Mận Mộc Châu, ngày hội hái mận và câu chuyện thành công trong xây dựng thương hiệu

Dù nhiều mặt hàng nông sản khi vào mùa luôn chịu cảnh “được mùa mất giá” nhưng tình trạng này chưa bao giờ xảy ra với mận Mộc Châu. Điều này cho thấy, công tác xây dựng thương hiệu mận Mộc Châu đã đượ

Ấn tượng mạnh từ Ngày hội hái mận

 

Được trồng từ hơn 30 năm trước, Mộc Châu hiện là khu vực trồng mận hậu lớn nhất tỉnh Sơn La, với diện tích hơn 1.200 ha. Do được trồng ở vùng khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, mận Mộc Châu có sự khác biệt so với các loại mận ở các vùng khác về cả chất lượng và hình thức. Mận được trồng tập trung ở Nông trường Mộc Châu và xã Tân Lập. Từ giữa tháng 5, mận bắt đầu chín rộ, người dân vào vụ thu hoạch mận, đổ bán cho các thương lái miền xuôi. Mận Mộc Châu có vị chua vừa phải, giòn, thơm so với mận trồng ở vùng đất khác, đặc biệt hấp dẫn người tiêu dùng, nhất là phụ nữ.

 

Dù hiện nay, mận Mộc Châu có giá bán duy trì ổn định nhưng trước đây, loại trái cây này cũng trải qua nhiều năm “được mùa mất giá”. Tuy vậy, với định hướng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng các hoạt động xây dựng thương hiệu được triển khai bài bản, mận Mộc Châu dần dần lấy lại được uy tín trên thị trường.

 

Trong chiến lược xây dựng thương hiệu cho trái mận Mộc Châu không thể không nhắc đến Ngày hội hái mận được tổ chức đều đặn hàng năm. Theo đó, cứ vào khoảng cuối tháng 5 – thời điểm thu hoạch rộ, huyện Mộc Châu lại tổ chức Ngày hội hái mận. Ngày hội hái mận không chỉ là dịp giới thiệu, quảng bá mận hậu Mộc Châu, vinh danh người trồng mận tiêu biểu mà còn tạo cơ hội để họ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây mận hậu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mận, đồng thời mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo đầu ra cho sản phẩm mận hậu Mộc Châu.

 

Sau 3 năm liên tiếp được tổ chức, ngoài điểm nhấn là cuộc thi hái mận và thưởng thức mận ngay tại vườn dành cho du khách, ngày hội hái mận huyện Mộc Châu còn có nhiều hoạt động sôi nổi như: tìm hiểu, giới thiệu kiến thức về quả mận, các hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy... Tất cả tạo nên nét văn hóa đặc sắc, với không khí vui tươi, phấn khởi, cuốn hút. Dần dần, những kiến thức văn hóa đặc sắc gắn với trái mận được truyền tải một cách tự nhiên đến với người dân và du khách.

Mận Mộc Châu có vị chua vừa phải, giòn, thơm so với mận trồng ở vùng đất khác, đặc biệt hấp dẫn người tiêu dùng, nhất là phụ nữ. Ảnh: internet

 

Xây dựng thương hiệu gắn với du lịch

 

Trong những năm gần đây, bên cạnh phong trào lên Mộc Châu du lịch, chụp ảnh ở các đồi chè mát mẻ vào mùa hè, nhiều khách du lịch từ Hà Nội hay các tỉnh miền Bắc bắt đầu tới Mộc Châu vào mùa hè để hái mận, vừa để mang những trái mận đặc sản về làm quà, vừa tận hưởng không khí trong lành vùng cao nguyên trong những ngày nóng nực. Những vườn mận bạt ngàn chạy tít từ chân núi tới gần đỉnh, những chùm mận sai lúc lỉu sẽ khiến du khách thích mê, đặc biệt khi còn được mang theo các dụng cụ hái quả, ăn mận chín cây vẫn còn nguyên lớp phấn trắng. 

 

Tham gia trọn gói chương trình du lịch hái mận, khách du lịch vừa được ngắm những đồi mận dài tít tắp, được ăn mận thoải mái, vừa được làm nông dân hái mận và trả tiền từ số mận mình hái được. Buổi chiều, khi đã thấm mệt với việc làm nông dân, du khách sẽ nghỉ ngơi và thưởng thức những đặc sản của người Thái, người Mông, giao lưu văn nghệ và nghỉ nhà sàn. Dần dần, những năm gần đây, bên cạnh việc đến với Mộc Châu những mùa cải trắng, cải vàng kéo dài hút tầm mắt, mùa những thung lũng xanh rì mướt mát màu cây, du khách cũng cũng dần quen với Mộc Châu mùa hái mận. Được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán mận Mộc Châu cũng tương đối khả quan. Tại vườn, vào đầu hoặc cuối vụ, mận Mộc Châu luôn được bán với giá 40.000 – 60.000 đồng/kg. Chính vụ, mận cũng giữ được giá khá ổn định ở mức 15.000 đồng – 20.000 đồng/kg.

 

Để tăng sức cạnh tranh cho cây mận, từ nay đến năm 2020, tỉnh Sơn La tập trung để xây dựng thương hiệu cho cây mận, trước mắt là ở huyện Mộc Châu; đồng thời sẽ thành lập các Hợp tác xã chuyên sản xuất mận, tạo ra chuỗi sản xuất an toàn và có đầu ra ổn định. Đồng thời, liên kết giữa các địa phương có trồng mận để hỗ trợ tốt cho nông dân trong phát triển sản xuất.

 

Ông Phạm Văn Chính – Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết, Mộc Châu định hướng xây dựng trái mận hậu trở thành một thương hiệu của quốc gia. Tuy vậy, ngoài tiêu thụ quả tươi, hiện nay trên địa bàn huyện còn thiếu các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm mận. Do đó, cùng với sự nỗ lực của địa phương, Mộc Châu mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư vào khâu chế biến sau thu hoạch như làm nước mận, mứt mận… để kéo dài thời gian tiêu thụ, nâng cao giá trị cho mận Mộc Châu, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

 

Ngoài mận hậu Mộc Châu, Sơn La còn nhiều đặc sản quý như xoài Yên Châu, mận Thuận Châu, mật ong, măng rừng… Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu từ trái mận hậu Mộc Châu sẽ là một trong những bài học để các loại nông sản này cũng dần xây dựng thành công thương hiệu, đứng vững trên thị trường, đưa sản phẩm về đúng giá trị vốn có và dần vươn xa.