Mô hình giám sát hệ thống tài chính hợp nhất tại Singapore và gợi ý cho Việt Nam

ThS. TẠ THU HỒNG NHUNG (Khoa Ngân hàng - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) và ThS. NGUYỄN MẠNH HÙNG và BẠCH THỊ THU HỒNG (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Qua những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và xu hướng phát triển đa năng của các trung gian tài chính. Một lần nữa, đặt ra cho các nhà quản lý kinh tế vấn đề về giám sát tài chính hiệu quả, lựa chọn một mô hình giám sát tài chính phù hợp cho mỗi quốc gia nhằm tránh được những lỗ hổng của thị trường tài chính. Trong đó, mô hình giám sát tài chính hợp nhất đang là xu hướng dịch chuyển của các nước trên thế giới. Thông qua việc nghiên cứu một trường hợp điển hình mô hình giám sát tài chính tại Singapore, nhóm tác giả đưa ra những gợi ý cho Việt Nam trong việc lựa chọn mô hình giám sát hệ thống tài chính ngân hàng hợp nhất nhằm hướng đến mục tiêu ngăn chặn những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế.

Từ khóa: Giám sát tài chính, mô hình giám sát tài chính hợp nhất, Ngân hàng Trung ương Singapore.

1. Cơ sở lý luận về giám sát tài chính và mô hình giám sát tài chính hợp nhất

Khái niệm

Giám sát tài chính là việc giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động của thị trường tài chính trên ba lĩnh vực chủ yếu: Ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Mô hình giám sát hệ thống tài chính là một cấu trúc có tính hệ thống bao gồm nhiều thành tố tương tác qua lại với nhau, hướng đến mục tiêu duy trì sự ổn định và phát triển của thị trường tài chính.

Hiện nay, trên thế giới có bốn mô hình giám sát tài chính phổ biến, đó là mô hình giám sát theo đặc điểm thể chế; mô hình giám sát theo chức năng; mô hình giám sát lưỡng đỉnh và mô hình giám sát hợp nhất. Trong đó, mô hình giám sát tài chính hợp nhất đang phát triển ngày càng trở nên rõ nét trên phạm vi toàn cầu. Các quốc gia đang áp dụng mô hình giám sát này là Canada, Đức, Nhật Bản, Qatar, Singapore, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Trong đó, Singapore là một quốc gia đi đầu trong việc xây dựng mô hình giám sát hợp nhất.

Ưu điểm của mô hình này là tạo sự thống nhất trong giám sát và ngăn những khoảng cách, mâu thuẫn trong nguồn luật điều chỉnh, đồng thời tiết kiệm được chi phí, nguồn nhân lực, trang thiết bị cho hệ thống giám sát. Bên cạnh đó, cũng có nhược điểm là tạo điều kiện cho một cơ quan giám sát trở nên độc quyền, điều này có thể có những hệ lụy nếu cơ quan đó chuyên quyền và lạm dụng quyền hạn của mình. Tuy nhiên, nhìn chung mô hình này đang được đánh giá cao và các nước đang có xu hướng dịch chuyển.

2. Mô hình giám sát tài chính hợp nhất của Singapore

Singapore, một quốc gia có nền kinh tế phát triển sau các cường quốc nhưng đã vươn lên mạnh mẽ với những cải cách táo bạo, đường lối phát triển kinh tế và thu hút đầu tư đúng đắn, phát triển nhiều tiềm năng với hệ thống tài chính bao gồm số lượng lớn các tổ chức tài chính hoạt động kinh doanh đa dạng trên nhiều lĩnh vực, tập trung ở ba khu vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Tại Singapore, Ngân hàng Trung ương (có tên gọi là MAS, viết tắt của Monetary Authority of Singapore) là cơ quan được ủy quyền phụ trách lĩnh vực tiền tệ với nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, kiềm chế lạm phát và phát triển khu vực dịch vụ tài chính.

Sau khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997, MAS bắt đầu thực hiện giám sát tài chính hợp nhất theo hướng chú trọng giám sát và ngăn chặn rủi ro (Lan and Zhang 2008). Mô hình tổ chức giám sát hệ thống tài chính ngân hàng tại Singapore được tích hợp hoạt động giữa Ngân hàng Trung ương và các tổ chức giám sát.

