài sản hay còn gọi là Tài sản Có, là hoạt động mà NHTM sử dụng nguồn vốn của mình để một mặt là mua sắm tài sản cố định, công cụ lao động, phương tiện làm việc, trang thiết bị cần thiết phục vụ kinh doanh như bất cứ DN nào khác… Và phần vốn sử dụng chủ yếu đó là để thực hiện các hoạt động kinh doanh tiền tệ của mình, như: cho vay, đầu tư kinh doanh chứng khoán, vàng bạc, ngoại tệ, cấp vốn cho những đơn vị thành viên phụ thuộc, hùn vốn, góp vốn liên doanh, liên kết, mua cổ phần… và không thể quên một phần vốn khả dụng nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Đây là toàn bộ những tài sản thuộc sự kiểm soát của NHTM. Những tài sản này hoạt động trực tiếp mang lại thu nhập cho ngân hàng hoặc phát huy vai trò phục vụ cho hoạt động sinh lời của ngân hàng.

Điều đó cho thấy, ngân hàng nào có quy mô TTS càng cao thì càng có khả năng mở rộng các tài sản có khả năng sinh lời, mang lại thu nhập cho ngân hàng càng cao.

b. Quy mô vốn tự có

Vốn tự có là nguồn lực tự có mà chủ ngân hàng sở hữu và sử dụng vào mục đích kinh doanh theo luật định. Vốn tự có bao gồm giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ và một số tài sản Nợ khác (như chênh lệch đánh giá lại tài sản; lợi nhuận chưa phân phối…).

Là phần vốn đảm bảo an toàn cho hoạt động vì nó là nguồn vốn mà ngân hàng hoàn toàn có thể chủ động sử dụng để đền bù cho những thiệt hại trong hoạt động kinh doanh, mà ở đây là sự bảo vệ cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng hoạt động kinh doanh bị lỗ. Từ đó có thể xác định, vốn tự có là “tài sản đảm bảo” của ngân hàng trong việc xây dựng lòng tin đối với khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, ngân hàng chỉ được cho vay đối với một khách hàng tối đa 15% vốn tự có; tổng mức cho vay và bảo lãnh đối với một khách hàng tối đa 25% vốn tự có… Tổng mức đầu tư trong tất cả các khoản đầu tư thương mại không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng.

Đây cũng là điều kiện cho phép NHTM có thể được mở rộng/thu hẹp phạm vi hoạt động thông qua việc mở thêm chi nhánh, văn phòng đại diện…

Theo quy định tại Thông tư 21/2013/TT-NHNN, số lượng chi nhánh của NHTM (n) tối đa được xác định theo công thức: 300 (tỷ đồng)*N1 + 50 (tỷ đồng)*N2 < C

Trong đó, C là giá trị thực của VĐL (tỷ đồng); N1 là số lượng chi nhánh đã thành lập tại khu vực nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; N2 là số lượng chi nhánh đã thành lập còn lại.

Nguồn vốn này chủ yếu được hình thành từ sự đóng góp của chủ sở hữu mà ngân hàng không cam kết hoàn trả. Trong ngân hàng cổ phần, phần vốn này được hình thành chủ yếu từ việc ngân hàng phát hành cổ phiếu, chủ sở hữu là các cổ đông của ngân hàng. Theo Basel II, phần vốn này phải trên 8% so với TTS có (quy đổi) của ngân hàng.

c. Nguồn vốn huy động

Đây là nguồn vốn quan trọng, quyết định đến hoạt động của ngân hàng. Đây được xem là nguồn nguyên liệu chính cho hoạt động kinh doanh của NHTM. Nguồn vốn huy động của ngân hàng thường chiếm từ 90 - 95% cơ cấu TTS. Chính vì vậy, nguồn vốn ngân hàng nào huy động được càng cao thể hiện năng lực tài chính của ngân hàng đó càng cao, khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh càng tốt.

Nguồn vốn huy động của NHTM bao gồm: Tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân; phát hành giấy tờ có giá; và vốn vay NHNN, vay TCTD khác trong và ngoài nước. Trong đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân và phát hành giấy tờ có giá là hai nguồn nguyên liệu chính phục vụ hoạt động kinh doanh. Còn nguồn vốn vay chỉ để giải quyết nhu cầu vốn tạm thời, bù đắp thanh khoản trong ngắn hạn. Chính vì vậy, ngân hàng nào huy động được nguồn vốn từ Tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá càng cao thể hiện uy tín của ngân hàng đó trên thị trường tài chính càng cao. Ngược lại, ngân hàng nào được đánh giá là có uy tín và độ tín nhiệm của khách hàng với ngân hàng càng cao thì ngân hàng đó sẽ càng huy động được nhiều vốn.

d. Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn

Để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của một NHTM, người ta sử dụng 2 chỉ tiêu phân tích là: Khả năng sinh lời và Mức độ rủi ro của ngân hàng.

Khả năng sinh lời của ngân hàng đo lường kết quả kinh doanh của ngân hàng. Đây là chỉ tiêu cụ thể nhất phản ánh qui mô, chất lượng và hiệu quả của quá trình hoạt động, định hướng kinh doanh, NLCT của ngân hàng.

Thông thường khi đánh giá khả năng sinh lời của ngân hàng, người ta dựa vào các chỉ số sau:

Tỷ suất lợi nhuận trên Vốn chủ sở hữu (ROE) = (Lợi nhuận sau thuế/ Vốn chủ sở hữu) x 100%

ROE cho biết một đồng vốn tự có sẽ đem lại bao nhiêu đồng lợi nhuận cho ngân hàng. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng đối với các chủ sở hữu ngân hàng, bởi nó cho biết lợi nhuận mà chủ sở hữu nhận từ việc đầu tư vốn của mình là bao nhiêu. Theo tiêu chuẩn của Basel nếu ROE > 15% được coi là tốt.

Tỷ suất lợi nhuận trên TTS (ROA) = (Lợi nhuận sau thuế/TTS) x 100%

ROA cho biết một đồng tài sản sinh ra bao nhiêu đồng lợi nhuận cho ngân hàng. Theo tiêu chuẩn của Basel, nếu ROA > 1%, tức là ngân hàng đó được coi là có khả năng sinh lời cao.

Nếu ROA, ROE của ngân hàng nào cao thì ngân hàng đó đươc khách hàng cũng như nhà đầu tư đánh giá cao hơn. Từ đó, vị thế cạnh tranh của ngân hàng đó cũng sẽ tốt hơn trong việc thu hút các nguồn lực tài chính. Vì vậy, khả năng sinh lời cao là chỉ tiêu tốt phản ảnh sức mạnh tài chính, tạo nên NLCT của NHTM.

Mức độ rủi ro của các các NHTM được đo bằng 2 chỉ tiêu cơ bản:

+ Hệ số an toàn vốn: Tỷ lệ này được xác định theo công thức:

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) =  (Vốn tự có/ TTS có rủi ro) x 100%

Hiện nay, theo Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/05/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam phải duy trì CAR tối thiểu 9%. Tuy nhiên, từ ngày 01/1/2020, Thông tư 41/2016/TT-NHNN có hiệu lực thì hệ số CAR điều chỉnh xuống, chỉ còn 8% nhưng bổ sung yêu cầu cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động bên cạnh yêu cầu vốn đối với rủi ro tín dụng. Sự điều chỉnh này là hướng quy định của Basel II.

+ Chất lượng tín dụng: Chất lượng tín dụng chủ yếu đo bằng tỷ lệ nợ xấu/ nợ quá hạn trong tổng dư nợ. Nếu tỷ lệ này thấp cho thấy chất lượng tín dụng của ngân hàng đó tốt, tình hình tài chính của ngân hàng đó là lành mạnh. Ngược lại, nếu tỷ lệ này cao, chứng tỏ ngân hàng quản lý tín dụng chưa tốt, tình hình tài chính cần được quan tâm.

1.2.2. Năng lực công nghệ

Khoa học công nghệ là một bộ phận nguồn lực không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học công nghệ phát triển giúp mở rộng khả năng sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển, thúc đẩy quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời, tăng sức mạnh của hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường. Sự phát triển của công nghệ ảnh hưởng sâu rộng, mang tính cải cách cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội, nên ngành Ngân hàng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, năng lực công nghệ không chỉ thể hiện ở trình độ công nghệ hiện tại của ngân hàng. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại thì phải đi kèm với việc khai thác năng lực công nghệ hiện đại đó như thế nào.

2. Thực trạng NLCT của một số ngân hàng TMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

2.1. Năng lực tài chính

Sơ đồ 1: Tăng trưởng năng lực tài chính của SCB (tỷ đồng)

Tăng trưởng năng lực tài chính của SCB

Về quy mô TTS: Quy mô TTS của SCB là lớn nhất. Tính đến hết năm 2018, TTS của SCB đạt 508.954 tỷ đồng, tăng 64.922 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương tăng 14,6%. Nguyên nhân là vì năm 2012 (cụ thể ngày 01/01/2012), SCB được hợp nhất với 2 ngân hàng khác là Ficombank và TinNghia  Bank. Việc sáp nhập này làm cho TTS của SCB tăng từ 60.183 tỷ đồng lên mức 144.814 tỷ đồng, tương đương tăng 141%. Từ năm 2011 - 2018, TTS của SCB tăng trung bình 20%, chủ yếu đến từ việc tăng khoản tiền gửi của khách hàng.

Đứng thứ 2 về quy mô TTS là Sacombank với giá trị TTS 406.041 tỷ đồng, tăng 37.572 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương 10,2%. Nguyên nhân đến từ việc sáp nhập giữa Sacombank với Southernbank năm 2015. Việc sáp nhập này là TTS của Sacombank tăng 54%. Đứng thứ 3 về quy mô TTS là ACB, năm 2018 giá trị TTS của ACB đạt 329.333 tỷ đồng, tăng 45.017 tỷ đồng so với 2017, tương đương 15,8%. Tuy nhiên, nếu như SCB và Sacombank có được giá trị TTS cao như vậy là từ việc sáp nhập thì tự bản thân ACB đã có được quy mô TTS như vậy (trước khi SCB và Sacombank có sự hợp nhất thì ACB là ngân hàng có TTS lớn nhất so với các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Ngược lại, ngân hàng có giá trị TTS thấp nhất là SGB. Tính đến hết năm 2018, TTS của SGB đạt 20.374 tỷ đồng, giảm so với năm 2017 là 946 tỷ đồng, tương đương giảm 4,4%. Đây có thể được xem là một điều đặc biệt vì SGB là ngân hàng được thành lập sớm nhất trên địa bàn nhưng lại là ngân hàng duy nhất có giá trị TTS bị giảm.

VietcapitalBank và NamABank là 2 ngân hàng có quy mô TTS thấp. VietcapitalBank chỉ có quy mô TTS 46.566 tỷ đồng; trong khi NamABank có quy mô TTS là 75.059 tỷ đồng. Mặc dù, năm 2018 NamABank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản là cao nhất, tăng 20.619 tỷ đồng, tương đương tăng 37,9%. Đây là 2 ngân hàng đang trong quá trình tự tái cấu trúc nhưng kết quả đem lại chưa được như mong đợi. Cũng có những tin đồn về việc sáp nhập của 2 ngân hàng này, hoặc cũng có thể có sự sáp nhập với một ngân hàng khác.

Về quy mô vốn chủ sở hữu: VCSH đóng một vai trò quyết định đến việc tăng TTS cũng như quyết định các hoạt động của ngân hàng. Theo số liệu khảo sát, các ngân hàng có quy mô TTS lớn vẫn là những ngân hàng có TTS lớn, đó là Sacombank và ACB. Trong đó, Sacombank là ngân hàng có quy mô VCSH cao nhất, với số VCSH tính đến cuối năm 2018 đạt  24.632 tỷ đồng, tăng 1.396 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương 6,01%. Đứng thứ 2 là ACB với 21.018 tỷ đồng, tăng 4.987 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương 31,11%. SCB là ngân hàng có quy mô TTS lớn nhất nhưng quy mô VCSH chỉ đạt 16.415 tỷ đồng, đứng thứ 3 về quy mô VCSH, chiếm 3,23% TTS.

Hai ngân hàng có quy mô TTS nhỏ nhất cũng là hai ngân hàng có VCSH thấp nhất. Vietcapital Bank và SGB có giá trị VCSH xấp xỉ nhau, đạt xấp xỉ 3.435 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng quy mô VCSH năm 2018 thì OCB là ấn tượng nhất với tỷ lệ tăng trưởng đạt 43,29%. Nguyên nhân đến từ việc OCB phát hành thành công cổ phiếu để tăng quy mô VCSH. Với việc vừa phát hành thêm cổ phần vừa phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ của OCB tăng từ 5.000 tỷ đồng lên 6.699,46 tỷ đồng. Từ đó, đẩy quy mô VCSH của OCB lên gần 9.000 tỷ đồng, tăng 2.658 tỷ đồng, tương ứng 43,29% so với 2017.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng có sự tăng trưởng TTS và VCSH ấn tượng đó là HDBank. Trong giai đoạn 2007 - 2018, HDBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng VCSH khá cao. Đặc biệt, năm 2013, VCSH của HDBank tăng 3.206 tỷ đồng, tương đương 59,44%. Nguyên nhân là vì năm 2013, HDBank tiến hành sáp nhập với Ngân hàng Đại Á. Năm 2017, HDBank tiến hành tăng vốn bằng hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Đồng thời, hoạt động kinh doanh của HDBank năm 2017 cũng đạt con số kỷ lục với 2.417 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 110,6% so với 2016 và hoàn thành 185,9% so với kế hoạch. Năm 2018, đề án sáp nhập HDBank với PGBank đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua, dự kiến, quy mô VCSH của HDBank sẽ đạt gần 20.000 tỷ đồng.  Tuy nhiên, so với quy mô TTS và VCSH của một số ngân hàng TMCP khác trong hệ thống thì quy mô của các ngân hàng TMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn khá hạn chế.

Về nguồn vốn huy động: SCB là ngân hàng có quy mô vốn huy động là lớn nhất, năm 2018 đạt 492.538 tỷ đồng, tăng 63.878 tỷ đồng, tương đương tăng 15% so với 2017. Trong đó, thành phần chủ yếu của nguồn vốn huy động là tiền gửi của khách hàng, SCB năm 2018 huy động được 384.914 tỷ đồng từ tiền gửi khách hàng, tăng 38.511 so với 2017, tương đương 11%. Con số này cho SCB là ngân hàng có lượng tiền gửi của khách hàng cao nhất. Bên cạnh đó, trong năm 2018, SCB cũng đã phát hành thành công chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, huy động được 26.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sacombank là ngân hàng có quy mô nguồn vốn huy động đứng thứ 2 với 381.408 tỷ đồng, tăng 36.176 tỷ đồng so với 2017. Trong đó, chủ yếu là tiền gửi của khách hàng 349.389 tỷ đồng, tăng 29.529 tỷ đồng.

Trong số này, Saigonbank là ngân hàng có quy mô nguồn vốn huy động khiêm tốn nhất, chỉ với 16.939 tỷ đồng năm 2018. Năm 2018, Saigonbank là ngân hàng duy nhất có quy mô nguồn vốn huy động bị giảm, số tiền giảm là 963 tỷ đồng, tương đương 5%.

Về khả năng sinh lời của ngân hàng được đánh giá thông qua hai chỉ số ROA và ROE (cụ thể là ROAA và ROEA của các ngân hàng). OCB là ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên TTS là cao nhất trong năm 2018, đạt 1,91%. Theo đó, cứ mỗi 100 đồng tài sản bỏ ra, OCB tạo ra được gần 2 đồng lợi nhuận sau thuế. Đứng ngay sau OCB là ACB, tỷ suất sinh lời của ACB năm 2018 đạt 1,67%. Đặc biệt, ngân hàng có ROAA thấp nhất là SCB - ngân hàng có TTS lớn nhất trong số các ngân hàng TMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Năm 2018, ROAA của SCB chỉ đạt 0,04%. Điều này cho thấy SCB chưa khai thác được tiềm lực tài chính của mình. Bên cạnh đó, VietcapitalBank và Saigonbank là 2 ngân hàng cũng có ROAA thấp nhất, lần lượt đạt 0,22% và 0,2%.

Tương tự như ROAA, ACB và OCB cũng là 2 ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên VCSH cao nhất, lần lượt đạt 27,73% và 23,58%. SCB cũng là ngân hàng có ROEA thấp nhất, bên cạnh Vietcapital Bank và Saigonbank, lần lượt đạt 1,06%, 2,77% và 1,22%.

Về chất lượng tín dụng của ngân hàng thông qua các chỉ tiêu là hệ số CAR và chất lượng tín dụng.

Hiện nay, các ngân hàng TMCP thực hiện tính tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 13/2010/NHNN. Tất cả các ngân hàng TMCP trên địa bàn đều đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định là 9%. Trong đó, chỉ có SCB có tỷ lệ CAR năm 2018 thấp hơn 10% (đạt 9,69%)  nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tối thiểu, cao hơn CAR của khối Ngân hàng quốc doanh (trung bình 9,4%). Eximbank là ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất trong số các ngân hàng TMCP trên địa bàn, đạt 15,05%.

Nhìn chung, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% theo Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN nâng lên 9% theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN, các NHTM đề đạt được. Tuy nhiên, khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN được áp dụng từ ngày 01/01/2020 theo tiêu chuẩn Basel II, dự đoán, tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM khi đó sẽ giảm mạnh. Trong số này, OCB là 1 trong 3 ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước công nhận tuân thủ Basel II. Ngày 26/12/2018, OCB chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn 2 năm. Bên cạnh đó, còn có 2 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chọn thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II là ACB và Sacombank. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các ngân hàng TMCP trên địa bàn đều chọn giải pháp tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn.

2.2. Năng lực công nghệ

Năng lực công nghệ trước hết thể hiện ở việc đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đặc biệt là hệ thống Core banking. Ngân hàng nào đầu tư vào hệ thống Core banking càng hiện đại thì năng lực công nghệ của ngân hàng đó càng cao.

Bảng 1. Core banking của các ngân hàng TMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang sử dụng hiện nay

Core banking của các ngân hàng TMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Theo bảng trên, ta thấy, tất cả các ngân hàng TMCP trên địa bàn cũng đã đầu tư vào hệ thống Core banking của ngân hàng mình. Các ngân hàng TMCP trên địa bàn đều có sự hợp tác với các hãng cung cấp công nghệ tài chính ngân hàng đầu trên thế giới như Teminos, Oracle, Fiserv.

Trong đó, T24 của hãng Terminos là được nhiều ngân hàng lựa chọn. Ngoài ABB, OCB và Sacombank thì các ngân hàng khác cũng lựa chọn T24 của Teminos là Techcombank, MB, PVcombank, Seabank, Baovietbank, NCB và VPbank. T24 được Techcombank vận hành lần đầu tiên vào năm 2003. Sau đó, T24 được một loạt ngân hàng lựa chọn, như: Seabank đưa vào vận hành năm 2007, rồi tới MB, VPbank. Hệ thống này ngoài việc có thể thực hiện 1.000 giao dịch/ngày, quản lý tới 50 triệu tài khoản khách hàng và hỗ trợ thực hiện giao dịch qua hệ thống liên tục 24 giờ/ngày. T24 còn giúp ngân hàng quản trị rủi ro trên 4 lĩnh vực: quản trị rủi ro về thị trường, quản trị rủi ro tín dụng, thanh khoản và tác nghiệp với 9 mức quản lý khác nhau. Ngoài ra, với T24, ngân hàng có thể nâng cao việc quản lý tài khoản khách hàng và cung cấp dịch vụ khách hàng.

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Sacombank là ngân hàng đầu tiên lựa chọn triển khai nghiên cứu T24 từ năm 2004 và đưa T24 vào vận hành chính thức vào năm 2007 với chi phí đầu tư ước tính 4 triệu USD. Và đến năm 2018, Sacombank cũng là ngân hàng đầu tiên nâng cấp T24 lên phiên bản mới nhất R17. Việc nâng cấp này giúp Sacombank có thể tiếp cận những tính năng hiện đại, đột phá và thích hợp với định hướng phát triển ngân hàng số. Sau khi triển khai T24 - R17 trên toàn hệ thống, Sacombank có thể nâng cao hơn nữa mức độ chuyên nghiệp trong quản trị - điều hành và quản lý rủi ro, tiết giảm chi phí bảo trì, tăng tính ổn định trong vận hành và hiệu quả kinh doanh cũng như khả năng phát triển sản phẩm nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, từ đó góp phần gia tăng NLCT và phát triển bền vững của Sacombank.

Cùng với Sacombank, ABB cũng là ngân hàng ký hợp đồng với Teminos để triển khai T24 khá sớm (tháng 11/2006); 2/2007 bắt đầu thực hiện dự án và chính thức đi vào sử dụng từ tháng 12/2007, tức là chỉ sau 11 tháng triển khai. Và đến tháng 4/2018, ABB cũng triển khai dự án nâng cấp hệ thống phần mềm lõi - Core banking lên phiên bản R17. Đồng thời chuyển đổi cơ sở dữ liệu từ JBase sang Oracle.

Các ngân hàng hiện nay đang từng bước thực hiện các dịch vụ ngân hàng số - Digital Bank và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, số hóa. Các ngân hàng số hiện nay của các ngân hàng TMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. C.K Prahalad and Gary Hamel The core competence of the corporation, Harvard business review, 1960.

2. Michael E. Porter The Competitive Advantage of Nations, the Free press, New York, 1985.

3. Peter S.Rose, Quản trị NHTM, NXB Tài chính, 2001.

4. PGS. TS. Nguyễn Thị Quy, "NLCT của các NHTM trong xu thế hội nhập", NXB Lý luận chính trị, 2005.

5. PGS. TS. Nguyễn Đăng Dờn, Quản trị NHTM hiện đại, NXB Phương Đông, 2012.

6. Các website của các ngân hàng TMCP Việt Nam.

THE THEORY OF COMPETITIVENESS OF BANKS:

EXPERIMENTAL RESEARCH AT SOME JOINT STOCK

COMMERCIAL BANKS IN HO CHI MINH CITY

Master. LUONG XUAN MINH

Master. NGUYEN THI THU TRANG

Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This article introduces the theory of competitiveness of banks as there are many different concepts about the competitiveness. This article also presents the current competitiveness of commercial banks in Ho Chi Minh City.

Keywords: Competitiveness, commercial bank, Ho Chi Minh City.