Tóm tắt:

Nghiên cứu nhằm lý giải mối quan hệ mạng lưới vốn xã hội trong chuỗi giá trị ngành Bất động sản (BĐS) nhà ở tại Việt Nam. Tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn, tổng hợp tài liệu có liên quan đến các khái niệm, và biện luận các mối quan hệ mạng lưới vốn xã hội để tìm kiếm khe hở nghiên cứu. Kết quả tổng hợp cơ sở lý thuyết cho thấy mối quan hệ giữa chủ đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở với các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam (bao gồm: ngân hàng, nhà thầu xây dựng, nhà môi giới BĐS, nhà định giá BĐS, đơn vị tư vấn) đã hình thành nên “mạng lưới vốn xã hội quan hệ”.

Từ khóa: Vốn xã hội, kết quả kinh doanh, tăng trưởng kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Về mặt lý thuyết, Coleman (1990), Nahapiet & Ghosal (1998), Wilson (2000) đều cho thấy: Vốn xã hội là một dạng nguồn lực tồn tại trong các mạng lưới quan hệ có chất lượng (như sự tín nhiệm, chia sẻ, hỗ trợ) giữa các chủ thể tham gia. Ngoài ra, các lý thuyết kinh tế cũng thừa nhận vốn xã hội là nền tảng ra quyết định của các chủ thể trong nền kinh tế, chi phối hành vi của doanh nghiệp, người tiêu dùng và các chính sách vĩ mô của chính phủ, và các quy luật kinh tế.

Mặt khác, Khayesi & George (2011), và Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015) đã mở ra hướng nghiên cứu mới, đó là nghiên cứu vốn xã hội trong bối cảnh các mạng lưới, và đều cho rằng: vốn xã hội được gắn kết trong các mạng lưới có thể mang lại nhiều lợi ích như tiếp cận thông tin kịp thời, sự thành công trong việc huy động nguồn lực, và sự có sẵn của nguồn lực tài chính, vật lực và lao động.

Ngoài ra, ở góc độ nghiên cứu về mạng lưới, Hamrila A. Latip (2012) đã chia mạng lưới thành mạng lưới nội bộ và mạng lưới bên ngoài. Trong thị trường BĐS tại Việt Nam, tác giả giới hạn phạm vi nghiên cứu là mạng lưới bên ngoài theo quan điểm của Hamrila A. Latip (2012); Ngoài ra, dựa trên chuỗi giá trị ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam của FPT Securities năm 2015, Vương Khắc Huy & Hà Hồng Hoa (2015) cho thấy các chủ thể trong mạng lưới bên ngoài doanh nghiệp BĐS tại Việt Nam bao gồm: nhà thầu xây dựng, nhà định giá BĐS, ngân hàng, đơn vị tư vấn, nhà môi giới BĐS. Như vậy, dựa trên khái niệm mạng lưới bên ngoài của Hamrila A. Latip (2012), những đầu mối liên lạc thị trường BĐS Việt Nam (market contacts) sẽ bao gồm: Nhà cung cấp (nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn, nhà định giá BĐS), và đối tác kinh doanh chiến lược (ngân hàng, nhà môi giới BĐS).

Tóm lại, nghiên cứu về mối quan hệ mạng lưới vốn xã hội trong chuỗi giá trị ngành bất động sản nhà ở tại Việt Nam nhằm mục đích đóng góp về mặt cơ sở lý luận giúp các học giả hiểu hơn về kênh huy động vốn xã hội này.

2. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn, tổng hợp tài liệu có liên quan đến các khái niệm, và biện luận các mối quan hệ mạng lưới vốn xã hội này để tìm kiếm khe hở nghiên cứu.

