TÓM TẮT:

Trong nghiên cứu này, tác giả đề xuất một mô hình điều tiết trung gian và các giả thuyết thể hiện sự tương tác giữa kế toán quản trị và kế hoạch chiến lược trong vai trò nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết quả kiểm định mô hình và các giả thuyết sẽ gợi mở cho các nghiên cứu trong tương lai tiếp tục thực hiện việc kiểm định giá trị của thông tin kế toán quản trị trong bối cảnh phân quyền ở các doanh nghiệp Việt Nam.

Không những vậy, bài nghiên cứu này thể hiện những hàm ý quản trị cho các nhà quản trị nhằm gia tăng mức độ tham gia của kế toán quản trị (KTQT) vào các quyết định chiến lược trong bối cảnh phân quyền, từ đó gia tăng mức độ sử dụng thông tin KTQT, cải thiện năng lực đổi mới và kết quả hoạt động kinh doanh (KQHĐKD) cho các doanh nghiệp.

Từ khóa: Sự tham gia của kế toán quản trị, quyết định chiến lược, thông tin kế toán quản trị, sự phân quyền, năng lực đổi mới, kết quả hoạt động kinh doanh.

 1. Bối cảnh nghiên cứu

Vai trò của KTQT ngày càng quan trọng trong quá trình thực hiện chiến lược cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Chính việc sử dụng hệ thống thông tin KTQT là chìa khóa giúp cho các doanh nghiệp (DN) đạt được các mục tiêu đề ra.Vì vậy, nghiên cứu các yếu tố tác động tới hệ thống thông tin KTQT, từ đó tác động tích cực tới các yếu tố này để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận KTQT là một đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Sử dụng hệ thống thông tin KTQT là một phần của hệ thống thông tin chính thức được thiết kế để cung cấp cho nhà quản trị với những thông tin phù hợp để đề ra các quyết định hoạt động (Bouwens & Abernethy, 2002) .

Sự tham gia của KTQT vào quá trình ra quyết định chiến lược là một trong những yếu tố hay cách thức để nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh. Bằng cách tham gia vào quá trình ra quyết định chiến lược, các nhân viên KTQT có thể thu thập, tổng hợp, trao đổi, chia sẻ ý kiến của mình với các nhà quản trị cấp cao. Đặc biệt, chính trong quá trình tham gia vào việc ra quyết định sẽ dễ dàng cho các nhân viên KTQT hiểu được mục tiêu của chiến lược từ đó dễ chấp thuận với mức độ cam kết cao hơn. Johnson & Kaplan, (1987) đã nhận thấy rằng, KTQT truyền thống không có khả năng tham gia tích cực trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược. Do đó, tham gia vào quá trình ra quyết định chiến lược là cơ hội tốt cho việc trao đổi thông tin, hỗ trợ ra quyết định chiến lược, cũng như tạo điều kiện cho nhân viên KTQT nắm được công việc của họ. Aver, Aaver và Cadez (2009) cho rằng, KTQT hiện đại đã có một vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định chiến lược.

Việc tham gia nhiều hơn vào trong quá trình xây dựng và thực hiện các quyết định chiến lược sẽ làm cho các nhân viên kế toán có những hiểu biết sâu sắc về bản chất của thông tin yêu cầu được đặt ra bởi hệ thống KTQT, đó vừa là áp lực và cũng là động lực cho KTQT để tăng thêm giá trị cho quá trình ra quyết định.

Một nghiên cứu gần đây của Nguyên và Trinh (2018) đã kiểm chứng mối quan hệ giữa sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược tới mức độ sử dụng hệ thống thông tin KTQT trong môi trường Việt Nam dưới sự điều tiết của biến “tầm ảnh hưởng của bộ phận kế toán”. Kết quả cho thấy, mối quan hệ là tích cực. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa đề cập đến văn hóa hay cấu trúc của doanh nghiệp tại Việt Nam có ảnh hưởng đến việc tham gia của các nhân viên KTQT hay không? Một nghiên cứu khác của Nguyên và Quế (2016) đã nghiên cứu về “biến sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược” nhưng với vai trò là một biến điều tiết trong mối quan hệ giữa định hướng thị trường và sử dụng hệ thống thông tin KTQT. Kết quả nghiên cứu của các tác giả này cũng đã chứng minh được sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược là có tác động tích cực đến mức độ sử dụng MAS.

