Tóm tắt:
Hiện nay, ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói chung, doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đang ngày càng khẳng định vai trò đối với nền kinh tế đất nước. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, DNNVV chiếm tới 95% trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động, chiếm 17,26% tổng nguồn thu nộp ngân sách nhà nước. Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có trên 5000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đăng ký hoạt động với số vốn đăng ký trên 32.000 tỷ đồng, trên 30.000 hộ kinh doanh cá thể và trên 400 HTX. Hàng năm có 600 -700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng chủ động, tích cực trong việc nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh, chú trọng đổi mới về công nghệ và kỹ thuật sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và tăng năng suất lao động của doanh nghiệp, góp phần tích cực trong việc huy động và phát huy các nguồn lực trong tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội.
Từ khóa: Năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Vĩnh Phúc.

1. Thực trạng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay
So với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý kinh tế - chính trị và sức lan tỏa của các khu vực công nghiệp trong tỉnh Vĩnh Phúc, các DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc huy động vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh. Chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp, trình độ công nghệ và sáng tạo chưa hiện đại dẫn đến năng suất lao động chưa cao; quan hệ hợp tác, tính liên kết, liên doanh trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp còn hạn chế…
Trong điều kiện hội nhập, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Vĩnh Phúc là phải tạo được năng lực và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài; nhận diện và khai thác hiệu quả nhất các lợi thế cạnh tranh mà thị trường đã tạo ra so với điều kiện của doanh nghiệp mình.
Nhận thức được tầm quan trọng của DNNVV trong đời sống xã hội và thách thức loại hình doanh nghiệp này đang phải đối mặt, Đảng, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ sự phát triển của khu vực doanh nghiệp này. Nghị định số 90/2001/NĐ-CP (sau đó là Nghị định số 56/2009/NĐ-CP thay thế) về trợ giúp phát triển DNNVV đã đề ra nhiều nhóm chính sách trợ giúp loại doanh nghiệp này. Đồng thời, chủ trương trợ giúp khác cũng được đưa ra như tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy hiệu quả của nhiều chương trình hỗ trợ trong cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng chưa được phát huy như mong muốn. Đa số các DNNVV vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia hội nhập, nhất là về vốn, công nghệ, nhân lực, thông tin, sản phẩm - thị trường.
Thứ nhất: Về vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây là khó khăn lớn nhất mà các DNNVV khó khắc phục được để mở rộng sản xuất kinh doanh của mình. Thị trường cung ứng vốn cho các DNNVV chủ yếu vay vốn của thân nhân, bạn bè, và vay của cá nhân khác. Hầu hết các DNNVV không tiếp cận được với nguồn tín dụng chính thức của ngân hàng do không đáp ứng được các thủ tục như lập dự án khả thi, thế chấp và mức lãi suất. Thủ tục phức tạp và chi phí giao dịch cao làm cho DNNVV không muốn và không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như cách định giá tài sản thế chấp, các quy định của các ngân hàng nhiều khi chưa nhất quán; một số chủ doanh nghiệp chưa tạo niềm tin của ngân hàng do trốn nghĩa vụ nộp thuế.
Thứ hai: Tình hình thiết bị công nghệ của doanh nghiệp.
Trình độ thiết bị, công nghệ trong các DNNVV nói chung còn rất lạc hậu. Năng lực công nghệ và kỹ thuật hạn chế, trang bị vốn thấp, nói chung chỉ bằng 3% mức trang bị kỹ thuật so với các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ đổi mới trang thiết bị còn ở mức rất thấp, do đó năng suất thấp, giá thành cao, rất khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các doanh DNNVV gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế về công nghệ, máy móc và thiết bị do thiếu thông tin về thị trường.
Thứ ba: Trình độ nhân lực, lao động và năng lực quản trị doanh nghiệp.
Nhìn chung lao động trong các DNNVV ít được đào tạo một cách cơ bản mà chủ yếu theo phương pháp truyền nghề, trình độ văn hóa không cao, đặc biệt là số lao động trong các cơ sở kinh doanh nhỏ. Cơ cấu lao động còn nhiều bất cập, thiếu hợp lý; tỷ lệ giữa đào tạo các bậc đại học - trung học- công nhân kỹ thuật. Hơn nữa, chất lượng đào tạo các trường dạy nghề rất yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án đều rất thiếu thốn và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu.
Chủ doanh nghiệp có đến 70-60% đã từng là chủ doanh nghiệp nhỏ hoặc đã hoạt động ở khu vực kinh tế cá thể, tư nhân, có truyền thống của gia đình, có kinh nghiệm nghề nghiệp nhưng trình độ quản lý sản xuất- kinh doanh, tài chính, kế toán... còn thấp; Lao động trong các DNVVN chủ yếu là lao động phổ thông, ít được đào tạo, thiếu kỹ năng, trình độ văn hóa thấp.