3. Vốn xã hội

Corry Ehlen & ctg (2014) cho rằng vốn xã hội chính là mạng lưới các mối quan hệ xã hội, dựa trên các chuẩn mực và mục tiêu chung, dựa trên bầu không khí tốt đẹp và tin tưởng, nhờ đó, các nguồn lực vật chất và tri thức sẽ trở nên hữu ích và sẵn sàng cho các hành động của các thành viên trong mạng lưới.

Ngoài ra, theo Chiu-Ping Hsu (2015), vốn xã hội có thể được xem như là các đặc tính của một cộng đồng xã hội (chẳng hạn như các chuẩn mực, mạng lưới và sự tin tưởng), tạo điều kiện dễ dàng cho việc phối hợp lợi ích và hợp tác giữa các thành viên. Cụ thể, vốn xã hội chính là vốn liên kết của một cộng đồng. Thông qua các hoạt động xã hội không chính thức, tạo điều kiện cho sự hợp tác và giao tiếp giữa mọi người, và thông qua sự tương trợ lẫn nhau, giúp tăng cường sự tin tưởng, từ đó góp phần vào dòng chảy của các nguồn lực khác nhau trong xã hội.

Chi tiết hơn, Chiu-Ping Hsu (2015) đã ghi nhận vốn xã hội được phân thành 3 loại (vốn xã hội cấu trúc, vốn xã hội quan hệ, và vốn xã hội nhận thức). Vốn xã hội cấu trúc được sử dụng để kiểm tra những mối liên kết giữa các thành viên trong mạng lưới, chẳng hạn như thông tin được chia sẻ với ai, tần suất và lý do chia sẻ; do đó, vốn xã hội cấu trúc chính là sự tương tác xã hội. Vốn xã hội quan hệ đề cập đến các tài sản được tạo ra bởi những mối quan hệ mà ở đó sự tin tưởng giữa các thành viên là yếu tố quan trọng nhất. Cuối cùng, vốn xã hội nhận thức đã hình thành nên các nguồn lực từ việc chia sẻ, diễn giải ý nghĩa rõ ràng giữa các thành viên, do đó, vốn xã hội nhận thức cho thấy tầm nhìn chung được chia sẻ.

Tuy nhiên, Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015) đã phân loại vốn xã hội thành 2 thuộc tính - vốn xã hội cấu trúcvốn xã hội quan hệ. Cụ thể, quan điểm nghiên cứu của Nahapiet & Ghoshal (1998), Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015) cho thấy vốn xã hội cấu trúc phản ánh số lượng vốn xã hội và các mô hình kết nối giữa các cá nhân. Nó đề cập đến sự có mặt hoặc vắng mặt của các mối ràng buộc xã hội, cũng như số lượng các quan hệ ràng buộc và cơ cấu của mạng lưới. Mặt khác, theo quan điểm nghiên cứu của Granovetter (1973), Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015) cho thấy vốn xã hội quan hệ phản ánh chất lượng của các mối ràng buộc xã hội và mức độ tin tưởng, sức mạnh của mối quan hệ ràng buộc, nghĩa vụ và những mong đợi có mặt trong mối quan hệ này. Vốn xã hội quan hệ cho thấy sự kết hợp của cường độ cảm xúc, sự gần gũi và các dịch vụ tương hỗ lẫn nhau tạo nên các mối quan hệ ràng buộc xã hội.

Mặt khác, theo Beatriz Ortiz & ctg (2018), vốn xã hội chứa các khía cạnh khác nhau của bối cảnh xã hội của một công ty, chẳng hạn như: sự tương tác và các mối quan hệ xã hội (vốn xã hội cấu trúc), các mối quan hệ đáng tin tưởng (vốn xã hội quan hệ), và các giá trị và các giả định chung được chia sẻ và phát triển bởi các thành viên của một mạng lưới được thể hiện ở từng cấp độ cá nhân và cấp độ nhóm (vốn xã hội nhận thức). Tất cả các khía cạnh này của vốn xã hội có thể có tác động cụ thể đến việc xác định và thu nhận kiến thức mới (ví dụ: các công ty càng có nhiều mối quan hệ, thì khả năng tiếp cận kiến thức mới sẽ càng lớn).

Tóm lại, khái niệm vốn xã hội được rất nhiều nhà nghiên cứu định nghĩa theo nhiều phương diện khác nhau. Lý giải cho điều này, Salma Alguezaui & Raffaele Filieri (2010) cho rằng sự khác biệt trong các định nghĩa về vốn xã hội được bắt nguồn từ 2 lý do chính. Trước hết, định nghĩa về vốn xã hội có liên quan đến sự tập trung của nhà nghiên cứu vào bản chất, vào các nguồn lực hoặc vào sự ảnh hưởng của vốn xã hội. Lý do thứ hai, sự khác biệt là do sự tập trung của các nhà nghiên cứu vào những mối quan hệ ràng buộc giữa chủ thể đầu mối với các chủ thể khác (gọi là các mối quan hệ bên ngoài), và sự tập trung vào cấu trúc của những mối quan hệ giữa các chủ thể trong cùng một tập thể (gọi là các mối quan hệ nội bộ).

4. Vốn xã hội quan hệ

Peter Moran (2005) định nghĩa vốn xã hội quan hệ chính là mối quan hệ cá nhân mà mọi người đã phát triển với nhau thông qua lịch sử các mối tương tác. Các khía cạnh chính của vốn xã hội quan hệ bao gồm niềm tin và sự tin cậy giữa các cá nhân, mối quen biết chồng chéo và cảm giác gần gũi hoặc sự đoàn kết giữa các cá nhân.

Tương tự, José Carlos M.R. Pinho (2011) cũng cho thấy vốn xã hội quan hệ bao gồm những tài sản được tạo ra và tận dụng thông qua các mối quan hệ, giúp tăng cường đáng kể các cơ hội của một công ty. Trong số các thuộc tính quan trọng của vốn xã hội quan hệ chính là: sự tin tưởng và đáng tin cậy, các chuẩn mực và sự thừa nhận, các nghĩa vụ và những kỳ vọng. Vốn xã hội quan hệ hướng dẫn trao đổi những hành vi quan hệ thông qua các mối quan hệ đang diễn ra, trong đó, mọi người thực hiện một số nhu cầu xã hội, như: sự thích giao du, sự tán thành và uy tín. Ngoài ra, vốn xã hội quan hệ còn được xem như là một cơ chế tương tự đối với sự tin tưởng, ở đó, nó tăng cường khả năng của các chủ thể khác nhau để chia sẻ các nguồn lực, do đó, giúp giảm chi phí giao dịch bằng cách giảm thiểu những hành vi cơ hội.

Mặt khác, Karma Sherif & ctg (2012) cho thấy vốn xã hội quan hệ đề cập đến các nguồn lực được gắn kết trong các mối quan hệ, như: sự tin tưởng và đáng tin cậy mà các thành viên phát triển theo thời gian. Những mối quan hệ rộng rãi giữa các thành viên giúp thúc đẩy sự phát triển của các chuẩn mực xã hội, nghĩa vụ và trách nhiệm, từ đó, giúp phát triển sự tin tưởng và hợp tác trong việc chuyển đổi và khai thác kiến thức mới.

Đồng quan điểm trên, Corry Ehlen & ctg (2014) khẳng định vốn xã hội quan hệ chính là những khía cạnh của các mối quan hệ cá nhân, như: sự tin tưởng, sự tôn trọng, chuẩn mực, kỳ vọng, sự giống hệt nhau và sự gắn bó chặt chẽ.

Mặt khác, Sara Jonsson (2015) cho rằng vốn xã hội quan hệ đề cập đến bản chất của các mối quan hệ được phát triển giữa các chủ thể. Vốn xã hội quan hệ được đo lường thông qua việc xây dựng sự tin tưởng và đáng tin cậy. Trong khi, sự đáng tin cậy chính là một thuộc tính của một chủ thể cá nhân tham gia vào mối quan hệ; còn sự tin tưởng có thể là một thuộc tính của chính mối quan hệ đó. Hơn thế, Sara Jonsson (2015) còn lý giải: Vì sự tin tưởng tạo ra những nỗ lực chung, nên các nhà doanh nghiệp có thể nhận được các nguồn lực cần thiết từ các chủ thể khác để đạt được các mục tiêu; và điều này sẽ không thể diễn ra nếu như sự tin tưởng không tồn tại. Sự tin tưởng thúc đẩy việc giao tiếp và chia sẻ thông tin giữa các chủ thể, do đó, khuyến khích việc chia sẻ các nguồn lực và sự hỗ trợ tinh thần để thúc đẩy sự gắn kết của một mối quan hệ. Thêm nữa, Sara Jonsson (2015) còn khẳng định rằng: sự tương tác thường xuyên trong các mối quan hệ là rất quan trọng để phát triển sự tin tưởng, và do đó, giúp phát triển các khía cạnh quan hệ của vốn xã hội.

Ngoài ra, Po-Yen Lee & ctg (2016) định nghĩa vốn xã hội quan hệ chính là các khía cạnh của sự tin tưởng có liên quan đến sự gần gũi và sự trung thực giữa các thành viên hoặc các đối tác mà thúc đẩy họ tham gia và trao đổi thông tin, kiến thức trong các công việc hàng ngày. Các khía cạnh quan trọng của vốn xã hội quan hệ chính là sự tin tưởng và các chuẩn mực. Các mối quan hệ cá nhân mà có sự tin tưởng sẽ khiến mọi người tuân theo các quy tắc đã thỏa thuận, hợp tác và hành động theo các mục tiêu chung. Thêm nữa, Po-Yen Lee & ctg (2016) còn cho thấy các khía cạnh quan hệ của vốn xã hội, chẳng hạn như: sự tin tưởng, các chuẩn mực, nghĩa vụ và những kỳ vọng, sẽ giúp thúc đẩy các đối tác và các thành viên tổ chức tham gia và trao đổi kiến thức, từ đó, thúc đẩy họ tham gia vào việc khai thác kiến thức.

5. Vốn xã hội ngoài doanh nghiệp (the external or inter-organizational social capital)

Theo Gloria Cuevas-Rodríguez & ctg (2013), ở phương diện vốn xã hội ngoài doanh nghiệp, các công ty thường thiết lập một loạt các mối quan hệ liên công ty trong quá trình hoạt động đổi mới của mình (ví dụ: mối quan hệ giữa nhà cung cấp-người mua, các liên minh chiến lược và liên doanh,…). Điều này cho phép các công ty trao đổi nhiều thông tin và kiến thức bổ sung để xem xét tỉ mỉ môi trường kinh doanh nhằm hứa hẹn các công nghệ mới với chi phí thấp. Hơn nữa, ý định và sự sẵn sàng hợp tác và trao đổi kiến thức của các đối tác ở cấp độ tổ chức lại phụ thuộc vào các yếu tố như sự gần gũi và sự tin tưởng.

Hơn nữa, Gloria Cuevas-Rodríguez & ctg (2013) còn cho thấy vốn xã hội ngoài doanh nghiệp đóng vai trò như một chất kích thích quan trọng để đạt được sự sáng tạo và tính mới mẻ giúp khuyến khích việc trao đổi kiến thức, kỹ năng và ý tưởng; làm tăng các nỗ lực giải quyết vấn đề chung của các đối tác; giúp kích thích việc thử nghiệm với những sự kết hợp kiến thức khác nhau; giúp cung cấp kiến thức toàn diện hơn về thị trường và công nghệ; và giúp xây dựng mục tiêu và văn hóa chung. Thêm nữa, vốn xã hội quan hệ ngoài doanh nghiệp cung cấp các cơ chế kiểm soát một cách hiệu quả. Sự tin tưởng và sự trao đổi qua lại lẫn nhau giúp giảm thiểu chủ nghĩa cơ hội và giúp bảo vệ việc trao đổi trong các liên minh bằng cách cung cấp một môi trường quy chuẩn, mà ở đó, những người ra quyết định không cảm thấy rằng họ phải tự bảo vệ mình khỏi những hành vi cơ hội của người khác, và họ cũng không còn coi việc kiểm soát thứ bậc là cần thiết.

Tuy nhiên, theo Beatriz Ortiz & ctg (2018), trong những năm gần đây, quan điểm bên ngoài hay liên tổ chức (external or inter-organizational) của vốn xã hội đã nhấn mạnh các mối liên kết bên ngoài của các công ty chính là các yếu tố mà cho phép một công ty khám phá và khai thác các cơ hội mới để giành được lợi thế cạnh tranh. Quan điểm phát triển năng lực dựa trên hành vi chiến lược này đòi hỏi các công ty phải có ý định đã được thiết lập để sử dụng việc thu nhận kiến thức như một cơ hội để học hỏi hơn là một cơ hội để giảm thiểu các chi phí giao dịch. Về vấn đề này, các mối liên kết mạng lưới sẽ cho phép các công ty nhận diện được những tài sản kiến thức tiềm năng mà có thể có giá trị tích hợp vào trong những nền tảng kiến thức của công ty dùng để cạnh tranh trong tương lai.

6. Biện luận về mạng lưới vốn xã hội quan hệ trong chuỗi giá trị ngành bất động sản nhà ở tại Việt Nam

Dựa trên các khái niệm về vốn xã hội của Bourdieu (1986), của Coleman (1990), của Nahapiet & Ghosal (1998), và của Adler & Kwon (2002), cho thấy: mối quan hệ giữa chủ đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở với các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam (bao gồm: ngân hàng, nhà thầu xây dựng, nhà môi giới BĐS, nhà định giá BĐS, đơn vị tư vấn) đã hình thành nên “các nguồn lực tồn tại trong các mối quan hệ” hay còn gọi là “vốn xã hội”.

Hơn thế, ở góc độ nghiên cứu về mạng lưới, Hamrila A. Latip (2012) đã chia mạng lưới thành mạng lưới nội bộ và mạng lưới bên ngoài. Mặt khác, dựa trên chuỗi giá trị ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam của FPT Securities năm 2015, Vương Khắc Huy & Hà Hồng Hoa (2015) cho thấy các chủ thể trong mạng lưới bên ngoài doanh nghiệp BĐS tại Việt Nam bao gồm: nhà thầu xây dựng, nhà định giá BĐS, ngân hàng, đơn vị tư vấn, nhà môi giới BĐS. Như vậy, dựa trên khái niệm mạng lưới bên ngoài của Hamrila A. Latip (2012), những đầu mối liên lạc thị trường BĐS Việt Nam (market contacts) sẽ bao gồm: nhà cung cấp (nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn, nhà định giá BĐS), và đối tác kinh doanh chiến lược (ngân hàng, nhà môi giới BĐS). Do đó, có thể hiểu: mối quan hệ giữa chủ đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở với các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam (bao gồm: ngân hàng, nhà thầu xây dựng, nhà môi giới BĐS, nhà định giá BĐS, đơn vị tư vấn) đã hình thành “mạng lưới vốn xã hội bên ngoài doanh nghiệp”.

Ngoài ra, ở góc độ nghiên cứu về doanh nghiệp, các nghiên cứu của Landry & ctg (2000), Jansen & ctg (2011) đều cho thấy: “vốn xã hội bên ngoài doanh nghiệp” là chất lượng của các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các chủ thể trong mạng lưới chiều ngang (khách hàng, nhà phân phối, nhà cung cấp, các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, đơn vị tư vấn, các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành) và mạng lưới chiều dọc (chính quyền các cấp và các công ty mẹ con trong cùng tập đoàn). Do vậy, có thể hiểu: mối quan hệ giữa chủ đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở với các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam (bao gồm: ngân hàng, nhà thầu xây dựng, nhà môi giới BĐS, nhà định giá BĐS, đơn vị tư vấn) được thể hiện qua “chất lượng của các mối quan hệ”.

Mặt khác, dựa trên nền tảng phân loại vốn xã hội của Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015), có thể hiểu: mối quan hệ giữa chủ đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở với các chủ thể thuộc mạng lưới bên ngoài (bao gồm: nhà thầu xây dựng, nhà định giá BĐS, ngân hàng, đơn vị tư vấn, nhà môi giới BĐS) đã hình thành nên “mạng lưới vốn xã hội quan hệ” phản ánh chất lượng của các mối quan hệ, mức độ tin tưởng, các dịch vụ tương hỗ lẫn nhau mà tạo nên các mối quan hệ ràng buộc xã hội, và những kỳ vọng trong những mối quan hệ này giữa các chủ thể có mặt trong mô hình kết nối chuỗi giá trị ngành BĐS Việt Nam.

Tóm lại, mối quan hệ giữa chủ đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở với các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam (bao gồm: ngân hàng, nhà thầu xây dựng, nhà môi giới BĐS, nhà định giá BĐS, đơn vị tư vấn) đã hình thành nên “mạng lưới vốn xã hội bên ngoài doanh nghiệp” và cũng chính là “mạng lưới vốn xã hội quan hệ”.

Tuy nhiên, thực tế lại có rất nhiều ngân hàng, nhà thầu xây dựng, nhà môi giới BĐS, nhà định giá BĐS, và đơn vị tư vấn đồng thời hoạt động trên thị trường. Điều này tạo nên vấn đề thách thức là làm thế nào để đo được mạng lưới vốn xã hội quan hệ, thông qua: “chất lượng của các mối quan hệ”, “mức độ tin tưởng”, “những mong đợi trong các mối quan hệ”.

Dựa trên lý thuyết lựa chọn nhà cung cấp, theo lý giải của Anne Banks Pidduck (2006): mức độ tin tưởng” sẽ thúc đẩy nhanh việc lựa chọn các đối tác. Hơn nữa, Samuel Famiyeh & Amoako Kwarteng (2016) cho thấy mục tiêu của việc lựa chọn nhà cung cấp chính là nhằm để chọn được nhà cung cấp tốt nhất (chất lượng) cho một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, đáng tin cậy (sự tin tưởng), với những điều khoản công bằng, rủi ro thấp và có giá trị tối đa (những mong đợi trong các mối quan hệ). Như vậy, việc áp dụng lý thuyết lựa chọn nhà cung cấp thông qua các tiêu chí lựa chọn đối tác cụ thể (chẳng hạn: tiêu chí lựa chọn ngân hàng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu xây dựng, tiêu chí lựa chọn nhà môi giới BĐS, tiêu chí lựa chọn nhà định giá BĐS) sẽ đo được mạng lưới vốn xã hội quan hệ, thông qua: “chất lượng của các mối quan hệ”, “mức độ tin tưởng”, “những mong đợi trong các mối quan hệ”.

Dựa trên lý thuyết vốn xã hội, Jasmine Tata & Sameer Prasad (2015) cho thấy sự tin tưởng có thể dẫn đến sự hợp tác lâu dài và lợi ích mạng lưới, giúp làm tăng cường sự trao đổi các nguồn lực và thông tin. Như vậy, việc áp dụng lý thuyết vốn xã hội thông qua thang đo “tạo mạng lưới với đơn vị tư vấn” của Huỳnh Thanh Điền (2012) được xây dựng dựa trên nền tảng “cơ hội tiếp cận”, “tạo lập và duy trì mối quan hệ”; “tạo dựng uy tín và sự tin tưởng” để nhận được lợi ích phản hồi từ các đối tác, sẽ giúp đo được mạng lưới vốn xã hội quan hệ thông qua thuộc tính “mức độ tin tưởng”.

7. Kết luận

Mối quan hệ giữa chủ đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở với các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam (bao gồm: ngân hàng, nhà thầu xây dựng, nhà môi giới BĐS, nhà định giá BĐS, đơn vị tư vấn) đã hình thành “mạng lưới vốn xã hội bên ngoài doanh nghiệp” và cũng chính là “mạng lưới vốn xã hội quan hệ” được đo lường thông qua: “chất lượng của các mối quan hệ”, “mức độ tin tưởng”, “những mong đợi trong các mối quan hệ”. Hơn thế, tác giả tin rằng sự vận dụng khai thác mạng lưới vốn xã hội quan hệ này trong bối cảnh chuỗi giá trị ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam sẽ tạo ra hướng nghiên cứu mới đầy hứa hẹn.

Tài liệu trích dẫn và tham khảo:

  1. Huỳnh Thanh Điền, (2012). Đóng góp của vốn xã hội vào các hoạt động của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Vương Khắc Huy & Hà Hồng Hoa, (2015). Báo cáo ngành bất động sản: Cú hích từ chính sách và hạ tầng [pdf]. từ: <http://static1.vietstock.vn/edocs/4535/FPTS_Bao_cao_nganh_Bat_dong_san_03.pdf> [Truy cập ngày 21/8/2015].
  3. Adler, P. & Kwon, S, (2002). Social capital: prospects for a new concept. Academy of Management Review, 27(1), 17-40.
  4. Anne Banks Pidduck. (2006). Issues in supplier partner selection. Journal of Enterprise Information Management, 19(3), 262 – 276.
  5. Beatriz Ortiz, Mario J. Donate, Fátima Guadamillas, (2018). Inter-organizational social capital as an antecedent of a firm’s knowledge identification capability and external knowledge acquisition [pdf]. Available at: <https://doi.org/10.1108/JKM-04-2017-0131> [Accessed 14/April/2020].
  6. Bourdieu P,. (1986). The Form of Capital, in Richardson, J. E. (ed.) Handbook of Theory of Research for the Sociology of Education. NewYork: Greenwood.
  7. Coleman J. (1990). Foundations of Social Theor Cambridge: Harvard University Press.
  8. Chiu-Ping Hsu, (2015). Effects of social capital on online knowledge sharing: positive and
  9. negative perspectives [pdf]. Available at: <http://dx.doi.org/10.1108/OIR-12-2014-0314> [Accessed 31/March/2017].
  10. Corry Ehlen, Marcel Van der Klink, Uta Roentgen, Emile Curfs, Henny Boshuizen, (2014). Knowledge productivity for sustainable innovation: social capital as HRD target [pdf]. Available at: <http://dx.doi.org/10.1108/EJTD-10-2013-0119> [Accessed 31/March/2017].
  11. Gloria Cuevas-Rodríguez, Carmen Cabello-Medina, Antonio Carmona-Lavado, (2013). Internal and External Social Capital for Radical Product Innovation: Do They Always Work Well Together? [pdf]. Available at: <https://doi.org/10.1111/1467-8551.12002> [Accessed 17/April/2020].
  12. Hamrila A. Latip, (2012). Network Relationship for Business Performance: A Social Capital Perspective. A thesis submitted in fulfilment of the requirements for the degree of Doctor of Philosophy from RMIT University.
  13. Jansen R J.G., Curseu D.P.L., Vermeulen P.A.M, Geurts J.L.A., & Gibcus P. (2011). Social capital as a decision aid in strategic decisionmaking in service organizations. Management Decision, 49(5).
  14. Jasmine Tata & Sameer Prasad. (2015). Immigrant family businesses: social capital, network benefits and business performance [pdf]. Available at: <http://www.emeraldinsight.com/doi/pdfplus/10.1108/IJEBR-06-2014-0111> [Accessed 02/April/2017].
  15. José Carlos M.R. Pinho. (2011). Social capital and dynamic capabilities in international performance of SMEs [pdf]. Available at: <http://dx.doi.org/10.1108/17554251111181034> [Accessed 16/April/2020].