Sự phân quyền trong một tổ chức được xem như là một cấu trúc hữu cơ tập trung vào quyền tự quyết và tham gia của các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định chiến lược (Meirovich, Brender-Ilan, & Meirovich, 2007). Đối với cấu trúc hữu cơ có sự phân quyền cao, các nhà quản trị sẽ có sự tự quyết cao và tự chịu trách nhiệm cho việc lên kế hoạch, kiểm soát và ra các quyết định chiến lược. Với cấu trúc này, các nhân viên KTQT cũng như các nhà quản trị sẽ được động viên, khích lệ để tham gia vào quá trình ra quyết định chiến lược trong phạm vi trách nhiệm của họ, từ đó thông tin KTQT được sử dụng có chất lượng và đáng tin cậy hơn. Một nghiên cứu khác của Pavlatos và Paggios (2009) cũng kết luận rằng, ở các doanh nghiệp có cấu trúc phân quyền cao, nhà quản trị cần xử lý một số lượng lớn các thông tin có chất lượng cao cho mục đích quản trị.

Từ đó, họ sẽ phải tự học hỏi cũng như trau dồi các kỹ năng, kiến thức trong lĩnh vực của mình, dẫn đến tác động tích cực tới chất lượng của hệ thống thông tin KTQT. Đề cập tới sự phân quyền tại môi trường Việt Nam, Nguyen, Hai và Hoa (2016) đã nghiên cứu tới biến này nhưng là trong sự tác động với mức độ sử dụng hệ thống chi phí, thay vì trong mối quan hệ với sử dụng hệ thống thông tin kế toán quản trị (MAS).

Lawson và Samson (2001) cho rằng, năng lực đổi mới và sáng tạo của một doanh nghiệp được định nghĩa là khả năng liên tục chuyển đổi các kiến thức và ý tưởng thành các sản phẩm, quy trình và hệ thống mới vì lợi ích của doanh nghiệp và các bên liên quan. Năng lực đổi mới không liên quan đến khả năng thành công trong việc điều hành một doanh nghiệp và các nhà quản trị thường nắm được mối liên kết này. Ví dụ, Dell Computer, một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công nhất trong lịch sử, đã tạo được dấu ấn khi cung cấp các sản phẩm máy tính chất lượng, chi phí thấp được tùy chỉnh theo nhu cầu của khách hàng. Họ đã có thể kết hợp các kỹ năng quản lý truyền thống với một mô hình kinh doanh được đổi mới, kết quả là doanh nghiệp này đã định nghĩa lại ngành công nghiệp của họ. Đây được xem là sự đầu tư đáng kể vào năng lực đổi mới là động cơ chính để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (Lawson & Samson, 2001).

Trên thế giới hiện có nhiều nghiên cứu tới các yếu tố liên quan đến việc sử dụng MAS và ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh (KQHĐKD). Hammad, Jusoh, & Ghozali (2013), đã tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa sự phân quyền, sự không chắc chắn của môi trường kinh doanh, hiệu quả quản lý và mức độ sử dụng hệ thống thông tin trong doanh nghiệp. Các nghiên cứu liên quan đến sự tham gia của KTQT vào trong quá trình ra quyết định chiến lược cũng được nhiều tác giả chú ý cả về định hướng học thuật và nghề nghiệp. Agbejule & Burrowes (2007) nhận định rằng, KTQT đã thay đổi vai trò của mình để trở thành một phần quan trọng trong quá trình ra quyết định chiến lược, họ không chỉ cung cấp thông tin mà còn tham gia vào các quá trình thiết kế quy trình kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra quyết định chiến lược.

2. Mô hình và giả thuyết đề xuất

2.1. Sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược và mức độ sử dụng MAS

Đề cập tới vai trò của KTQT có khá nhiều nghiên cứu đã kiểm chứng trong mối liên hệ với việc sử dụng thông tin KTQT. Tầm quan trọng của MAS đang ngày càng tăng lên với nhiều yêu cầu của môi trường kinh doanh mới, cho nên, các tổ chức kinh tế yêu cầu KTQT với nhiều kỹ năng và hiểu biết để có thể đưa ra những thông tin với phạm vi rộng, có tính định hướng tương lai và chất lượng. Aver và cộng sự (2009) cho rằng, KTQT có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ra quá trình quyết định chiến lược với mức độ tham gia là khác nhau ở các lĩnh vực. Nếu trình độ chuyên môn của các KTQT cao sẽ cho phép họ thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn, ví dụ như phân tích các vấn đề kinh doanh phức tạp. Hơn nữa, phạm vi và kỹ năng rộng hơn về môi trường kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho họ có thể hành động thường xuyên với vai trò là đối tác kinh doanh (Cooper & Dart, 2013).

Bên cạnh đó, quy mô của một doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến số lượng và độ phức tạp của công việc kế toán (Byrne & Pierce, 2007). Một số nghiên cứu cho thấy rằng, quy mô của doanh nghiệp không chỉ tác động tới hệ thống kế toán nói chung mà còn ảnh hưởng tới vai trò của kế toán viên, đặc biệt là nhân viên KTQT (Abdel-Kader & Luther, 2008; Zoni & Merchant, 2007). Chính hoạt động ngày càng đa dạng và phức tạp của các doanh nghiệp đã làm tăng nhu cầu của các nhà quản trị trong việc nhận hỗ trợ từ các KTQT. Không chỉ hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin tài chính mà còn hỗ trợ các quyết định chiến lược phức tạp. Và để có thể hỗ trợ tốt cho quá trình ra quyết định chiến lược, các KTQT cần phải tiến hành thu thập thông tin để tăng tính chắc chắn, đảm bảo quá trình ra quyết định là chính xác và hiệu quả (Nguyên & Trinh, 2018). Như vậy, sự tham gia của KTQT vào quá trình thiết kế, thực hiện và phát triển chiến lược là quan trọng, cũng như có thể nâng cao việc sử dụng MAS. Từ những nghiên cứu trên, tác giả đưa ra giả thuyết sau:

H1: Sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược có tác động tích cực tới việc sử dụng hệ thống thông tin KTQT (MAS).

 2.2. Vai trò điều tiết của sự phân quyền

Hiện tại trên thế giới có không nhiều các nghiên cứu khoa học đề cập đến mối liên quan trực tiếp giữa MAS và sự phân quyền. Burns và Stalker (1961) cho rằng, cấu trúc cơ học được đặc trưng bởi mức độ tập trung hóa cao sẽ cải thiện hiệu suất trong điều kiện sự không chắc chắn của môi trường thấp. Ngược lại, với cấu trúc hữu cơ liên quan đến cấu trúc tập trung thấp và phân quyền cao sẽ cải thiện KQHĐKD của doanh nghiệp khi sự không chắc chắn của môi trường cao.

Có rất nhiều thay đổi trong KTQT qua nhiều thập kỷ qua. Điều này có thể nhận thấy trong bối cảnh phát triển của những phương pháp KTQT mang tính sáng tạo khác nhau ở các ngành công nghiệp khác nhau (Abdel-Kader & Luther, 2008). Meirovich và cộng sự (2007) cho rằng, sự phân quyền có gắn liền đến cấu trúc của một tổ chức tập trung vào quyền tự chủ của các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định. Do đó, sự phù hợp của sự phân quyền sẽ tác động đến tính phức tạp của mỗi đặc điểm thông tin của hệ thống KTQT. Hơn nữa các tác giả này cũng cho rằng, thông qua sự phân quyền, một tổ chức có thể cung cấp cho các nhà quản trị của mình trách nhiệm và quyền kiểm soát cao hơn đối với các hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của họ cũng như quyền truy cập, nắm bắt những loại thông tin cần thiết.

Từ đây có thể suy ra rằng, sự phân quyền sẽ trao cơ hội cho các nhân viên KTQT, các nhà quản trị trong một tổ chức chia sẻ, thu thập nhiều thông tin liên quan đến công việc của họ. Khi mọi người trong tổ chức có cùng nguồn dữ liệu, hiện tượng bất cân xứng thông tin có thể được giảm thiểu. Đặc biệt, ngoài việc khích lệ các nhân viên tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống thông tin KTQT, sự phân quyền còn tăng mức độ cam kết của các nhân viên KTQT trong quá trình thực hiện công việc của mình. Từ những lập luận trên, tác giả đưa ra giả thuyết sau

H2: Sự phân quyền có vai trò điều tiết dương đến mối quan hệ giữa sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược và mức độ sử dụng MAS.

 2.3. Vai trò trung gian của năng lực đổi mới

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt bởi sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa, suy thoái kinh tế, cạnh tranh trong nước và quốc tế khi nhiều tiến bộ công nghệ liên tục được đưa ra nên để phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh một cách bền vững trong một môi trường kinh doanh năng động và luôn luôn thay đổi, chỉ có một cách là tạo ra các đổi mới trong doanh nghiệp (Cottam, Ensor, & Band, 2001). Đổi mới là công cụ chiến lược chính để có được lợi thế cạnh tranh trong môi trường phức tạp. Năng lực đổi mới được xem là lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, điều này thường đạt được khi các doanh nghiệp sở hữu hay phát triển khả năng công nghệ của họ (Reichert, Beltrame, Corso, Trevisan, & Zawislak, 2011).

Vì vậy, các doanh nghiệp đã coi đổi mới là một chiến lược cần thiết chứ không phải là một lựa chọn (Nijssen & Frambach, 2000). Quá trình đổi mới liên quan tới sự phát triển của một sản phẩm mới, quá trình xử lý công việc mới, một hệ thống hoặc thậm chí một mô hình kinh doanh mới (Lawson & Samson, 2001). Để làm được những điều này, hệ thống thông tin KTQT có vai trò rất lớn để doanh nghiệp có thể có những đổi mới thành công, đưa ra những thông tin phù hợp, nhanh chóng và chất lượng hỗ trợ cho quá trình đổi mới hoạt động xuyên suốt và thành công. Một MAS hiện đại cung cấp các thông tin bên ngoài tổ chức, thông tin phi tài chính và thông tin được định hướng cho tương lai. Các nhà quản trị có thể sử dụng hệ thống thông tin KTQT là một phần của hệ thống thông tin chính thức được thiết kế để có được thông tin phù hợp cho việc ra các quyết định chiến lược (Bouwens & Abernethy, 2002). Nếu MAS cung cấp thông tin đến các nhà quản trị đúng chất lượng theo yêu cầu thì mức độ sử dụng MAS sẽ tác động hiệu quả tới năng lực đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp cũng như KQHĐKD. Từ những lập luận trên, tác giả đưa ra giả thuyết sau:

H3: Năng lực đổi mới có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa mức độ sử dụng MAS và kết quả hoạt động kinh doanh.

Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết đề xuất được trình bày ở Hình. (Xem Hình)

3. Kết luận

Tóm lại, mối tương tác giữa sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược và sự phân quyền trong tổ chức có thể tăng cường mức độ vận dụng MAS, nâng cao năng lực đổi mới và KQHĐKD vẫn cần lời giải đáp trong điều kiện ở Việt Nam. Do đó, mô hình trung gian điều tiết cần phải được kiểm định, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa tập thể với một quá trình tự trị đã ăn sâu vào văn hóa làm việc ở các doanh nghiệp. Vì thế, sự phân quyền hay khả năng tự chủ, tự quyết và tự chịu trách nhiệm của các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định chiến lược tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.

Qua việc khảo sát các nghiên cứu trước đây và đề xuất mô hình nghiên cứu, tác giả có thể chỉ ra những khe hổng cần lấp đầy như sau. Thứ nhất, cần phải đánh giá tác động của sự phân quyền trong mối quan hệ giữa sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược và sử dụng MAS. Thứ hai, cần phải kiểm định vai trò trung gian của năng lực đổi mới mối quan hệ giữa MAS và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tác giả cũng nhận định rằng, các nghiên cứu theo nhánh lý thuyết dự phòng trong KTQT hầu hết được thực hiện ở các nước công nghiệp tiên tiến và rất ít ở các nước đang phát triển. Hammad, Jusoh, & Yen Nee Oon (2013) đã thực hiện nghiên cứu và tìm ra sự tương quan tích cực giữa sự phân quyền và mức độ hệ thống chi phí được sử dụng bởi các nhà quản trị. Khi tác giả lược khảo các nghiên cứu gần đây cũng không thấy đề cập đến biến sự phân quyền trong mối liên hệ với việc sử dụng hệ MAS, cũng như liên quan tới biến sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược. Đây là những tiền đề để tác giả kiểm định lại mối liên kết này ở Việt Nam, một quốc gia đang phát triển và có nền văn hóa tập trung trong quản lý.

