Một số bất cập trong quản lý nhà nước về địa giới hành chính cấp huyện tại Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị hoàn thiện

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (Cục Thi hành án Dân sự Long An) và NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HÀ (Trường Đại học Đà Lạt)

TÓM TẮT:

Địa giới hành chính (ĐGHC) là ranh giới phân định giữa các đơn vị hành chính (ĐVHC), đánh dấu bằng các mốc giới theo quy định của pháp luật, là cơ sở pháp lý phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lý dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngoài các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng, vấn đề ổn định lâu dài hệ thống đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp, trong đó có cấp huyện được đặt ra là một nhiệm vụ tương đối cấp bách và có ý nghĩa quan trọng. Thực tế quản lý nhà nước (QLNN) về ĐGHC cấp huyện ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục kịp thời. Bài viết đề cập một số bất cập trong quản lý nhà nước về ĐGHC cấp huyện ở nước ta hiện nay và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới.

Từ khóa: Đơn vị hành chính, quản lý nhà nước, địa giới hành chính.

1. Một số bất cập trong quản lý nhà nước về địa giới hành chính cấp huyện tại Việt Nam hiện nay

1.1. Những bất cập trong pháp luật điều chỉnh về địa giới hành chính cấp huyện

Thứ nhất, quy phạm pháp luật điều chỉnh về ĐGHC cấp huyện còn rải rác trong nhiều văn bản. Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch… quy định những vấn đề cơ bản về thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC cấp huyện như: các cấp chính quyền địa phương, phân loại chính quyền địa phương, thẩm quyền, nguyên tắc, hồ sơ… Còn những quy định cụ thể, trực tiếp liên quan đến thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC cấp huyện lại chủ yếu ở Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị (Nghị quyết 1210), Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn ĐVHC và phân loại ĐVHC (Nghị quyết 1211) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Thứ hai, việc ban hành văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết còn chậm. Hiến pháp năm 2013 đã chuyển thẩm quyền thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC cấp huyện từ Chính phủ sang UBTVQH. Tuy nhiên, phải đến năm 2016 thì UBTVQH mới ban hành Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 để có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề này. Hạn chế này đã dẫn đến tình trạng nhiều Đề án về thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC dưới cấp tỉnh (cấp huyện, cấp xã) bị “tạm dừng”; thẩm quyền này của UBTVQH bị “treo” gần 2 năm.

Thứ ba, vẫn còn những quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chẳng hạn: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định UBTVQH quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (Luật TCCQĐP 2015) mở rộng thêm với quy định tại khoản 2 Điều 129 như sau: “UBTVQH quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên ĐVHC cấp huyện, cấp xã; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã”…

Thứ tư, chưa theo kịp một số chủ trương mới và quan trọng của Đảng về đổi mới bộ máy nhà nước, nhất là về tinh giảm bộ máy, biên chế nên chưa thể hiện chính sách chung mang tính xu thế là khuyến khích nhập, hạn chế chia tách. Hiện chỉ có duy nhất một quy định mang tính khuyến nghị là “Khuyến khích việc nhập các ĐVHC cùng cấp” (khoản 1 Điều 128 Luật TCCQĐP 2015).

Thứ năm, chưa bảo đảm tính đầy đủ, cụ thể và chi tiết, có thể kể đến như: (i) Thiếu quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp liên quan đến ĐGHC. Thẩm quyền này của UBTVQH được quy định trong Luật TCCQĐP 2015 nhưng cho đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa; (ii) Quy trình, thủ tục thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC cấp huyện chưa cụ thể, chi tiết, chưa có sự phân biệt đối với từng hành vi, pháp luật hiện hành chỉ quy định về chủ thể chịu trách nhiệm và những nội dung cơ bản mà chưa rõ yêu cầu, trình tự trong từng bước từ xây dựng, cho chủ trương, hoàn thiện, thông qua Đề án thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC cấp huyện…; (iii) Thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể về cách thức triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân.

1.2. Những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật điều chỉnh về địa giới hành chính cấp huyện

Một là, hoạt động thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC cấp huyện trên thực tế còn nhiều hạn chế. Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng xác định: “Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu liên kết và phối hợp; không gian kinh tế còn bị chia cắt bởi ĐGHC”; “Quản lý phát triển xã hội chưa xác định rõ định hướng và những nhiệm vụ mang tính tổng thể, đồng bộ, liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực, còn bị chia cắt theo ĐGHC, lĩnh vực quản lý”.

Hai là, tranh chấp về ĐGHC vẫn đang là vấn đề nóng chưa được giải quyết dứt điểm ở nhiều địa phương (tính đến cuối năm 2013, còn 13 khu vực tranh chấp địa giới giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Các nguồn lực của địa phương không được khai thác có hiệu quả do sự chia cắt về quản lý. Việc chia tách các huyện thành lập nên huyện mới và một đơn vị đô thị thực chất là hệ quả của tư duy về không gian phát triển không còn phù hợp. Dường như trong thực tế quản lý đang có hiện tượng tách bạch quá mức giữa khu vực đô thị và nông thôn trong khi không thấy hết mối quan hệ mật thiết trong quá trình phát triển của hai loại hình này. Khu vực phát triển mang tính chất đô thị của một huyện không tách rời vùng nông thôn liền kề và ngược lại khu vực có tính chất đô thị là động lực, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của một huyện.

Ba là, việc chia tách ĐVHC được diễn ra thường xuyên trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay không phải là biện pháp để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện các mục tiêu chung mang tính quốc gia, đối với công cuộc cải cách hành chính, mục tiêu của Chương trình tổng thể Cải cách hành chính cũng bị tác động tiêu cực. Chia tách, thành lập thường xuyên các ĐVHC tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước nếu việc thành lập này không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt cho cả cấp huyện được thành lập và cấp huyện sau khi điều chỉnh.

Bốn là, khi một ĐVHC mới được thành lập thường hoạt động của bộ máy chính quyền nơi đó sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu trụ sở làm việc, thiếu phương tiện làm việc, thiếu kinh phí, thiếu nhân sự… Có những ĐVHC phải đóng trụ sở tạm bợ rất lâu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công việc và bảo quản, lưu trữ tài liệu, hồ sơ. Công tác chuẩn bị nhân sự gặp khó khăn nên chất lượng cán bộ huyện mới ở nhiều nơi không bảo đảm, đội ngũ cán bộ vốn đã yếu và mỏng nay lại phải dàn trải cho đơn vị mới.

Năm là, do biến động nhiều về số lượng các ĐVHC nên công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, tổ chức trong việc lập kế hoạch, quy hoạch, xây dựng dự án phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô sẽ liên tục phải điều chỉnh, cập nhật, nếu không sẽ không bảo đảm tính phù hợp. Việc thành lập, chia tách ĐVHC cấp huyện có mức độ ảnh hưởng nhiều nhất đến quy hoạch, kế hoạch tổng thể có thể làm phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Sáu là, người dân ở các địa phương chịu tác động mạnh của quá trình thành lập, chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính. Người dân cũng phải đối mặt với những khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến ĐGHC. Các chi phí liên quan đến việc thay đổi giấy tờ của cá nhân công dân và của bản thân các cơ quan quản lý cũng tăng lên do việc chia, tách, xác lập ĐVHC mới.

2. Một số kiến nghị đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về địa giới hành chính cấp huyện tại Việt Nam trong thời gian tới

2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về địa giới hành chính nói chung và địa giới hành chính cấp huyện nói riêng

2.1.1. Về địa giới hành chính nói chung

Thứ nhất, sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TCCQĐP 2015. Đây được xem là luật “mẹ” của việc thành lập, giải thể, sáp nhập, phân chia ĐVHC và điều chỉnh ĐGHC đối với ĐVHC cấp huyện. Ngoài những quy định chung về phân cấp, phân loại đơn vị hành chính; về tổ chức, hoạt động của từng ĐVHC thì Luật này còn dành riêng một chương để quy định về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC (gồm cả cấp huyện, cấp xã). Chương VII của Luật này gồm 12 điều quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến thành lập, giải thể, sáp nhập, phân chia ĐVHC và điều chỉnh ĐGHC đối với ĐVHC các cấp vẫn chưa được cụ thể hoá.

Thứ hai, đơn giản hóa những quy định về các loại ĐVHC đô thị (hiện nay có 6 loại), không nên để tình trạng một ĐVHC đô thị được chia thành nhiều cấp. Xác định một lọai ĐVHC đô thị gắn với một cấp đô thị sẽ đơn giản hóa việc QLNN về vấn đề này và bảo đảm sự ổn định của ĐVHC cũng như ĐGHC.

Thứ ba, những quy định của pháp luật cần tạo sự thống nhất, liên thông giữa thẩm quyền của UBTVQH trong thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC của ĐVHC cấp huyện với một số vấn đề khác có liên quan như công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Thứ tư, sớm ban hành nghị quyết của Quốc hội hoặc UBTVQH về những vấn đề liên quan đến đổi mới hệ thống chính trị, định hướng xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền địa phương trong tình hình mới như: (1) Xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII, trong đó chỉ rõ yêu cầu, định hướng, lộ trình và giải pháp để tinh giản bộ máy hệ thống chính trị ở chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã; (2) Xây dựng, ban hành Khung hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương để đưa ra “mô hình khung” mang tính chuẩn mực đối với từng cấp, từng loại hình ĐVHC dựa trên một số tiêu chí cụ thể.

Thứ năm, khẩn trương rà soát, xác định các loại văn bản QPPL hết hiệu lực có liên quan đến ĐGHC.

2.1.2. Về địa giới hành chính cấp huyện nói riêng

Thứ nhất, cần chuẩn hoá các khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong những văn bản pháp luật để bảo đảm tính khoa học, chính xác, thống nhất và hiểu đúng về nội dung thẩm quyền của UBTVQH. Luật Đất đai năm 2013 sử dụng thuật ngữ “địa giới hành chính”, trong khi đó, Hiến pháp năm 2013, Luật TCCQĐP 2015, Nghị quyết 1210, Nghị quyết 1211 của UBTVQH lại sử dụng cả “địa giới hành chính” và “địa giới đơn vị hành chính”. Vì vậy, đề nghị: (i) Sử dụng thống nhất cụm từ “địa giới hành chính” hoặc cụ thể hơn là “địa giới của đơn vị hành chính”; (ii) Thể hiện lại các quy định về thẩm quyền của UBTVQH như sau: “Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC và điều chỉnh ĐGHC đối với ĐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của Chính phủ”.

Thứ hai, đề nghị bổ sung một số quy định để làm rõ hơn nội dung thẩm quyền và có sự phân biệt giữa từng quyết định cấu thành thẩm quyền này của UBTVQH (pháp luật hiện hành chưa có quy định). Điều này là đặc biệt quan trọng, cụ thể đề nghị ban hành một Pháp lệnh hoặc Nghị quyết mới của UBTVQH hoặc sửa đổi Luật TCCQĐP 2015 để bổ sung nội dung sau:

(i) Thành lập ĐVHC cấp huyện phải được hiểu là UBTVQH quyết định “tạo ra” một ĐVHC mới trong hệ thống chính quyền địa phương hiện có (cấp huyện) với phạm vi không gian hành chính lãnh thổ được giới hạn bởi một ĐGHC nhất định (có thể là ở vùng lãnh thổ mới hoặc do điều chỉnh trên hiện trạng lãnh thổ hiện có). Biểu hiện dễ thấy nhất là gia tăng số lượng ĐVHC cấp huyện của tỉnh, của quốc gia.

(ii) Giải thể ĐVHC cấp huyện được hiểu là UBTVQH quyết định “làm mất đi” một hoặc nhiều ĐVHC cấp huyện trong hệ thống chính quyền địa phương hiện có. Biểu hiện dễ thấy nhất là giảm số lượng ĐVHC cấp huyện của tỉnh, của quốc gia.

(iii) Nhập ĐVHC cấp huyện được hiểu là UBTVQH quyết định “sáp nhập hoặc hợp nhất” một hoặc nhiều ĐVHC cấp huyện trong hệ thống chính quyền địa phương hiện có lại với nhau thành một đơn vị hành chính.

(iv) Chia đơn vi hành chính cấp huyện được hiểu ngược lại với nhập, tức là UBTVQH quyết định chia tách một ĐVHC cấp huyện trong hệ thống chính quyền địa phương hiện có thành một hay nhiều ĐVHC mới.

(v) Điều chỉnh ĐGHC đối với ĐVHC cấp huyện được hiểu là xác định lại đường địa giới của một ĐVHC để bảo đảm tính chính xác về mặt kỹ thuật hoặc thực địa; hoặc xác định lại ĐGHC giữa các ĐVHC với nhau cho phù hợp với quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính.

Thứ ba, về thành lập ĐVHC cấp huyện, đề nghị cụ thể hoá quy định của pháp luật gắn với các bước trong quy trình, thủ tục (Bước 1 - Đề xuất chủ trương; Bước 2 - Xây dựng Đề án thành lập ĐGHC cấp huyện; Bước 3 - Lấy ý kiến nhân dân; Bước 4 - Hoàn thiện Đề án ở cấp tỉnh; Bước 5 - Thẩm định, thông qua Đề án ở cấp Chính phủ).

2.2. Hạn chế việc chia tách, điều chỉnh đơn vị hành chính theo nguyên tắc bảo đảm sự ổn định của hệ thống đơn vị hành chính

Để giữ ổn định cơ bản hệ thống ĐVHC các cấp (trong đó có cấp huyện), có thể thực hiện các giải pháp như:

Thứ nhất, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển, phân bổ ngân sách chi thường xuyên, tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức và tiền lương, phụ cấp… thích hợp với từng loại hình ĐVHC.

Thứ hai, xây dựng quy trình thẩm định việc chia tách ĐVHC chặt chẽ hơn. Khi có đề án làm tăng số lượng ĐVHC cần phải có sự thẩm định khoa học, đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh tế - xã hội, như bổ sung thêm đề án phát triển kinh tế - xã hội, thuyết minh được đầy đủ tính khoa học, tính hiệu quả, tính khả thi của đề án. Khi đề án phát triển này không chứng minh được cơ sở phát triển của việc chia, tách thì không cho chia, tách.

Thứ ba, thay đổi phương thức phân bổ các chương trình đầu tư phát triển của trung ương, của chính quyền cấp tỉnh như xây dựng các bệnh viện, trạm xá, trường học, nhà văn hóa, bưu điện, trạm cấp nước sạch… ở các khu vực đông dân cư, không phân biệt ĐGHC nhằm phục vụ dân cư theo vùng, khu vực. Phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các ĐVHC căn cứ chủ yếu vào kết quả đầu ra, tức là căn cứ vào số lượng và chất lượng dịch vụ hành chính công cung ứng cho người dân, tổ chức; thực hiện khoán chi hành chính.

Thứ tư, đổi mới phân cấp về tài chính - ngân sách theo hướng tăng quyền chủ động ngân sách cho chính quyền địa phương các cấp, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quy định số lượng tổ chức và biên chế cán bộ, công chức cũng như số chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể của các ĐVHC tùy thuộc chủ yếu vào quy mô dân số, diện tích và số lượng ĐVHC trực thuộc, loại hình ĐVHC; khắc phục tình trạng bình quân chủ nghĩa.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện thông tin, liên lạc, điều kiện làm việc cho các ĐVHC có diện tích lớn, dân số đông, điều kiện tự nhiên và kinh tế không thuận lợi. Đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có diện tích lớn, dân cư đông hoặc có địa hình tự nhiên khó khăn, cần thiết đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng các thị tứ, trung tâm dịch vụ thương mại hoặc khu đô thị đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực trên địa bàn ĐVHC.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Tăng cường việc thu hút nhân tài, trí thức trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Có chế độ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp lý cho các địa phương có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn.

Thứ bảy, tạo điều kiện và thúc đẩy việc thiết lập các “cơ cấu mềm” như các ban chỉ đạo, hội đồng, dự án… liên xã, liên huyện, liên tỉnh để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý lãnh thổ, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công.

2.3. Khẩn trương rà soát tổng thể về địa giới hành chính các cấp trong cả nước, trong đó có cấp huyện

Thứ nhất, rà soát tổng thể ĐGHC các cấp nói chung và cấp huyện nói riêng, đặc biệt là các đô thị để xác định mức độ hợp lý trong việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC thời gian qua, nhằm mục tiêu đánh giá lại những kết quả và hạn chế trong việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC cấp huyện.

