Mâm ngũ quả ngày Tết, mỗi miền một nét riêng

Theo quan niệm của người phương Đông, ngũ quả thể hiện cho 5 hành gồm Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Ngoài ra, mâm ngũ quả còn mang ý nghĩa an khang, thịnh vượng, giúp cho năm mới được suôn sẻ, may mắn.

Tết nguyên đán, mâm ngũ quả rất được xem trọng ở mỗi gia đình, bởi nó thể hiện mong ước của gia chủ trong năm mới. Tùy vào điều kiện hoàn cảnh mỗi gia đình, mỗi vùng miền mà có cách bày biện, sắp xếp mâm ngũ quả khác nhau, nhưng nhìn chung ở mỗi một vùng miền sẽ có những đặc trưng riêng.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường có 5 loại quả chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hay chuối, ớt, bưởi, quất, lê.

mâm ngũ quả ngày Tết

Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. Mâm ngũ quả đẹp là mâm ngũ quả có đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi căng mọng hoặc quả phật thủ chín vàng nổi bật.

Những quả chín đỏ đặt xung quanh. Những chỗ khuyết đặt xen kẽ quýt vàng, táo màu xanh hoặc những trái ớt đỏ mọng, hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.

Mâm ngũ quả miền Trung

Khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng cúng tổ tiên.

mâm ngũ quả

Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, miễn là tươi ngon. Các loại quả thường thấy trong mâm ngũ quả của người miền Trung là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt,...

Mâm ngũ quả miền Nam

Khác với người miền Bắc, người dân Nam Bộ có phần cầu kỳ hơn trong khâu chọn lựa những loại quả sẽ xuất hiện trong mâm ngũ quả cúng gia tiên. Do cách phát âm gần giống với từ “chúi” (thể hiện sự nguy khó) nên chuối là thứ quả không bao giờ xuất hiện. Cũng bởi câu nói: “Cam làm quýt chịu” nên người Nam không bày những trái cam óng ả vui mắt như người Bắc.

mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả của người miền Nam thường có các loại trái: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu: “Cầu sung vừa đủ xài”), thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa), thể hiện sự vững vàng. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.

Ngày nay, hoa trái ngày càng nhiều và phong phú. Vì vậy mâm ngũ quả theo đó mà có thể trở thành thập quả, tuy vậy, cái tên gọi: “ngũ quả” đã đi sâu vào tiềm thức, tâm linh người Việt bao đời. Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh ngày Tết và không gian thờ cúng gia tiên thêm phần tươi vui, ấm áp và rực rỡ.

Nó thể hiện sinh động cho ý tưởng, triết lý – tín ngưỡng – thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tuy mỗi miền mỗi khác nhưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây của nét văn hóa dân tộc và ý nguyện cầu hòa, an, đủ mà người dân Việt Nam gửi gắm.

Ở Việt Nam, với sự đa dạng về vùng miền, mâm ngũ quả của mỗi vùng cũng khác nhau, nhưng trên hết đều có ý nghĩa cầu cho cuộc sống no đủ, bình an, phát đạt và thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên...

 

Thanh Thúy