Một số bất cập trong NĐ 75/CP về công chứng, chứng thực

1- Chuyện nhỏ nhưng to Chuyện kể sau đây có thật 100%. Năm 2007, con gái tôi có giấy báo đến Hải quan sân bay Nội Bài nhận bưu kiện (liên quan đến công trình hợp tác khoa học với các giáo sư ở Singap

 

Lạy giời, cả đời có đi nhận bưu phẩm bao giờ, do vậy các “quan” nói sao làm vậy. Tôi làm giấy đề nghị xin công chứng (lại vấn đề xin - cho! Cả đời và đến lúc chết vẫn xin - cho) như các quan đã “dạy”. Ra UBND phường LĐH, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, một cậu “quan” trẻ không đáng tuổi con tôi nhận giấy, xem và không nói gì, bắt “tội” tôi chờ cả tiếng. Sau đó, khi đến lượt, tôi nhận được một câu gọn lỏn: “Ở đây không công chứng”. Tôi hỏi tại sao, thì chỉ nhận được câu: “đã nói ở đây không công chứng, nói thế mà không hiểu”. Hỏi mãi không được, tính nóng, nên tôi làm ầm ĩ tại đó. Sau đó, có một “quan” nhiều tuổi của UBND phường ra “dàn hoà”, vì thấy tôi lôi cả Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ra dọa (hơn nữa, UBND phường LĐH đã từng bị lên Tivi và Chủ tịch đã mất chức). Tôi trình bày từ đầu đến cuối sự việc. Sau đó, vị “quan” già khôn hơn, giải thích: “Anh thông cảm là UBND phường chỉ được chứng thực, không được công chứng. Vậy anh về thay lại chỉ 2 từ công chứng” thành “chứng thực” ở tiêu đề là xong”.

Tôi hỏi, có vậy sao “quan con” không nói ngay từ đầu. Cầm đơn của tôi đọc rồi bắt ra chờ cả tiếng? Các “quan” lúc đó gần cả chục người, không ai nói được lời nào. Chắc biết là gặp phải “cục xương” không dễ “bóp” túi rồi. Lúc đó, nhiều người dân xúm quanh và tôi nói to: “Đấy là tôi có học, được tiếp xúc với các “quan” to nhất nước, đến “quan” to nhất Hà Nội cũng là bạn mới dám “to mồm” thế này, không biết dân ta ở các nơi ít học, không đi ra khỏi đầu làng, thì còn bị các “quan” hành hạ đến thế nào?”.

2–Vì sao các quan hành được dân?

Vì là Luật gia và Hội viên Hội Luật gia Việt Nam gần chục năm, nên tôi đã tìm hiểu và tham khảo những điều mà các luật gia khác công bố trên báo chí về những bất cập trong Nghị định 75/CP về công chứng và chứng thực. Sau đây là một số ý kiến của các luật gia đã đăng trên báo chí và xin nêu lại để mọi người tham khảo và rút ra cho mình những ý kiến riêng về nền hành pháp và tư pháp ở nước ta hiện nay.

“Thật ra, hoạt động công chứng ở Việt Nam đã có từ năm 1931, do nhiều lý do nên đến năm 1991 mới “khởi động” lại, nhưng thực chất đến năm 1996, Chính phủ mới ban hành Nghị định 31/CP về tổ chức và hoạt động của công chứng Nhà nước để thay thế Nghị định 45/HĐBT (năm 1991). Nhưng do nhiều bất cập, Chính phủ lại ban hành Nghị định 75/CP ngày 8 tháng 12 năm 2000 (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2001) về công chứng, chứng thực để thay thế Nghị định 31/CP. Tiếp đó, ngày 14 tháng 3 năm 2001, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 03/2001/TP-CC để hướng dẫn thực hiện Nghị định 75/CP.

Qua nghiên cứu thì thấy, NĐ 75/CP còn nhiều điểm bất cập, chưa rõ ràng, thậm chí không chính xác, gây khó khăn, lúng túng trong hoạt động công chứng (đây cũng là căn bệnh muôn thủa của luật pháp nước ta). Nhưng xin chỉ nêu một vấn đề rất nhỏ.

Theo NĐ 75/CP thì “công chứng” được hiểu là việc Phòng Công chứng xác (chứng) nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết hoặc giao dịch khác được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác, cũng như thực hiện các việc khác theo quy định của pháp luật.

Còn “chứng thực” là việc UBND cấp huyện, xã xác nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ, phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của họ theo quy định của pháp luật.

Như thế, theo tinh thần NĐ 75/CP sự (cố gắng) phân định công chứng với chứng thực chỉ dựa vào tiêu chí duy nhất là chủ thể có thẩm quyền thực hiện chứng nhận để phân định là không chính xác. Theo đúng khoa học pháp lý, thì để làm rõ hoạt động nào là công chứng, hoạt động nào là chứng thực, phải dựa vào bản chất của hoạt động ấy. Xét về khía cạnh luật, thì bản chất của hoạt động công chứng là thông qua sự chứng nhận của cơ quan công quyền, làm cho các văn bản, giấy tờ trở nên có độ tin cậy cao hơn so với các văn bản, giấy tờ chưa được công chứng; hay nói một cách khác, là đem lại cho các văn bản, giấy tờ này “dấu ấn” của công quyền. Từ cách hiểu đó, nhiều người cho rằng, những gì được gọi là “chứng thực” như quy định tại Điều 2 Nghị định 75/CP, xét về bản chất phải được gọi là “công chứng”. Bởi lẽ, xét về bản chất thì hành vi công chứng (và cả hành vi chứng thực có tính chất công chứng như quy định của Nghị định 75/CP) khác với hành vi thị thực hành chính.

Thực ra, đối tượng của hành vi thị thực hành chính là những văn bản giấy tờ thuộc lĩnh vực quản lý hành chính (như chứng nhận tình trạng hôn nhân, chứng nhận lý lịch…); còn đối tượng của hành vi công chứng là những hợp đồng, giao dịch, giấy tờ thuộc các lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại… (như hợp đồng dân sự, di chúc…).

Nếu nói cách khác của “ngôn từ” luật, thì bản chất của hành vi “thị thực hành chính” là sự nhận xét, áp đặt mang tính chất hành chính của chính quyền đối với một sự kiện pháp lý cụ thể nào đó và đối với công dân thuộc quyền quản lý của mình; còn bản chất của hành vi “công chứng” là việc chứng nhận ý chí, nguyện vọng của đương sự, khi họ lập các văn bản, giấy tờ phục vụ cho các giao dịch của họ.

Tuy nhiên, xuất phát từ lịch sử và điều kiện thực tế ở nước ta, thì không nhất thiết mọi việc công chứng đều quy định cho Phòng Công chứng. Việc tiếp tục giao cho Ủy ban nhân dân thực hiện một số việc công chứng đơn giản phổ biến, là hợp lý, nhưng cần nói rõ những việc ấy vẫn phải được gọi là công chứng, chứ không vì giao cho Ủy ban nhân dân (hoặc một cơ quan nào đó) mà dẫn đến việc gọi khác đi là “chứng thực hay thị thực”.

Xung quanh nội dung của Nghị định 75/CP còn nhiều vấn đề khiến người dân phàn nàn. Thiết nghĩ, cần làm rõ ràng, minh bạch để người dân đỡ khổ, vì để như vậy, các “quan” sẽ có cớ để “hành” dân là “chính”.

  • Tags: