Tóm tắt:

Trong hợp đồng thương mại quốc tế nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng, điều khoản giải quyết tranh chấp được coi là một điều khoản đặc biệt vì nó chỉ được kích hoạt khi trong quá trình thực thi hợp đồng có xảy ra tranh chấp, bất đồng và giữa chúng có mối quan hệ đặc biệt. Bài viết này đề cập tới mối quan hệ giữa các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Từ khóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, điều khoản hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng.

1. Giới thiệu

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (MBHHQT) với tính chất phức tạp bởi tính “quốc tế”, nhiều chủ thể khi ký kết hợp đồng đã cho rằng cần thiết phải xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng nên đã thỏa thuận và xây dựng nội dung cụ thể cho loại điều khoản này. Khi điều khoản giải quyết tranh chấp đã được các bên xây dựng trong hợp đồng chúng sẽ là cơ sở pháp lý để trong quá trình thực hiện nếu phát sinh rủi ro dẫn đến tranh chấp giữa các bên thì điều khoản này sẽ được kích hoạt ngay lập tức nhằm hạn chế tới mức tối đa thiệt hại xảy ra cho các bên. Tuy nhiên, thực tiễn đàm phán hợp đồng cho thấy cũng đã có không ít trường hợp các bên không muốn thỏa thuận về các vấn đề rủi ro có thể xảy ra và phương thức giải quyết tranh chấp khi nó phát sinh trong tương lai. Bởi vì có thể tại thời điểm đàm phán hợp đồng, các điều kiện để các bên thực hiện hợp đồng được đảm bảo. Hơn nữa, về mặt tâm lý, các bên chủ thể không muốn có một điều khoản có tín hiệu về một sự rủi ro làm ảnh hưởng tiêu cực tới tính khả thi của hợp đồng. Việc xem xét mối quan hệ giữa các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng MBHHQT sẽ nhằm làm rõ hơn giá trị của điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng MBHHQT.

2. Khái quát về điều khoản hợp đồng và điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng MBHHQT

Điều khoản được xem là đơn vị cơ bản trong các văn bản pháp luật, hợp đồng, thỏa thuận, điều lệ… Trong văn bản quy phạm pháp luật, điều khoản được sử dụng để chỉ bộ phận chính cấu thành của văn bản pháp luật.[1] Ví dụ: Điều 4, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 với qui định về “hệ thống văn bản quy phạm pháp luật”. Trong một hợp đồng, điều khoản là quy định cụ thể mà các bên thỏa thuận. Ví dụ: trong một hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, các bên sẽ thoả thuận về các điều khoản như hàng hóa - số lượng - giá cả (commodity/Quantity/Price);  Giao hàng - tổng giá; Gửi hàng - giao hàng (shipping - notice to the buyer); Thanh toán (payment); Bất khả kháng (force majeure)… Trong hợp đồng, các điều khoản của hợp đồng thường được phân thành 3 nhóm, như: điều khoản cơ bản, điều khoản thông thường và điều khoản tùy nghi.

Điều khoản cơ bản là điều khoản không thể thiếu đối với mỗi loại hợp đồng, ví dụ như: điều khoản về đối tượng hợp đồng, số lượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời gian, địa điểm… Hợp đồng nếu thiếu đối tượng hợp đồng, hoặc đối tượng hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật thì hợp đồng này sẽ dẫn đến vô hiệu[2];

Điều khoản thông thường trong hợp đồng là những điều khoản được pháp luật quy định trước, ví dụ như điều khoản về bồi thường thiệt hại, điều khoản xác định phương thức giải quyết tranh chấp là toad án, điều khoản hoàn cảnh khó khăn (hardship)…, nếu các bên không thỏa thuận loại điều khoản này trong hợp đồng thì chúng vẫn sẽ được áp dụng theo như những gì mà pháp luật đã qui định.

Điều khoản tùy nghi trong hợp đồng là điều khoản được các bên xây dựng trên cơ sở tự thỏa thuận với nhau khi chưa có quy định của pháp luật, hoặc có quy định nhưng vẫn được các bên thỏa thuận lại với mục đích vận dụng linh hoạt hơn vào từng hoàn cảnh thực tế mà không trái pháp luật. Về mặt thực tiễn, điều khoản thuộc nhóm điều khoản tùy nghi này mang tính không bắt buộc nhưng nếu được các bên đưa vào càng nhiều thì càng khiến cho hợp đồng dễ thực hiện hơn, đặc biệt là nhóm điều khoản giải quyết tranh chấp.

Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng MBHHQT là điều khoản do các bên chủ thể xây dựng nên và làm cơ sở cho việc giải quyết những mâu thuẫn và bất đồng giữa các bên chủ thể trong quá trình thực hiện hợp đồng MBHHQT. Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng nói chung có thể bao gồm các loại điều khoản cụ thể như: điều khoản thẩm quyền tài phán (Jurisdiction), điều khoản hòa giải (Conciliation), điều khoản thương lượng (Mediation), điều khoản luật áp dụng (Applicable law), điều khoản bất khả kháng (Force majeure) và điều khoản hoàn cảnh thay đổi (Hardship).

Điều khoản thẩm quyền tài phán là điều khoản nêu rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ do cơ quan tòa án thực hiện hay trọng tài thực hiện.

Điều khoản hòa giải là điều khoản lựa chọn một trung tâm hòa giải quốc tế để giải quyết tranh chấp. Ví dụ như: Tất cả mọi tranh chấp liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng hình thức hòa giải theo Quy tắc hòa giải của Trung tâm hòa giải quốc tế x. Địa điểm hòa giải sẽ là x .[3]

Điều khoản thương lượng được xem là điều khoản có nội dung cơ bản là tương tự điều khoản hòa giải, tuy nhiên có sự khác biệt ở cở sở pháp lý cho sự lựa chọn trong điều khoản. Ví dụ như: Bất kỳ tranh cãi hoặc yêu cầu nào, phát sinh từ, trong, hoặc có liên quan đến hợp đồng này và bất kỳ sửa đổi nào sau này của hợp đồng bao gồm, nhưng không bị hạn chế bởi, xây dựng hợp đồng, giá trị pháp lý, tính hiệu lực ràng buộc, giải thích hợp đồng, thực hiện hợp đồng, vi phạm hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng cũng như các yêu cầu không thuộc hợp đồng, sẽ được đưa ra thương lượng theo các Quy tắc thương lượng của Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO). Địa điểm thương lượng là x. Ngôn ngữ thương lượng là x [4]

Điều khoản luật áp dụng là điều khoản chỉ ra nguồn pháp luật cụ thể được sử dụng để điều chỉnh hợp đồng, nguồn pháp luật này có thể là pháp luật quốc gia (nước người bán hay nước người mua); Điều ước quốc tế (điều ước quốc tế song phương hay đa phương); tập quán thương mại quốc tế (Incoterms); pháp luật nước ngoài (nước thứ ba),…

Điều khoản bất khả kháng là điều khoản đưa ra định nghĩa về trường hợp bất khả kháng, liệt kê các trường hợp bất khả kháng (động đất, sóng thần, dịch bệnh,…) để dễ dàng cho việc xem xét truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các bên hợp đồng.

Điều khoản hoàn cảnh thay đổi là điều khoản quy định cho phép một bên trong hợp đồng có quyền đề nghị điều chỉnh hợp đồng, khi có những thay đổi về hoàn cảnh và môi trường kinh tế - xã hội - chính trị - pháp lý, làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên cực kỳ khó khăn và tốn kém. Theo đó, điều khoản này sẽ quy định những cơ chế can thiệp hợp lý vào hiệu lực hợp đồng, như cho phép các bên yêu cầu tòa án điều chỉnh hoặc nếu không điều chỉnh được thì cho chấm dứt hợp đồng.

3. Mối quan hệ giữa điều khoản xác định luật áp dụng giải quyết tranh chấp với điều khoản xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Trong hợp đồng MBHHQT, so với tất cả các điều khoản cơ bản và các điều khoản khác của hợp đồng, điều khoản xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp có mối quan hệ mật thiết với điều khoản lựa chọn luật áp dụng.

Điều khoản xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp là điều khoản được các bên hợp đồng thỏa thuận xác định một phương thức cụ thể, một chủ thể cụ thể sẽ tham gia giải quyết tranh chấp nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng có xảy ra bất kỳ tranh chấp nào giữa các bên. Phương thức cụ thể đó có thể là thông qua bên thứ ba làm trung gian hòa giải, có thể là cơ quan tài phán, tòa án hoặc trọng tài. Chủ thể cụ thể có thể là tòa án quốc gia A, hay hội đồng trọng tài  B, hay hội đồng hòa giải C,…

Điều khoản lựa chọn luật áp dụng là điều khoản được các bên thỏa thuận và lựa chọn về một nguồn pháp luật cụ thể để điều chỉnh quan hệ hợp đồng, nguồn luật được các bên lựa chọn sẽ trực tiếp điều chỉnh quan hệ hợp đồng từ hình thức, nội dung hợp đồng… đến quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên hợp đồng.

Chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là chủ thể được các bên xác định trong điều khoản của hợp đồng và sẽ căn cứ vào các qui định được ghi nhận trong nguồn pháp luật đã được các bên lựa chọn tại điều khoản lựa chọn nguồn pháp luật áp dụng hợp đồng để làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp giữa các bên. Ví dụ như: bất kỳ tranh chấp nào xảy ra hoặc liên quan đến hợp đồng này, bao gồm bất cứ câu hỏi nào liên quan đến sự tồn tại, hiệu lực hoặc chấm dứt hợp đồng, nếu việc giải quyết không được giải quyết một hiệu quả, sẽ được đề cập và cuối cùng được giải quyết bởi trọng tài Singapore trong việc tuân thủ theo các quy tắc hòa giải và phân xử của "Dịch vụ trọng tài vận chuyển và hàng hóa quốc tế“ (ICASS), trong thời gian thực thi, các quy tắc được coi là được kết hợp bằng cách tham chiếu vào điều khoản này. Luật áp dụng của hợp đồng này sẽ là luật thực định của Singapore. Ngôn ngữ trọng tài là tiếng Anh[5].

Trong ví dụ về điều khoản nêu trên cho thấy chỉ với một điều khoản trong hợp đồng nhưng đã hàm chứa trong đó đầy đủ các nội dung của điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng, cụ thể là các bên đã xác định, thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp nếu phát sinh sẽ thuộc về trọng tài và cụ thể là trọng tài quốc tế Singapore và xác định nguồn luật áp dụng cho hợp đồng là luật thực định của Singapore.

Như vậy, với thực tiễn xây dựng các điều khoản thỏa thuận giải quyết tranh chấp của các bên trong hợp đồng đã cho thấy rất rõ mối quan hệ giữa điều khoản xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng MBHHQT, điều khoản thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng chính là cơ sở pháp lý cho chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp vận dụng.    

4. Mối quan hệ giữa điều khoản xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp với điều khoản đặc biệt giải quyết tranh chấp trong hợp đồng

Điều khoản bất khả kháng và điều khoản hoàn cảnh thay đổi được xem là những điều khoản đặc biệt giải quyết tranh chấp trong hợp đồng MBHHQT, nội dung của nó là liệt kê những trường hợp cụ thể mang tính khách quan có thể xảy ra và làm ảnh hưởng đến việc thực thi hợp đồng, như tiến độ thực hiện hợp đồng, giá thành của hàng hóa, … nhưng bên vi phạm không bị ràng buộc trách nhiệm. Bởi vậy, việc xem xét mối quan hệ của loại điều khoản này với điều khoản xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho thấy, điều khoản đặc biệt sẽ được xem như căn cứ  để chủ thể có thẩm quyền dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc xem xét và xác định trách nhiệm của các bên đối với nghĩa vụ hợp đồng.

Tuy nhiên, điều khoản đặc biệt này không thuộc nhóm điều khoản cơ bản, điều khoản bắt buộc đối với một hợp đồng MBHHQT, song sự thiếu vắng nó trong các hợp đồng MBHHQT sẽ là một hạn chế lớn cho các bên hợp đồng và tạo ra sự khó khăn không đáng có đối với các chủ thể giải quyết tranh chấp được xác định tại điều khoản xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, điều khoản này còn đặc biệt ở chỗ nó là sự cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định của pháp luật về các trường hợp mang tính khách quan khi xảy ra làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp đồng. Song, nếu một hợp đồng thiếu nó cũng không làm cho chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp không có căn cứ để giải quyết tranh chấp. Khi đó, chủ thể được xác định tại điều khoản xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ vẫn có thể vận dụng được, bởi nó chính là các qui định của pháp luật, dó đó khi được các bên thỏa thuận, liệt kê để đưa vào trong điều khoản của hợp đồng thực ra cũng chỉ là với mục đích làm rõ hơn các qui định của pháp luật mà thôi. 

5. Mối quan hệ giữa điều khoản giải quyết tranh chấp với các điều khoản cơ bản trong hợp đồng

Như đã đề cập ở phần trên, nhóm điều khoản cơ bản của hợp đồng bao gồm: điều khoản về số lượng, chất lượng, đơn giá, thời gian và địa điểm giao hàng…, đây là những điều khoản không thể thiếu của hợp đồng và lại thường hay xảy ra tranh chấp từ chính những điều khoản cơ bản này. Bởi vậy, khi phát sinh tranh chấp giữa các bên từ một trong những điều khoản cơ bản này thì khi đó toàn bộ điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng với những nội dung mà các bên đã thỏa thuận trước đó sẽ được “kích hoạt”, từ điều khoản xác định thẩm quyền, đến điều khoản xác định cơ sở pháp lý giải quyết, đến việc xem xét các trường hợp thuộc điều khoản đặc biệt.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có những trường hợp hợp đồng thiếu vắng điều khoản giải quyết tranh chấp khiến cho khi có vi phạm từ các điều khoản cơ bản của hợp đồng thì việc giải quyết tranh chấp sẽ gặp khó khăn hơn, tốn kém về vấn đề tài chính, thời gian,…

Như vậy, để hạn chế đến mức tối đa những rủi ro có thể xảy ra cho các bên hợp đồng, các bên khi đàm phán và ký kết hợp đồng cần thấy rõ mối quan hệ giữa điều khoản cơ bản của hợp đồng với điều khoản giải quyết tranh chấp để xây dựng nó với đầy đủ các nội dung như đã phân tích ở trên.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, trang 246

2 Điều 408, BLDS năm 2015

3 Christophe Imhoos, Herman Verbist and jean-Francois Bourque, Arbitration and alternative dispute resolution: How to settle international business dispute, Arrelano Law Foundation (with the support of UNCTAD/WTO Genève), 2002

4 Christophe Imhoos, Herman Verbist and jean-Francois Bourque, Arbitration and alternative dispute resolution: How to settle international business dispute, Arrelano Law Foundation (with the support of UNCTAD/WTO Genève), 2002

5 Xem phụ lục II, Quy tắc trọng trọng tài Singapore.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. UNCITRAL (1980), Công ước của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước Viên năm 1980).
  2. UNIDROIT (2004), Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế.
  3. Quốc hội nước CHXHCNVN (2015), Luật số 91/2015/QH13 (Bộ luật Dân sự).
  4. Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Nxb Từ điển bách khoa,Hà Nội.
  5. Christophe Imhoos, Herman Verbist and jean-Francois Bourque (2002), Arbitration and alternative dispute resolution: How to settle international business dispute, Arrelano Law Foundation, UNCTAD/WTO Genève.
  6. Peter Murrell (2001) Assessing the Valua of Law in Transition Economies. The University of Michigan.
  7. Li, Ya-Wei (2006) "Dispute Resolution Clauses in International Contracts: An Empirical Study," Cornell International Law Journal: Vol. 39 : No. 3 , Article 15.
    Available at: https://scholarship.law.cornell.edu/cilj/vol39/iss3/15

THE RELATIONSHIP AMONG DISPUTE RESOLUTION CLAUSES IN CONTRACTS FOR INTERNATIONAL SALE AND PURCHASE OF GOODS

Master. Do Hong Quyen

Lecturer, Thuong Mai University

Abstract:

International commercial contracts in general and contracts for international sale and purchase of goods in particular, the dispute resolution clauses are considered special clauses because they are only activated when contractual disputes arise during the implementation of contracts. This paper presents the special relationship among dispute resolution clauses in contracts for international sale and purchase of goods.

Keywords: Contracts for international sale and purchase of goods, terms of contract, resolving contractual disputes.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]