Mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển năng lực cạnh tranh du lịch tại Việt Nam

THS. TRẦN ANH DŨNG (GV. Khoa Văn hóa và Du lịch, Trường Đại học Sài Gòn)

TÓM TẮT:

Văn hóa đã được xác định là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch của quốc gia. Từ việc phân tích, tổng hợp và so sánh từng tiêu chí trong khung đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum’s - WEF) đưa ra, ý tưởng chính của bài báo này là xác định mối liên hệ giữa văn hóa với năng lực cạnh tranh du lịch tại Việt Nam và nêu một số đề xuất mới trong hoạt động phát triển năng lực cạnh tranh du lịch tại Việt Nam.  

Từ khóa: cạnh tranh du lịch, tài nguyên văn hóa, tài nguyên du lịch, văn hóa.

1. Cơ sở lý luận

1.1. Khái niệm văn hóa

Văn hóa là một phạm trù khá rộng và khó diễn tả được hết bản chất và nội hàm của nó. Từ “văn hóa” trong từ điển Oxford có nghĩa là lối sống, phong tục và tổ chức xã hội của một quốc gia hoặc nhóm cụ thể. Văn hóa là một tổng thể phức hợp, bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục, cũng như mọi khả năng và thói quen khác mà con người như một thành viên xã hội tiếp thu được. Ngày càng có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch trong hơn 2 thập niên qua. Một số nhà nghiên cứu đã tìm cách xác định mối quan hệ của văn hóa đối với ngành Du lịch.

Văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo ngày càng được sử dụng nhiều hơn để quảng bá các điểm đến, nâng cao khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của các điểm đến này. (OECD, 2021).

1.2. Khái niệm du lịch

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (United Nations World Tourism Organization - UNWTO), du lịch bao gồm tất cả các hoạt động của cá nhân đi, đến và lưu lại ngoài vị trí nơi ở thường xuyên trong thời gian không dài (hơn 1 năm) với những mục đích khác nhau, ngoại trừ mục đích kiếm tiền hàng ngày.

Tại Việt Nam, du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác. Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch. (Luật Du lịch 2017).

1.3. Khái niệm năng lực cạnh tranh du lịch

Hiện nay, có khá nhiều định nghĩa về “cạnh tranh” đang được sử dụng. Bài báo này thống nhất sử dụng định nghĩa và cách hiểu về cạnh tranh từ lý thuyết kinh tế học phát triển. (Wikipedia, 2015).

Theo đó, năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế được hiểu là năng lực hoạch định, tổ chức, thiết kế, sản xuất và đáp ứng hiệu quả các nhu cầu của các phân khúc thị trường mục tiêu, đồng thời có khả năng kết nối và thu hút hiệu quả các nguồn lực từ môi trường kinh doanh tại quốc gia để đạt được nhiều lợi ích mang tính bền vững hơn so với đối thủ. Như vậy, năng lực cạnh tranh thường được hiểu là khả năng tạo dựng và duy trì sự phát triển một lĩnh vực nào đó hiệu quả và bền vững hơn những đối tượng khác. Michael  Porter (1985) đã lập luận rằng, cạnh tranh là cốt lõi sự thành công của các doanh nghiệp.

Hơn 10 năm qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới - tổ chức dẫn đầu thế giới về thu thập dữ liệu kinh tế du lịch vĩ mô để phân tích sâu chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành trên thế giới, gọi tắt là TTCI (Travel & Tourism Competitiveness Index) đã công bố những báo cáo thống kê đồ sộ, có giá trị, cũng như ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia. Các báo cáo về năng lực cạnh tranh du lịch của WEF là một dữ liệu có giá trị và ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với các quốc gia. Năng lực cạnh tranh du lịch được xem là yếu tố quyết định sức hấp dẫn và mức độ thành công của một địa điểm du lịch nào đó. Quan điểm cạnh tranh có liên quan đến yếu tố văn hóa được xem xét từ nhiều góc nhìn khác nhau. Trần Quốc Toản (2018), Vũ Văn Đông (2020) đã xem năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch trong hội nhập quốc tế là tập hợp các yếu tố nguồn lực như tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, các chính sách, thể chế và con người. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta xác định văn hóa là mục tiêu và là động lực của sự phát triển xã hội. Trong đó, văn hóa có sự ảnh hưởng quan trọng đến gần như toàn bộ năng lực phát triển của quốc gia và có thể tạo ra yếu tố nội sinh đặc biệt. Văn hóa tạo nội lực phát triển du lịch trong quá trình vận động và phát triển.

2. Văn hóa trong mối quan hệ với du lịch

2.1. Văn hóa trở thành giá trị cốt lõi

Văn hóa tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch, do đó, nhiều nơi đã tìm cách tôn tạo và phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời xem đó như là những tài sản, công cụ đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Văn hóa kết hợp với du lịch sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh so sánh đặc biệt cho cả hai. Báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới về Di sản văn hóa và Phát triển du lịch đã lập luận rằng, văn hóa và du lịch có mối quan hệ cộng sinh đặc biệt (UNWTO, 2021).

Văn hóa là những giá trị do con người tạo ra cho nên nó có mối quan hệ đến hầu hết các mặt của đời sống con người. Văn hóa tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch và đã trở thành một phần không thể thiếu để tạo ra những kỳ nghỉ trọn vẹn cho du khách. Khách du lịch đi tìm kiếm những trải nghiệm đặc biệt, khác biệt và mới lạ ở những nơi có sự khác biệt về văn hóa. MacCannell (1976) đã so sánh văn hóa như một quá trình, là mục tiêu tìm kiếm của du khách.

2.2. Văn hóa trở thành sản phẩm du lịch tại điểm đến

Những cuốn hút về văn hóa tại điểm đến du lịch đã trở thành yếu tố mang tính cạnh tranh rất cao từ góc độ sản phẩm du lịch. Do đó, nhiều nơi đã tìm cách tôn tạo và phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa vật thể, phi vật thể để tạo ra sản phẩm du lịch, đồng thới xem văn hóa như những tài sản, công cụ đặc biệt để nâng cao cạnh tranh và hấp dẫn khách du lịch. Ritchie và Zins (1978) đưa ra những yếu tố văn hóa cuốn hút du lịch, gồm: thủ công mỹ nghệ, ngôn ngữ, truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật và âm nhạc, lịch sử của điểm đến, các loại công việc của cư dân, kiên trúc, tôn giáo, hệ thống giáo dục, trang phục và giải trí.

Nếu xem xét sâu hơn, ta có thể thấy ảnh hưởng của văn hóa lên hầu hết khía cạnh của hoạt động du lịch. Điều này tạo ra sự khác biệt và cũng chính là sự cạnh tranh của điểm đến du lịch. Sự khác biệt tạo ra chủ yếu từ khía cạnh văn hóa, cho nên những điểm đến thành công thường kết hợp tốt giữa văn hóa với du lịch. Mục tiêu phát triển tổng thể văn hóa được cụ thể hóa tại Quyết định số 1755/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/9/2016, theo đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng.

Như vậy, văn hóa và du lịch có mối quan hệ đặc biệt mang tính cộng sinh, biện chứng cho nhau trong quá trình phát triển. Du lịch dựa vào văn hóa để phát triển những sản phẩm, gia tăng cuốn hút cho du khách. Ngược lại, văn hóa được quảng bá và phát triển tốt hơn thông qua các hoạt động du lịch.

3. Các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch

Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới  (WEF) năm 2019, có 14 nhóm tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch toàn diện của một quốc gia, được nêu ra trong Bảng chỉ số cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (TTCI) gồm:

Nhóm 1. Môi trường kinh doanh du lịch; Nhóm 2. An toàn và an ninh; Nhóm 3. Vệ sinh và sức khỏe; Nhóm 4. Nguồn nhân lực và thị trường lao động; Nhóm 5. Nền tảng công nghệ sẵn sàng; Nhóm 6. Chính sách ưu tiên du lịch; Nhóm 7. Hội nhập quốc tế; Nhóm 8. Chỉ số giá tiêu dùng; Nhóm 9. Môi trường bền vững; Nhóm 10. Hạ tầng giao thông hàng không; Nhóm 11. Hạ tầng đường bộ và cảng du lịch; Nhóm 12. Cơ sở vật chất dịch vụ du lịch; Nhóm 13. Tài nguyên tự nhiên và Nhóm 14. Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ. (WEF, 2019).

3.1. Đánh giá các nhóm tiêu chí năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2019

Theo nội dung Báo cáo TTCI năm 2019 của WEF, du lịch Việt Nam đứng hạng 67 trên 136 quốc gia có tham gia khảo sát. Thứ hạng này đã tăng 3,4% so với thứ hạng năm 2017 và tăng 22 bậc hạng so với năm 2009 (hạng 89). Bảng 1 thống kê lại số liệu sẽ minh họa rõ thứ hạng của các chỉ số liên quan đến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Bảng 1. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam theo 14 nhóm tiêu chí

Thứ tự

Nhóm

Tiêu chí

Các nguồn năng lực cạnh tranh du lịch

Thứ hạng

/136

1

Môi trường kinh doanh du lịch

68

2

An toàn và an ninh

57

3

Sức khỏe và vệ sinh

82

4

Nguồn nhân lực và thị trường lao động

37

5

Nền tảng công nghệ sẵn sàng

80

6

Chính sách ưu tiên du lịch

101

7

Hội nhập quốc tế

73

8

Chỉ số giá tiêu dùng

35

9

Môi trường bền vững

129

10

Hạ tầng giao thông hàng không

61

11

Hạ tầng đường bộ và cảng du lịch

71

12

Cơ sở vật chất dịch vụ du lịch

113

13

Tài nguyên tự nhiên

34

14

Tài nguyên văn hóa và Business Travel([1])

30

Nguồn: Nghiên cứu số liệu từ World Economic Forum.

Dựa theo số liệu tại Bảng 1, có thể thấy Nhóm 14 (Tài nguyên văn hóa) đang có thứ hạng cao nhất so với các Nhóm tiêu chí còn lại.

Lập biểu đồ từ dữ liệu Bảng 1 để minh họa rõ thứ hạng năng lực cạnh tranh du lịch tăng dần theo các nhóm tiêu chí như Biểu đồ 1.

Tại Biểu đồ 1, đã minh họa rõ trong 14 nhóm tiêu chí, tiêu chí Tài nguyên văn hóa (Nhóm 14) đạt thứ hạng 30, là hạng cao nhất so với các hạng của các tiêu chí còn lại.

Tiếp theo, cần nghiên cứu để làm rõ các vị trí thứ hạng của các tiêu chí thuộc Nhóm 14 để thấy rõ hơn về các thành tố văn hóa có liên quan, nghiên cứu được minh họa tại Bảng 2.

Bảng 2. So sánh thứ hạng của các tiêu chí Nhóm 14

Thứ tự

Tiêu chí năng lực cạnh tranh

Nguồn tài nguyên văn hóa

Thứ hạng

/136

1

Số lượng di sản văn hóa thế giới

46

2

Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu

13

3

Quảng trường, sân vận động tổ chức sự kiện văn hóa

31

4

Sự kiện hội họp quốc tế

50

5

Nhu cầu văn hóa và ngành giải trí hiện đại

20

Nguồn: Nghiên cứu số liệu từ WEF (WEF, 2019)

Tiếp tục minh họa bằng biểu đồ từ dữ liệu Bảng 2 để thấy rõ thứ hạng của các tiêu chí cạnh tranh văn hóa theo thứ hạng tăng dần([2]):

Từ Biểu đồ 2, đã cho thấy tổng thể các tiêu chí quan trọng của văn hóa trong mối liên hệ với thứ hạng cạnh tranh du lịch. Trong khi tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể có thứ hạng khá cao (13/136) thì yếu tố sự kiện hội họp quốc tế có thứ hạng trung bình khá. Các tiêu chí còn lại lần lượt theo thứ hạng: Nhu cầu văn hóa và ngành giải trí hiện đại (20/136), quảng trường sân vận động tổ chức sự kiện văn hóa (31/136), số lượng di sản (46/136). Có thể thấy, các tiêu chí văn hóa trong Nhóm 14 có thứ hạng cạnh tranh khá cao. Thử so sánh thứ hạng cạnh tranh của riêng Nhóm 14 với một số quốc gia tại châu Á để thấy năng lực cạnh tranh văn hóa của Việt Nam bằng Biểu đồ 3.

3.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh Du lịch của Việt Nam

Trong 14 Nhóm tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh Du lịch của Việt Nam,Nhóm 14 (Tài nguyên văn hóa) có thứ hạng năng lực cạnh tranh cao nhất.

Tiếp theo, phát hiện thú vị nhất là trong Nhóm 14, chỉ số năng lực cạnh tranh của văn hóa phi vật thể và truyền khẩu có thứ hạng 30 thế giới (hiện tại Trung Quốc đang được xếp hạng 1). Tiêu chí “Nhu cầu văn hóa và Giải trí hiện đại” của Du lịch Việt Nam có thứ hạng 20 (Pháp đang được xếp hạng 1 cho tiêu chí này). Tiêu chí Quảng trường sân vận động tổ chức sự kiện văn hóa của Việt Nam đang xếp thứ hạng 31 (Mỹ đang được xếp  hạng 1).

Số lượng di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam là điểm cạnh tranh nổi bật nhất, chiếm thứ hạng 13 (Ý đang được xếp hạng 1) và tiêu chí tổ chức sự kiện văn hóa quốc tế của Việt Nam hạng 50 (Mỹ đang được xếp hạng 1).

Hơn nữa, cũng theo kết quả nghiên cứu này, cho thấy những quốc gia có thứ hạng năng lực cạnh tranh nhóm văn hóa cao là những quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch cao (gồm: Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý và Trung Quốc).