  16. Karma Sherif, Methsika Munasinghe, Chhavi Sharma. (2012). The combinative effect of electronic open networks and closed interpersonal networks on knowledge creation in academic communities [pdf]. Available at: <http://dx.doi.org/10.1108/03055721211227291> [Accessed 16/April/2020].
  17. Khayesi, J.N.O. & George, G. (2011). When does the socio-cultural context matter? Communal orientation and entrepreneurs’ resource accumulation efforts in Africa. Journal of Occupational and Organizational Psychology, 84(3), 471-492.
  18. Landry R., Lamari M. & Amara N. (2000). Does Social Capital Determine Innovation? To What Extent? [pdf]. Available at: <http://kuuc.chair.ulaval.ca/francais/pdf/apropos/publication5.pdf> [Accessed 02/February/2018].
  19. Nahapiet J. & Ghoshal S. (1998). Social capital, intellectual capital, and organizational advantage. The Academy of Management Review, 23(2), 242-266.
  20. Peter Moran. (2005). Structural vs. relational embeddedness: social capital and managerial performance [pdf]. Available at: <https://doi.org/10.1002/smj.486> [Accessed 16/April/2020].
  21. Po-Yen Lee, Meng-Ling Wu, Cheng-Chung Kuo, Chun-Sheng Joseph Li. (2016). How to deploy multiunit organizations’ dynamic capabilities? [pdf]. Available at: <http://dx.doi.org/10.1108/MD-05-2015-0160> [Accessed 16/April/2020]. Salma Alguezaui, Raffaele Filieri. (2010). Investigating the role of social capital in innovation: sparse versus dense network [pdf]. Available at: <http://dx.doi.org/10.1108/13673271011084925> [Accessed 31/March/2017].
  22. Samuel Famiyeh & Amoako Kwarteng. (2016). Supplier Selection and Firm Performance: Empirical Evidence from a Developing Country’s Environment [pdf]. Available at:<https://doi.org/10.1108/IJQRM-06-2016-0091> [Accessed 12 May 2018]. Sara Jonsson. (2015). Entrepreneurs’ network evolution – the relevance of cognitive social capital [pdf]. Available at: <http://dx.doi.org/10.1108/IJEBR-09-2013-0147> [Accessed 16/April/2020].
  23. Wilson P.N. (2000). Social capital, Trust, and the agribusiness of economics. Journal of Agricultural and Resource Economics, 35,

THE SOCIAL CAPITAL NETWORK RELATIONSHIP IN THE VALUE CHAIN: A THEORITICAL APPROACH WITH THE CASE STUDY OF VIETNAM’S REAL ESTATE INDUSTRY

Assoc.Prof. Le Tan Buu

University of Economics Ho Chi Minh City

Assoc.Prof. Bui Thanh Trang

University of Economics Ho Chi Minh City

Master. Le Thanh Tung

University of Bac Lieu

Master. Nguyen The Hung

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This literature review is to explain the social capital network relationship in the housing real estate value chain in Vietnam. This literature review was conducted mainly by using the desk-based research, and reveiwing concepts and arguments concerning the social capital network relationships to find out the research gaps. This literature review’s findings show that the relationship between the housing real estate investors and the entities in the value chain of the housing real estate industry in Vietnam (including: banks, construction contractors, real estate brokers, real estate appraisers and real estate consultants) has formed a social capital network relationship.

Keywords: Social capital, business performance, business growth.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]