Cấu trúc giám sát tài chính của MAS được ví như một chiếc ô. MAS giám sát tất cả các lĩnh vực tài chính ngân hàng theo các mục tiêu đã đề ra. MAS đưa ra các chiến lược giám sát đối với từng tổ chức tài chính dựa trên cơ sở đánh giá tác động và đánh giá rủi ro do từng tổ chức mang lại.

Hình 1: Cơ chế giám sát tài chính cảu MAS
Nguồn: Temasek Foundation, (2014), MAS's Approach to Financial Supervision, July 2014

2.1. Cơ cấu tổ chức của MAS

Cơ cấu tổ chức của MAS được cụ thể hóa qua Hình 2 dưới đây:

Hình 2: Cơ cấu tổ chức của MAS
Nguồn: Temasek Foundation, (2014), MAS's Approach to Financial Supervision, July 2014

Trong cơ cấu tổ chức của MAS, có 5 bộ phận phục vụ cho mục đích giám sát đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính, đó là: Bộ phận giám sát ngân hàng (Banking Supervision Department - BD); Bộ phận giám sát các tổ chức phức hợp (Complex Institutions Supervision Department - CI); Bộ phận giám sát bảo hiểm (Insurance Supervision Department - ID); Bộ phận chính sách đảm bảo an toàn (Prudential Policy Department - PPD); Bộ phận chuyên gia giám sát rủi ro (Specialist Risk Supervision Department - SRD).

Để duy trì sự am hiểu về thị trường, MAS duy trì các bộ phận giám sát riêng biệt cho các loại hình tổ chức tài chính (BD, CI, ID) đặt dưới sự phối hợp với hai bộ phận giám sát cao cấp hơn (PPD, SRD), trong đó đặc biệt là bộ phận SRD tập hợp các chuyên gia nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ và đánh giá rủi ro áp dụng cho tất cả các tổ chức tài chính.

2.2. Giám sát dựa trên rủi ro, điểm nổi bật trong hoạt động giám sát của MAS

Một trong những chìa khóa trong mô hình giám sát tài chính hợp nhất của MAS đó là dựa vào rủi ro để giám sát (risk based supervision - RBS) các tổ chức tài chính. Tại Singapore, một phương pháp tiếp cận khá hay trong việc giám sát đó là đánh giá rủi ro tùy theo khẩu vị rủi ro của từng tổ chức tài chính, thay vì có một khung cố định về mức chấp nhận rủi ro kinh doanh hoặc tiêu chuẩn quản trị rủi ro cho mọi tổ chức. MAS sử dụng khung đánh giá rủi ro Comprehensive Risk Assessment Framework and Techniques CRAFT (Hình 3) để đánh giá rủi ro và quản trị rủi ro một cách hiệu quả cho các tổ chức.

Hình 3: Mô hình đánh giá rủi ro tổng thể của MAS
Nguồn: Temasek Foundation, (2014), MAS's Approach to Financial Supervision, July 2014

Để đánh giá xếp hạng rủi ro của một tổ chức, MAS xét trên 4 yếu tố sau: Rủi ro nội tại, nhân tố kiểm soát, giám sát và quản trị, nguồn vốn và khả năng hỗ trợ. Thêm vào đó, nếu xét trên khía cạnh cấp độ giám sát thì một tổ chức tài chính có hai cấp độ: (1) Đánh giá ở cấp độ các hoạt động trọng yếu, bao gồm đánh giá rủi ro nội tại và rủi ro từ các yếu tố kiểm soát, (2) Đánh giá rủi ro từ khu vực kiểm soát cao hơn như ban kiểm soát, ban giám đốc và các nguồn vốn của tổ chức thì việc đánh giá rủi ro ở cấp độ tổ chức.

Nhìn chung, mô hình giám sát của Singapore phù hợp với một quốc gia có mục tiêu hướng tới thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ và hiện đại với sự độc lập của ngân hàng trung ương rất cao, có sự đánh giá đầy đủ hết các loại rủi ro mà từng tổ chức có nguy cơ gặp phải, thể hiện sự linh hoạt khi đưa ra chiến lược giám sát phụ thuộc và mức độ rủi ro và khả năng quản trị rủi ro của từng tổ chức. Bên cạnh đó, việc đánh giá cao vai trò giám sát của những đối tác liên quan như nhà đầu tư, người góp vốn, công ty kiểm toán độc lập góp phần làm minh bạch thông tin thị trường.

