Mô hình phòng kế toán mô phỏng - Chìa khóa mở cánh cửa việc làm cho sinh viên ra trường

ThS. LƯƠNG QUẾ CHI (Khoa Tài chính Kế toán, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh) và TS. NGUYỄN ĐÌNH KHIÊM (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT :

Việc thực hành trên phòng kế toán mô phỏng là vấn đề không thể thiếu ở các trường đào tạo chuyên ngành kế toán kiểm toán. Điều này không những giúp cho sinh viên được thực hành kiến thức chuyên môn mà còn được rèn luyện những kỹ năng nghề. Bài viết phân tích và đánh giá những lợi ích từ việc sử dụng phòng kế toán mô phỏng trong chương trình đào tạo ngành Kế toán.

Từ khóa: Chương trình đào tạo, thực hành, kế toán mô phỏng, nhu cầu việc làm, phần mềm kế toán.

1. Đặt vấn đề

      Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng. Việc gia nhập này đem đến cho Việt Nam sự tự do thương mại, sự tự do chuyển dịch lao động trong khu vực,… Đứng trước xu hướng này, nguồn nhân lực các ngành nghề nói chung và nhân lực ngành kế toán nói riêng tại Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức.

      Để đáp ứng nguồn nhân lực kế toán cho thị trường lao động thời kỳ hội nhập, đòi hỏi Việt Nam cần phải hướng đến đội ngũ nhân lực kế toán có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm, có kỹ năng cần thiết và chịu áp lực,… mới tận dụng được các cơ hội.

      Tuy nhiên, đào tạo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập là tất yếu, nhưng cũng cần chú ý đến đặc điểm tại Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn, trên 90% (vi.wikipedia.org) trong tổng số các doanh nghiệp. Với đặc điểm hạn chế về nguồn lực tài chính, việc đào tạo lại cho nhân sự kế toán tại các doanh nghiệp này rất khó thực hiện. Do vậy, sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán khi ra trường cần đáp ứng được công việc ngay.

Theo dự báo của VietnamWorks - trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam, trong danh sách top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 có nghề kế toán, kiểm toán,... Sự trở lại này đã đánh dấu gần 10 năm vắng bóng trong nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của nghề kế toán, kiểm toán.

Đồng thời qua khảo sát Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin lao động TP. Hồ Chí Minh (Falmi) vừa thông báo kết quả khảo sát thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh năm 2019 - dự báo nhu cầu nhân lực năm 2020 cần khoảng 323.000 chỗ làm việc, trong đó có 135.000 chỗ làm việc mới, tập trung ở các ngành: kinh doanh - thương mại, dịch vụ - phục vụ, vận tải - kho bãi, dệt may - giày da, cơ khí - tự động hóa, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng,…

Là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, các trường nên làm gì?

Thực tế cho thấy, việc đào tạo chuyên ngành kế toán ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, trong đó, thừa lý thuyết, thiếu thực hành được xem là nguyên nhân của mọi nguyên nhân (Nguyễn Vĩnh Khương, Đoàn Anh Thư, 2014).

2. Tổng quan về phòng kế toán mô phỏng

2.1. Một số khái niệm hạch toán kế toán và kế toán mô phỏng

2.1.1. Kế toán tài chính

      Có nhiều định nghĩa khác nhau về kế toán - ngôn ngữ của kinh doanh; các định nghĩa về kế toán luôn thay đổi nhằm đáp ứng với sự thay đổi của môi trường kế toán. Theo liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC):

“Kế toán là nghệ thuật của việc ghi chép, phân loại, tổng hợp bằng phương pháp riêng và ghi nhận bằng tiền các nghiệp vụ, sự kiện có tính chất tài chính và giải thích kết quả của nó”.

Một định nghĩa về kế toán được chấp nhận trong suốt từ thập niên 1970 đến nay là định nghĩa được trình bày trong “Báo cáo về lý thuyết kế toán căn bản” ban hành bởi Viện kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (AICFA).

 “ Kế toán là một tiến trình ghi nhận, đo lường, xử lý và cung cấp các thông tin kinh tế nhằm hỗ trợ cho các đánh giá và các quyết định của người sử dụng thông tin”.

        Kế toán tài chính trang bị những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp. Môn học này tập trung vào những  nguyên tắc, chuẩn mực kế toán nhằm giúp sinh viên phân tích, giải thích được bản chất của nghiệp vụ kinh tế phát sinh, từ đó ghi nhận trên các chứng từ, sổ sách và cuối cùng là tổng hợp phản ánh lên Báo cáo Tài chính.

2.1.2  Thực hành ghi sổ kế toán và phần mềm kế toán

       Thực hành ghi sổ kế toán là việc kế toán thực hiện các công việc của mình hoàn toàn thủ công, từ việc lập các chứng từ cho đến việc phản ánh các thông tin đó lên các sổ kế toán liên quan (Sổ nhật ký, sổ chi tiết, sổ cái,…)  và lập các báo cáo theo từng phần hành kế toán cụ thể phục vụ theo yêu cầu quản lý kinh tế tài chính của doanh nghiệp. Học phần này sẽ giúp cho sinh viên hiểu được quy trình thực hiện công việc kế toán.

      Phần mềm kế toán là hệ thống các chương trình được lập trình sẵn nhằm thực hiện xử lý tự động các thông tin kế toán trên máy vi tính, bắt đầu từ khâu nhập chứng từ gốc, phân loại chứng từ, xử lý thông tin trên chứng từ theo quy trình của kế toán sau đó in ra các sổ sách kế toán và báo cáo kế toán. Phần mềm kế toán chính là công cụ tự động hóa công tác xử lý thông tin kế toán trong các đơn vị. Khi áp dụng phần mềm kế toán vào công tác kế toán thì bộ phận kế toán trong đơn vị không còn phải thực hiện một cách thủ công một số khâu công việc, như: Ghi sổ kế toán chi tiết, sổ kế toán tổng hợp, tổng hợp số liệu lập báo cáo kế toán; mà chỉ phải thực hiện các công việc phân loại, bổ sung thông tin chi tiết vào chứng từ gốc, nhập dữ liệu từ chứng từ vào máy, kiểm tra, phân tích số liệu trên các sổ, báo cáo kế toán để có thể đưa ra các quyết định phù hợp.

2.1.3. Kế toán mô phỏng

      Kế toán mô phỏng là việc mô phỏng các nghiệp vụ, công việc trình tự thực hiện công việc thực tế của phòng kế toán tại một doanh nghiệp và từ đó sinh viên có thể thực hành các phần hành, công việc kế toán trên phòng kế toán mô phỏng  này. Công việc thực hành này giống như  nhân viên kế toán thực tại phòng kế toán của doanh nghiệp (ACPro).

      Mỗi phần hành kế toán trong phòng kế toán mô phỏng sẽ tóm tắt những mục tiêu cần nắm rõ, giúp sinh viên tập trung để hiểu bài toán kinh kế đặt ra.

      Sau khi sinh viên thực hành trên phòng kế toán mô phỏng, sinh viên sẽ hình dung được toàn bộ công việc kế toán tại một doanh nghiệp. Từ hệ thống chứng từ kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp,… các quy định về thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, thời điểm và nơi nộp báo cáo.

2.2. Nội dung chương trình thực hành trên phòng kế toán mô phỏng

      Nội dung chương trình thực hành trên phòng kế toán mô phỏng thông thường được thiết kế gồm 3 phần gồm::

    Thực hành thủ công - Thực hành trên phần mềm - Thực hành trên “Kho dữ liệu”.

       Phần thực hành thủ công (lập chứng từ, ghi sổ, lên báo cáo bằng thủ công) đây chính là môn thực hành ghi sổ kế toán. Thực hành trên phần mềm chuyên dụng (từ chứng từ gốc nhập liệu vào phần mềm chuyên dụng trên máy tính, in các báo cáo) đây chính là môn kế toán máy trong chương trình đào tạo hiện nay.