4. Một số đề xuất phát triển mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển năng lực cạnh tranh du lịch tại Việt Nam

Ý tưởng nghiên cứu để làm rõ văn hóa trong mối quan hệ với năng lực cạnh tranh du lịch tại Việt Nam trong bài nghiên cứu này đã có được những kết quả nhất định. Một trong những phát hiện khá quan trọng từ nghiên cứu này là tìm ra cơ sở rõ ràng để khẳng định văn hóa trong mối quan hệ với phát triển du lịch. Các giá trị rõ ràng của tài nguyên văn hóa được thể hiện trong các tiêu chí đo lường năng lực cạnh tranh du lịch tại các quốc gia. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng đã cho biết thêm thứ hạng năng lực cạnh tranh du lịch của quốc gia có phụ thuộc vào nguồn tài nguyên văn hóa. Bằng chứng cho thấy những quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào đang có thứ hạng cạnh tranh du lịch cao. Quan trọng hơn nữa, từ nghiên cứu này còn có thể thấy rằng, Việt Nam đang sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa có lợi thế cạnh tranh khá cao để phát triển du lịch so với nhiều quốc gia khác. Theo kết quả nghiên cứu này, có thể nêu ra 3 đề xuất sau đây:

Thứ nhất, cần xem xét đầu tư văn hóa như là một công cụ để phát triển năng lực kinh tế du lịch. Chú trọng vào đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, vì Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh cao.

Thứ hai, cần xem xét, đánh giá sâu hơn các tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch khác của Việt Nam để thấy vai trò và ảnh hưởng của văn hóa trong phát triển du lịch hiện nay. 

Thứ ba, Nhà nước và doanh nghiệp cần có cái nhìn tiếp cận liên thông giữa đầu tư phát triển văn hóa và phát triển kinh tế du lịch.

Thứ tư, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa để gia tăng năng lực cạnh tranh du lịch là chiến lược quan trọng để phát triển hài hòa cho cả văn hóa và du lịch trong tương lai./. 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Du lịch công tác, công vụ, một dạng của du lịch M.I.C.E

(2) Thứ hạng có số nhỏ thể hiện năng lực cạnh tranh mạnh

(3) Hạng số nhỏ thể hiện năng lực cạnh tranh cao, Cạnh tranh văn hóa của Trung Quốc hạng 1/136 quốc gia, 2019

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Văn Đông. (2020). Nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tạp chí Công Thương, Truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-nganh-du-lich-trong-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-77358.htm
  2. Nguyễn Văn Lưu. (2018). Văn hóa du lịch - Nguồn lực cốt lõi để phát triển du lịch bền vững. Truy cập từ http://vtr.org.vn/van-hoa-du-lich-nguon-luc-cot-loi-de-phat-trien-du-lich-ben-vung.html
  3. OECD. (2021). The Impact of Culture on Tourism. Truy cập từ : https://www.oecd.org/cfe/tourism/theimpactofcultureontourism.htm
  4. Hồ Sỹ Quý. (23/10/2018). Mấy vấn đề về hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay, Hội đồng lý luận Trung ương. Truy cập từ http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/may-van-de-ve-he-gia-tri-van-hoa-viet-nam-hien-nay.html
  5. Hadley, S. (2021). Audience Development and Cultural Policy. MacMillan: Palgrave
  6. Trần Quốc Toản. (18/9/2018). Vị trí và vai trò của văn hóa trong đổi mới - phát triển: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra. Truy lục từ Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương (www.hdll.vn): http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/vi-tri-va-vai-tro-cua-van-hoa-trong-doi-moi-phat-trien-thuc-tien-va-nhung-van-de-dat-ra.html
  7. UNWTO. (9/6/2021). Tourism and Culture Synergies. Truy cập từ: https://www.e-unwto.org/doi/pdf/10.18111/9789284418978, tr. 15
  8. UNWTO. (2019). International Tourism Highlights. Madrid: UNWTO
  9. World Economic Forum. (09/06/2021). The Travel and Tourism Competitiveness Report 2019, World Economic Forum. Truy cập từ: http://www3.weforum.org/docs/WEF_TTCR_2019.pdf.
The relationship between culture and tourism competitiveness development in Vietnam  
Master. Tran Anh Dung

Lecturer, Faculty of Culture and Tourism, Saigon University

ABSTRACT:

Culture has been identified as one of the criteria for assessing a country's tourism competitiveness. By analyzing, reviewing and comparing each criterion in the tourism competitiveness assessment framework launched by the World Economic Forum's (WEF), this paper identifies the relationship between culture and tourism competitiveness of Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to enhance the tourism competitiveness of Vietnam.

Keywords: tourism competitiveness, cultural resources, tourism resources, culture.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2021]