3. Một vài gợi ý cho Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính.

3.1. Mô hình giám sát hệ thống tài chính ngân hàng tại Việt Nam

Sơ đồ: Cấu trúc giám sát hệ thống tài chính ngân hàng tại Việt Nam
Nguồn: http://mof.gov.vn

Việt Nam là quốc gia có thị trường tài chính đang phát triển với xu thế kinh doanh tài chính đa năng. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mô hình giám sát tài chính theo thể chế phân tán, mỗi loại hình tổ chức tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm - có một cơ quan giám sát riêng. Bên cạnh đó, giữa các cơ quan này cũng có mối liên hệ hợp tác với nhau và chịu sự chỉ đạo chung của Chính phủ.

Tại Việt Nam, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất. Trực thuộc Chính phủ là các bộ ban ngành, trong đó có Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính là các cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý và giám sát các trung gian tài chính. Cụ thể:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm về các lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, thực thi chính sách tiền tệ và giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong đó, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng là bộ phận trực tiếp giám sát các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

- Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giám sát lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (thành lập theo Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg ngày 3/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ) chịu trách nhiệm giám sát vĩ mô toàn bộ hoạt động của thị trường tài chính.

Việc thực hiện giám sát hệ thống tài chính ngân hàng theo mô hình tổ chức trên tại Việt Nam tồn tại một số hạn chế mang tính chồng chéo, cồng kềnh, vì có sự pha trộn của mô hình giám sát chuyên ngành và mô hình giám sát hợp nhất, các cơ quan giám sát chuyên ngành phối hợp còn lỏng lẻo, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan giám sát còn hạn chế, thiếu minh bạch. Mô hình giám sát hệ thống tài chính tại Việt Nam chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô chịu trách nhiệm về sự an toàn và ổn định của toàn bộ thị trường tài chính quốc gia vì vai trò thực tế của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sau gần 10 năm đi vào hoạt động là rất mờ nhạt. Việt Nam cần thay đổi mô hình giám sát hệ thống tài chính theo hướng phù hợp và hiệu quả, trên cơ sở tham khảo những mô hình giám sát tài chính hiện đại đang được áp dụng tại các quốc gia trên thế giới.

3.2. Một vài gợi ý cho Việt Nam

Trên thực tế, không có một mô hình giám sát tài chính nào ưu việt cho mọi quốc gia. Thông qua việc nghiên cứu mô hình giám sát tài chính tại Singapore kết hợp với việc đánh giá mô hình giám sát tài chính tại Việt Nam, nhóm tác giả khuyến nghị Việt Nam nên chuyển dần từ mô hình giám sát chuyên ngành sang mô hình giám sát hợp nhất với một vài gợi ý sau:

* Thứ nhất, việc chuyển đổi sang mô hình giám sát hợp nhất cần có lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn. Vấn đề quan trọng trước tiên là, quy định rõ ràng về mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan giám sát tài chính hợp nhất cũng như quyền hạn và trách nhiệm của các bộ phận trực thuộc cơ quan này. Tiếp đến là, ban hành Luật về cơ quan giám sát hợp nhất với sự nhất quán với các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của các định chế tài chính. Đồng thời, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động giám sát giữa các bộ phận chức năng và cơ chế hợp tác giữa các bộ phận giám sát với nhau trong việc trao đổi thông tin và kiến nghị chính sách.

* Thứ hai, cần có lộ trình nâng cao các chuẩn mực giám sát an toàn trong hệ thống tài chính, các tiêu chuẩn thế giới trong chuẩn mực kế toán và đánh giá rủi ro nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng nhằm đánh giá đúng thực trạng của các tổ chức tài chính và minh bạch hóa trong hoạt động tài chính.

* Thứ ba, cần có một cơ quan đầu mối giám sát vĩ mô toàn hệ thống tài chính theo đúng bản chất với đầy đủ tính bao quát toàn diện, độc lập và tự chủ cần thiết trong hoạt động giám sát. Vai trò đó nên được trao phó cho Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia với sự bổ sung chức năng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất bắt buộc đối với các định chế tài chính, đồng thời xử lý vi phạm đối với tất cả lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

* Thứ tư, cần nâng cao vai trò của những thành viên tham gia thị trường bên cạnh vai trò giám sát của cơ quan chức năng, một trong những nguyên tắc giám sát của MAS tại Singapore. Để thực hiện điều này, cơ quan giám sát cần phối hợp và lắng nghe mọi phản hồi từ các định chế tài chính trong quá trình thực hiện giám sát.

* Thứ năm, nâng cao công tác quản trị rủi ro trong hoạt động giám sát. Mô hình giám sát tài chính tại Singapore cho thấy, MAS đánh giá tổ chức tài chính rất đầy đủ, khách quan và chính xác qua việc xem xét tất cả các yếu tố gây nên rủi ro cho một tổ chức. MAS thực hiện giám sát không theo những tỷ lệ an toàn cố định cho mọi tổ chức. Do đó, ngoài việc đánh giá rủi ro nội tại, năng lực quản trị rủi ro của một tổ chức tài chính, cơ quan giám sát Việt Nam cần sâu chuỗi những kết quả thu được nhằm đưa ra nhận định đúng đắn nhất về mức độ rủi ro của tổ chức đó và đánh giá thêm mức độ ảnh hưởng của các tổ chức đến hệ thống.

4. Kết luận

Là một bộ phận thuộc hệ thống tài chính thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi tác động của những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Làm thế nào để đứng vững trước những cú sốc bên ngoài cũng như bên trong nền kinh tế? Một trong những vấn đề cần chú trọng, đó là lựa chọn mô hình giám sát hệ thống tài chính ngân hàng phù hợp và hiệu quả. Dựa trên cơ sở lý thuyết cùng với việc nghiên cứu trường hợp điển hình mô hình giám sát tài chính tại Singapore, nhóm tác giả khuyến nghị mô hình giám sát hợp nhất là sự lựa chọn ưu việt nhất cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lê Thị Thu Thủy,(2012), Pháp luật Việt Nam về giám sát thị trường tài chính và thực tiễn áp dụng, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, luật học 28, (2012), 17-29.

2. PGS.TS. Tô Ngọc Hưng và các cộng sự, (2012), Hệ thống giám sát tài chính quốc gia, đề tài cấp Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, mã số KX.01/06-10, năm 2011.

3. Temasek Foundation (2014), MAS Approach to Financial Supervision, July 2014.

4. MAS, (2004), Objectives and principles of Financial Supervision in Singapore, april 2004, revised in April 2013.

5. Jing Geng, Wenjuan Xie, Guibin Zhang, Honggeng Zhou, (2009), Challenges for the Unified Financial Supervision in the PostCrisis Era: Singaporean Experience and Chinese Practice.

6. Temasek Foundation. (2014), Risk assessment Framwork for banks - CRAFT, July 2014.

7. Temasek Foundation,.(2014), On-site Supervision of Banks, July 2014.

8. Ms Yee Theng Tan, (2013), The Supervision of Systemically Important Banks in Singapore, 26th SEACEN - FSI Regional Seminar on Basel III – Capital and Liquidity Frameworks Singapore, 14 August 2013.

SINGAPOREAN CONSOLIDATED FINANCIAL SUPERVISION MODEL AND SUGGESTIONS FOR VIETNAM

MA. TA THU HONG NHUNG

Faculty of Finance and Banking - Banking University of Ho Chi Minh City

MA. NGUYEN MANH HUNG

Banking University of Ho Chi Minh City

MA. BACH THI THU HONG

Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The global financial crisis and the multi-purpose development trend of financial intermediaries have posed to economic regulators the issue of effective financial supervision hence selecting a suitable financial supervision model for each country in order to avoid the gaps of the financial market. In particular, the model of consolidated financial supervision is a global trend. Through the study of a case study of a financial supervisory model in Singapore, the authors provide suggestions for Vietnam in the selection of an integrated banking and financial sector supervisory model to prevent potential risks to the economy.

Keywords: Financial Supervision, Consolidated Financial Supervision Model, Bank of Singapore.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây