Mô hình hoạch định và thực thi chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thương mại hàng tư liệu sản xuất tại Quảng Ninh

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG LOAN (Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội­) và ThS. PHÍ MẠNH CƯỜNG (Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội)

TÓM TẮT:

Việc hoạch định và thực thi chiến lược kinh doanh khoa học với các công cụ phù hợp sẽ giúp các doanh nghiệp thương mại hàng tư liệu sản xuất tại Quảng Ninh có các giải pháp và biện pháp chiến lược hiệu quả để có thể tận dụng được các cơ hội tốt nhất do thị trường mang lại. Bài báo đề xuất mô hình hoạch định và thực thi chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thương mại hàng tư liệu sản xuất tại Quảng Ninh với các nội dung và công cụ phù hợp với những đặc điểm của các doanh nghiệp này, giúp doanh nghiệp có thể hoạch định được một chiến lược kinh doanh hiệu quả và khả thi, đảm bảo hiệu quả công tác quản trị chiến lược nói riêng và hiệu quả kinh doanh nói chung.

Từ khóa: Chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp thương mại, hàng tư liệu sản xuất, tỉnh Quảng Ninh.

1. Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại, khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thương mại (DNTM) hàng tư liệu sản xuất (TLSX) ngày càng khốc liệt, xu hướng cạnh tranh chuyển từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh về chất lượng và khả năng doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong điều kiện kinh doanh đó, việc xây dựng chiến lược kinh doanh (CLKD) của các DNTM hàng TLSX là tất yếu khách quan, là đòi hỏi cấp thiết giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa những cơ hội từ thị trường và biến những lợi thế của mình thành sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Theo số liệu điều tra trong giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động trong môi trường cạnh tranh gay gắt và đầy biến động, các DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh đã nhận thức được vai trò của CLKD, đã chú trọng đến công tác hoạch định và thực thi CLKD. Hầu hết các doanh nghiệp bước đầu đã có CLKD, tuy nhiên CLKD còn chưa đầy đủ về nội dung. Bên cạnh đó, hoạt động hoạch định và thực thi CLKD của các doanh nghiệp này cũng mang tính độc lập tương đối, các quyết định tác nghiệp không xuất phát từ mục tiêu và giải pháp chiến lược, dẫn đến khó kiểm soát việc thực hiện mục tiêu chiến lược đã được xác định. Nguyên nhân chủ yếu là các lý luận về CLKD được các tác giả tiếp cận theo các góc độ khác nhau, từ đó phạm vi và nội dung của CLKD, quy trình hoạch định và thực thi CLKD cũng có sự khác biệt nhất định, các DNTM hàng TLSX là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc vận dụng các lý thuyết về CLKD vào thực tiễn của từng doanh nghiệp, như: xác định các nội dung cơ bản của một chiến lược kinh doanh, các công cụ được sử dụng để phân tích và lựa chọn CLKD... Chính vì vậy, lựa chọn góc độ tiếp cận CLKD và đề xuất mô hình hoạch định và thực thi CLKD của các DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh là cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp có thể hoạch định được một CLKD hiệu quả, khả thi, vừa giúp doanh nghiệp kiểm soát việc đạt được mục tiêu chiến lược đã xác định trong từng thời kỳ.

2. Quan điểm tiếp cận chiến lược kinh doanh của DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh

2.1. Đặc điểm của doanh nghiệp thương mại hàng tư liệu sản xuất tại Quảng Ninh

a. Đặc điểm về quy mô của doanh nghiệp

Một số đặc điểm về qui mô DN, sản phẩm và khách hàng của DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh được khái quát qua số liệu trong Bảng 1.

b. Đặc điểm về quy mô và cơ cấu tổ chức

Qua số liệu thống kê trong bảng 1 cho thấy, trong số 62 DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh được khảo sát, có 59 doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, chiếm 95,16%. Các doanh nghiệp này có số lao động dao động từ 10 - 30 người, cơ cấu tổ chức tương đối đơn giản, chủ yếu là giám đốc, bộ phận kế toán và bộ phận bán hàng và phát triển thị trường. Với các DNTM này, CLKD cần được xây dựng một cách đơn giản trên cơ sở lựa chọn những nội dung cơ bản của CLKD và tích hợp một số nội dung của CLKD. Phương pháp xây dựng chiến lược kinh doanh cũng tương đối đơn giản do bộ phận xây dựng chiến lược kinh doanh thường là ban giám đốc hoặc giám đốc với mức độ hiểu biết về CLKD chưa sâu sắc, kỹ năng và kinh nghiệm xây dựng CLKD chưa thực sự nhiều.

c. Đặc điểm về hàng hóa và mức độ cạnh tranh

Theo số liệu trong Bảng 1, có 9 DNTM (chiếm 14,52%) kinh doanh máy móc thiết bị như ô tô, máy xúc, máy gạt, các thiết bị cơ điện dùng cho ngành mỏ,… Các DNTM kinh doanh máy móc thiết bị có mức độ cạnh tranh không cao, do trên thị trường số lượng các DNTM không nhiều, yêu cầu về vốn lớn và khả năng xâm nhập thị trường khó khăn, mức độ đòi hỏi cao về khả năng tư vấn và mức độ chuyên nghiệp về quy trình bán hàng. DNTM kinh doanh vật tư, phụ tùng thay thế chiếm 24,19% trong tổng số DNTM được điều tra. DNTM kinh doanh các loại tư liệu sản xuất như nhiên liệu, sắt thép, vật liệu xây dựng…, chiếm 61,29%. Đây là hai loại doanh nghiệp tương đối dễ thành lập, xâm nhập thị trường mới, số lượng doanh nghiệp tương đối nhiều, yêu cầu không cao về khả năng tư vấn và am hiểu về sản phẩm. Tuy nhiên, chất lượng các dịch vụ đi kèm hàng hóa có ý nghĩa tương đối lớn trong việc tăng doanh thu hay mở rộng thị trường. Mặt khác, do nguồn cung hàng hóa tương đối lớn, các dịch vụ đi kèm các loại hàng hóa này rất dễ được các DNTM bắt chước lẫn nhau, vì vậy, MTKD trên thị trường hàng hóa này có mức độ cạnh tranh gay gắt. Để thành công trên thị trường, các DNTM cần cung cấp các dịch vụ đặc thù như sửa chữa kèm thiết bị thay thế, bảo hành, bảo trì thiết bị,…

2.2. Quan điểm tiếp cận chiến lược kinh doanh của DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh

Để đề xuất được mô hình hoạch định và thực thi CLKD của DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh, quan diểm về CLKD được tiếp cận theo quy trình hoạch định CLKD của Nguyễn Ngọc Sơn [4], bao gồm 2 giai đoạn hoạch định chiến lược và tổ chức thực thi chiến lược của quá trình quản trị chiến lược Quy trình hoạch định CLKD được trình bày trong Hình 1.

Từ cách tiếp cận quy trình hoạch định CLKD đã được xác định, Chiến lược kinh doanh của DNTM hàng TLSX được hiểu là một chương trình hành động tổng quát gồm mục tiêu chiến lược, các giải pháp, biện pháp thực thi CLKD và các đánh giá, điều chỉnh CLKD nhằm phối hợp và sử dụng hợp lý nguồn lực DNTM hàng TLSX trong điều kiện MTKD xác định, đảm bảo khai thác các cơ hội kinh doanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh để thực hiện mục tiêu kinh doanh dài hạn.

Chiến lược kinh doanh của DNTM hàng TLSX chủ yếu liên quan tới việc làm thế nào để một doanh nghiệp có thể cạnh tranh thành công trên một thị trường (đoạn thị trường) cụ thể. Là một chương trình hành động tổng quát, CLKD của DNTM hàng TLSX chủ yếu được hoạch định bởi các cấp quản lý của doanh nghiệp và được cụ thể hóa thành các kế hoạch, biện pháp, được phổ biến tới các bộ phận trong doanh nghiệp để cùng thực thi các quyết định chiến lược đó.

3. Các yếu tố của mô hình hoạch định và thực thi chiến lược kinh doanh của DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh

3.1. Mục tiêu chiến lược kinh doanh

Mục tiêu chiến lược của DNTM hàng TLSX được hiểu khái quát nhất là cái đích mà doanh nghiệp cần phải đạt tới. Mục tiêu của mỗi DNTM hàng TLSX có thể được xác định cho toàn bộ quá trình tồn tại và phát triển hoặc có thể chỉ gắn với từng giai đoạn phát triển nhất định. Hệ thống mục tiêu chiến lược thường bao gồm 3 nhóm: Mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu trung hạn. Các nhóm mục tiêu này trong hệ thống mục tiêu chiến lược của DNTM cần được xác định xuyên xuốt và phù hợp với tầm nhìn hoặc sứ mạng của doanh nghiệp.

3.2. Các kết quả phân tích môi trường kinh doanh và nội bộ doanh nghiệp

Phân tích MTKD là việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài doanh nghiệp và các yếu tố thuộc nội bộ doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp xác định điểm mạnh điểm yếu, cơ hội và nguy cơ trong kinh doanh [3].

- Phân tích MTKD bên ngoài doanh nghiệp để xác định các cơ hội và nguy cơ trong kinh doanh của DNTM hàng TLSX trong tương lai.

+ Các nội dung phân tích môi trường vĩ mô của doanh nghiệp tập trung vào các yếu tố thuộc môi trường như: (1) yếu tố chính trị, pháp luật; (2) yếu tố kinh tế; (3) yếu tố văn hóa, xã hội; (4) yếu tố kỹ thuật, công nghệ; (5) yếu tố cơ sở hạ tầng... [5]

+ Các nội dung phân tích môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp thường được các DNTM hàng TLSX áp dụng là phân tích các lực lượng cạnh tranh theo quan điểm của Michael Porter: (1) sức mạnh nhà cung cấp; (2) sản phẩm thay thế; (3) khách hàng; (4) đối thủ cạnh tranh hiện tại; (5) đối thủ cạnh tranh tiềm tàng [5].

Các kết quả phân tích MTKD sẽ giúp DNTM hàng TLSX tìm ra những cơ hội và nguy cơ do thị trường đem lại.

- Phân tích nội bộ của doanh nghiệp: Bao gồm phân tích về các nguồn lực doanh nghiệp có khả năng huy động vào hoạt động kinh doanh trong giai đoạn thực thi chiến lược như nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực và khả năng đem lại những giá trị cho khách hàng, khả năng tổ chức kinh doanh, tổ chức lao động.v.v.

Kết quả phân tích môi trường bên ngoài và môi trường bên trong của DNTM hàng TLSX được đề xuất là tập hợp trong ma trận SWOT và được sử dụng làm căn cứ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định về chiến lược kinh doanh tổng quát và đề xuất các giải pháp và biện pháp chiến lược kinh doanh [3].

3.3. Giải pháp chiến lược kinh doanh

* Các giải pháp chiến lược của DNTM hàng TLSX được đưa ra trên cơ sở các thông tin trong ma trận SWOT và gắn với mục tiêu của doanh nghiệp nhằm có thể tận dụng tối đa cơ hội do thị trường đem lại, khắc phục được những đểm yếu, phát huy được những điểm mạnh và giảm thiểu tối đa những nguy cơ từ môi trường kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu chiến lược.

* Các giải pháp thực thi chiến lược của DNTM hàng TLSX bao gồm các quyết định mang tính kế hoạch trung hạn để triển khai thực thi các giải pháp chiến lược. Trên cơ sở mục tiêu chiến lược, DNTM hàng TLSX xác định các mục tiêu trung hạn từ 1-2 năm đối với doanh thu, sản lượng tiêu thụ, lợi nhuận... và đề xuất các giải pháp cần thực hiện để đạt được những mục tiêu đã xác định.

Để tạo thuận lợi cho việc quản trị chiến lược, diễn giải các giải pháp chiến lược và xây dựng các biện pháp thực hiện các kế hoạch ngắn hạn, công cụ hiệu quả và phù hợp đối với các DNTM hàng TLSX nhỏ và vừa khi đề xuất và diễn giải các giải pháp thực thi chiến lược kinh doanh là bản đồ chiến lược.

Hiện nay, bản đồ chiến lược đang được rất nhiều doanh nghiệp ở nước ta và trên thế giới đang sử dụng [2] với ý nghĩa giúp DN mô tả CLKD của mình theo trình tự logic và toàn diện thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa nguồn lực và giá trị được tạo ra từ việc sử dụng nguồn lực. Bên cạnh đó, bản đồ chiến lược cung cấp mối liên hệ còn thiếu giữa việc hoạch định và triển khai thực thi CLKD của DN, đồng thời là công cụ kết nối các tài sản vô hình của DN để đạt được hiểu quả hoạt động vượt trội [2]. Mô hình bản đồ chiến lược cơ bản của DNTM hàng TLSX nhỏ và vừa đươc trình bày trong Hình 2.

Bản đồ chiến lược của DNTM hàng TLSX nhỏ và vừa được xây dựng theo phương pháp tư duy logic. Từ mục tiêu trung hạn đã xác định, doanh nghiệp xác định hệ thống giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đã xác định. Sau khi xác định được hệ thống các giải pháp, doanh nghiệp tiến hành so sánh, đối chiếu giữa các giải pháp chiến lược và các kết luận phân tích trong ma trận SWOT, từ đó lựa chọn những giải pháp có thể thực hiện được do có cơ hội từ thị trường đem lại và tận dụng được điểm mạnh của doanh nghiệp cũng như né tránh được các nguy cơ, khắc phục được điểm yếu của mình. Các giải pháp thực thi CLKD trong bản đồ chiến lược được chia thành 4 nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau:

- Giải pháp tài chính: Bao gồm những giải pháp về tài chính để đạt được mục tiêu đã xác định như doanh thu, hiệu suất sử dụng các yếu tố đầu vào, lợi nhuận…

- Giải pháp khách hàng: Các giải pháp khách hàng giúp doanh nghiệp trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích gì cho khách hàng để có thể đạt được.

mục tiêu thông qua các giải pháp tài chính. Nhóm giải pháp khách hàng được xác định trên cơ sở nhóm giải pháp tài chính, đồng thời, là cơ sở thúc đẩy thực hiện nhóm giải pháp tài chính.

- Giải pháp quy trình nội bộ: Các giải pháp quy trình nội bộ giúp doanh nghiệp trả lời câu hỏi doanh nghiệp cần làm gì để đem lại các lợi ích cho khách hàng đã được xác định ở phần trên. Các giải pháp về quy trình nội bộ liên quan đến việc sử dụng nguồn lực và tổ chức sản xuất, tổ chức lao động… sao cho thực hiện được những giải pháp tài chính và khách hàng đã xác định.

- Giải pháp đào tạo và phát triển: Bao gồm các giải pháp liên quan đến đào tạo để nâng cao năng lực của tổ chức và của nguồn nhân lực. Các giải pháp đào tạo và phát triển được đề xuất trên cơ sở các giải pháp quy trình nội bộ và có vai trò đảm bảo các giải pháp quy trình nội bộ được thực hiện.

3.4. Biện pháp thực thi chiến lược kinh doanh

Với DNTM nhỏ và vừa, công cụ hợp lý được đề xuất cho quản trị chiến lược, xác định mục tiêu cũng như các giải pháp ngắn hạn và là công cụ đánh giá thực hiện chiến lược là công cụ thẻ điểm cân bằng.

Thẻ điểm cân bằng là một công cụ hữu hiệu được sử dụng trong giai đoạn triển khai thực thi CLKD, được đề xuất bởi hai chiến lược gia Robert S. Kaplan và David P. Norton (2015) nhằm giúp các doanh nghiệp có thể triển khai thực thi CLKD một cách dễ dàng và hiệu quả [1]. Mô hình thẻ điểm cân bằng được trình bày trong Hình 3.