      Như vậy khi sử dụng phòng kế toán mô phỏng thì môn thực hành ghi sổ và môn kế toán máy được tích hợp cùng chung một hệ thống dữ liệu và sinh viên được thực hành trên phòng kế toán mô phỏng với bộ dữ liệu liên thông và xuyên suốt trên môn học (Lấy bộ dữ liệu đã hoàn thiện từ phần thủ công để nhập vào phần mềm ), từ đó sinh viên so sánh số liệu kết quả của 2 phương pháp (cùng 1 kết quả).

      Phương pháp này giúp cho sinh viên hiểu được bản chất số liệu kế toán từ chứng từ, sổ, tài khoản, báo cáo tài chính, báo cáo thuế.

      Thực hành trên “Kho dữ liệu” giúp cho sinh viên tập trung thực hành toàn diện và sâu sắc quy trình hạch toán kế toán những loại hình doanh nghiệp như: Công ty xây dựng; Dịch vụ nhà hàng khách sạn; Doanh nghiệp sản xuất; Công ty xuất nhập khẩu. Với mỗi loại hình, kho dữ liệu được cập nhật đầy đủ chứng từ thực trong 1 kỳ hoạt động mới nhất. Điều này giúp sinh viên cập nhật các chính sách kế toán, thuế, bảo hiểm,… khi thực hành.

      Thực hành trên phòng kế toán mô phỏng sinh viên không những được trang bị đầy đủ về lý thuyết, thực hành chuyên môn mà còn được rèn luyện kỹ năng cần thiết, như: sử dụng thiết bị văn phòng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong làm việc,...

3. Những lợi ích từ việc sử dụng phòng kế toán mô phỏng

3.1.  Lợi ích đối với sinh viên

      Sinh viên là người được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình đào tạo này. Phòng kế toán mô phỏng là môi trường thực tế cho sinh viên học tập và nghiên cứu. Cụ thể như: Phòng kế toán mô phỏng thường xây dựng ngay trong trường mang đến cho sinh viên môi trường học tập như thật tại doanh nghiệp, tạo tâm lý tốt cuốn hút vào công việc kế toán. Đặc biệt, phòng kế toán mô phỏng giúp sinh viên được làm việc trực tiếp với công cụ phần mềm kế toán, với chứng từ sống và các phương tiện trợ giúp nghe nhìn như máy Fax, máy photo, Scan, Internet, kỹ thuật nghe gọi điện thoại, gửi email,… Rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng mềm hữu ích, như: Kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng vận dụng chính sách kế toán, thuế,…

3.2. Lợi ích đối với nhà trường

      Xây dựng kế toán mô phỏng trong chương trình đào tạo, gắn liền giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, thực tế đảm bảo được chất lượng đào tạo theo tuyên bố chuẩn đầu ra của ngành Kế toán - Kiểm toán sẽ khẳng định được uy tín, thương hiệu của nhà trường.

 3.3. Lợi ích đối với giảng viên

      Đây là cơ hội để giảng viên tìm hiểu, cập nhật các chính sách kế toán, thuế,… trong bài giảng. Đồng thời khi dạy trong phòng kế toán mô phỏng, giảng viên thường đóng vai kế toán trưởng, đảm nhiệm việc tổ chức phân công công việc trong phòng ở từng thời điểm khác nhau, đảm bảo sinh viên được thực hành qua tất cả các phần hành, công việc kế toán của phòng kế toán mô phỏng. Vì vậy, đòi hỏi giảng viên phải là những người có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chuyển tải nội dung kiến thức tốt và phải có kinh nghiệm thực tiễn trong nghề kế toán.

3.4. Lợi ích đối với nhà tuyển dụng

      Nhà tuyển dụng luôn mong muốn tuyển được nhân sự đáp ứng ngay nhu cầu công việc của doanh nghiệp. Với chương trình đào tạo thực hành trên phòng kế toán mô phỏng, khi sinh viên ra trường, nhà tuyển dụng không mất thời gian nhiều cho việc đào tạo lại, đồng thời nhà tuyển dụng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn nhân sự kế toán đáp ứng cho nhu cầu quản lý doanh nghiệp mình.

4. Kết luận

      Không phải ngẫu nhiên giáo dục lại có nguyên lý “học đi đôi với hành”, bởi lẽ “học” mà không “hành” sẽ trở nên vô ích, việc thực hành sẽ giúp nâng cao chất lượng của việc học. Nhìn chung, hoạt động thực hành, thực tập là một chủ trương đúng đắn của các trường, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với thực tế công việc, giúp sinh viên không những củng cố kiến thức đã học mà còn rèn luyện tác phong làm việc và các kỹ năng mềm cần thiết khi ra trường. Nhưng, việc tổ chức thực hiện sao cho kết quả tốt nhất lại cần đến môi trường thực hành tối ưu. Đó chính là phòng kế toán mô phỏng.

   Phòng kế toán mô phỏng chính là chìa khóa mở cánh cửa việc làm cho sinh viên kế toán khi ra trường.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Huệ (2011), Giải pháp nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên khối kinh tế. Kỷ yếu hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Ngoại Thương.
  2. Roberts, C (2009), Những ý tưởng với hoạt động thực tập, Tạp chí Fleet Equipment, tháng 9/2009, ABI/INFORM Global.
  3. Nguyễn Vĩnh Khương - Đoàn Anh Thư (2014), Nâng cao năng lực nghề nghiệp của sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán trong bối cảnh khởi nghiệp hiện nay. <http//tckt.ntt.edu.vn/wp-content/uploads/2016/12/NguyenVinhKhuong-PhungAnhThu_ST2016.pdf.>
  4. Vũ Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Hải Ly, Vương Thị Tuyên (2016), Nghiên cứu thực trạng về yêu cầu công việc kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam. Kỹ yếu hội thảo khoa học quốc gia, Kế toán - Kiểm toán trong điều kiện hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới. Nhà xuất bản Lao động.
  5. Phan Đức Dũng (2017), Các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu ra tại các trường Đại học có đào tạo ngành kế toán. Hội thảo khoa học Bộ Tài chính, Vụ chế độ Kế toán và kiểm toán. Đổi mới phương pháp đào tạo, Cập nhật giáo trình giảng dạy kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới. Nhà xuất bản Lao động.
  6. Phạm Hồng Sơn (2014), Thực tập trên “kho dữ liệu phòng kế toán ảo”. Công ty Cổ phần ACMAN. Nhà xuất bản Lao động.
  7. Huỳnh Thị Lan Vi (2017), Thực trạng và giải pháp hoàn thiện việc thực hành nghề nghiệp của sinh viên ngành kế toán. Hội thảo khoa học Bộ Tài Chính, Vụ Chế độ Kế toán và kiểm toán. Đổi mới phương pháp đào tạo, Cập nhật giáo trình giảng dạy kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới. Nhà xuất bản Lao động.
  8. Công ty cổ phần Phần mềm quản lý doanh nghiệp FAST (2009), Bộ số liệu đào tạo phần mềm kế toán ảo Fast Accounting.Edu 2010, Hà Nội.
  9. Thu Thảo (2017). Vì sao sinh viên đại học ra trường lại thất nghiệp nhan nhản? <https://www.baomoi.com/vi-sao-sinh-vien-dai-hoc-ra-truong-lai-that-nghiep-nhan-nhan/c/22871811.epi>
  10. Top 10 ngành học có nguy cơ thất nghiệp cao nhất hiện nNay. <https://laodong.vn/vieclam-mobile/top-10-nganh-hoc-co-nguy-co-that-nghiep-cao-nhat-hien-nay-682364.bld>

 

VIRTUAL ACCOUNTING ROOM - THE KEY FOR STUDENTS TO GET JOBS

Master. LUONG QUE CHI

Faculty of Accounting and Auditing,

Ho Chi Minh City University of Food Industry

Ph.D NGUYEN DINH KHIEM

Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

The practice with accounting simulations is an indispensable part in the accounting and auditing training institutions. It will not only help students practice their professional knowledge but also gain practical skills. This article analyzes and assesses the benefits of using virtual accounting room in the accounting training programs.

Keywords: Education programs, professional practice, accounting simulations , employment needs, accounting software.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]