Một số bất cập về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và giải pháp hoàn thiện

ThS. NGUYỄN THỊ THU THỦY (Khoa Luật - Trường ĐH Lao động xã hội (CSII), TP. Hồ Chí Minh)
Tóm tắt:
Tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm là một trong những quyền cơ bản của công dân không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp năm 20131 mà còn được ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Một trong những nội dung cơ bản của quyền tự do kinh doanh đó là quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh. Từ thực tiễn thực hiện pháp luật cho thấy, một số quy định về điều kiện kinh doanh theo pháp luật Việt Nam hiện hành đã bộc lộ những hạn chế nhất định gây khó khăn cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh nói chung và quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh nói riêng. Trong bài viết này, tác giả trình bày và phân tích một số bất cập trong các quy định về điều kiện kinh doanh, từ đó nêu lên những giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: Điều kiện kinh doanh, giải pháp hoàn thiện điều kiện kinh doanh, pháp luật Việt Nam.

1. Một số bất cập về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành
Tính đến nay, có tất cả 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện2 và theo quy định của pháp luật, mỗi ngành, nghề kinh doanh lại có những điều kiện riêng. Việc đặt ra các điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề là rất cần thiết vì nó không chỉ là căn cứ để chứng minh năng lực của chủ thể trước khi gia nhập thị trường mà còn là yếu tố để bảo đảm cho chủ thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong suốt quá trình tồn tại. Bên cạnh đó, việc đặt ra các quy định về điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề còn góp phần ngăn ngừa những hậu quả xấu do hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh gây ra cho Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn khá bất cập, không chỉ cản trở quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức mà còn gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, biểu hiện như sau:
Thứ nhất, còn tồn tại một số quy định về điều kiện kinh doanh mang tính chất áp đặt đến quy mô của doanh nghiệp, can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của chủ thể kinh doanh, ví dụ như: Doanh nghiệp kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiểu trong phương án kinh doanh được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt mới có thể hoạt động3. Quy định này, vô hình chung đã trực tiếp loại bỏ đa số doanh nghiệp vận tải nhỏ và vừa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn chiếm giữ thị trường, làm giảm cơ hội lựa chọn dịch vụ của khách hàng. Thực tế cho thấy, không phải cơ sở kinh doanh nào có số lượng xe nhiều hơn thì chất lượng dịch vụ tốt hơn và an toàn hơn khi tham gia giao thông. Nghị định số 86/2014/NĐ-CP cũng cho thấy có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể trong cùng một điều kiện. Cụ thể, cùng một phương tiện giao thông là ô tô nhưng niên hạn tham gia giao thông ở đô thị loại đặc biệt có thời hạn không quá 8 năm, trong khi đó niên hạn ở các địa phương khác là không quá 12 năm4; Doanh nghiệp bán buôn rượu phải có quyền sử dụnghợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 50 m2 trở lên5; Đối với doanh nghiệp phân phối rượu phải có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 150 m2 trở lên6. Thiết nghĩ, việc doanh nghiệp sử dụng diện tích sàn sử dụng để phân phối rượu và bán buôn rượu như thế nào phụ thuộc vào quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Việc đặt ra các quy định về diện tích sàn sử dụng như trên, vô hình chung đã làm khó doanh nghiệp và có thể sẽ gây lãng phí cho doanh nghiệp vì trên thực tế, đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ không cần đến diện tích sàn sử dụng như vậy. Yêu cầu đối với các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật là: “Diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, tối thiểu là 5 mét vuông...”7. Theo tác giả, quy định trên chưa thực sự tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình vì trên thực tế, có những chủ thể buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức online thì diện tích địa điểm kinh doanh không là vấn đề không quá quan trọng. Chính vì thế, việc đưa ra điều kiện về diện tích địa điểm kinh doanh đối với những chủ thể buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức online cần phải xem xét lại để đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn. Yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên bảo vệ cho cơ sở của mình phải có số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ tối thiểu từ 300 nhân viên trở lên8. Nếu cứ bắt buộc sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên bảo vệ cho cơ sở của mình phải có số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ tối thiểu từ 300 nhân viên trở lên e rằng đang làm khó cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế. Nên để cho cơ sở kinh doanh tự quyết định số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ dựa trên năng lực, nhu cầu của mình để tránh tình trạng lãng phí hoặc gây khó khăn cho cơ sở kinh doanh.
Thứ hai, còn tồn tại một số quy định về điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp, mệnh lệnh hành chính, ví dụ như: Yêu cầu các nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa phải được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; được huấn luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu đắm và sơ cứu y tế9; Yêu cầu cửa hàng, đại lý bán lẻ mũ bảo hiểm phải có địa điểm và địa chỉ rõ ràng. Phải có biển hiệu ghi rõ đại lý hoặc cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy10; Yêu cầu người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh...11 Thiết nghĩ, các điều kiện kinh doanh trên được đặt ra nhằm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước là chủ yếu và vô hình chung không chỉ cản trở sự gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh của các cá nhân, tổ chức mà còn kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Như vậy, một trong những bất cập lớn nhất hiện nay của các quy định về điều kiện kinh doanh đó là vẫn còn tồn tại một số quy định về điều kiện kinh doanh mang tính chất áp đặt đến quy mô của doanh nghiệp, can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của chủ thể kinh doanh hoặc có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp, mệnh lệnh hành chính. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện tốt quyền tự do kinh doanh theo tinh thần của Hiến pháp, thiết nghĩ việc hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh là rất cần thiết.
2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh trong xu thế hội nhập hiện nay
Để hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh cần thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó cần chú ý đến các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh, từ đó loại bỏ những quy định không phù hợp và sắp xếp có hệ thống các văn bản pháp luật về điều kiện kinh doanh một cách khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc đặt ra các quy định về điều kiện kinh doanh là hết sức cần thiết, tuy nhiên phải hết sức cân nhắc những ngành, nghề nào thực sự cần thiết mới nên đưa ra các điều kiện kinh doanh, tránh tình quá nhiều ngành, nghề có điều kiện kinh doanh gây mệt mỏi, tốn kém cho doanh nghiệp. Theo tác giả, chỉ những ngành, nghề kinh doanh khi thực hiện sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, thuần phong mỹ tục của dân tộc thì mới quy định về điều kiện kinh doanh. Quy định điều kiện kinh doanh đối với những ngành, nghề này sẽ góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi gây hại đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe và thuần phong mỹ tục của dân tộc và đảm bảo cá nhân, tổ chức gia nhập và cạnh tranh công bằng trên thị trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng các điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: (i) Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức gia nhập thị trường, tránh kìm hãm sự phát triển của hoạt động kinh doanh; (ii) Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; (iii) Phát huy tính sáng tạo của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh; (iv) Tác động đồng đều đến các doanh nghiệp; (v) Hạn chế rủi ro và tiết kiệm chi phí cho các chủ thể kinh doanh.
Thứ hai, các chủ thể kinh doanh đặc biệt là doanh nghiệp - chủ thể chịu tác động trực tiếp từ các quy định về điều kiện kinh doanh khi phát hiện những điểm bất cập từ các quy định này phải mạnh dạn phản ánh, góp ý kiến một cách kịp thời, quyết liệt thông qua các hiệp hội ngành, nghề. Những thông tin này được phản ánh một cách kịp thời đến các cơ quan chức năng sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng minh bạch, thuận lợi hơn cho các chủ thể gia nhập thị trường và kinh doanh có hiệu quả.
Nhìn một cách tổng thể, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về điều kiện kinh doanh. Theo tác giả, có thể hiểu: Điều kiện kinh doanh là những quy định mà nhà nước yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải đáp ứng được trước khi gia nhập thị trường và trong quá trình tồn tại để đảm bảo hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức không gây hại đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, môi trường và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Việc đặt ra các quy định về điều kiện kinh doanh là rất cần thiết, tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại một số quy định về điều kiện kinh doanh đang đi ngược lại với chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của Nhà nước. Để hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó đáng chú ý đến giải pháp rà soát và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh một cách khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tài liệu trích dẫn:
1 Điều 33 Hiến pháp năm 2013
2 Phụ lục 4. Luật Đầu tư năm 2014
3 Điểm a khoản 2 điều 13 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014
4 Khoản 3 điều 1 7 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014
5 Khoản 2 điều 12 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017
6 Khoản 2 điều 11 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017
7 Tại điều 11, Nghị định số 14/2013/BNNPTNT ngày 25 tháng 2 năm 2013
8 Điểm c khoản 3 điều 12 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2018
9 Khoản 1, điều 5 42/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2017
10 Khoản 2 điều 11 Nghị định số 87/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016
11 Điều 9 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016
Tài liệu tham khảo:
1. Xuân Anh (2017), “Nhiều điều kiện kinh doanh vô lý cần được loại bỏ”. Xem tại: https://bnews.vn/nhieu-dieu-kien-kinh-doanh-vo-ly-can-duoc-loai-bo/46852.html
2. Phan Đức Hiếu (2017). “Đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp”.
Xem:http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/don-gian-hoa-cac-dieu-kien-dau-tu-kinh-doanh-giam-chi-phi-thu-tuc-cho-doanh-nghiep-128126.html
3. Hiếu Minh (2017), “Điều kiện kinh doanh ngày càng áp đặt doanh nghiệp”. Xem tại: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/dieu-kien-kinh-doanh-ngay-cang-ap-dat-doanh-nghiep-193010.html
4. Đoàn Thanh Vũ (2016), “Bàn về quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh mới”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10/2016.
5. Nguyên Vũ (2017), “Sáu hệ lụy từ sự vô lý của nhiều điều kiện kinh doanh”. Xem: tại:http://vneconomy.vn/thoi-su/sau-he-luy-tu-su-vo-ly-cua-nhieu-dieu-kien-kinh-doanh-20170822054357424.htm

SOME INADEQUACIES OF THE BUSINESS REGULATIONS AND CONDITIONS IN VIETNAM AND SOLUTIONS

Master. Nguyen Thi Thu Thuy
Faculty of Law, University of Labor and Social Affairs - Ho Chi Minh City

Abstract:
The freedom of doing business that is not prohibited by laws is one of the fundamental rights of citizens. This fundamental right is not only recognized in the Constitution of Vietnam (2013) but also recognized in other related legal documents. One of the basic contents related to the freedom of doing business is the freedom to choose what kinds of business and investment. Based on the practical implementation of laws, some current business regulations and conditions of Vietnam have posed limits that make it difficult to exercise the right of freedom of doing business in general and the right of freedom of choosing business and investment types in particular. This article is to analyze and present some inadequacies of the business regulations and conditions, thus suggesting solutions to improve the business environment in Vietnam.
Keywords: business regulations, solutions to improve business regulations, Vietnams legal system.