Kết quả nghiên cứu của tác giả sẽ bổ sung vào sự hiểu biết còn đang hạn chế của chúng ta đến các yếu tố (sự phân quyền và khả năng sáng tạo) hiện đang còn khá mới mẻ khi được áp dụng tại môi trường Việt Nam trong bối cảnh vận dụng MAS và KQHĐKD ở doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa. Kết quả kiểm định mô hình ở các nghiên cứu tiếp theo có thể đưa ra một góc nhìn rõ ràng hơn về chất lượng thông tin trong quá trình ra quyết định chiến lược với sự tham gia của các nhân viên KTQT khi được quyền tự ra quyết định trong phạm vi trách nhiệm của họ. Nghiên cứu cũng mang hàm ý quản lý đối với những doanh nghiệp đã, đang và sẽ thiết kế MAS. Bởi vì những hiểu biết về mối quan hệ giữa sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định, sự phân quyền trong tổ chức đến việc thiết kế MAS có nhiều khả năng giúp cho doanh nghiệp có cách thức xúc tiến, thúc đẩy các yếu tố tác động đến việc sử dụng MAS trong doanh nghiệp với việc sử dụng hiệu quả MAS nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, từ đó đạt KQHĐKD vượt trội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hammad, S., Jusoh, R., & Ghozali, I. (2013). Decentralization, perceived environmental uncertainty, managerial performance and management accounting system information in Egyptian hospitals. International Journal of Accounting & Information Management, 21(4), 314-330.
  2. Abdel-Kader, M., & Luther, R. (2008). The impact of firm characteristics on management accounting practices: A UK-based empirical analysis. A UK-based empirical analysis. British Accounting Review, 30(1), 2-27.
  3. Agbejule, A., & Burrowes, A. (2007). Perceived environmental uncertainty, supply chain purchasing strategy, and use of MAS information: An empirical study of Finnish firms. Managerial Auditing Journal, 22(9), 913-927.
  4. Aver, B., Aaver, B., & Cadez, A. S. (2009). Management accountants' participation in strategic management processes: A cross-industry comparison. Journal for East European Management Studies, 14(3), 310-322.
  5. Bouwens, J., & Abernethy, A. M. A. (2002). The consequences of customization on management accounting system design. Accounting, Organizations and Society, 25(3), 221-241.
  6. Burns, T., & Stalker, G. (1961). The Management of Innovation, Tavistock, London.
  7. Byrne, S., & Pierce, B. (2007). Towards a more comprehensive understanding of the roles of management accountants. European Accounting Review, 16(3), 469-498.
  8. Cooper, P., & Dart, E. (2013). Business partnering as a complement to the accountant’s other roles: International survey evidence. Working paper, University of Bath.
  9. Cottam, A., Ensor, J., & Band, C. (2001). A benchmark study of strategic commitment to innovation. European Journal of Innovation Management, 4(2), 88-94.
  10. Hammad, S. A., Jusoh, R., & Yen Nee Oon, E. (2013). Management accounting system for hospitals: a research framework. Industrial Management & Data Systems, 110(5), 762-784.
  11. Johnson, T., & Kaplan, R. S. (1987). Relevance lost: The rise and fall of management accounting. Strategic Finance, 68(7), 22-22.
  12. Lawson, B., & Samson, D. (2001). Developing innovation capability in organisations: A dynamic capabilities approach. International Journal of Innovation Management, 5(3), 377-400.
  13. Meirovich, G., Brender‐Ilan, Y., & Meirovich, A. (2007). Quality of hospital service: The impact of formalization and decentralization. International Journal of Health Care Quality Assurance, 20(3), 240-252.
  14. Nguyen, N. P., Hai, N. D., & Hoa, T. A. (2016). Factors affecting the use of costing systems toward managerial performance in Vietnamese public hospitals. Journal of Economic Development, 23(2), 77-99.
  15. Nguyên, N. P., & Quế, Đ. N. (2016). Tác động của định hướng thị trường và áp lực cạnh tranh đến mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị nhằm nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh ở các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 27(11), 98-123.
  16. Nguyên, N. P., & Trinh, T. T. (2018). Vai trò của kế toán quản trị trong việc nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Công Thương, 10, 356-362.
  17. Nijssen, E., & Frambach, R. (2000). Determinants of the adoption of new product development tools by industrial firms. Industrial Marketing Management, 29, 121-131.
  18. Pavlatos, O., & Paggios, I. (2009). A survey of factors influencing the cost system design in hotels. International Journal of Hospitality Management, 28(2), 263-271.
  19. Reichert, F. M., Beltrame, R. S., Corso, K. B., Trevisan, M., & Zawislak, P. A. (2011). Technological capability’s predictor variables. Journal of Technology Management & Innovation, 6(1), 14-25.
  20. Zoni, L., & Merchant, K. (2007). Controller involvement in management: An empirical study in large Italian corporations. Journal of Accounting & Organizational Change, 3(1), 29-43.

An integrated model of management accounting and decentralization towards enhancing innovation capability and business performance

 Dr. NGUYEN PHONG NGUYEN

Department of Research Administration - International Relations University of Economics - Ho Chi Minh City

TRAN THI TRINH

Faculty of Economics, Nong Lam University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study proposes a moderated - mediation model and corresponding hypotheses that indicate the performance implications of the interaction between management accounting and decentralization. The proposal of the model and hypotheses is expected to enable future studies to further examine the value of management accounting information in the context of decentralization in Vietnamese business organizations. This study presents valuable managerial implications for managers in Vietnam, who are struggling to promote accountants’ participation in strategic decision-making in the context of decentralization towards enhancing innovation capability and business performance of enterprises.

Keywords: The participation of management accounting, strategic decision-making, management accounting information, decentralization, innovation capacity, business performance.