Mối quan hệ của các nhân tố ngữ cảnh, việc sử dụng thông tin kế toán quản trị và thành quả hoạt động: Nghiên cứu trường hợp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Định

Th.S LÊ MỘNG HUYỀN - TS. ĐỖ HUYỀN TRANG - TS. TRƯƠNG THỊ THANH PHƯỢNG - Th.S TRẦN THỊ QUANH (Khoa Kinh tế và Kế toán, Trường Đại học Quy Nhơn)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện với mục đích kiểm định mối quan hệ của các nhân tố ngữ cảnh, việc sử dụng thông tin kế toán quản trị (KTQT) và thành quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Bình Định. Kết quả nghiên cứu cho thấy: (1) Mức độ cạnh tranh có ảnh hưởng trực tiếp cùng chiều đến sự thay đổi chiến lược; (2) Sự thay đổi chiến lược và mức độ phân quyền có ảnh hưởng trực tiếp cùng chiều đến việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng; (3) Việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng có ảnh hưởng cùng chiều đến thành quả hoạt động tài chính và phi tài chính; (4) Việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng trung gian mối quan hệ giữa mức độ phân quyền và thành quả hoạt động.

Từ khóa: Mức độ cạnh tranh, mức độ phân quyền, kế toán quản trị, nhân tố ngữ cảnh, sử dụng thông tin.

1. Giới thiệu

Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vì vậy các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn [16], nhất là các DNNVV. Để ứng phó với môi trường cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng thông tin KTQT để hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, điều hành, kiểm soát và ra quyết định [1; 13; 16]. Vai trò của thông tin KTQT trong các doanh nghiệp đang ngày càng được đề cao. Mới đây, CIMA đã ban hành “Các nguyên tắc KTQT toàn cầu” nhằm nâng cao hiệu quả các quyết định và xây dựng tổ chức thành công. Tại Việt Nam, VACPA đã phối hợp với các trường đại học để biên dịch các nguyên tắc này nhằm nâng cao hiệu quả KTQT trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc vận dụng KTQT trong các DNNVV tỉnh Bình Định vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, câu hỏi đặt ra là liệu trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DNNVV tỉnh Bình Định có tăng cường sử dụng thông tin KTQT hay không? Và việc sử dụng thông tin KTQT có mang lại thành quả hoạt động cho các doanh nghiệp hay không?

Trước sự biến động của môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp còn phải cơ cấu lại tổ chức nội bộ cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Một số nghiên cứu KTQT vận dụng lý thuyết bất định đã cho thấy các doanh nghiệp lớn sẽ tiến hành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo hướng phân quyền [8 - 9; 13; 15] cũng như thay đổi chiến lược theo hướng tăng cường cung ứng những sản phẩm khác biệt [2]. Liệu khi đối mặt với những áp lực như vậy, các DNNVV tỉnh Bình Định có sắp xếp cơ cấu tổ chức theo hướng phân quyền và thay đổi chiến lược theo hướng cung cấp những sản phẩm khác biệt hay không?

Do vậy, nghiên cứu này được thực hiện để kiểm định mối quan hệ của các nhân tố ngữ cảnh (mức độ cạnh tranh - MĐCT, mức độ phân quyền - MĐPQ và sự thay đổi chiến lược - CL), việc sử dụng thông tin KTQT và thành quả hoạt động của các DNNVV tỉnh Bình Định.

2. Cơ sở lý thuyết và các giả thuyết

2.1. Lý thuyết bất định

Lý thuyết bất định là một cách tiếp cận để nghiên cứu hành vi tổ chức, trong đó đưa ra những giải thích về các yếu tố ngữ cảnh ảnh hưởng như thế nào đến việc thiết kế tổ chức [5-7; 18-19]. Lý thuyết bất định được phát triển từ lý thuyết tổ chức và được áp dụng phổ biến trong các nghiên cứu KTQT của Otley [7]. Lý thuyết này cho rằng việc thiết kế và sử dụng hệ thống KTQT phải đảm bảo phù hợp với các yếu tố ngữ cảnh của tổ chức. Ban đầu, các nhà nghiên cứu kế toán đã tập trung tìm hiểu ảnh hưởng của các yếu tố ngữ cảnh truyền thống như môi trường bên ngoài, công nghệ, cấu trúc tổ chức và quy mô tổ chức đến việc thiết kế và sử dụng hệ thống KTQT [18; 21]. Trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu kế toán bổ sung thêm yếu tố văn hoá [12; 17] và chiến lược [14].

Theo đó, mối quan hệ của các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thông tin KTQT trong các DNNVV tỉnh Bình Định, bao gồm: (1) MĐCT, (2) MĐPQ, (3) CL; diễn ra theo thứ tự từ nhân tố mối trường bên ngoài tổ chức đến nhân tố môi trường bên trong tổ chức và sau đó là ảnh hưởng đến việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng. Do đó, các giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

H1: MĐCT có ảnh hưởng trực tiếp cùng chiều đến việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng.

H2: MĐCT có ảnh hưởng trực tiếp cùng chiều đến CL.

H3: CL có ảnh hưởng trực tiếp cùng chiều đến việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng.

H4: MĐCT có ảnh hưởng trực tiếp cùng chiều đến MĐPQ.

H5: MĐPQ có ảnh hưởng trực tiếp cùng chiều đến mức độ sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng.

2.2. Quan điểm cơ sở nguồn lực

Quan điểm cơ sở nguồn lực giả định rằng các nguồn lực được phân bố không đồng đều giữa các doanh nghiệp và sự khác biệt về nguồn lực tồn tại theo thời gian [3]. Dựa trên những giả định này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng khi các doanh nghiệp sở hữu những nguồn lực có giá trị (Valuable), hiếm (Rare), khó bắt chước (Inimitable) và không thể thay thế được (Nonsubstitutable) (gọi tắt là thuộc tính VRIN), các doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững bằng cách thực hiện các chiến lược tạo giá trị mới, khác biệt so với đối thủ cạnh tranh [3].

Nghiên cứu vận dụng quan điểm cơ sở nguồn lực để lập luận và chứng minh rằng, thông tin KTQT phạm vi rộng một nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp và là nguồn lực thỏa mãn các thuộc tính VRIN. Do vậy, thông tin KTQT phạm vi rộng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và sau đó là cải thiện thành quả hoạt động của doanh nghiệp. Các giả thuyết nghiên cứu tiếp theo được đề xuất như sau:

H6a: Có mối quan hệ tích cực giữa việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng với thành quả hoạt động tài chính.

H6b: Có mối quan hệ tích cực giữa mức độ sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng với thành quả hoạt động phi tài chính.

2.3. Vai trò trung gian của thông tin KTQT phạm vi rộng

Từ giả thuyết H3 và giả thuyết H6a-b, chúng tôi đề xuất giả thuyết H7a như sau:

H7a: CL có ảnh hưởng gián tiếp đến thành quả hoạt động thông qua mức độ sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng.

Từ giả thuyết H5 và giả thuyết H6a-b, chúng tôi đề xuất giả thuyết H7b như sau:

H7b: MĐPQ có ảnh hưởng gián tiếp đến thành quả hoạt thông qua mức độ sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng.

Từ giả thuyết H1 và giả thuyết H6a-b, chúng tôi đề xuất giả thuyết H7c như sau:

H7c: MĐCT có ảnh hưởng gián tiếp đến thành quả hoạt thông qua mức độ sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu3. Phương pháp nghiên cứu

Mẫu và phương pháp thu thập dữ liệu

Mẫu nghiên cứu: Các DNNVV tỉnh Bình Định. Sử dụng phương pháp khảo sát để thu thập dữ liệu cho nghiên cứu. Đáp viên là các nhà quản trị cấp trung đang làm việc trong các DNNVV tỉnh Bình Định. Phương pháp thuận tiện kết hợp với phát triển mẫu đã được chúng tôi vận dụng để tiếp cận các đáp viên tiềm năng.

Tổng số phiếu khảo sát được phát ra là 274 phiếu, tổng số phiếu thu về là 241 phiếu (đạt tỷ lệ 87,96%), 200 phiếu hợp lệ được đưa vào sử dụng. Sau đó, dữ liệu được đưa vào phân tích định lượng với sự hỗ trợ của phần mềm SmartPLS3 với 2 bước phân tích cơ bản, đó là đánh giá mô hình đo lường và mô hình cấu trúc.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả đánh giá mô hình đo lường

Bảng 1. Kết quả đánh giá thang đo

Kết quả đánh giá thang đo

Ghi chú: TT: Việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng; TC: Thành quả hoạt động tài chính; PTC: Thành quả hoạt động phi tài chính.

Kết quả tại Bảng 1 cho thấy độ tin cậy tổng hợp của các biến đều cao hơn ngưỡng tối thiểu 0,70 và hệ số Cronbach’s Alpha cũng đều lớn hơn 0,70, chứng tỏ thang đo có độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, phương sai trích bình quân cao hơn ngưỡng tối thiểu 0,50, chứng tỏ thang đo đạt giá trị hội tụ [11].

Bảng 2. Ma trận tương quan đánh giá giá trị phân biệt của thang đo

Ma trận tương quan đánh giá giá trị phân biệt của thang đo

Ghi chú:  Số trên đường chéo (in đậm) là căn bậc hai AVE; Số dưới đường chéo là tương quan giữa các biến theo Fornell & Lacker (1981).

Bảng 2 thể hiện giá trị phân biệt của thang đo thông qua giá trị căn bậc hai AVE của các biến đều nằm trong khoảng từ 0,73 đến 0,81 và đều lớn hơn hệ số tương quan của các biến (từ -0,08 đến 0,64). Hơn nữa, hệ số tương quan của các biến đều nhỏ hơn độ tin cậy tổng hợp cũng chứng tỏ các thang đo các biến đảm bảo giá trị phân biệt [10].

4.2. Kết quả đánh giá mô hình cấu trúc

Kết quả nghiên cứu cho thấy không có vấn đề đa cộng tuyến giữa các biến độc lập vì giá trị của hệ số phóng đại phương sai (VIF) nằm trong khoảng từ 1,00 đến 1,71, thấp hơn so với mức tối đa 10. Giá trị R2 điều chỉnh của các biến phụ thuộc đều lớn hơn ngưỡng tối thiểu 0,10, ngoại trừ R2 điều chỉnh của MĐPQ. Do vậy, trong các lần phân tích tiếp theo chúng tôi đã bỏ đường dẫn từ MĐCT đến MĐPQ.

Bảng 3. Kết quả kiểm định các giả thuyết về ảnh hưởng trực tiếp

Kết quả kiểm định các giả thuyết về ảnh hưởng trực tiếp

Ghi chú:  ***, **, ns lần lượt tương ứng với mức ý nghĩa thống kê 1%, 5% và không có ý nghĩa thống kê (kiểm định t - 2 đuôi).

Kết quả kiểm định ủng hộ các giả thuyết nghiên cứu đã được đề xuất trong mô hình nghiên cứu, ngoại trừ giả thuyết H1 và H4. Cụ thể, giả thuyết H2 được ủng hộ (β = 0,64), chúng tỏ MĐCT có mối quan hệ cùng chiều với việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng. Kết quả cũng cho thấy, CL có mối quan hệ cùng chiều với việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng (β = 0,16), giả thuyết H3 được ủng hộ. Giả thuyết H5 được ủng hộ (β = 0,63), chứng tỏ MĐPQ có mối quan hệ cùng chiều với việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng. Các giả thuyết H6a-b được ủng hộ, chứng tỏ việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng có ảnh hưởng cùng chiều đến thành quả hoạt động tài chính (β = 0,41) và thành quả hoạt động phi tài chính (β = 0,41). Như đã trình bày ở trên, chúng tôi đã bỏ mối quan hệ này để đạt được sự phù hợp của mô hình nghiên cứu. Do đó, giả thuyết H4 không được ủng hộ. Bên cạnh đó, giả thuyết H1 cũng không được ủng hộ do p > 0,05, chứng tỏ MĐCT không ảnh hưởng đến việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng trong các DNNVV tỉnh Bình Định.

Tiếp theo, áp dụng quy trình phân tích trung gian theo hướng dẫn của Baron và Kenny [4], kết quả cho thấy việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng đóng vai trò trung gian cho mối quan hệ giữa MĐPQ và thành quả hoạt động (cả tài chính và phi tài chính). Ngược lại, việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng không là trung gian cho mối quan hệ của MĐCT và thành quả hoạt động, không là trung gian cho mối quan hệ giữa CL và thành quả hoạt động.

5. Kết luận và hàm ý nghiên cứu

Với mục tiêu nghiên cứu của đề tài là kiểm định mối quan hệ giữa các nhân tố ngữ cảnh, việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng và thành quả hoạt động. Kết quả phân tích dữ liệu với mẫu là 200 DNNVV tỉnh Bình Định cho thấy hầu hết các giả thuyết nghiên cứu được ủng hộ, ngoại trừ giả thuyết H1 và H4. Bên cạnh đó, kết quả phân tích vai trò trung gian của việc sử dụng thông tin KTQT cho thấy việc sử dụng thông tin KTQT phạm vi rộng là trung gian cho mối quan hệ giữa MĐPQ và thành quả hoạt động (tài chính và phi tài chính).

Kết quả nghiên cứu đóng góp vào dòng nghiên cứu KTQT vận dụng lý thuyết bất định và quan điểm cơ sở nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh các DNNVV hoạt động tại một quốc gia phát triển như Việt Nam. Kết quả nghiên cứu giúp các doanh nghiệp biết được các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thông tin KTQT để chủ động kiểm soát tốt các nhân tố. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu có thể ảnh hưởng đến nhận thức của các nhà quản trị về vai trò quan trọng của thông tin KTQT phạm vi rộng. Từ đó, các nhà quản trị sẽ có kế hoạch để tìm hiểu và triển khai vận dụng KTQT nhằm nâng cao thành quả hoạt động của các DNNVV tỉnh Bình Định trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Mặc dù nghiên cứu đã có những đóng góp tích cực, nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế cần được khắc phục trong các nghiên cứu tiếp theo, như: Quy mô mẫu nhỏ, được chọn theo phương pháp thuận tiện kết hợp phát triển mầm; Mới chỉ tập trung vào khía cạnh phạm vi rộng của thông tin KTQT; Chưa bao gồm các biến kiểm soát trong mô hình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abernethy, M. A., & Brownell, P. (1999). The role of budgets in organizations facing strategic change: An exploratory study. Accounting, Organizations and Society, 24(3), 189-204.
  2. Agbejule, A. (2005). The relationship between management accounting systems and perceived environmental uncertainty on managerial performance: A research note. Accounting and Business Research, 35(4), 295-305.
  3. Barney, J. (1991). Firm resources and sustained competitive advantage. Journal of Management, 17(1), 99-120.
  4. Baron, R. M., & Kenny, D. A. (1986). The moderator-mediator variable distinction in social psychological research: Conceptual, strategic, and statistical considerations. Journal of Personality and Social Psychology, 51(6), 1173-1182.
  5. Chapman, C. S. (1997). Reflections on a contingent view of accounting. Accounting, Organizations and Society, 22(2), 189-205.
  6. Chenhall, R. H. (2003). Management control systems design within its organizational context: Findings from contingency-based research and directions for the future. Accounting, Organizations and Society, 28(2-3), 127-168.
  7. Chenhall, R. H. (2006). Theorizing contingencies in management control systems research. Handbooks of Management Accounting Research, 1, 163-205.
  8. Đoàn Ngọc Phi Anh (2012). Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị chiến lược trong các doanh nghiệp Việt Nam. Phát triển kế toán tại Việt Nam, 9-17.
  9. Doan, N. P. A. (2016). Factors Affecting the Use and Consequences of Management Accounting Practices in A Transitional Economy: The Case of Vietnam. Journal of Economics and Development, 18(1), 54-73.
  10. Fornell, C., & Larcker, D. F. (1981). Structural equation models with unobservable variables and measurement error: Algebra and statistics. Journal of Marketing Research, 18(3), 382-388.
  11. Hair, J. F., Hult, G. T. M., Ringle, C. M., & Sarstedt, M. (2017). A Primer on Partial Least Squares Structural Equation Modeling (PLS-SEM). USA: SAGE Publications, Inc.
  12. Harrison, G. L. (1992). The cross-cultural generalizability of the relation between participation, budget emphasis and job related attitudes. Accounting, Organizations and Society, 17(1), 1-15.
  13. Hoque, Z. (2011). The relations among competition, delegation, management accounting systems change and performance: A path model. Advances in Accounting, 27(2), 266-277.
  14. Langfield-Smith, K. (2006). A review of quantitative research in management control systems and strategy. Handbooks of Management Accounting Research, 2, 753-783.
  15. Miah, N., & Mia, L. (1996). Decentralization, accounting controls and performance of government organizations: A New Zealand empirical study. Financial Accountability & Management, 12(3), 173-190.
  16. Nguyễn Phong Nguyên & Đoàn Ngọc Quế (2016). Tác động của định hướng thị trường và áp lực cạnh tranh đến mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị nhằm nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh ở các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 27(11), 98-123.
  17. O'Connor, N. G. (1995). The influence of organizational culture on the usefulness of budget participation by Singaporean-Chinese managers. Accounting, Organizations and Society, 20(5), 383-403.
  18. Otley, D. (1980). The contingency theory of management accounting: Achievement and prognosis. Accounting, Organizations and Society, 5(4), 413-428.
  19. Otley, D. (2016). The contingency theory of management accounting and control: 1980-2014. Management Accounting Research, 31, 45-62.
  20. Trần Ngọc Hùng (2016). Các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DNNVV tại Việt Nam. (Luận án tiến sĩ), Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  21. Waterhouse, J. H., & Tiessen, P. (1978). A contingency framework for management accounting systems research. Accounting, Organizations and Society, 3(1), 65-76.

THE RELATIONSHIP AMONG CONTINGENT FACTORS,

THE USE OF MANAGEMENT ACCOUNTING INFORMATION

AND FIRM PERFORMANCE:

CASE STUDY OF SMALL AND MEDIUM-SIZED

ENTERPRISES IN BINH DINH PROVINCE

Master. LE MONG HUYEN

 Ph.D. DO HUYEN TRANG

Ph.D. TRUONG THI THANH PHUONG

Master. TRAN THI QUANH

Faculty of Economics and Accounting, Quy Nhon University

ABSTRACT:

The study is to test the relationship among contingent factors, the use of management accounting information and firm performance of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Binh Dinh province. The analysis of data collected from 200 middle-level managers working at SMEs in Binh Dinh province with SmartPLS3 software shows that: (1) The competitive intensity has a positive effect on strategic change; (2) The strategic change and decentralization has a positive direct effect on the use of broad-scope management accounting information; (3) The use of broad-scope management accounting information has a positive effect on financial and non-financial performance; and (4) The use of broad-scope management accounting information mediates on  the relationship between decentralization and firm financial and nonfinancial performance.

Keywords: Competitive intensity, decentralization, management accounting, contingent factor, the use of information.