Mô hình nghiên cứu tác động của kiểm soát nội bộ đến hiệu quả hoạt động và rủi ro tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

HOÀNG THỊ HUYỀN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm xây dựng mô hình lý thuyết xem xét tác động của kiểm soát nội bộ (KSNB) đến các mục tiêu kiểm soát. Đó là mục tiêu hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.

Từ khóa: Kiểm soát nội bộ, hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Trên thực tế, các đơn vị đều mong muốn hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được hiệu quả cao, hoạt động tuân thủ pháp luật và các quy định, báo cáo tài chính (BCTC) được lập một cách tin cậy. Tuy nhiên, trong hoạt động của các đơn vị luôn tiềm ẩn nguy cơ không đạt được mục tiêu do những yếu kém từ nhà quản lý, đội ngũ nhân viên hoặc do bên thứ ba trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, gây ra những rủi ro và làm giảm hiệu quả hoạt động của đơn vị. Việc xây dựng KSNB là một trong những biện pháp đánh giá và quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm giúp đơn vị đạt được các mục tiêu đặt ra.

Trong những năm qua, hệ thống NHTM Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể về quy mô tài sản, hệ thống mạng lưới giao dịch, sản phẩm dịch vụ cũng như hệ thống công nghệ ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, hệ thống NHTM cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và có nguy cơ xảy ra rủi ro. Một trong những giải pháp mang tính chiến lược và cấp thiết là việc thiết lập và nâng cấp KSNB của NHTM (Podpiera, R., 2006). KSNB đã trở thành cơ chế tự phòng chống rủi ro quan trọng và mang lại hiệu quả trong hoạt động.

Thực tế, hoạt động KSNB tại các NHTM Việt Nam mới được đề cập về mặt lý luận và áp dụng vào thực tiễn trong vài năm gần đây, tuy nhiên quá trình áp dụng còn nhiều lúng túng, thiếu kinh nghiệm. Do vậy, KSNB đang được hiểu và thực hiện khác nhau cũng như chưa được đặt đúng vị trí ở mỗi ngân hàng.

Nghiên cứu sẽ giúp nâng cao sự phù hợp của KSNB trong ngân hàng, nhằm tăng hiệu quả quản trị, đồng thời tuân thủ yêu cầu về KSNB của Ngân hàng Nhà nước; giúp các NHTM tại Việt Nam đạt được các mục tiêu trong hoạt động, mang lại hiệu quả cao và quản lý tốt các rủi ro của mình.

2. Mô hình lý thuyết nghiên cứu tác động của KSNB đến hiệu quả hoạtđộng và rủi ro các NHTM Việt Nam

NHTM đã trở thành định chế tài chính quan trọng của nền kinh tế, có vai trò thiết thực trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển. NHTM là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, là một trung gian tài chính, hoạt động NHTM là hoạt động có tính chất kinh doanh.

Trong hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh tiền tệ ngân hàng nói riêng đều đòi hỏi phải có một hệ thống tổ chức, quản lý và kiểm soát tốt nhằm đạt được mục tiêu trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Mục tiêu hoạt động của NHTM chủ yếu tập trung vào khả năng sinh lời và ngăn ngừa hạn chế rủi ro trong kinh doanh.

Một số công trình nghiên cứu về KSNB các NHTM tại Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc vận dụng các bộ phận cấu thành của KSNB theo báo cáo COSO và Basel riêng biệt cho từng ngân hàng. Tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu định lượng xây dựng các mô hình KSNB tác động đến các mục tiêu kiểm soát ngân hàng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chưa có cách tiếp cận lý thuyết làm nền tảng nghiên cứu như lý thuyết đại diện, lý thuyết đối phó ngẫu nhiên và một số lý thuyết khác.

Qua tổng quan các nghiên cứu trước đó, ta có thể rút ra một số lỗ hổng về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn cho tình hình nghiên cứu về lĩnh vực này ở Việt Nam như sau: (1) Các nghiên cứu chủ yếu sử dụng khuôn khổ báo cáo COSO để phân tích các thành phần KSNB doanh nghiệp và ngân hàng, chưa có nhiều tiếp cận khuôn khổ báo cáo Basel hướng dẫn về KSNB riêng cho lĩnh vực ngân hàng; (2) Chưa có nghiên cứu dựa trên cách tiếp cận lý thuyết đại diện, lý thuyết đối phó ngẫu nhiên và những lý thuyết khác nghiên cứu về KSNB trong các doanh nghiệp và NHTM tại Việt Nam; (3) Việc nghiên cứu KSNB tại các NHTM trong các nghiên cứu tại Việt Nam chỉ thực hiện nghiên cứu tình huống cho một ngân hàng cụ thể, đây là một hạn chế trong việc gợi ý chính sách áp dụng cho nhiều NHTM tại Việt Nam.

Theo khuôn mẫu KSNB của COSO năm 1992 và được cập nhật trong những năm 2006, 2009, 2013, KSNB gồm có 5 yếu tố: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro, Hoạt động kiểm soát, Thông tin và Truyền thông, Giám sát. Báo cáo Basel (1998) của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã đưa ra công bố về “Khuôn khổ KSNB trong ngân hàng”. Báo cáo không đưa ra những lý luận mới mà chỉ vận dụng các lý luận cơ bản của COSO năm 1992 vào lĩnh vực ngân hàng. Basel đề ra 13 nguyên tắc thiết kế và đánh giá KSNB ngân
hàng. Về cơ bản, các nguyên tắc này tương tự như 5 yếu tố cấu thành KSNB theo báo cáo của COSO.

Dựa trên cách tiếp cận lý thuyết đại diện, lý thuyết đối phó ngẫu nhiên, khái niệm về KSNB, các thành phần của KSNB trong báo cáo COSO, các nguyên tắc kiểm soát của Basel và các nghiên cứu thực nghiệm của một số tác giả, nghiên cứu xây dựng mô hình lý thuyết gồm 5 thành phần của KSNB tác động đến hiệu quả hoạt động và rủi ro của các NHTM Việt Nam như Hình minh họa. (Xem Hình)

Các thành phần của KSNB trong NHTM Việt Nam là các biến độc lập, được xác định bằng những câu hỏi dựa trên các nội dung theo 5 thành phần KSNB trong khuôn khổ báo cáo COSO năm 1992 và được cập nhật trong những năm 2006, 2009, 2013 và 13 nguyên tắc KSNB trong báo cáo Basel năm 1998 (Jokipii, A., 2010; Leng, J. & Zhao, P., 2013).

Đối với mục tiêu đạt hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng, có thể được đánh giá thông qua hiệu quả tài chính (Rose, P.S., 1998). Hiệu quả tài chính trong các nghiên cứu ảnh hưởng của KSNB đến hiệu quả hoạt động thường được đo lường bằng chỉ tiêu khả năng sinh lời: Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) (Leng, J. & Zhao, P., 2013; Fanta, A.B. và cộng sự 2013). Do vậy, tác giả dựa trên nghiên cứu của Fanta, A.B. và cộng sự, (2013) sử dụng ROA làm thang đo cho biến phụ thuộc hiệu quả tài chính đại diện cho hiệu quả hoạt động của NHTM Việt Nam.

Các nhà quản lý NHTM có thể quan tâm nhiều đến việc nâng cao giá trị doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh khả năng sinh lời nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, nhưng không được xem nhẹ việc đánh giá rủi ro mà mình phải chịu trách nhiệm. Một nền kinh tế biến động hơn với những vấn đề xuất hiện gần đây liên quan đến lĩnh vực năng lượng, bất động sản, tài chính và đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng; dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bùng nổ bong bóng bất động sản, nợ xấu tăng cao, mất khả năng thanh khoản và dẫn đến phá sản các NHTM.

Do những biến động trên đã khiến cho các NHTM tập trung hơn vào đo lường, đánh giá và quản lý rủi ro. Các ngân hàng thường quan tâm đến 6 loại rủi ro chính sau: Rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro thu nhập, rủi ro phá sản (Rose, P.S., 1998). Các nghiên cứu ảnh hưởng của KSNB đến rủi ro của ngân hàng thường sử dụng các loại rủi ro trên để đo lường, đánh giá và quản lý rủi ro. (Jin, J.Y.và cộng sự, 2013).

Trong các rủi ro trên, rủi ro đối với khả năng tồn tại lâu dài của ngân hàng được gọi là rủi ro phá sản, thường được nhiều nhà quản lý ngân hàng quan tâm (Rose, P.S., 1998). Trên thế giới, đã có nghiên cứu về rủi ro phá sản ngân hàng sử dụng chỉ số Z-score của Boyd & Runkle năm 1993 để lượng hóa sự ổn định, đo lường sự lành mạnh của các NHTM. Trong đó, có nghiên cứu của Jin, J.Y.và cộng sự (2013) về tác động của KSNB đến rủi ro của ngân hàng đã sử dụng chỉ số Z-score của Boyd & Runkle.

Trong mô hình nghiên cứu của tác giả cũng sử dụng chỉ số rủi ro phá sản, còn gọi là rủi ro vỡ nợ, đo lường cho biến phụ thuộc rủi ro của NHTM Việt Nam. Chỉ số Z-score do Boyd & Runkle (1993) sử dụng để đo lường rủi ro phá sản của NHTM được tính như sau:

(ROA + E/A)/σROA.

Trong đó:

ROA: Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân;

E/A: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu bình quân trên tổng tài sản bình quân;

σ(ROA): Độ lệch chuẩn ROA của ngân hàng.

Lưu ý: Tính chất của Z-score là khi có giá trị càng lớn thì rủi ro phá sản càng thấp.

Mô hình nghiên cứu tác động của KSNB theo báo cáo COSO và Basel đến hiệu quả hoạt động và rủi ro các NHTM được áp dụng trong điều kiện môi trường pháp luật Việt Nam, do vậy nghiên cứu cần xem xét đến yếu tố quy định pháp luật về KSNB và mức độ áp dụng quy định trong các NHTM tại Việt Nam. Thông tư số 44/2011/TT-NHNN, quy định về 9 yêu cầu và nguyên tắc hoạt động của KSNB trong tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, tác giả sử dụng đánh giá KSNB theo Thông tư số 44/2011/TT-NHNN làm biến kiểm soát trong mô hình nghiên cứu.

Từ những phân tích các biến sử dụng trong mô hình, tác giả đưa ra 2 mô hình lý thuyết nghiên cứu tác động của KSNB đến hiệu quả hoạt động và rủi ro của các NHTM Việt Nam, cụ thể gồm: Các biến độc lập là 5 thành phần KSNB ngân hàng theo báo cáo COSO và Basel; Biến kiểm soát là mức độ vận dụng KSNB theo quy định Việt Nam; Biến phụ thuộc gồm ROA và Z-score.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abbas, Q. & Iqbal, J. (2012). Internal Control System: Analyzing TheoreticalPerspective and Practices, Middle-East Journal of Scientific Research, 12 (4):530-538.
    2. Aman H., Nguyen P., (2008). Do stock prices reflect the corporate governance quality of Japanese firm
  2. Amudo, A., Inanga, E.L. (2009). Evaluation of Internal Control Systems: A CaseStudy from Uganda. International Research Journal of Finance andEconomics, 27, 124-144.4. Ashbaugh-Skaife, H., Collins, D.W., Kinney, Jr.W.R, LaFond, R. (2009). The Effect of SOX Internal Control Deficiencies on Firm Risk and Cost of Equity. Journal of Accounting Research, 47(1), 1-43. 5. Basel Report (1998). Framework for Internal Control Systems in Banking Organisation. Switzerland: Basel Committee on Banking Supervision.

A research model to assess the impact of internal control on operational efficiency and risk managgement of commercial

banks in Vietnam

Ph.D Hoang Thi Huyen

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

This study is to build a theoretical model to assess the impact of internal control on control objectives which are the objective of operational efficiency and risk management of commercial banks in Vietnam.

Keywords: Internal control, operational efficiency, risk management, commercial banks.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]