Sau một ngày bở hơi tai khám phá những nét kiến trúc độc đáo có 1-0-2 của Angkor Wat, chúng tôi đã thấm mệt. Phin hỏi chúng tôi muốn đi đâu. Nghĩ đến chuyến xe đêm sắp lên, mong ước duy nhất của chúng tôi là được “tắm”. Một lát đắn đo, Phin bảo sẽ đưa chúng tôi về nhà cậu ấy.

Angkor Wat

Phin không còn nhớ mình làm nghề này từ bao giờ, chỉ biết là từ rất lâu rồi

 

Từ Angkor Wat, Phin chạy vào trung tâm thành phố Siem Reap, rồi chạy thêm khoảng 3km nữa qua một cây cầu nhỏ. Bỏ lại Siem Reap phồn hoa sau lưng, chỉ qua cây cầu, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác – một vùng ven ô hẻo lánh, dọc theo bờ mương, nơi nuôi dưỡng cuộc sống của những người dân nghèo, rất nghèo.

Angkor Wat
Với chiếc xe này, mỗi ngày Phin phải làm việc từ 12-14 tiếng để mưu sinh

 

Con đường đất rất xấu và rất tối tăm. Đường xóc đến nỗi tôi và cậu bạn phải ngồi ôm chặt balo vì sợ nó văng đi mất. Chiếc xe trồi lên, sụt xuống như đang đi tầu cao tốc ngoài biển động sóng lớn vậy. Hai bên đường tối như hũ nút, thỉnh thoảng mới thấy ánh đèn lập lòe trong một căn nhà bé xíu nào đó ở xa thăm thẳm.

Angkor Wat
Bỏ lại Siem Reap phồn hoa sau lưng, chỉ qua cây cầu, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác

 

Sau khoảng hơn 1km nữa, chúng tôi đến nơi. Phin kể, mấy năm trước làm nghề này “ăn” lắm, cuộc sống cũng tạm đủ. Nhưng vài năm nay, người làm nghề này ngày càng đông, cạnh tranh khốc liệt, giá giảm rẻ kinh khủng nên rất khó khăn. Cô vợ Phin ở nhà đẻ liền tù tì hai sắp nhỏ, mình Phin gánh vác lo kinh tế nên gia đình không khấm khá lên được.

Angkor Wat
Xe tuk tuk là phương tiện làm ăn chủ yếu tại thành phố du lịch đắt đỏ này

 

Mỗi ngày Phin phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng, quần quật từ 6h sáng đến 7-8 giờ tối mới đủ nuôi gia đình với 4 miệng ăn và chi phí đắt đỏ của thành phố du lịch này. Ngày nào may mắn như hôm nay, được phục vụ trọn gói một chuyến từ sáng đến tối thì đỡ vất vả. Hôm nào vắng khách, Phin phải chạy đôn, chạy đáo đón khách, nhặt từng đồng bạc lẻ. Ấy vậy mà về đến nhà, chỉ cần cô con gái nhỏ bi bô chạy ra chào, rồi ngồi bên ríu rít nói chuyện khi bố nhâm nhi lon bia với cá khô, là Phin lại quên hết cả mệt. Với Phin, hạnh phúc chỉ cần như vậy.

Angkor Wat

Có những ngày chỉ có khách đi những cuốc ngắn, Mr.Phin sẽ phải chạy đôn chạy đáo đón khách, nhặt từng đồng bạc lẻ

 

Khi chúng tôi đến, ngôi nhà nhỏ cấp 4 lụp xụp chỉ có 01 chiếc bóng đèn duy nhất, tối mù mịt, không có cả cái ti vi. Vợ Phin ôm đứa nhỏ mấy tháng tuổi, con bé lớn ra chào chúng tôi, khi được cho bánh, bé ăn ngon lành và cười thật hồn nhiên, rạng rỡ.

Angkor Wat
Ngôi nhà tuềnh toàng trong ánh sáng của ngọn đèn duy nhất, cô con gái lớn của Phin vui vô cùng khi được khách của cha cho bánh

 

Sau 20 năm, tôi quay trở lại cảm giác tắm thời không có vòi hoa sen. Ở đây không có nước máy, càng không có khái niệm bình nóng lạnh. Mỗi nhà tự khoan một cái giếng và bơm nước từ giếng lên dùng trực tiếp, nước lạnh ngắt. Phin kiếm cho chúng tôi 1 cái chậu và 1 cái gáo, múc nước trong chậu dội lên người, làm tôi thấy nhớ thời thơ ấu bao cấp ngày nào, tụi trẻ tắm tập thể ở sân chung. Cảm giác thật khó tả.

Angkor Wat

Đàn ông chạy xe, phụ nữ và trẻ em thì bán đồ lưu niệm

 

Tắm xong, Phin chiêu đãi chúng tôi mỗi người một lon bia và ít cá khô nướng. Cậu kể rằng, phía bên này là những gì đối nghịch của bên kia cầu. Ở đây là những người lao động nghèo, họ không có tiền, không có tri thức để làm giầu nên buộc phải sống bám vào thành phố du lịch. Cuộc sống mưu sinh của họ chưa bao giờ là dễ dàng.

Angkor Wat
Sau phồn hoa đô hội của Siem Reap là vùng ven ô của người nghèo

 

Đưa chúng tôi trở lại bến xe Siem Reap, Phin còn đưa chúng tôi đi thêm vòng quanh chợ đêm để thăm quan các nhà hàng. Chúng tôi chia tay nhau lưu luyến. Biết đâu, một ngày nào đó, tôi có thể gặp lại cậu, trong một hoàn cảnh tốt hơn bây giờ.

Mong là như vậy.

Đón đọc Kỳ 3: Thú vị chợ đêm Siem Reap