Mối quan hệ giữa vốn xã hội và kết quả kinh doanh - Tiếp cận theo hướng lý thuyết

PGS.TS. Bùi Thanh Tráng (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), ThS. Lê Thanh Tùng (Trường Đại học Bạc Liêu)

Tóm tắt:

Bài viết nhằm tìm hiểu sâu về lý thuyết vốn xã hội và lý thuyết lựa chọn nhà cung cấp. Tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn, tổng hợp tài liệu có liên quan đến các khái niệm, các nền tảng lý thuyết và biện luận các mối quan hệ vốn xã hội, để từ đó tìm kiếm khe hở nghiên cứu.

Từ khóa: Vốn xã hội, kết quả kinh doanh, tăng trưởng kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Về mặt lý thuyết, vốn xã hội đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, như: quốc gia, cộng đồng, doanh nghiệp. Đáng chú ý, kể từ năm 2012 đến năm 2017, đã có nhiều bài viết tiêu biểu tập trung vào nghiên cứu 3 khía cạnh của vốn xã hội - vốn xã hội cấu trúc, vốn xã hội quan hệ, và vốn xã hội nhận thức - tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp; chẳng hạn: nghiên cứu của Cory Hallam & ctg (2017), của Yosra Mani & Lassaad Lakhal (2015), của Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015), của Yina Li & ctg (2014), của Jorge Caiado & ctg (2014), của Zhining Wang & ctg (2014), của Hamrila A. Latip (2012), và của Mariel Fornoni & ctg (2012).

Đối với khía cạnh vốn xã hội cấu trúc, các nghiên cứu này tập trung vào: số lượng mối quan hệ mạng lưới, cấu hình mạng lưới, mật độ mạng lưới, những loại hình liên kết, sức mạnh của những mối quan hệ mạng lưới.

Đối với khía cạnh vốn xã hội quan hệ, các nghiên cứu này tập trung vào: mức độ niềm tin, các quy tắc, những nghĩa vụ, sự nhận dạng.

Đối với khía cạnh vốn xã hội nhận thức, các nghiên cứu này tập trung vào: chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu, ngôn ngữ chung.    

Do vậy, bài viết “Mối quan hệ giữa vốn xã hội và kết quả kinh doanh - Tiếp cận theo hướng lý thuyết” nghiên cứu nhằm mục đích đóng góp về mặt cơ sở lý thuyết, giúp các học giả hiểu rõ hơn mối quan hệ này.

2. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn, tổng hợp tài liệu có liên quan đến các khái niệm, các nền tảng lý thuyết và biện luận các mối quan hệ vốn xã hội, để từ đó tìm kiếm khe hở nghiên cứu.

3. Vốn xã hội (social capital)

Bourdieu (1986) cho rằng: Vốn xã hội là các nguồn lực tồn tại trong các mối quan hệ giữa các tổ chức hoặc cá nhân trong bối cảnh xã hội. Thông qua đó, các chủ thể này nhận được những lợi ích từ mạng lưới quan hệ, như dễ dàng huy động được các nguồn lực khác và tạo ra nguồn vốn con người. Hơn thế, Coleman (1990) cho rằng: Vốn xã hội được hình thành qua những thay đổi trong mối quan hệ giữa người với người, cụ thể là những mối quan hệ dễ dàng hóa hành động.

Mặt khác, Nahapiet & Ghosal (1998) cho rằng: Vốn xã hội bao gồm các nguồn lực thực tế và tiềm ẩn bên trong mạng lưới các mối quan hệ, được sở hữu bởi một tổ chức hoặc cá nhân trong xã hội. Và thông qua mạng lưới đó, các chủ thể trong xã hội sẽ huy động được các nguồn lực khác.

Ngoài ra, Adler & Kwon (2002) cho rằng: Vốn xã hội chính là thiện chí sẵn có dành cho các cá nhân hoặc nhóm. Nguồn lực của vốn xã hội nằm ở trong cấu trúc và nội dung của các mối quan hệ xã hội của các chủ thể. Những tác động của vốn xã hội xuất phát từ thông tin, sự ảnh hưởng và tình đoàn kết mà nó tạo ra cho các chủ thể.

Mặt khác, José María Viedma Marti (2004) cho rằng, vốn xã hội là tổng hợp các nguồn lực và các khả năng thuộc về mạng lưới các tổ chức mà doanh nghiệp đã xây dựng, để cạnh tranh thành công.

Ngoài ra, Vanessa Ratten & Yuliani Suseno (2006) cho rằng, vốn xã hội chính là tài sản. Vốn xã hội xuất hiện trong các mối quan hệ của cá nhân, cộng đồng và xã hội. Hơn thế, vốn xã hội tạo điều kiện trao đổi nguồn lực giữa các đơn vị và đổi mới sản phẩm, tạo ra vốn trí tuệ và hiệu quả của các nhóm chức năng bổ trợ, làm giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc và tỷ lệ giải thể tổ chức, tăng cường những mối quan hệ nhà cung cấp, củng cố mạng lưới sản xuất khu vực và đẩy mạnh việc học hỏi giữa các công ty với nhau.

4. Lợi ích mạng lưới kết nối (network benefit)

Dựa trên nghiên cứu của Khayesi & George (2011) và của Tokarczyk & ctg (2007), Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015) cho rằng, lợi ích mạng lưới kết nối chính là những lợi ích mà các chủ thể sẽ đạt được trong quá trình họ gắn kết trong các mạng lưới, chẳng hạn: tiếp cận thông tin kịp thời, sự thành công trong việc huy động nguồn lực và sự có sẵn của nguồn lực tài chính, vật lực và lao động. Ngoài ra, các chủ thể gắn kết trong các mạng lưới còn nhận được những lợi ích từ lợi thế quy mô kinh tế thông qua những hành vi kinh doanh tập thể, xây dựng được niềm tin với các nhà cung cấp và khách hàng, tăng cường sự hợp tác và hội nhập trên toàn chuỗi giá trị.

Từ quan điểm tiếp thị, lợi ích mạng lưới kết nối được hiểu không chỉ đơn thuần là việc cung cấp những lợi ích ngắn hạn - như truyền thống trước đây liên quan đến việc dẫn đầu hoặc việc giới thiệu các doanh nghiệp mới; mà nó còn cung cấp kiến thức, nguồn lực, khẳng định vị trí của tổ chức, cơ hội, giới thiệu, củng cố các mối quan hệ hiện tại và việc dẫn đầu các công ty khác (Frank K. Sonnenberg, 1990).

Hơn thế, Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015) cho rằng, thang đo lường “lợi ích mạng lưới kết nối” được phát triển bởi Spreitzer năm 1996; và thang đo này đã được các nhà nghiên cứu khác sử dụng trong quá khứ (ví dụ Siebert & ctg, 2001). Thang đo lường “lợi ích mạng lưới kết nối” là thang đo lường dạng Likert-5-điểm, trong đó, “1 là rất không đồng ý”; và “5 là rất đồng ý”.

Dựa trên nền tảng thang đo “lợi ích mạng lưới kết nối” của Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015), kết hợp phỏng vấn chuyên gia (10 giám đốc công ty BĐS nhà ở tại khu vực ĐBSCL), nhân tố “lợi ích mạng lưới kết nối” được đo lường bằng 4 biến quan sát. (Bảng 1)

Bảng 1. Thang đo lợi ích mạng lưới kết nối trong ngữ cảnh bất động sản nhà ở tại ĐBSCL

Thành phần

Biến quan sát

Lợi ích mạng lưới kết nối

(network benefit)

Mạng lưới giúp cho doanh nghiệp đạt được các nguồn lực và thông tin cần thiết để hỗ trợ những ý tưởng mới.

Mạng lưới giúp cho doanh nghiệp đạt được các nguồn lực và thông tin cần thiết để vận hành việc kinh doanh hiệu quả.

Mạng lưới giúp cho doanh nghiệp đạt được các nguồn lực và thông tin cần thiết để đưa ra các quyết định kinh doanh.

Mạng lưới giúp cho doanh nghiệp đạt được các nguồn lực và thông tin bổ sung khi cần thiết.

Nguồn: Kết quả nghiên cứu định tính của tác giả

5. Kết quả kinh doanh (business performance)

Các nhà nghiên cứu định nghĩa kết quả kinh doanh như là vấn đề ra quyết định có nhiều thuộc tính với 6 yêu cầu sau: khả năng phản ánh kết quả số học một cách có ý nghĩa để cho biết hiệu quả tổng thể của một giai đoạn; khả năng phản ánh hoạt động của bất kỳ bộ phận phụ thuộc hoặc quan điểm; khả năng theo dõi những cải tiến hiệu quả hoạt động theo thời gian; khả năng linh hoạt để thiết kế theo sở thích của công ty; khả năng năng động để công ty có thể thay đổi các mô hình khi cần thiết; và khả năng đưa ra cái nhìn sâu sắc về hoạt động trong tương lai (Basar Öztaysi & ctg, 2011).

Tuy nhiên, Andy Neely (2004) cho rằng, kết quả kinh doanh thường được xác định hoặc được đánh đồng với hiệu quả và hiệu suất. Chi tiết hơn, kết quả kinh doanh thường được đánh đồng với việc sản xuất tinh gọn, khả năng cạnh tranh, giảm chi phí, tạo việc làm và giá trị, tăng trưởng, sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Mặt khác, kết quả kinh doanh còn là sự tổng hợp của tất cả các quá trình mà sẽ chỉ dẫn các nhà quản lý để có những hành động thích hợp trong hiện tại, nhằm tạo ra một tổ chức hiệu quả trong tương lai. Nói cách khác, chúng ta định nghĩa kết quả kinh doanh như là việc đang làm ngày hôm nay mà sẽ dẫn đến kết quả giá trị được đo lường vào ngày mai.

Mặt khác, Basar Öztaysi (2009) cho rằng, việc đo lường kết quả kinh doanh có thể được xem xét như là một phần của quá trình quản lý và được thực hiện định kỳ để xác định sự thành công hay chất lượng của một quá trình hoặc hoạt động cụ thể. Ngoài ra, theo Meyer (2002), việc đo lường kết quả kinh doanh được sử dụng để đánh giá các kết quả tổng thể của quá khứ và xác định vị trí tương lai của công ty - ở cấp độ ban quản lý cấp cao nhất và ở cấp độ cá nhân. Bên cạnh đó, việc đo lường kết quả kinh doanh giúp cung cấp thông tin về những thiếu sót và tạo động lực cho các hoạt động sắp tới. Folan & ctg (2007) cho rằng, việc đo lường kết quả kinh doanh là sự kết hợp các đặc điểm của các công ty, được diễn đạt bằng số lượng. Cụ thể, việc đo lường kết quả kinh doanh là quá trình lựa chọn các thuộc tính khác nhau (và các chỉ số về các thuộc tính) để tạo ra sự đánh giá kết hợp dựa trên những thuộc tính này.

Hơn thế, Hamrila A. Latip (2012) đã xây dựng được thang đo kết quả kinh doanh, bao gồm 2 nhóm biến: tăng trưởng kinh doanh (business growth) và thích ứng với sự thay đổi (responsiveness to change), với tổng cộng 13 biến quan sát. Trong đó, thang đo lường tăng trưởng kinh doanh và thích ứng với sự thay đổi được dựa trên thang đo Likert-5-điểm, trong đó, “1 là hoàn toàn không đồng ý”; và “5 là hoàn toàn đồng ý”.

Dựa trên nền tảng thang đo “kết quả kinh doanh” của Hamrila A. Latip (2012), kết hợp phỏng vấn chuyên gia (10 giám đốc công ty BĐS nhà ở tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long), nhân tố “thích ứng với sự thay đổi” được hiệu chỉnh thành 8 biến quan sát. Ngoài ra, nhân tố “tăng trưởng kinh doanh” được hiệu chỉnh thành 6 biến quan sát. (Bảng 2)

Bảng 2. Thang đo kết quả kinh doanh trong ngữ cảnh bất động sản nhà ở tại ĐBSCL

Thành phần

Biến quan sát

Thích ứng với sự thay đổi

(responsiveness to change)

Chúng tôi định kỳ xem xét những nỗ lực phát triển sản phẩm để đảm bảo rằng sản phẩm của chúng tôi phù hợp với những gì khách hàng muốn.

Các dòng sản phẩm mà chúng tôi bán phụ thuộc nhiều vào các quyết định nội bộ hơn là phụ thuộc vào các nhu cầu thị trường thực.

Các bộ phận phòng ban họp định kỳ để lên kế hoạch thích ứng với những thay đổi đang diễn ra trong môi trường kinh doanh của chúng tôi.

Chúng tôi nhanh chóng phản ứng lại những thay đổi đáng kể trong cấu trúc giá của các đối thủ cạnh tranh.

Ngay cả khi chúng tôi đưa ra một kế hoạch tiếp thị tuyệt vời, nhưng chúng tôi có lẽ cũng không thể thực hiện nó một cách kịp thời.

Khi chúng tôi phát hiện ra rằng, khách hàng không hài lòng với chất lượng dịch vụ của chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động khắc phục ngay lập tức.

Khi chúng tôi biết khách hàng mong muốn sửa đổi một sản phẩm hoặc dịch vụ, thì nhân viên hoặc phòng ban có liên quan của chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp với khách hàng để sửa đổi sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Vì lý do này hay lý do khác, chúng tôi thường phớt lờ đi những thay đổi trong nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ của khách hàng.

Tăng trưởng kinh doanh

(business growth)

Các bộ phận phòng ban họp định kỳ để lên kế hoạch sự tăng trưởng kinh doanh sẽ diễn ra như thế nào trong môi trường kinh doanh của chúng tôi.

Các bộ phận phòng ban họp định kỳ để lên kế hoạch việc thâm nhập kinh doanh sẽ diễn ra như thế nào trong môi trường kinh doanh của chúng tôi.

Chúng tôi hiểu rằng sự tăng trưởng của doanh nghiệp này phụ thuộc vào doanh số bán hàng và sự tăng trưởng lợi nhuận.

Chúng tôi phải chuẩn bị ngay bây giờ để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai của khách hàng.

Chúng tôi đang chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của chúng tôi trong vài năm trở lại đây.

Chúng tôi dự đoán thấy sự tăng trưởng trong kinh doanh của chúng tôi, mặc dù chúng tôi hiểu được những ảnh hưởng của sự bất ổn thị trường trong những năm tới.

Nguồn: Kết quả nghiên cứu định tính của tác giả

6. Lý thuyết vốn xã hội

Khayesi & George (2011) khẳng định rằng: Vốn xã hội có thể được coi là một tiềm năng gắn liền trong các mối quan hệ mà có thể được chuyển đổi để đạt được sự tiếp cận thông tin và nhiều nguồn lực cả về tài chính và vật chất. Vốn xã hội được gắn vào các mạng lưới có thể mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như: tiếp cận thông tin kịp thời, thành công trong việc huy động nguồn lực và sự sẵn có của nguồn lực tài chính, vật lực và lao động. Hơn nữa, vốn xã hội có thể mang lại lợi ích kinh tế do quy mô thông qua các hành động kinh doanh tập thể.

Ngoài ra, dựa trên nghiên cứu của Kogut (1988), Uzzi (1997), và Li & ctg (2013); Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015) cho rằng: Vốn xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến lợi ích mạng lưới. Khi sự tin tưởng tồn tại trong các mối quan hệ, tức là khi cá nhân tin rằng một đối tác trao đổi sẽ không lợi dụng cơ hội để hành động mà dẫn đến các kết quả tiêu cực cho cá nhân này, thì điều này sẽ tạo ra mức độ tin tưởng cao hơn. Theo thời gian, sự tin tưởng có thể dẫn đến sự hợp tác lâu dài và lợi ích mạng lưới, giúp làm tăng cường sự trao đổi các nguồn lực và thông tin. Tương tự như vậy, khi mối quan hệ mạng lưới trở nên mạnh mẽ, điều này có thể khuyến khích sự trao đổi thông tin và kiến thức chất lượng cao, từ đó giúp tiếp cận các nguồn lực bên ngoài.  

7. Lý thuyết lựa chọn nhà cung cấp (Supplier Selection Theory)

Vijay R. Kannan & Keah Choon Tan (2006) cho rằng, nhiều động lực cạnh tranh đã đặt các công ty dưới áp lực để cải thiện chất lượng, hiệu suất phân phối và sự thích ứng trong khi đồng thời phải cắt giảm chi phí. Do vậy, các công ty phải không ngừng khám phá ra các cách thức để tận dụng chuỗi cung ứng của họ. Đặc biệt, họ phải đánh giá một cách có hệ thống vai trò của những nhà cung cấp trong các hoạt động của họ.

Mặt khác, Anne Banks Pidduck (2006) cho rằng, việc lựa chọn nhà cung cấp liên quan đến nhiều đối tác làm việc cùng nhau để đạt được một mục tiêu. Trong mối quan hệ đối tác lý tưởng, mỗi nhà cung cấp có một kỹ năng hoặc tài năng cụ thể. Các đối tác, nhà cung cấp làm việc hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, chia sẻ thông tin khi cần thiết. Tuy nhiên, nhiều sự lựa chọn đối tác, nhà cung cấp vẫn còn mang tính cá nhân, dựa trên tình bạn, dựa trên mối quan hệ trước đây, hoặc dựa trên danh tiếng. Chi tiết hơn, Anne Banks Pidduck (2006) cho rằng, các đối tác nhà cung cấp thường được chọn từ những mối liên hệ hiện có; hoặc trải nghiệm trước đây với một người hoặc tổ chức cũng tạo nên niềm tin. Vì vậy, việc lựa chọn một người mà họ đã biết hoặc lựa chọn những người được đề cử bởi một người mà họ tín nhiệm thì sẽ nhanh hơn, dễ dàng và hiệu quả hơn. Các đối tác nhà cung cấp thường được chọn từ mạng lưới các công ty mà có lịch sử được tín nhiệm mạnh. Ngoài ra, mạng lưới xã hội và vốn xã hội cũng đưa ra quy trình lựa chọn đối tác nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cụ thể, nếu một đối tác, nhà cung cấp đã làm việc trước đó với công ty, hoặc đối tác, nhà cung cấp đã được đề xuất bởi một người nào đó mà công ty tin tưởng, thì có khả năng là mối quan hệ liên kết đó sẽ thành công. Và nếu, công ty đã làm việc trước đây với đối tác này, thì nhiều quy trình và thủ tục đôi bên dường như đã nắm rõ, nên họ càng tin tưởng và cơ hội thành công cao hơn.

Ngoài ra, Samuel Famiyeh & Amoako Kwarteng (2016) cho rằng, mục tiêu của việc lựa chọn nhà cung cấp chính là để chọn được nhà cung cấp tốt nhất cho một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, đáng tin cậy, với những điều khoản công bằng, rủi ro thấp và có giá trị tối đa.

8. Mối quan hệ giữa vốn xã hội và kết quả kinh doanh

Dựa trên quan điểm lý thuyết vốn xã hội, Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015) lý giải rằng, vốn xã hội được gắn kết trong các mạng lưới có thể tạo ra một số lợi ích, chẳng hạn như tiếp cận thông tin và các nguồn lực. Hơn thế, lợi ích mạng lưới mà các chủ doanh nghiệp tiếp cận thông qua vốn xã hội có thể có tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh (Spreitzer, 1996). Cụ thể, thông tin và các nguồn lực là những yếu tố cho phép và giúp chủ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh tốt hơn, từ đó, dẫn đến mức độ động viên và kết quả kinh doanh cao hơn. Thông tin có chất lượng cao, liên quan và kịp thời là một đầu vào rất quan trọng trong cả kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn. Qua đó, cho phép các chủ doanh nghiệp hoạch định chiến lược và thực hiện chiến lược hiệu quả. Tương tự như vậy, các nguồn lực sẽ giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh và kết quả kinh doanh của công ty. Việc tiếp cận nguồn lực và các nguồn thông tin có thể tạo ra sự ảnh hưởng và quyền lực mà cho phép các chủ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó, việc liên kết với những chủ thể khác trong mạng lưới có thể làm tăng vị thế của các công ty. Do đó, những lợi ích mạng lưới các chủ doanh nghiệp đạt được có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của họ. Các chủ doanh nghiệp đã đạt được các thông tin và nguồn lực có giá trị dường như có kết quả kinh doanh cao hơn so với những doanh nghiệp không có các thông tin và nguồn lực có giá trị. Đồng quan điểm trên, Hamrila A. Latip (2012) cho rằng, vốn xã hội có thể tạo ra những tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của công ty, cho thấy các mối quan hệ kết nối mạng lưới có ảnh hưởng khác nhau đến khả năng tồn tại và tính bền vững của doanh nghiệp.

Dựa trên quan điểm lý thuyết lựa chọn nhà cung cấp, Chin-Chun Hsu & ctg (2006) cho rằng, lựa chọn nhà cung cấp là một quá trình quan trọng để tìm ra cách thức mà các tổ chức lựa chọn những nhà cung cấp chiến lược nhằm để nâng cao lợi thế cạnh tranh của họ. Hơn thế, việc lựa chọn nhà cung cấp hiệu quả đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cũng như có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của công ty.

9. Kết luận

Sau khi lượt khảo các lý thuyết nền tảng liên quan, chẳng hạn: lý thuyết vốn xã hội và lý thuyết lựa chọn nhà cung cấp, điều đáng chú ý chính là nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa các lý thuyết nêu trên có sự tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS nhà ở. Ngoài ra, nhiều tác giả cũng cho rằng, sự kết hợp giữa nhiều lý thuyết vào cơ sở lý luận sẽ cho những cơ hội nghiên cứu đầy hứa hẹn (Inkpen, 2001).

Tài liệu tham khảo:

  1. Adler, P. & Kwon, S, (2002). Social capital: prospects for a new concept. Academy of Management Review, 27 No. 1, pp. 17-40.
  2. Andy Neely, (2004). Business Performance Measurement: Theory and Practice. Cambridge University Press, Cambridge, UK.
  3. Anne Banks Pidduck, (2006). Issues in supplier partner selection. Journal of Enterprise Information Management, Vol. 19 Iss 3 pp. 262 - 276.
  4. Basar Öztaysi, (2009). A fuzzy model proposal for enhancing the effectiveness of customer relationship management. Istanbul: Istanbul Technical University.
  5. Basar Öztaysi, Tolga Kaya, Cengiz Kahraman, (2011). Performance comparison based on customer relationship management using analytic network process [pdf]. Available at: <http://sciencedirect.ueh.edu.vn/browse.php?u=Oi8vYWMuZWxzLWNkbi5jb20vUzA5NTc0MTc0MTEwMDIwM1gvMS1zMi4wLVMwOTU3NDE3NDExMDAyMDNYLW1haW4ucGRmP190aWQ9ZGU3ZDFjNDgtMzljOC0xMWU2LWIyY2QtMDAwMDBhYWNiMzVmJmFjZG5hdD0xNDY2NzQ0NzM3XzM4ZWI1YzZlZGIxMjQ5MzFkYjhhNGZmOTE5YzgyYjg0&b=13> [Accessed 24/June/2016].
  6. Bourdieu P, (1986). The Form of Capital, in Richardson, J. E. (ed.) Handbook of Theory of Research for the Sociology of Education. NewYork: Greenwood.
  7. Chin-Chun Hsu, Vijay R. Kannan, G. Keong Leong, Keah-Choon Tan, (2006). Supplier selection construct: instrument development and validation. The International Journal of Logistics Management, 17 Iss 2, pp. 213 - 239.
  8. Coleman J, (1990). Foundations of Social Theor Cambridge: Harvard University Press.
  9. Cory Hallam, Carlos Alberto Dorantes Dosamantes, & Gianluca Zanella, 2017. Culture and social capital network effects on the survival and performance of high-tech micro and small firms [pdf]. Available at: <https://doi.org/10.1108/JSBED-05-2017-0161> [Accessed 12 May 2018].
  10. Folan, P., Browne, J., & Jagdev, H, 2007. Performance: Its meaning and content for today’s business research. Computers in Industries, 58(7), 605-620.
  11. Frank K. Sonnenberg, 1990. How to reap the benefits of networking. The Journal of Business Strategy, January/February, pp. 59-62.
  12. Hamrila A. Latip, 2012. Network Relationship for Business Performance: A Social Capital Perspective. A thesis submitted in fulfilment of the requirements for the degree of Doctor of Philosophy from RMIT University.
  13. Inkpen, A. C, 2001. Strategic alliances. In M. A. Hitt & R. E. Freeman & J. S.
  14. Harrison (Eds.), The Blackwell handbook of strategic management: 409-432. Oxford: Blackwell.
  15. Jasmine Tata & Sameer Prasad, 2015. Immigrant family businesses: Social capital, network benefits and business performance [pdf]. Available at: <http://www.emeraldinsight.com/doi/pdfplus/10.1108/IJEBR-06-2014-0111> [Accessed 02/April/2017].
  16. José María Viedma Marti, 2004. Social capital benchmarking system: Profiting from social capital when building network organizations [pdf]. Available at: <http://dx.doi.org/10.1108/14691930410550381> [Accessed 31/March/2017].
  17. Jorge Caiado, J. Augusto Felício & Eduardo Couto, 2014. Human Capital, Social Capital and Organizational Performance. Management Decision, Vol. 52 No.2, 2014 pp. 350 - 364.
  18. Khayesi, J.N.O. & George, G, 2011. When does the socio-cultural context matter? Communal orientation and entrepreneurs’ resource accumulation efforts in Africa. Journal of Occupational and Organizational Psychology, Vol. 84 No. 3, pp. 471-492.
  19. Vanessa Ratten, Yuliani Suseno, 2006. Knowledge development, social capital and alliance learning [pdf]. Available at: <http://dx.doi.org/10.1108/09513540610639594> [Accessed 31/March/2017].
  20. Mariel Fornoni, Iván Arribas, & José E. Vila, 2012. An entrepreneur's social capital and performance. Journal of Organizational Change Management, Vol. 25 Iss 5 pp. 682 - 698.
  21. Meyer, M. W, 2002. Rethinking performance measurement: Beyond the balanced scorecard. New York: Cambridge University Press.
  22. Nahapiet J. & Ghoshal S, 1998. Social capital, intellectual capital, and organizational advantage. The Academy of Management Review, 23 (2): 242-266.
  23. Samuel Famiyeh & Amoako Kwarteng, 2016. Supplier Selection and Firm Performance: Empirical Evidence from a Developing Country’s Environment [pdf]. Available at:<https://doi.org/10.1108/IJQRM-06-2016-0091> [Accessed 12 May 2018].
  24. Spreitzer, G.M, 1996. Social structural characteristics of psychological empowerment. Academy of Management Journal, Vol. 39 No. 2, pp. 483-504.
  25. Vijay R. Kannan & Keah Choon Tan, 2006. Buyer-supplier relationships: The impact of supplier selection and buyer-supplier engagement on relationship and firm performance. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, Vol. 36 No. 10, 2006, pp. 755-775.
  26. Yina Li, Fei Ye, & Chwen Sheu, 2014. Social capital, information sharing and performance. International Journal of Operations & Production Management, Vol. 34 Iss 11 pp. 1440 - 1462.
  27. Yosra Mani & Lassaad Lakhal, 2015. Exploring the family effect on firm performance: The impact of internal social capital dimensions on family firm performance. International Journal of Entrepreneurial Behavior & Research, Vol. 21 Iss 6 pp.
  28. Zhining Wang, Nianxin Wang, & Huigang Liang, 2014. Knowledge Sharing, Intellectual Capital and Firm Performance. Management Decision, Vol. 52 No.2, 2014 pp. 230 - 258.

THE RELATIONSHIP BETWEEN SOCIAL CAPITTAL AND BUSINESS PERFORMANCE: A THEORETICAL APPROACH

Assoc.Prof. Ph.D Bui Thanh Trang

University of Economics Ho Chi Minh City

Master. Le Thanh Tung

Bac Lieu University

Abstract:

This article is to deeply discover social capital theories and supplier selection theory. The author was conducted by mainly using desk-based research method, summarizing related concepts and theoretical foundations, and reasons behind social capital relationships in order to look for the research gaps.

Keywords: Social capital, business performance, business growth.