Hình 3: Mô hình thẻ điểm cân bằng
Nguồn: Thẻ điểm cân bằng, Robert S. Kaplan và David P.Norton, 2015

Thông qua sử dụng thẻ điểm cân bằng, các doanh nghiệp có thể quản lý hiệu quả công việc, kết nối công việc của từng cá nhân/bộ phận trong một tổ chức với chiến lược và mục tiêu chung của doanh nghiệp [1]. Mối quan hệ giữa bản đồ chiến lược và thẻ điểm cân bằng được mô tả trong hình 3. Hệ thống thẻ điểm được xây dựng cho hệ thống chỉ tiêu liên quan đến bốn khía cạnh kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết với nhau được gọi là thẻ điểm cân bằng. Một thẻ điểm cân bằng luôn bao gồm tối thiểu 4 nội dung chính, gồm: Mục tiêu doanh nghiệp/bộ phận mong muốn đạt được; (2) Thước đo các kết quả; (3) Chỉ tiêu biểu thị kết quả; (4) Kế hoạch và biện pháp đạt được các chỉ tiêu [1]. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể bổ sung lên thẻ điểm cân bằng các thông tin khác như tần suất kiểm soát các chỉ tiêu; công cụ để tính toán, trọng số của mỗi mục tiêu trong tổng số các mục tiêu; tổ chức/cá nhân thực hiện.

Thông qua việc sử dụng thẻ điểm cân bằng, DNTM có thể kiếm soát được mục tiêu chiến lược, gắn kết được mục tiêu của doanh nghiệp với mục tiêu của bộ phận và mục tiêu của các cá nhân, đánh giá được mức độ hoàn thành mục tiêu của doanh nghiệp và mỗi bộ phận để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Mô hình hoạch định và thực thi CLKD của các DNTM hàng tư liệu sản xuất tại Quảng Ninh được trình bày trong Hình 4.

Hình 4: Mô hình hoạch định và thực thi CLKD của các DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh

4. Kết luận

Mô hình hoạch định và thực thi chiến lược kinh doanh với các nội dung cơ bản của một chiến lược kinh doanh và công cụ phù hợp với đặc điểm của DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh được đề xuất sẽ giúp DN nắm được lý luận chung nhất về CLKD, phương pháp hoạch định và thực thi CLKD một cách hiệu quả và khả thi. Với công cụ thẻ điểm cân bằng trong triển khai thực thi CLKD được đề xuất, DNTM hàng TLSX tại Quảng Ninh có thể kiểm soát được mục tiêu chiến lược, tích hợp được công cụ quản trị chiến lược với công cụ quản trị kinh doanh hiện đại, từ đó đảm bảo hiệu quả quản trị chiến lược và hiệu quả quản trị kinh doanh.

TÀII LIỆU THAM KHẢO:

1. Kaplan, R. S., et al. (2015), Thẻ điểm cân bằng, Dịch từ tiếng Anh: Lê Đình Chi và Trịnh Thanh Thủy, Nhà xuất bản Trẻ, Hà Nội.

2. Kaplan, R. S., et al. (2015), Bản đồ chiến lược, Dịch từ tiếng Anh, Phan Thị Công Minh và Vũ Minh Tú, Nhà xuất bản Trẻ, Hà Nội.

3. Nguyễn Khoa Khôi và Đồng Thị Thanh Phương (2007), Quản trị chiến lược, Nhà xuất bản Thống kê, Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Ngọc Sơn (2010), Quản trị chiến lược, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

5. Porter, M. (1996), What is business strategy, Harvard Business Review.

THE PLANNING AND IMPLEMENTING

BUSINESS MODEL FOR INPUT MATERIAL ENTERPRISES

IN QUANG NINH PROVINCE

MA. NGUYEN THI HONG LOAN

MA. PHI MANH CUONG

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

The planning and implementation of a scientific business strategy with appropriate tools will help enterprises producing input materials in Quang Ninh have effective solutions and strategic measures to take advantage of the opportunities offered by the market. The paper proposes a model for planning and executing business strategies for such enterprises in Quang Ninh with contents and tools which are suitable to the characteristics of these enterprises. The model will also help those enterprises plan a feasible business strategy ensuring the effectiveness of strategic management in particular and business efficiency in general.

Keywords: Business strategy, commercial enterprises, production materials, Quang Ninh province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây