May Việt Tiến với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm

Với các dòng sản phẩm hiện hữu, Việt Tiến cũng điều chỉnh để bắt kịp với thị hiếu thay đổi liên tục của người dùng.

Bắt kịp thị hiếu

Năm 2017, Việt Tiến có khá nhiều dự án mới làm thay đổi chiến lược của Tổng Công ty. Cụ thể là thương vụ Việt Tiến chuyển nhượng 51% vốn góp tại Công ty TNHH Việt Tiến Meko (Cần Thơ) cho đối tác ngoại là Công ty Kwong Lung Enterprise Co Ltd , một Công ty Dệt may lớn của Đài Loan.

Song song đó, tháng 82017, Công ty cũng nhận nhượng quyền thương hiệu giày thể thao Skechers từ đối tác Mỹ.Chia sẻ lý do đưa Skechers vào hệ thống cửa hàng nội đại của Việt Tiến, ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Tiến cho biết: Nhận thấy thương hiệu giày đi bộ nổi tiếng của Mỹ có thể kết hợp hài hòa với trang phục Việt Tiến, vì vậy, Việt Tiến đã mua quyền thương hiệu trong 7 tháng và sau đó tiếp tục gắn bó lâu dài với thương hiệu này khi tiếp tục đưa sản phẩm vào hệ thống cửa hàng của Tổng Công ty năm 2018.

Hướng đi này nằm trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, kinh doanh các thương hiệu quốc tế mà Việt Tiến đang xây dựng, kỳ vọng đóng góp phần lớn trong tổng doanh thu hàng năm.

Với các dòng sản phẩm hiện hữu, Việt Tiến cũng điều chỉnh để bắt kịp với thị hiếu thay đổi liên tục của người dùng. Ngoài các sản phẩm chủ lực là thời trang nam công sở, Công ty phát triển thêm dòng smart casual dành cho môi trường du lịch, dạo phố, thể thao, mặc nhà hay nội y, phụ kiện kết hợp giày Skechers nhằm mở rộng phân khúc cho nhóm khách hàng trẻ hơn.

Việt Tiến đang từng bước thay đổi để bắt kịp xu hướng thị trường cũng như tiến tới mô hình công ty đa ngành trong tương lai. Theo ông Kiệt, Phó Tổng giám đốc, đây là bước đi nằm trong chiến lược mở rộng thương hiệu, đa dạng chủng loại sản phẩm để sớm đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 20%.

Mở rộng thị trường

Năm 2017, các doanh nghiệp Dệt may gặp khó khăn vì các Hiệp định Thương mại chưa hoàn thiện. Trong khi đó, sản phẩm phải cạnh tranh so với nhiều thị trường gia công dệt may khác như Myanmar, Lào, Campuchia, Parkistan… Nhiều doanh nghiệp bị mất đơn hàng vì chi phí sản xuất của Việt Nam ngày càng cao hơn một số nước trong khu vực.Việt Tiến cũng gặp nhiều thách thức như thị trường xuất khẩu chưa ổn định nên việc quy hoạch hàng hóa cho một số chủng loại mặt hàng còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường nội địa chưa hồi phục, sức mua của người tiêu dùng kém. Tổng Công ty trong giai đoạn đầu tư mở rộng đã bộc lộ những khiếm khuyết về nguồn nhân lực, thiếu nguồn cán bộ cung cấp cho các dự án đầu tư mở rộng và cung cấp các đơn vị thành viên. Năng suất lao động của một số đơn vị mới đầu tư có tăng trưởng nhưng chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2017, Ban Kế hoạch Thị trường của Việt Tiến đã nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng để đảm bảo duy trì sản xuất, quy hoạch nguồn hàng sản xuất ổn định cho các đơn vị mới hoạt động. Bên cạnh đó, Công ty còn tìm kiếm thêm một số khách hàng mới để bù đắp thiếu hụt hàng hoá tại các đơn vị sản xuất.

Đối với hàng FOB xuất khẩu, Công ty tìm kiếm các đơn hàng để duy trì sản xuất, quy hoạch nguồn hàng sản xuất ổn định cho các đơn vị mới hoạt động.Cơ cấu thị trường xuất khẩu năm 2017 của Tổng Công ty khá ổn định, thị trường Nhật Bản 32%, thị trường Mỹ 22%, thị trường châu Âu 17%, còn lại các thị trường khác 29%.

Phan Hiệp