Mã Pì Lèng - Thiên hạ đệ nhất đèo

Mã Pì Lèng – một trong những con đèo được mệnh danh là “vua đèo” của Việt Nam. Tại đây, du khách có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, tuy nguy hiểm nhưng cũng đáng được thử một lần trong

Ở nước ta, sự chênh lệch giữa diện tích đồng bằng và đồi núi đã tạo ra những con đường đèo “cheo leo” giữa những vách núi thẳng đứng. Đèo Mã Pì Lèng cũng là con đèo được liệt kê vào danh sách những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất ở nước ta.

Mã Pì Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai), Đèo Khau Phạ (Yên Bái) và Đèo Pha Đin (Điện Biên).

Đèo Mã Pì Lèng là một trong "tứ đại đỉnh đèo" hiện nay

Đèo Mã Pì Lèng thuộc tỉnh Hà Giang, dài khoảng 20km, nằm trên con đường “Hạnh Phúc”, nối từ Hà Giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc.

Mã Pì Lèng nằm trên con đường "Hạnh phúc", đi Đồng Văn, Mèo Vạc

“Mã Pì Lèng” là tên gọi theo tiếng Quan Thoại, chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này lại ám chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, là nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở. Tuy nhiên, một vài người dân ở đây lại đơn giản cho rằng tên “Mã Pì Lèng” chỉ đỉnh núi dựng đứng giống như sống mũi con ngựa.

Đường đèo chênh vênh giữa vách núi dựng đứng, đâu đó vẫn còn những bản làng nằm vắt vẻo trên cao

Cao hơn 2.000m so với mực nước biển, Mã Pì Lèng với 9 khúc cua bên vách đá dựng đứng, được ví như dải lụa uốn lượn theo sườn núi, phía dưới là những bờ vực sâu thẳm.

Những khúc cua khó đi trên cung đèo Mã Pì Lèng

Để xây dựng được con đường đi hiểm trở giữa vách núi này, những người công nhân đã phải mất hơn 2 năm lao động vất vả mới hoàn thành được. Để vượt vách núi đã thắng đứng, đội công nhân cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m.

Tuy nhiên, khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên "Đường công vụ" rộng khoảng 40 cm trên vách đá để công nhân về sau có chỗ đặt chân, 17 thanh niên trong đội cảm tử đã phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã suốt 11 tháng trời. Họ đã phải đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần và những phương tiện thủ công.Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục vách đá, nhét thuốc nổ vào rồi hô đồng đội kéo lên đỉnh núi. Ít phút sau mìn nổ, vỡ ra một miếng đá nhỏ bé. Tuy công việc vô cùng nguy hiểm, nhưng những người công nhân đã thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, bằng cách đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc.

Để xây dựng cung đường cho dân bản, hàng vạn công nhân đã phải cheo leo trên vách núi dựng đứng

Với địa thế hiểm trở và cảnh đẹp hùng vĩ, đèo Mã Pì Lèng vẫn luôn là lựa chọn số một cho những người ưa thích mạo hiểm hay muốn tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên núi rừng.

Để cảm nhận hết nét hùng tráng, đẹp đẽ của Mã Pì Lèng, tản bộ vẫn là điều tuyệt nhất.Tuy nhiên, không có nhiều thời gian cũng như không đủ tự tin để có một đôi chân chắc khỏe nên có lẽ xe máy vẫn là phương tiện hợp lý.

Khúc cua "tay áo" đòi hỏi các tay lái phải vô cùng cẩn trọng

Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng, du khách có thể cảm nhận mình cao muôn trượng, với mây trời, núi đá ngay sát bên. Có lẽ, đến giây phút đó, họ sẽ hiểu được tại sao hàng vạn con người của những năm 60 của thế kỷ trước đã phải treo mình trên đó suốt 11 tháng. Khó mà đong đếm được bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu máu đã đổ trên cao nguyên đá để đem hạnh phúc đến cho 8 vạn đồng bào miền núi, đưa họ từng bước tiến kịp với miền xuôi.

Đứng trên đỉnh đèo, du khách như vỡ òa trong cảm xúc, choáng ngợp trước không gian sông núi hùng vĩ
Mc Nguyên Khang chinh phục đỉnh đèo Mã Pì Lèng trong dịp lễ hội mùa hoa tam giác mạch tại Hà Giang

Trên nền trời sáng trong, không gì có thể lột tả được hết cái trùng điệp ngàn tầng ngàn lớp của núi, cái trắng xóa huyền ảo của mây, cái thẳm sâu hun hút của vực, với dòng sông Nho Quế xanh ngắt dưới chân núi. Đặc biệt, mỏm đá nhô ra từ một vị trí thuộc khu vực đèo Mã Pì Lèng chính là nơi cảm nhận được trọn vẹn sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía Bắc, cảm nhận vẻ đẹp vô cùng của đất nước quê hương.

Dòng sông Nho Quế xanh ngắt dưới chân núi
Tại Mã Pì Lèng, du khách có thể bắt gặp hình ảnh người H'mông đi bộ trên đường đèoCái tên Mã Pì Lèng đã dần trở nên quen thuộc, làm cho những lữ khách đam mê khám phá, ao ước một lần đặt chân đến đường đèo hùng vĩ này.

Thuy Linh