Thứ tư: Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về sản phẩm, thị trường.
Một trong những hạn chế lớn nhất của DNNVV là việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, rất nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, chất lượng không cao và chủ yếu dựa trên lợi thế chi phí nhân công rẻ.
Sản phẩm của còn đơn điệu về mẫu mã và chủng loại; chưa có được sản phẩm “độc đáo” riêng. Phần lớn các doanh nghiệp đang sản xuất các loại sản phẩm có mức lợi nhuận thấp, dễ gia nhập thị trường. Sản phẩm dưới dạng thô, sơ chế chiếm tỷ lệ cao (60%) trong khi lao động ở các DNNVV nói chung dư thừa nhiều.
Chất lượng sản phẩm của Việt Nam còn kém, lại không ổn định, rất khó cạnh tranh với hàng nước ngoài ngay cả trên thị trường nội địa. Nhiều mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam luôn đứng ở thế yếu trước hàng nhập khẩu tiểu ngạch có chất lượng trung bình từ các nước láng giềng.
Về thương hiệu sản phẩm, hiện nay các DNNVV chưa tạo được một thương hiệu riêng cho mình. Để phát triển một thương hiệu thì cần chi phí đầu tư lớn với thời gian dài, điều này là rất khó khăn với các DNNVV do quy mô rất nhỏ, năng lực tài chính hạn chế.
Thứ năm: Hạn chế về khai thác và mở rộng thị trường đầu ra nội địa
Thị trường nội địa của các DNNVV còn kém phát triển và thiếu đồng bộ, chưa vượt ra được thị trường vùng và địa phương; còn bị chèn ép vì thế độc quyền của các doanh nghiệp lớn, hàng nhập lậu, nhất là trước thách thức Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho khu vực AFTA và lộ trình gia nhập WTO.
Mặt khác, việc quản lý thị trường của Nhà nước Việt Nam còn nhiều kẽ hở, hàng lậu tràn lan, hàng giả gia tăng gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất của DNNVV. Điều đó khiến các DNNVV có thị trường nội địa không phát triển đúng mức, tạo ra thêm nhiều cản trở cho sự gia nhập thị trường và vươn lên của mình.
2. Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc trong thời kỳ hội nhập
Từ tình hình phát triển của các DNNVV đã nêu ở trên, xuất phát từ những yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, việc đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc là một việc cấp thiết, mang tính thời sự, cần được sự quan tâm của các ngành, các cấp. Qua đó, có thể tham khảo vận dụng cho việc quản lý phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV trong cả nước.
Tác giả xin đề xuất một số giải pháp như sau:
+ Thứ nhất: Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Mục tiêu là:
- Tạo được môi trường pháp lý thông thoáng, lành mạnh, phù hợp và thuận lợi để các doanh nghiệp có đủ điều kiện phát triển năng lực hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các ngành, nghề.
- Để các cấp, các ngành có phát huy vai trò, trách nhiệm đối với sự phát triển của các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực và đời sống kinh tế- xã hội ở địa phương.
- Đảm bảo cho công tác giám sát của địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước, của nhân dân đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cùng một lĩnh vực, cùng mô địa bàn.
Nội dung cần thực hiện:
- Rà soát, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo cách tiếp cận phát triển doanh nghiệp gắn với yêu cầu thực tiễn và tuân thủ các cam kết của nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
- Xây dựng cơ chế đảm bảo cho doanh nghiệp và nhân dân tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách về phát triển kinh doanh của các DNNVV. Tăng cường vai trò tích cực của phản biện xã hội gắn với phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp; mở rộng thu thập ý kiến đánh giá độc lập từ doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước.
- Liên kết giữa các ngành, các chủ thể kinh tế và các không gian kinh tế; khơi thông các loại thị trường lao động, thị trường bất động sạn, thị trường công nghệ. Thực hiện kết nối thị trường trong nước với thị trường khu vực nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội do các hiệp định FTA thế hệ mới mang lại.
+ Thứ hai: Củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực doanh nghiệp
Mục tiêu là:
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ phù hợp năng lực quản lý của doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thị trường, sự hài lòng của khách hàng; đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đạt được cao nhất.
- Xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ quản lý có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, xử lý tình mọi huống trong thực tiễn hiệu quả nhất đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
- Phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ sâu, tận tâm, tận tụy với doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, xã hội trong việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hiện nay.
- Đảm bảo công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất; duy trì giữ vững uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nội dung cần thực hiện:
- Nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động kinh doanh theo ngành, nghề của doanh nghiệp cho người đứng đầu và cán bộ quản lý chủ chốt để nâng cao chất lượng quản lý kinh doanh, tăng lợi nhuận và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên của doanh nghiệp làm cơ sở kiện toàn, sắp xếp, điều chỉnh đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng hoạt động hiệu quả nhất.
- Xây dựng quy hoạch để chủ động nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ khối phục vụ các phòng, ban trực thuộc. Từ đó có hướng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp.
- Thực hiện tuyển dụng cán bộ quản lý và cán bộ có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
- Nghiên cứu kiện toàn các phòng, ban chức năng, các bộ phận nghiệp vụ, các đơn vị trực tiếp sản xuất…, tăng cường phân công, phân cấp một cách hợp lý, đảm bảo thích ứng với những biến động của thị trường, nhiệm vụ của ngành…
+ Thứ ba: Xây dựng chiến lược sản phẩm, liên danh, liên kết hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh
Mục tiêu là:
- Xây dựng chiến lược sản phẩm đảm bảo yêu cầu về số lượng sản phẩm, dịch vụ của thị trường; đáp ứng nhu cầu về chất lượng, hình thức sản phẩm của khách hàng.
- Đa dạng hóa loại hình sản phẩm và tạo được nhiều sản phẩm mới có sự khác biệt nổi trội so với các sản phẩm tương tự của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
- Liên danh, liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp, lớn hơn về lượng và chất; đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu của thị trường với quy mô lớn, phức tạp hơn, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt về năng lực tài chính, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, công nghệ.
Nội dung cần thực hiện:
- Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì giữ vững thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tăng thêm thị phần của doanh nghiệp, đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực sản phẩm.
- Đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất tạo ra sản phẩm, trong dịch vụ, tiếp thị kịp thời đáp ứng yêu cầu của thị trường và gắn bó khách hàng với doanh nghiệp theo mục tiêu lâu dài, ổn định.
- Tạo ra nhiều sản phẩm mới có tính chất đặc thù, nổi trội hơn so với sản phẩm của các doanh nghiệp khác, nâng cao doanh thu cũng như doanh số bán hàng và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Không ngừng cải tiến bao bì đảm bảo khoa học, mỹ thuật, hấp dẫn, an toàn cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng sở thích, tạo sự chú ý của khách hàng với doanh nghiệp.
- Thực hiện liên danh, liên kết để tạo được nguồn lực lớn hơn, có số lượng sản phẩm nhiều hơn, đa dạng hơn và chất lượng cao hơn. Tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp liên kết, hạn chế khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh cũng như nâng cal năng lực cạnh tranh trên thị trường.
+ Thứ tư: Nâng cao năng lực huy động vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Mục tiêu là:
- Chủ động được nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh và luôn phù hợp mục tiêu và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.
- Có số lượng tài sản đủ lớn, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo được sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, của xã hội.
- Lựa chọn được phương thức huy động vốn với chi phí thấp nhất, hiệu quả nhất, xây dựng hệ thống cơ chế quản trị quản trị tài chính của doanh nghiệp đảm bảo thống nhất, chặt chẽ và hiệu quả.
Nội dung cần thực hiện:
- Tăng nguồn vốn của doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp, khả thi đảm bảo ổn định lâu dài với chi phí thấp nhất.
- Xây dựng các dự án kinh doanh sát thực, phù hợp năng lực của doanh nghiệp với kế hoạch, lộ trình cụ thể, có tính khả thi cao.
- Thực hiện sử dụng vốn đầu tư vào kinh doanh có hiệu quả cao nhất. Tính toán đầu tư vốn hợp lý nhất, đặc biệt trong việc đầu tư phát triển ra bên ngoài, trong liên danh, liên kết.
- Đầu tư mua sắm tài sản, trang bị thiết bị đủ số lượng, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tổ chức có hiệu quả các hình thức huy động vốn với những giải pháp cụ thể; chú ý hình thức vay theo hạn mức tín dụng theo lợi thế của từng doanh nghiệp trong ngành hay trên địa phương.
+ Thứ năm: Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp
Mục tiêu là:
- Tạo ra được ấn tượng đối với khách hàng bằng thương hiệu của doanh nghiệp gắn với một sản phẩm, dịch vụ; từ đó có thể thu hút được khách hàng với mức giá cao hơn.
- Kiến tạo được biểu tượng nhằm tạo ra trong tâm trí người tiêu dùng và gợi lên tất cả những thông tin và sự trông đợi đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.
- Để người tiêu dùng thấy được sản phẩm, dịch vụ xứng đáng với giá trị như quảng cáo được người tiêu dùng thừa nhận.
- Để thương hiệu thực sự là một trong những thành tố có giá trị nhất, có thể đem lại vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
Nội dung cần thực hiện:
- Xác định hệ thống pháp luật điều chỉnh về thương hiệu của doanh nghiệp, được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được ghi nhận ở một số công ước, hiệp định quốc tế. và hệ thống pháp luật điều chỉnh thương hiệu ở Việt Nam.
- Xác định được nguyên tắc xây dựng thương hiệu.
- Xác định được quy trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp.
- Xác định chiến lược định vị thương hiệu.
- Xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu.
3. Kết luận
Cạnh tranh là quy luật khách quan có tính tất yếu cho sự phát triển đi lên của tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà Việt Nam không thể ngoại lệ. Đó cũng là hiện tượng cần thiết, phổ biến và có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia ở mọi thời đại. Nhờ cạnh tranh mà các doanh nghiệp tự vận động hoàn thiện mình để ngày càng không ngừng phát triển và phát triển toàn diện hơn.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của WTO và đang tham gia mạnh mẽ tiến trình khu vực, tiến tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN, cùng nhiều hiệp định tự do thương mại khác, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn của các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là DNNVV.
Có thể khẳng định, chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam vẫn nằm trong tay Nhà nước. Chính vì vậy, rất cần Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả cho các doanh nghiệp này.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.
Song song đó, các DNNVV phải tự thân vận động, bằng tất cả lợi thế, nguồn lực của mình, tranh thủ khai thác các điều kiện của Đảng, Nhà nước, địa phương để không ngừng vươn lên phát triển bền vững.
Các giải pháp mà chúng tôi đưa ra cần được áp dụng trong thực tiến đồng bộ, phù hợp từng hoàn cảnh, điều kiện của địa phương để hiệu quả cao nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lê Xuân Bá, Trần Kim Hào, Nguyễn Hữu Thắng (2006), Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, NXB chính trị Quốc gia - Sự thật.
2. Chính phủ (2009), Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV.
3. Phạm Văn Công (Chủ biên), Đinh Việt Hòa, Đinh Văn Hiến, Nguyễn Văn Định (2016), Lý thuyết cạnh tranh doanh nghiệp thương mại, NXB Kinh tế quốc dân.
4. Đoàn Việt Dũng (2015) với luận án Tiến sỹ “Lý thuyết cấu trúc cạnh tranh ngành với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay”, Đại học Kinh tế quốc dân.
5. Michael E. Porter, Nguyễn Ngọc Toàn dịch, NXB Trẻ, 2016.
6. MiChaele. E. Gerber (nhà tư vấn số 1 thế giới về xây dựng doanh nghiệp vừa và nhỏ), Để xây dựng doanh nghiệp hiệu quả, NXB Lao động-Xã hội, 2016
7. Nguyễn Trường Sơn (2014), Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
8. Hồ Trung Thành (2012), Nghiên cứu tiêu chí và mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh động cho các doanh nghiệp ngành Công Thương, Đề tài NCKH cấp Bộ, mã số: 63.11.RD/HĐ-KHCN.
9. Nguyễn Hữu Thắng (Chủ biên) "Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay". Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà nội năm 2008.
10. Ninh Thị Minh Tâm, Lê Ngự Bình (2017), Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

IMPROVING THE COMPETITIVENESS OF SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES IN VINH PHUC PROVINCE

MA. Dao Truong Thanh

Hanoi Metropolitan University

ABSTRACT:

Currently, in Vietnam, small and medium enterprises (SMEs) in general, small and medium industrial enterprises in particular are increasingly asserting their role in the economy. According to the data of relevant agencies, SMEs account for 95% of the total number of enterprises in Vietnam, contributing over 40% of GDP, attracting more than 50% of total laborers, accounting for 17.26% of total revenue of state budget. To date, Vinh Phuc has over 5000 non-state registered enterprises with registered capital of more than VND 32,000 billion, over 30,000 individual business households and more than 400 cooperatives. Every year, there are 600 -700 new registered enterprises, mainly SMEs. SMEs are increasingly active in enhancing production capacity and competitiveness, paying special attention to technological and production innovations, step by step improving product quality and competitiveness. reducing environmental pollution, reducing material and fuel consumption and increasing labor productivity of enterprises, actively contribute to mobilizing and promoting the resources in the province for socio - society.

Keywords: Competitiveness, Small and Medium Enterprises, Vinh Phuc Province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây