Một số giải pháp nâng cao hiệu quả khu kinh tế đặc biệt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

TS. Mai Hữu Bốn (Phòng Quản lý Sau đại học - Cơ sở Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và là vùng có nguồn tài nguyên dầu khí. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế của cả nước. Vai trò của vùng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhất là trong những năm tới, định hướng phát triển, hỗ trợ và kiểm soát nâng cao hiệu quả hình thành vùng kinh tế đặc biệt là yêu cầu cần thiết, khách quan.

Từ khóa: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Quyết định số 44/1998-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

1. Quá trình hình thành và kết quả phát triển khu kinh tế đặc biệt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

1.1. Giai đoạn trước năm 2000

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) được coi như một không gian kinh tế thống nhất gồm TP. Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương và đã được Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại Quyết định số 44/1998-TTg về việc Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐPN giai đoạn từ nay đến năm 2010.

Toàn vùng có diện tích tự nhiên 12.661 km2, dân số năm 2000 có khoảng 9,2 triệu người, chiếm 3,8% về diện tích tự nhiên và khoảng 11,6% dân số so với cả nước.

Với những mục tiêu chủ yếu:

- Xây dựng vùng KTTĐPN trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với các vùng khác trong cả nước.

- Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP thời kỳ từ nay đến năm 2010, đạt từ 13,5% đến 14,5%, đi đầu trong một số lĩnh vực quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển của vùng Nam Bộ và góp phần thúc đẩy nền kinh tế của cả nước.

- Chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH của vùng và toàn khu vực phía Nam.

- Hoàn thiện và bước đầu hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ.

Vùng KTTĐPN đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, trong thời kỳ 1991 - 2000, nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,2%. Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1996 - 2000 đạt 10,8%, đạt hơn 76% so với mục tiêu Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể thời kỳ 1996 - 2000 (13,5%). Dân số đô thị vùng KTTĐPN chiếm hơn 63% dân số của vùng, trong khi đó tỷ lệ này của cả nước là 23%. GDP bình quân đầu người của vùng KTTĐPN bằng 2,7 lần mức trung bình cả nước.

Trong giai đoạn này, vùng KTTĐPN thể hiện trên các mặt: Tăng trưởng cao, đóng góp vào ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải quyết việc làm cho người lao động, hình thành vùng KTTĐPN là vùng lãnh thổ phát triển năng động nhất cả nước, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của Đảng và Nhà nước ta, của các ngành, các địa phương về phát triển vùng KTTĐPN nói chung phản ánh tính chính xác của các quyết sách ở tầm vĩ mô và thành quả lao động sáng tạo của Đảng Bộ, chính quyền và quân dân các địa phương trong vùng.

1.2. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay

Trong Hội nghị các tỉnh vùng KTTĐPN ngày 20 - 21/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới vùng KTTĐPN, sau đó Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 2/7/2003 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Quyết định bổ sung vào vùng KTTĐPN thêm 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Tổng diện tích vùng KTTĐPN sau khi bổ sung là 23.994,2 km2, bằng 7,3% diện tích cả nước và dân số (tính đến năm 2002) là 12,35 triệu người, bằng 15,5% so cả nước. Đến năm 2009, sau khi bổ sung thêm tỉnh Tiền Giang, vùng KTTĐPN gồm 8 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang có diện tích khoảng 30.585,8 km2 với dân số khoảng 17,2 triệu người; mật độ dân số đạt khoảng 563 người/km2, tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 49,6%.

Vùng KTTĐPN 20 năm qua có mức tăng trưởng kinh tế ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước 1,5 lần. Vùng chiếm 8% diện tích và 17% dân số của cả nước nhưng sản xuất hơn 40% GDP cả nước, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia và là vùng thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước.

Với sự phát triển năng động và đa dạng, VKTTĐPN thực sự đóng vai trò động lực, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của các tỉnh phía Nam nói riêng và của cả nước nói chung. Hơn 60% số dự án và hơn 50% vốn FDI vào Việt Nam tập trung vào VKTTĐPN, tạo cho vùng này một động lực tăng trưởng nhờ mở cửa hội nhập mạnh mẽ không vùng nào sánh được. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế đối với thế mạnh, sức hấp dẫn cũng như triển vọng phát triển của VKTTĐPN.

Triển vọng phát triển của vùng KTTĐPN còn được khẳng định bằng nhiều yếu tố khác.

Thứ nhất, đó là sự hiện diện của Khu công nghệ cao ở TP. Hồ Chí Minh, địa chỉ thu hút dự án đầu tư 1 tỷ USD của Intel và nhiều trăm triệu USD của các nhà đầu tư công nghệ cao quốc tế khác. Như các dự án đầu tư của Intel đã từng chỉ báo như vậy ở các quốc gia khác - dấu hiệu về sự bùng dậy làn sóng đầu tư công nghệ cao vào vùng này và vào Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, đó là việc nối liền tuyến đường xuyên Á đi xuyên qua VKTTĐPN. Việc mở ra tuyến đường này cho phép nối trực tiếp VKTTĐPN với một thị trường khu vực rộng lớn đang có sức tăng trưởng rất cao của ASEAN và Trung Quốc.

Thứ ba, là chương trình phát triển cơ sở hạ tầng vùng nhằm xóa bỏ tình trạng cách biệt các tỉnh trong vùng; xây mới và nâng cấp cảng biển, sân bay ngang tầm khu vực và thế giới đang được ráo riết triển khai. Chương trình đó sẽ kết nối 8 tỉnh, thành phố thành một khối liên kết chặt chẽ, nối VKTTĐPN với các tỉnh miền Tây Nam bộ đang trỗi dậy, tạo thế hướng ra biển và vươn lên bầu trời, mở ra không gian phát triển mới, cũng có nghĩa là mở ra cơ hội - vận hội phát triển to lớn chưa từng có. Chương trình đó sẽ làm tăng mạnh năng lực cạnh tranh của vùng, tạo thêm cho vùng khả năng to lớn để thực hiện thành công chiến lược CNH, HĐH rút ngắn.

Trước đó, vào tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, toàn vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8 -8,5%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 12.200 đô la Mỹ. Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ năm 2015 đến năm 2020 khoảng 6,54 triệu tỉ đồng.

Hình thành và phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là sự kết nối hình thành các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung, là mô hình kinh tế mở (đặc biệt), là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế sâu rộng.

2. Một số hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đáng ghi nhận, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, chủ yếu như sau:

Thứ nhất, năng lực tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ban quản lý khu kinh tế (KKT) đặc biệt còn yếu cả về chất lượng công tác tham mưu và quản lý nhà nước theo chuyên ngành, nhất là về chất lượng quy hoạch, môi trường, chưa năng động sáng tạo và chủ động khai thác cơ chế phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Bộ/ngành và chính quyền địa phương. Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về kỹ năng quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành.

Thứ hai, Ban quản lý các KKT đặc biệt trong Vùng chưa xác định rõ mối quan hệ quản lý giữa ba nhà: Nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp kinh doanh trong KCN và Nhà nước, từ đó mối quan hệ phối hợp trong quản lý giữa BQL KKT cấp tỉnh với nhau và mối quan hệ phối hợp quản lý trong nội bộ BQL với nhau và với các sở/ngành/chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, giữa các BQL cấp tỉnh trong vùng với nhau, Hội đồng kinh tế vùng hoạt động chưa thực chất, thiếu nhạc trưởng đủ tầm và quyền lực điều phối chung cho cả vùng.

Thứ ba, chất lượng công tác quy hoạch KCN, KKT và triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, chưa tính tới yếu tố liên kết ngành và vùng; chưa có kế hoạch thực hiện quy hoạch với các mục tiêu và phân kỳ hợp lý dựa trên khả năng thu hút đầu tư thực tế của từng KCN, chưa tận dụng được tiềm năng phát triển của địa phương.

Thứ tư, hoạt động thu hút hàm lượng công nghệ, tính phù hợp về ngành nghề trong cơ cấu đầu tư chưa cao. Các chủ đầu tư KCN chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, môi trường…

Thứ năm, công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp trong vùng vẫn còn nhiều bất cập. Một số chủ doanh nghiệp vẫn đặt lợi ích kinh tế lên trên trách nhiệm bảo vệ môi trường. Khối lượng các chất gây ô nhiễm môi trường chủ yếu: Khí thải, nước thải và chất thải rắn chưa được xử lý chiếm tỷ lệ còn cao. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chưa thật sự chặt chẽ, thiếu tính răn đe, thể hiện sự lặp đi lặp lại về vi phạm hành chính đã xử lý nhiều lần của một số doanh nghiệp.

3. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả khu kinh tế đặc biệt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ nhất, trên cơ sở căn cứ pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Ban quản lý KKT đặc biệt cấp tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sớm hoàn thiện và xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu Kinh tế đặc biệt. Từ đó, hình thành khung pháp lý ổn định để hình thành và phát triển KKT đặc biệt cấp tỉnh, thống nhất cả về tên gọi, mô hình tổ chức bộ máy, nhằm tiếp tục phân cấp, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tự chủ và tự chịu trách nhiệm và mở rộng sự ủy quyền cho Ban quản lý khu kinh tế đặc biệt hoạt động có hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và vùng.

Thứ hai, kiện toàn Hội đồng kinh tế vùng, trên cơ sở hoạt động của Hội đồng kinh tế vùng, bổ sung và nâng cao trách nhiệm, kết nối sự phối hợp giữa các Ban quản lý KKT cấp tỉnh trong vùng với nhau, giữa Hội đồng kinh tế vùng với các Bộ/ngành Trung ương, với Ủy ban nhân dân các cấp trong vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, trước mắt bổ sung một Phó Thủ tướng tham gia và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng kinh tế vùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng luân phiên giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng kinh tế vùng. Từ đó, Hội đồng kinh tế vùng thực thi có hiệu quả Thông tư liên Bộ 06/2015/TTLB-KHĐT - BNV Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, tránh thực trạng nơi triển khai, nơi chậm, tạo sự thiếu đồng bộ về mô hình tổ chức bộ máy quản lý.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2008/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính Ban hành Quy chế tự chủ kinh phí hoạt động của Ban quản lý các KCX, KCN thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/05/2008. Mở rộng thí điểm và tiến tới cho phép Ban quản lý KKT đặc biệt cấp tỉnh trong vùng được sử dụng các nguồn thu và chi từ hoạt động của Ban quản lý KKT nhằm phát huy tính năng động sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước có thu theo qui định của pháp luật.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và giảm bớt các loại thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư, bổ sung hệ thống máy móc thiết bị công nghệ, phát huy kết quả hoạt động của cơ chế “một cửa - tại chỗ”, tiến tới xây dựng cơ chế kết nối “một cửa - quốc gia” trong các KKT đặc biệt cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu khởi nghiệp và thu hút đầu tư trong điều kiện hội nhập quốc tế trong thời gian tới. Nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đang hoạt động và chuẩn bị cơ hội thu hút đầu tư, ưu tiên nhập khẩu công nghệ tiên tiến, bằng phát minh sáng chế để ứng dụng, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và phối hợp nghiên cứu triển khai; Phát triển thị trường khoa học công nghệ trong vùng; Xây dựng, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong công nghiệp, mở rộng loại hình khu công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ năm, đổi mới tư duy và nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức Ban quản lý KKT đặc biệt về hiệu quả quản lý, tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, kỹ năng quản lý dự án đầu tư, giao tiếp, thanh, kiểm tra và giám sát trong quản lý nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ban quản lý KKT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cục Doanh nghiệp (2015): “Quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 định hướng 2030”.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cục Doanh nghiệp (2015): “Quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 định hướng 2030”.

3. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ: Tổng quan về quá trình hình thành các vùng kinh tế trọng điểm.

Solutions to improve the efficiency of special economic zones in the southern key economic region

Mai Huu Bon

Department of Post Graduate - National Academy of Public Administration, Ho Chi Minh Campus

Abstract:

The southern key economic region has many advantages in terms of location, infrastructure, and oil and gas resources. It always acts as a driving force for economic development in the country. The Party and State have paid attention to the region, especially in the coming years when the orientation for development, support and control for improving the efficiency of the formation of special economic zones are the necessary and objective requirements.

Keywords: Southern key economic zone, Ho Chi Minh city, Dong Nai, Ba Ria - Vung Tau, Binh Duong, Prime Minister's Decision No. 44/1998-TTg.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây