TÓM TẮT:

Hiện nay, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã đi vào hoạt động được hơn 20 năm nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập từ công tác hoạt động cho đến hệ thống pháp luật. Để đảm bảo được quyền lợi của người gửi tiền, dựa trên kinh nghiệm của các nước phát triển, bài viết phân tích và đưa ra các giải pháp thực tiễn cho hoạt động BHTGVN

Từ khóa: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, ngân hàng, người gửi tiền.

1. Đặt vấn đề

Do nhu cầu huy động vốn và cho vay vốn, hoạt động tín dụng đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, do tính mật thiết giữa hoạt động lưu chuyển tiền tệ và kinh doanh dẫn đến xuất hiện một số các rủi ro. Những rủi ro này mang lại nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến cả một hệ thống ngân hàng và dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân khi gửi tiền vào ngân hàng. Chính điều này sẽ tạo ra bất cập khiến cho ngân hàng khó có thể huy động vốn.

Để bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng, Luật BHTG 2012 đã ra đời. Tuy nhiên, sau thời gian dài đi vào thực tiễn, bộ luật này đã bộc lộ không ít bất cập.

Nhằm đưa ra các giải pháp để giúp cho BHTG trở nên tốt và có tính tin cậy cao hơn cho người gửi, cũng như đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức tín dụng nên tác giả đã lựa chọn đề tài “Một số biện pháp hoàn thiện và nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam” để nghiên cứu, phân tích.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Hiện nay, các nghiên cứu về bảo hiểm không phải là con số nhỏ, tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này chỉ tập trung vào một phần nhỏ trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi như nghiệp vụ kiểm tra, luật BHTG. Hiện chưa có nhiều bài viết nói về việc nâng cao bảo hiểm tiền gửi ngân hàng và so sánh với các nước trên thế giới.

Bài nghiên cứu tập trung đưa ra những đặc điểm về cách hoạt động của BHTG Việt Nam và đưa ra một số hạn chế do pháp luật hiện hành. Thêm vào đó, tác giả cũng sẽ dựa trên những tiến bộ trong luật BHTG của các nước phát triển để đưa ra những đóng góp có ích cho BHTG phát huy hiệu quả cao hơn trong tương lai.

3. Kết quả đạt được của đề tài

Đề tài đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của BHTG ngân hàng, cụ thể là:

+ Cần thực hiện việc nâng hạn mức chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có tiền gửi được bảo hiểm.

+ Cần xem xét nâng cao hiệu quả quá trình chi trả bảo hiểm tiền gửi, đáp ứng đúng yêu cầu về tính nhanh chóng và chính xác.

+ Chính phủ cần xây dựng mô hình thu phí bảo hiểm hiệu quả.

4. Những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động BTHG tại Việt Nam

4.1. Về hạn mức chi trả

Theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 05/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (tính cả lãi và gốc của khoản tiền gửi) được bảo hiểm theo quy định đối với một cá nhân gửi tiền vào một tổ chức tín dụng tham gia BHTG tối đa là 75.000.000 (Bảy mươi lăm triệu đồng).

Có thể thấy, mức chi trả này khá thấp có thể dẫn đến không thu hút được người gửi tiền. Người gửi tiền sẽ không còn tin tưởng vào hệ thống BHTG, do họ thấy nếu gặp rủi ro họ sẽ nhận lại một mức tiền không tương xứng với số tiền họ đã gửi vào ngân hàng. Điều này sẽ dẫn đến người gửi tiền sẽ gửi tiền vào các ngân hàng thương mại có nguồn vốn lớn do tâm lý an toàn và như vậy sẽ khiến cho các ngân hàng có nguồn vốn nhỏ hơn gặp rất nhiều khó khăn.

4.2. Về thu phí bảo hiểm tiền gửi

BHTGVN đang thực hiện thu phí bảo hiểm theo phương pháp thu phí một mức đồng nhất. Hình thức thu phí này là phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính ngân hàng tại Việt Nam cũng như trình độ quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và BHTGVN trong thời gian qua.

Mô hình thu phí đồng nhất chưa thể khuyến khích các tổ chức tín dụng cạnh tranh nhau để tăng mức độ an toàn của mình trên thị trường. Điều mà đáng ra phải được thực hiện một cách sôi nổi trên thị trường tài chính ngân hàng. Chính vì vậy, phương pháp thu phí ở một mức đồng nhất thường chỉ được áp dụng cho các thị trường tài chính ngân hàng mới hình thành và các cơ quan quản lý, giám sát BHTG trên các thị trường mới phát triển.

4.3. Năng lực tài chính của bảo hiểm tiền gửi

Hiện nay, tổng vốn của BHTGVN được ước tính là khoảng 9.000 tỷ đồng, con số này chỉ tương đương khoảng 03 lần vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại trên thị trường. Với nguồn vốn hạn chế, tổ chức BHTG chưa đủ khả năng để sẵn sàng tham gia hỗ trợ các TCTD có quy mô lớn hay trong trường hợp phát sinh hiện tượng rút tiền hàng loạt và cùng với Ngân hàng Nhà nước tham gia xử lý khủng hoảng (nếu có).

Các hình thức đầu tư mà BHTGVN được cấp phép thực hiện còn rất hạn chế và đều đòi hỏi một mức độ an toàn trong đầu tư khá cao dẫn đến tình trạng khả năng tăng trưởng vốn chưa cao.

5. Một số giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động BHTG

Một là, nâng cao hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm.

            Thực tế, theo quy định hạn mức chi trả bảo hiểm là 75 triệu đồng là quá thấp và không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực tới khả năng huy động vốn nhàn rỗi trong dân và gián tiếp khiến hoạt động BHTG không đạt được hiệu quả như mong đợi.

            Hạn mức chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền nên được để ở mức gấp 5 - 6 lần GDP. Trên cơ sở tính toán theo các thông lệ quốc tế, hạn mức chi trả tiền bảo hiểm tối đa của BHTGVN hiện nay được tính theo mức gấp 5,5 lần GDP [7]. Với cách tính này, năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.700 USD [8] thì hạn mức chi trả BHTG sẽ là 14.850 USD (tương đương 340 triệu đồng, với mức tỷ giá trung bình tại thời điểm năm 2019 là 23.000 VNĐ/USD). Dựa trên tính toán theo số liệu năm 2019, Luật BHTG có thể nâng hạn mức chi trả lên khoảng 350 triệu đồng cho một cá nhân gửi tiền tại một tổ chức tín dụng, đây mới là con số hợp lý. 

Hai là, xây dựng mô hình thu phí bảo hiểm hiệu quả.

Mức thu phí BHTG đang được áp dụng cho các tổ chức tín dụng tham gia là một mức phí chung 1,5%. Việc thu phí bảo hiểm đồng hạng dẫn tới đánh đồng mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG, làm giảm động lực nâng hạng tín dụng của các tổ chức này cũng như chưa đáp ứng tính công bằng trong nội bộ các tổ chức tín dụng tham gia BHTG tại Việt Nam.

Mô hình thu phí bảo hiểm dựa trên cơ sở rủi ro của từng tổ chức tín dụng đem lại nhiều lợi ích cho BHTGVN. Tuy nhiên, đây chưa phải là một mô hình thu phí hoàn hảo nếu BHTGVN không cân nhắc tới một số yếu tố, cụ thể:

  • Thứ nhất, mô hình thu phí bảo hiểm phân biệt tạo ra nguồn quỹ/nguồn vốn hợp lý cho BHTGVN. Song, tác động tích cực của mô hình chỉ có thể phát huy trong trường hợp BHTGVN đủ khả năng để phát hiện sớm rủi ro tiềm tàng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều chỉnh mức thu phí cho phù hợp.
  • Thứ hai, việc điều chỉnh mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng tham gia BHTG nên cân nhắc tới yếu tố quy mô quỹ bảo hiểm. Việc áp dụng mức phí bảo hiểm thấp cho các tổ chức có mức rủi ro thấp sẽ khiến mức phí bảo hiểm tiêu chuẩn cao hơn để đạt được quy mô quỹ bảo hiểm đã đề ra.
  • Thứ ba, lộ trình chuyển đổi từ mô hình thu phí đồng nhất hiện tại sang mô hình thu phí dựa trên cơ sở mức độ rủi ro cần phải được nghiên cứu, phân tích và kiểm định kỹ càng. Bởi chuyển đổi hình thức thu phí bảo hiểm sẽ gây ra sự xáo trộn nhất định trong nội bộ BHTGVN cũng như thị trường.

Ba là, nâng cao năng lực tài chính của tổ chức BHTG Việt Nam.

Hiện nay, Luật BHTG và các hệ thống văn bản pháp luật khác chưa đưa ra các quy định cụ thể về trình tự tiến hành tiếp nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hay được vay từ các tổ chức tín dụng, tổ chức khác trong trường hợp các tổ chức BHTG tạm thời không đủ khả năng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền.

            Bên cạnh đó, việc đáp ứng chi trả ngay cho các tổ chức tín dụng tham gia BHTG có quy mô lớn hay cùng lúc chi trả cho nhiều tổ chức tín dụng tham gia BHTG cũng là một thách thức theo quy định hiện hành. BHTGVN chỉ được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước hoặc đi vay từ những tổ chức tín dụng, tổ chức khác nhưng phải có bảo lãnh của Chính phủ. Có thể thấy, việc ràng buộc nguồn vốn chi trả của BHTGVN trong các trường hợp cần hỗ trợ đang làm giảm khả năng đáp ứng chi trả ngay của BHTGVN, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn của hệ thống tín dụng như trường hợp xảy ra đối với các ngân hàng yếu kém buộc phải phá sản (OCEAN Bank là một ví dụ điển hình) trong thời gian qua.

            Do đó, cần có một số quy định mở rộng nguồn hỗ trợ khác cho BHTGVN nhằm nâng cao khả năng chi trả cho người gửi tiền. Hơn hết, Luật BHTG năm 2012 cần được bổ sung, sửa đổi nhằm nâng cao hơn nữa năng lực tài chính của BHTGVN.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (2015). Chiến lược Phát triển bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Tài liệu tham khảo xây dựng.
  2. Chính phủ (2018). Quyết định số 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “phê duyệt chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ban hành ngày 8/8/2018, Hà Nội.
  3. Quốc hội (2017). Luật Các Tổ chức tín dụng, Hà Nội.
  4. Quốc hội (2012). Luật Bảo hiểm tiền gửi, Hà Nội.
  5. Sỹ. Đ.D (2009). Địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Kỷ yếu 10 năm xây dựng và trưởng thành Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
  6. DIV - Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam,<http://www.div.gov.vn>
  7. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (2008). Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an sinh xã hội. Chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu.
  8. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, <https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview>
  9. Phòng Nghiên cứu tổng hợp và hợp tác quốc tế - Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (2018). “Chi trả bảo hiểm tiền gửi - Kinh nghiệm của Malaysia và liên hệ với Việt Nam”. Tạp chí Bảo hiểm tiền gửi, 41, 45-47.
  10. Nghị. B. T, Tùng. T. H và Hương. T. H. D (2018). Mô hình thu phí bảo hiểm tiền gửi theo mức độ rủi ro tại châu Âu và khuyến nghị đối với Việt Nam. Tạp chí Bảo hiểm tiền gửi, 41, 8-12.

 

SOME SOLUTIONS FOR ENHANCING THE EFFICIENCY OF DEPOSIT INSURANCE IN VIETNAM

Master. LE CHIEN THANG

Master. NGUYEN MINH TRANG

Master. NGUYEN THI HA

Vietnam Maritime University

ABSTRACT:

The deposit insurance has been launched in Vietnam for more than 20 years but there are many shortcomings in the deposit insurance from operational activities to promulgated laws. To ensure the interests of depositors, this article analyzes and offers solutions for solving shortcomings in the deposit insurance based on the practices of deposit insurance and the experience in deposit insurance of developed countries.

Keywords: Deposit insurance in Vietnam, bank, depositor.