Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thông tin và kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh, sinh viên hiện nay

TS. Nguyễn Thị Hà - Lê Thanh Bình - Nguyễn Văn Phương (Khoa Luật - Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Trong thời đại phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, việc đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) và kỹ năng sử dụng mạng xã hội (MXH) cho học sinh, sinh viên (HS, SV) có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) đối với vấn đề này trong các nhà trường là một yêu cầu cấp thiết. Bài viết đánh giá khái quát thực trạng TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH cho HS, SV, từ đó đề xuất các giải pháp khoa học, khả thi nhằm góp phần nâng cao nhận thức về ATTT và xây dựng môi trường học đường lành mạnh, ứng dụng hiệu quả MXH.

Từ khoá: an toàn thông tin; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; học sinh, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tính tới tháng 1/2020, Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 66% dân số. Việt Nam cũng có tới 62 triệu người dùng MXH. Trong số đó, 96% người sử dụng tài khoản Youtube và 95% có tài khoản Facebook. Hơn một phần ba trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15-24, theo số liệu của Unicef)[1]

Với số lượng người dùng như vậy, Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 thế giới, lần lượt sau các nước: Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Mexico và Philippines. Người dùng chủ yếu tham gia với các bài đăng video và hình ảnh hoặc sử dụng Facebook Messenger để nhắn tin với bạn bè, hoặc giao dịch mua bán online. Nội dung chủ đạo trên MXH này là các video giải trí với đối tượng độc giả chủ yếu cũng là lớp trẻ[2]. MXH ở một khía cạnh nào đó đã làm thay đổi thói quen, tư duy, lối sống, văn hóa của một bộ phận học sinh sinh viên hiện nay vì đây là nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận những tiến bộ khoa học một cách nhanh nhạy nhất, đồng thời đây cũng là lực lượng chịu tác động của các phương tiện thông tin truyền thông nhiều nhất trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Bên cạnh những tích cực mà MXH mang lại khi nó lan tỏa nhiều thông tin, kiến thức giá trị, kết nối con người với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện… nhiều hệ lụy cũng đã xảy ra, nhất là với giới trẻ.

Ngày 23/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1907/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Tuyên truyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2020 ” nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng, qua đó tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Trên 80% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng cần thiết để tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng; 50% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khả năng đọc tin, tư duy phê phán, phản biện về các thông tin sai lệch trên mạng nhằm tạo dựng một thế hệ mới có tư duy và sử dụng hiệu quả, tích cực trên không gian mạng. Trên 80% người sử dụng nói chung và 100% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ mất an toàn thông tin và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng; các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về an toàn thông tin[3].

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Khái quát về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thông tin và kỹ năng sử dụng MXH cho HS, SV

Năm 2018, Nhà nước đã ban hành Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành 01/01/2019. Trải qua hơn 3 năm áp dụng Luật An ninh mạng, nhiều đối tượng đã bị xử lý vì đăng tải thông tin không đúng sự thật, làm ảnh hưởng và gây hoang mang trong xã hội, trong đó có cả HS, SV. Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016 quy định về ATTT, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm ATTT mạng... từ đó nâng cao nhận thức cho người dùng về quản lí ATTT. Tuy nhiên, việc nắm bắt những quy định pháp luật về ATTT đối với người dân nói chung và đối tượng HS, SV còn chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến những hành vi vi phạm về việc bảo đảm ATTT và xử sự không đúng trên cộng đồng mạng ,ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị, văn hóa - xã hội.

TTPBPL là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống, là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật và là phương tiện không thể thiếu trong việc nâng cao tri thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động PBGDPL, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động PBGDPL một cách có hiệu quả. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII  khẳng định rõ vai trò của hoạt động PBGDPL: Coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật, đưa việc dạy pháp luật vào hệ thống các trường của Đảng, của Nhà nước kể cả các trường phổ thông, đại học, của các đoàn thể nhân dân”. TTPBPL về an toàn thông tin và kỹ năng sử dụng MXH thực hiện hiệu quả góp phần chuyển tải những chính sách được quy định trong Luật An ninh mạng năm 2018 để nâng cao kỹ năng và nhận thức của HS, SV khi tham gia MXH. Đồng thời giúp HS, SV tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin bổ ích, từ đó lan tỏa những kiến thức và kỹ năng, lối sống đẹp khi tham gia sử dụng MXH.

Cũng thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đã giáo dục nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi của HS, SV trên môi trường mạng; định hướng cho họ cách sử dụng không gian mạng, nhất là MXH một cách hữu ích; trang bị những kỹ năng chọn lọc thông tin, sử dụng MXH để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí an toàn, đúng pháp luật, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, hình thành nhân cách, rèn luyện hành vi ứng xử cho thế hệ trẻ, tạo nếp sống, hành động “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

2.2. Thực trạng chung về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH cho HS, SV

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật  cho HS, SV về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH tại các nhà trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hoạt động TTPBPL ở một số trường vẫn còn mang tính phong trào, chưa đi sâu phân tích, giải thích một cách cụ thể những nội dung chủ yếu về vấn đề MXH mà HS, SV cần tìm hiểu, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của HS, SV, chưa mang tính giải đáp pháp luật từ những vụ việc thực tế. Một số trung tâm, tổ chức đoàn thể của nhà trường chỉ tuyên truyền nặng về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả, còn thiếu linh hoạt trong lựa chọn hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với trình độ của người được tuyên truyền và đặc thù của HS, SV nhà trường. Nguồn nhân lực hiện có của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều bất cập, chưa ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng được đòi hỏi mới của xã hội. Việc huy động nguồn lực cho công tác TTPBPL đối với HS, SV chưa được tiến hành một cách đồng bộ và rộng khắp.

Thực trạng trên dẫn đến việc đảm bảo ATTT và và kỹ năng sử dụng MXH thời gian qua đối với HS, SV chưa thực sự hiệu quả. Theo kết quả khảo sát sơ bộ, hiện nay hơn 70% HS, SVthường xuyên sử dụng MXH, chủ yếu là Facebook, Zalo (chiếm 60%). Trong đó, có 26% số người sử dụng dưới 1 giờ/ngày, 40% sử dụng từ 1 - 3 giờ và 34% sử dụng trên 3 giờ. Về thời điểm truy cập, có tới 45% cho biết sử dụng mạng bất kỳ lúc nào và có thiết bị truy cập trong tay. Về mục đích sử dụng, phần lớn để giao lưu, kết bạn, trò chuyện, nhắn tin (trên 92%); cập nhật thông tin bạn bè và xã hội (trên 82%); phục vụ mục đích học tập và việc làm (71%)….[1].

Đối với vấn đề bảo mật ATTT trên môi trường mạng, HS, SV cũng có nhận thức về các vấn đề về tính bảo mật cho mình, như thiết lập hệ thống bảo mật bằng mật khẩu, không để tiết lộ quá nhiều thông tin đời tư cá nhân. Bên cạnh đó, còn một bộ phận không nhỏ chưa có nhận thức, hoặc nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này. Họ đã có những hành động không đúng làm ảnh hưởng rất lớn cuộc sống của mình từ việc tiết lộ các thông tin của mình, hay like, share, comment các bài viết có tính chất sai lệch, chống phá, không đúng sự thật, đả kích, lăng mạ người khác trên mạng mà các bạn không biết rằng điều đó là vi phạm pháp luật được quy định trong Luật An ninh mạng năm 2019.

2.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả TTPBPL cho HS, SV về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH

Thứ nhất, quán triệt và xác định nhiệm vụ TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH cho HS, SV là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị mà trong đó, Đảng và Nhà nước luôn giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH. Đây là giải pháp mang tính quyết định cho việc nâng cao hiệu quả của công tác TTPBPL cho HS, SV. Nhà nước cần hoàn thiện các quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng; Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trên MXH, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Ngoài ra, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH cho HS, SV một cách khẩn trương.

Thứ hai, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với nhà trường và gia đình trong việc giáo dục, TTPBPL cho HS, SV.

Đoàn thanh niên, hội sinh viên nhà trường là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên thanh niên, hội viên sinh viên có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH, góp phần nâng cao kỹ năng sử dụng MXH đến với mỗi HS, SV. Vấn đề đặt ra là từng bước phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn viện, liên chi đoàn trong công tác hoạt động TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH đối với HS, SV.

Ngoài ra, trưởng các khoa, viện, ban giám hiệu nhà trường nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo hoạt động TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH đối với HS, SV tại đơn vị mình, đưa công tác TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH vào nội dung sinh hoạt của các Chi bộ, hoạt động bề nổi của khoa, viện, nhà trường đồng thời cụ thể hóa trong các phong trào và hoạt động của tổ chức câu lạc bộ đội nhóm cho HS, SV.

Thứ ba, đổi mới một cách cơ bản, toàn diện nội dung và hình thức phổ biến, pháp luật về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH, chú trọng vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả công tác tuyên truyền.

Hình thức tuyên truyền được đổi mới, kết hợp giữa hình thức truyền thống với hình thức trực tuyến, áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tương tác tự động (chatbot) để triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách chủ động, thông minh và tự động. Các biện pháp tuyên truyền được phối hợp linh hoạt, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng để các nội dung tuyên truyền có sức lan tỏa rộng rãi, tạo ra năng lượng tích cực, an toàn trên không gian mạng.

Bên cạnh những hình thức tuyên truyền pháp luật truyền thống như tuyên truyền miệng, treo băng rôn, áp phích, đăng trên trang thông tin điện tử của trường, các đơn vị, gửi thư điện tử… thì các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật về ATTT và sử dụng MXH, phiên tòa giả định phải được thực hiện một cách thường. Trong các cuộc thi phải lồng ghép nội dung cần phổ biến vào để hình thức sôi động, dễ hiểu, dễ tiếp cận tránh việc phổ biến truyền thống, dễ nhàm chán.

Đối với học sinh, nhà trường cần rà soát chương trình, nội dung, thời lượng giảng dạy và biên tập tài liệu, hướng dẫn giáo dục về an toàn thông tin lồng ghép vào môn tin học, pháp luật đại cương, hoạt động ngoại khóa phù hợp với lớp học, cấp học (từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông), bảo đảm: Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh tương tác an toàn trên không gian mạng, phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn học sinh khả năng tự đọc tin, phân biệt được nội dung an toàn có thể tiếp cận và loại bỏ những nội dung, thông tin sai lệch, thông tin vi phạm pháp luật. Các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng dưới các hình thức trực quan, dễ hiểu, sinh động theo lứa tuổi.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thông tin và kỹ năng sử dụng MXH cho HS, SV.

Đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến có vai trò quyết định đến chất lượng kiến thức, kỹ năng cho HS, SV tiếp nhận được. Vì vậy, cần bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật mới, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao năng lực cho người thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với HS, SV.

Trước hết, thiết lập mạng lưới cộng tác viên tham gia tiếp nhận thông tin, lắng nghe, phát hiện sớm xu hướng thông tin, ATTT trên mạng qua đó xây dựng các biện pháp thông tin, tuyên truyền hiệu quả. Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho giáo viên, giảng viên dạy các môn có liên quan đến pháp luật, cho báo cáo viên pháp luật các cấp, tuyên truyền viên pháp luật trong nhà trường và cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tham gia công tác tuyên truyền pháp luật về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH đối với HS, SV. Đội ngũ làm công tác tuyên tuyền là những người trực tiếp chuyển “pháp luật trên giấy tờ” thành “pháp luật trong hành động” vì vậy đòi hỏi họ phải được trang bị kiến thức hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật ở trình độ cao, tinh thông nghiệp vụ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thứ năm, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và điều kiện bảo đảm triển khai công tác TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH đối với HS, SV.

Để công tác TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH đối với HS, SV đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, việc đầu tư ngân sách và huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau là rất quan trọng. Cách mạng kỹ thuật số và những ứng dụng công nghệ thời 4.0 đã khiến công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng phải thay đổi. Cần phải đảm bảo các phương tiện làm việc tối thiểu cho các cơ quan và cán bộ làm công tác giáo dục pháp luật; Quan tâm kiện toàn và luôn bổ sung những đầu sách cần thiết cho tủ sách pháp luật ở các khoa viện để có thể khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả thiết thực; Đảm bảo chế độ thù lao, cung cấp các tài liệu, sách báo, đề cương đầy đủ cho đội ngũ làm công tác phổ biến pháp luật. Thiết lập 3 trang/kênh trên MXH (tiêu biểu như Facebook, Zalo, Youtube) tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm ATTT để thu hút, tiếp cận tối đa người sử dụng tham gia, kết nối trên nhiều nền tảng khác nhau.

Cuối cùng, khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tận dụng sự tham gia có trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông, các MXH Việt Nam nhằm tạo ra sự lan tỏa, kết nối đa kênh, đa nền tảng, thúc đẩy thay đổi nhận thức về ATTT của người sử dụng.

3. Kết luận

Trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện nay, đất nước đang từng ngày đổi mới hướng đến công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, vấn đề TTPBPL nói chung, TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH cho HS, SV có vai trò, ý nghĩa quan trọng. TTPBPL về ATTT và kỹ năng sử dụng MXH giúp  HS, SV có kĩ năng sử dụng MXH linh hoạt, khai thác kiến thức, thông tin chính thống làm nguồn tư liệu cho việc học tập đạt hiệu quả cao và xây dựng những ứng xử thông minh, lành mạnh trong cộng đồng mạng, góp phần ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.

Tài liệu trích dẫn:

1 http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44315

2 https://ictvietnam.vn/mot-so-bien-phap-dam-bao-an-toan-khi-su-dung-mang-xa-hoi-20201130163519267.htm

3 Quyết định 1907/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Tuyên truyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Kim Hoa, Nguyễn Lan Nguyên (2016), Tác động của mạng xã hội Facebook đối với sinh viên hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội.
  2. Hoàng Thị Kim Quế (2011), Bàn về hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay, Tạp chí Khoa học pháp lý.
  3. Quốc hội Việt Nam (2016), Luật An toàn thông tin mạng, số 86/2015/QH13.
  4. Quốc hội Việt Nam (2019), Luật An ninh mạng, số 24/2018/QH14.
  5. Chính phủ (2020). Quyết định 1907/QĐ-TTgvề việc phê duyệt đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”, ngày 23/11/2020.

SOME SOLUTIONS TO IMPROVE THE LEGAL AWARENESS ABOUT INFORMATION SECURITY AND DEVELOP USING SOCIAL NETWORKS SKILLS FOR STUDENTS

Ph.D Nguyen Thi Ha 1

Le Thanh Binh 1

Nguyen Van Phuong 1

1 Faculty of Law, Vinh University

Abstract:

In the era of rapid development of the 4.0 science and technology revolution, ensuring information security and developing using social networks skills for students are important tasks. In addition, it is necessary for propagating and disseminating laws on information security and social networks in schools. This paper generally evaluates the current legal awareness about information security and using social networks skills of students. Based on the paper’s findings, some feasible solutions are proposed to improve the legal awareness of students about information security and develop a good school environment with the use of social networks.

Keywords: information security, propagating and disseminating laws, student.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]