Mạnh mẽ chống bán phá giá, thép Việt tự tin hơn tại thị trường nội địa

Nhờ áp dụng những chính sách phòng vệ thương mại, 2 năm qua lượng thép nhập khẩu như thép dài, phôi thép từ Trung Quốc gần như không vào được thị trường nội địa. Thép trong nước có cơ hội để đẩy mạnh sản xuất đáp ứng thị trường trong nước.

Thép là mặt hàng sản xuất cơ bản của rất nhiều nước và được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Hiện nguồn cung thép toàn cầu đều có xu hướng dư thừa, trong khi nền kinh tế thế giới đang chững lại, dẫn tới nhiều doanh nghiệp của các nước bị thiệt hại.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, tự do hóa thương mại và cạnh tranh toàn cầu, ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng các biện pháp nhằm cản trở việc thâm nhập thị trường. Các sản phẩm như thép, kim loại và hóa chất từ các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi ngày càng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Khi tham gia vào hội nhập, doanh nghiệp phải chấp nhận cuộc chơi này và phải hiểu tất cả quốc gia đều có những chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, các nước sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ phù hợp với các nguyên tắc của WTO.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, ngành thép đã phải đối diện với 47 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, chiếm tới 1/3 tổng số các vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng Việt.

Để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Trịnh Khôi Nguyên, các doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp phải hiểu rất rõ những nguyên tắc của các chính sách phòng vệ thương mại để có ứng xử phù hợp.

Chẳng hạn như phải bảo đảm quy trình sản xuất chuẩn hóa, các nguyên liệu nhập khẩu có xuất xứ rõ ràng, chi phí phải cạnh tranh. Trên cơ sở đó sẵn sàng hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin để chứng minh doanh nghiệp làm ăn công khai, minh bạch. Thường xuyên trao đổi với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt thông tin cảnh báo sớm để điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tránh bị khởi kiện. Đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định khi mở rộng công suất. Doanh nghiệp phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành, hiệp hội để xử lý được các vấn đề.

Trên thực tế, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành khá nhiều quyết định về chống bán phá giá, tự vệ, các điều tra về chống lẩn tránh thuế. Động thái này chứng tỏ Việt Nam đã chủ động hội nhập, cùng với Bộ Công Thương, doanh nghiệp tích cực làm quen với cuộc chơi của hội nhập quốc tế. Nhờ áp dụng những chính sách phòng vệ thương mại, 2 năm qua lượng thép nhập khẩu như thép dài, phôi thép từ Trung Quốc gần như không vào được thị trường nội địa. Thép trong nước có cơ hội để đẩy mạnh sản xuất đáp ứng thị trường trong nước.

“Để ngành thép phát triển bền vững thì ngành phải kết nối, tái cấu trúc theo hướng tập trung, quy mô và tích hợp để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, khi đó sẽ bớt nhập khẩu từ bên ngoài. Nhưng để tái cấu trúc được thì cần đến vai trò của Nhà nước và bản thân doanh nghiệp phải tự nhận thức được điều này chứ không phải mạnh ai nấy làm”, ông Trịnh Khôi Nguyên nhấn mạnh.