Đồng thời, rà soát cụ thể quy hoạch đô thị các cấp để thiết lập cơ sở quản lý chung ở trung ương, tránh tình trạng quá nhiều quy hoạch đô thị ở các địa phương không dựa trên Quy hoạch tổng thể đô thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, UBTVQH cần có chỉ đạo cụ thể định hướng hoạt động quy hoạch ĐVHC dưới cấp tỉnh, làm cơ sở cho các hoạt động thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC trong thời gian tiếp theo.

Thứ hai, xây dựng Quy hoạch tổng thể ĐGHC các cấp ở tầm quốc gia gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở để ban hành quy định về kiểm soát việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể, điều chỉnh ĐGHC trong cả nước.

2.4. Hiện đại hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu về đơn vị hành chính và địa giới hành chính

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ ĐGHC và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” và ban hành văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng, cập nhật cơ sở dữ liệu về ĐGHC làm cơ sở cho các hoạt động thành lập, sáp nhập, giải thể, chia tách, điều chỉnh ĐGHC trong tương lai theo hướng khoa học, hệ thống. Dự án này đã được phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, gồm có các sản phẩm như: các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết việc triển khai thực hiện Dự án; các văn bản quy phạm pháp luật về xác định ĐGHC trên đất liền và ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các địa phương; Bộ hồ sơ, bản đồ ĐGHC cấp xã tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và tỷ lệ 1:10.000 theo Hệ tọa độ quốc gia VN-2000 được thể hiện đầy đủ đường địa giới, mốc địa giới, địa danh hành chính các cấp in trên giấy có ký xác nhận của các ĐVHC liền kề làm cơ sở pháp lý đưa vào quản lý, sử dụng và nộp lưu trữ quốc gia; Hệ thống cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính, địa danh hành chính; vị trí và tên mốc địa giới hành chính; đường biên giới quốc gia (nếu có); các thông tin có liên quan khác theo yêu cầu quản lý nhà nước về ĐGHC (hệ thống thông tin địa lý GIS) ở dạng mở, dễ bổ sung cập nhật; phần mềm quản lý, tra cứu và sử dụng các thông tin về ĐGHC các cấp… ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung (1997), Chính quyền nhà nước địa phương ở Việt Nam - Lịch sử và hiện đại, NXB Đồng Nai.

2. PGS. TS. Nguyễn Hữu Khiển (2002), Cơ sở phương pháp luận của sự phân chia các đơn vị và các cấp lãnh thổ hành chính ở Việt Nam - Đề tài cấp Bộ.

3. PGS. TS. Nguyễn Hữu Tri (1998), Tổ chức hành chính địa phương, Đề tài khoa học cấp Bộ.

4. PGS.TS. Đinh Văn Mậu (2007), Về phân định đơn vị hành chính nhà nước, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 138 (7).

5. Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

6. Luật Đất đai năm 2013.

7. Hiến pháp năm 2013.

8. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

9. Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH về phân loại đô thị.

10. Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH về tiêu chuẩn ĐVHC và phân loại ĐVHC.

SOME SHORTCOMINGS RELATED TO DISTRICT-LEVEL ADMINISTRATIVE BOUNDARIES MANAGEMENT OF VIETNAM AND SOLUTIONS

NGUYEN MANH CUONG

Department of Civil Enforcement of Long An Province

NGUYEN THI PHUONG HA

Da Lat University

ABSTRACT:

The administrative boundaries are the delimitation boundary between administrative units. The administrative boundaries, which are marked with boundary markers according to law, are the legal basis for determining responsibilities of state administrative units at all levels for managing local population, land, economic, political, cultural and social aspects. Besides doing takss of socio-economic development and ensuring national security and defense, it is necessary to set up a solid system of administrative units at all levels, espeically at district level in order to successfully achieve the goal of "Rich people, strong nation, equitable, democratic and civilized society”, develop a socialist-oriented market economy, boost international economic integration and bring our country to become an industrialized country in the direction of modernization, In fact, although the state management at the district level in Vietnam has achieved positive results in recent times, it has exposed many shortcomings which are necessary to be sloved in the coming time. This article presents some current shortcomings of the state management at the district level and proposes some solutions to overcome these problems.

Keywords: Administrative units, state management, administrative boundaries.