Một số giải pháp nâng cao vai trò của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

TS. LÊ HẢI HÀ (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trước đây chủ yếu chỉ được giao để giải quyết những tổ chức tín dụng nhân dân đổ vỡ. Nhưng đến nay, khi tổng tài sản đã được hơn 30.000 tỷ đồng thì bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cần được giao thêm chức năng, nhiệm vụ để phát huy tốt hơn vai trò của nó. Đó chính là việc mở rộng chức năng liên quan đến các tổ chức tín dụng khi có rủi ro đổ vỡ, phá sản xảy ra.

Từ khóa: Bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng, ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

I. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, theo yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển, với mục tiêu củng cố niềm tin và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, phát triển ổn định, an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng, BHTG Việt Nam đã chính thức được thành lập vào năm 2000. Sau 16 năm hoạt động, BHTG Việt Nam đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình đối với nền kinh tế nói chung, đối với các tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền nói riêng. Tuy nhiên, cùng với những thành quả đã đạt được, hoạt động của BHTG Việt Nam trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế đặc biệt là trong vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bị đổ vỡ hoặc có nguy cơ đổ vỡ.

Việc một ngân hàng bị đổ vỡ và vai trò của BHTG trong xử lý đổ vỡ là một vấn đề lớn đối với mọi nền kinh tế. Đây cũng là một vấn đề khá mới mẻ và dành được sự quan tâm sâu sắc của các Chính phủ, các tổ chức BHTG trên thế giới, các nhà nghiên cứu và đông đảo dư luận.

II. Bảo hiểm tiền gửi ở việt nam

Ở Việt Nam, trong thời gian qua, tuy chưa xảy ra khủng hoảng hay đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng nhưng việc giải thể, thanh lý một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), Quỹ tín dụng cơ sở cũng đã diễn ra. Trên thực tế, công tác xử lý các NH TMCP bị đổ vỡ tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm còn việc xử lý các Quỹ tín dụng thuộc trách nhiệm của BHTG Việt Nam.

Ngay từ ngày đầu BHTG Việt Nam đi vào hoạt động cũng là giai đoạn Ngân hàng Nhà nước tập trung củng cố, chấn chỉnh các tổ chức tín dụng, đã góp phần xử lý một loạt các tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng khôi phục, đặc biệt đã chấm dứt hoạt động đối với một số quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) không còn khả năng vực dậy. Ngoài sự sẵn sàng trong việc tham gia xử lý các QTDND bị chấm dứt hoạt động, BHTG Việt Nam đã chủ động xây dựng phương án chi trả tiền bảo hiểm và tổ chức triển khai ngay việc đối chiếu, xác định khoản tiền gửi được bảo hiểm để thanh toán cho người gửi tiền.

Tính đến ngày 31/5/2016, BHTG Việt Nam theo dõi 3 triệu tỷ đồng tiền gửi của người dân tại 1.252 tổ chức tham gia BHTG; bao gồm 92 ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, 1.156 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vĩ mô. Tổng tài sản của BHTG Việt Nam đến cuối tháng 5/2016 đạt 30.680 tỷ đồng, tăng 15% so với 2015. Trong 16 năm qua, BHTG Việt Nam đã chi trả cho 1.793 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể bắt buộc, kiểm tra, giám sát định kỳ đối với 100% tổ chức tham gia BHTG, việc chấp hành quy định pháp luật về BHTG... Đồng thời, BHTG góp phần tích cực cùng Ngân hàng Nhà nước phát hiện các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn rủi ro. Trong thời gian qua, BHTG đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động xử lý ngân hàng bị đổ vỡ tại Việt Nam nói chung và hoạt động của BHTG Việt Nam nói riêng, thấy còn tồn tại một số hạn chế như sau:

Một là, cơ sở pháp lý cho hoạt động xử lý đổ vỡ ngân hàng chưa đầy đủ. Nhìn một cách tổng quan, Việt Nam chưa tạo lập được môi trường pháp lý cho việc giải quyết phá sản, giải thể phù hợp với những đặc thù của hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Các bộ luật hiện có chưa chỉ định được một cơ quan đầu mối đứng ra chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý đổ vỡ của các tổ chức tín dụng. Điều 5 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 quy định nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng bao gồm: Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng và các tổ chức khác, quyết định giải thể, chấp thuận chia tách, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; Kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và các hoạt động ngân hàng. Còn đối với BHTG Việt Nam, quyền và nhiệm vụ của cơ quan này trong việc xử lý các tổ chức tham gia BHTG được quy định tại Nghị định 89/1999/NĐ - CP, Nghị định 109/2005/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn. Theo đó, BHTG Việt Nam được phép yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG có biện pháp chấn chỉnh kịp thời và báo cáo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp xử lý khẩn cấp khi xét thấy hoạt động của tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ dẫn đến mất khả năng chi trả, thất thoát lớn về tài sản hoặc có tác động nghiêm trọng đến các tổ chức tín dụng khác, hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả, chi trả tiền bảo hiểm cho những người gửi tiền tại các tổ chức bị đổ vỡ. Đồng thời, BHTG Việt Nam còn tham gia vào quá trình quản lý, thanh lý tài sản của các tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật.

Chính sự không rõ ràng trong phân định trách nhiệm khiến các cơ quan trong mạng an toàn tài chính quốc gia (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, BHTG Việt Nam) hoạt động còn trùng lắp, không có một cơ chế chính thức có hiệu lực về trao đổi thông tin và phối kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đặc biệt là trong xử lý đổ vỡ và xử lý khủng hoảng hệ thống. Một khi có đổ vỡ ngân hàng xảy ra, các cơ quan này chắc chắn sẽ lúng túng và mất thời gian mới có thể đưa ra những phản ứng kịp thời để hạn chế tổn thất.

Hai là, năng lực tài chính xử lý đổ vỡ của BHTG Việt Nam còn hạn chế. Năng lực tài chính của BHTG Việt Nam là một nhân tố quan trọng giúp cơ quan này hoàn thành các mục tiêu đã định như chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền, hỗ trợ các ngân hàng đang gặp khó khăn, xử lý đổ vỡ, phá sản, giải thể của các ngân hàng tham gia BHTG… Đến giữa năm 2016, tổng tài sản của BHTG khoảng 30.680 tỷ đồng. Nhìn chung, BHTG Việt Nam đã tạo dựng được một nguồn quỹ tài chính có tăng trưởng thông qua việc thu phí BHTG, đầu tư tài chính từ nguồn vốn nhàn rỗi. Tuy nhiên, so với yêu cầu, năng lực tài chính xử lý đổ vỡ của BHTG Việt Nam còn hạn chế. Tốc độ tích lũy tổng nguồn vốn của BHTG Việt Nam chậm hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi được bảo hiểm. Trong điều kiện thị trường tài chính Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình mở cửa với rủi ro tăng cao, tỷ lệ trên được đánh giá là thấp, hạn chế năng lực can thiệp một cách chủ động của BHTG Việt Nam trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng, hạn chế thực hiện mục tiêu chính sách công về BHTG. Với nguồn vốn hạn chế nên BHTG Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khả năng trợ giúp các quỹ tín dụng nhỏ, chưa đủ tầm để sẵn sàng giải cứu các tổ chức tín dụng có quy mô vừa và lớn hơn, chưa đủ khả năng đối phó với tình trạng rút tiền hàng loạt và có thể cùng Ngân hàng Nhà nước tham gia xử lý khủng hoảng hệ thống ngân hàng. Trong điều kiện nền kinh tế với rủi ro tiềm ẩn như ở nước ta hiện nay, năng lực tài chính của BHTG Việt Nam như vậy là quá nhỏ bé so với trọng trách được giao.

- Hạn mức chi trả bảo hiểm: Theo Nghị định số 109/2005/NĐ-CP, hạn mức này đã được nâng từ 30 triệu lên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, mức chi trả này vẫn được đánh giá là thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là trong trường hợp khủng hoảng.

- Phí bảo hiểm: Phí BHTG là đóng góp của tổ chức thành viên tham gia BHTG Việt Nam và đây là nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động của cơ quan BHTG. Hiện nay, BHTG Việt Nam vẫn đang áp dụng phương pháp tính phí đồng hạng trên số dư tiền gửi được bảo hiểm. Theo đó, tổ chức tham gia BHTG Việt Nam được yêu cầu đóng phí bảo hiểm theo hình thức đóng góp thường xuyên với mức 0.15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm. Tuy nhiên, việc quy định tất cả các tổ chức tham gia BHTG đóng một tỷ lệ phí như nhau còn mang tính cào bằng, không dựa vào mức độ rủi ro của tổ chức tham gia BHTG. Các ngân hàng hoạt động tốt, độ rủi ro thấp cũng phải đóng góp một tỷ lệ phí bằng các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, rủi ro cao.

- Các hình thức hỗ trợ đối với tổ chức tham gia BHTG bị phá sản còn đơn điệu và chưa hiệu quả. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, các hình thức hỗ trợ tài chính của BHTG Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các hình thức cho vay, bảo lãnh cho các tổ chức tham gia BHTG đi vay tại các tổ chức khác, mua lại các tài sản nợ của tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn. Các hình thức này được gọi chung là nghiệp vụ ngân hàng mở (OBA), đã được các tổ chức BHTG trên thế giới thực hiện khá nhiều. Tuy nhiên, hình thức này hiện nay không còn được áp dụng vì chi phí lớn, tạo ra sự bất bình đẳng giữa ngân hàng hoạt động kém nhưng được hỗ trợ và các ngân hàng hoạt động hiệu quả…

Có thể nói, về cơ bản, hoạt động trong thời gian qua của BHTG Việt Nam đã đạt được hiệu quả về mặt chính trị xã hội, góp phần giữ vững ổn định chung cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Thế nhưng, với tuổi đời chỉ mới 16 năm, BHTG Việt Nam vẫn còn non yếu về năng lực và kinh nghiệm để đối phó với nguy cơ đổ vỡ ngân hàng, việc xử lý còn lúng túng, bị động, kéo dài thời gian và giảm hiệu quả xử lý.

III. Giải pháp nâng cao vai trò của bảo hiểm tiền gửi

Một là, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Việc xây dựng Luật BHTG là một yêu cầu khách quan nhằm phát triển thị trường tài chính lành mạnh trên cơ sở bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, tạo môi trường pháp lý cho thị trường tài chính nói chung, thị trường tiền tệ nói riêng phát triển an toàn, bền vững. Luật BHTG là cơ sở để BHTG Việt Nam phát huy tốt nhất vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.

Hai là, xây dựng, ban hành quy trình tiếp nhận và xử lý các ngân hàng gặp rủi ro phá sản. Đối với Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có một cơ chế tiếp nhận và xử lý đồng bộ các tổ chức tín dụng khi xảy ra khủng hoảng và đổ vỡ. Trong quá khứ, chúng ta từng chứng kiến sự sụp đổ hệ thống của hàng ngàn hợp tác xã tín dụng trên cả nước, quá trình xử lý do thiếu kinh nghiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên hậu quả để lại là rất nặng nề.

- Lựa chọn và quyết định phương thức xử lý (hỗ trợ tài chính, ngân hàng bắc cầu, chi trả bảo hiểm) nhằm bảo vệ người gửi tiền và an toàn hệ thống trên cơ sở nguyên tắc chi phí thấp nhất và chia sẻ thiệt hại công bằng.

- Trực tiếp kiểm soát tài chính và hoạt động của tổ chức đổ vỡ trong thời gian tiếp nhận xử lý bao gồm: Quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm cán bộ quản lý điều hành; Giám sát hoạt động; Áp dụng các chế tài xử lý; Điều tra, quy trách nhiệm hoặc khởi kiện tập thể, cá nhân có liên quan đến việc gây đổ vỡ; Thế quyền của tổ chức bị tiếp nhận đối với các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện vai trò là người quản lý và thanh lý tài sản theo ủy quyền của tòa án. Các chủ sở hữu hay chủ nợ khác của tổ chưc tiếp nhận không có quyền tiến hành các thủ tục tố tụng để chống lại các quyết định của DIV.

- BHTG Việt Nam phải là cơ quan duy nhất có quyền đề nghị tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản hoặc giải thể đối với các tổ chức đã tiếp nhận.

- Trong những trường hợp cần thiết, BHTG Việt Nam có quyền yêu cầu nhà nước hỗ trợ vốn và hỗ trợ xử lý tổn thất nếu mức độ tổn thất là quá lớn.

Ba là, nâng cao năng lực tài chính xử lý đổ vỡ ngân hàng của BHTG. Việc nâng cao năng lực tài chính của BHTG Việt Nam chính là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả xử lý đổ vỡ các ngân hàng tại Việt nam. Các biện pháp có thể áp dụng để nâng cao năng lực tài chính của BHTG Việt Nam là:

- Nâng cao năng lực tài chính của BHTG Việt Nam bằng cách yêu cầu Chính phủ phê duyệt, cấp bổ sung vốn điều lệ cho cơ quan này theo đúng lộ trình phát triển của BHTG.

- Xây dựng các cơ chế cần thiết để BHTG Việt Nam có được quyền sử dụng hạn mức vay vốn từ Kho bạc Nhà nước trị giá 30.000 tỷ đồng để xử lý khi xảy ra khủng hoảng hệ thống.

- Thực hiện an toàn và có hiệu quả công tác đầu tư tài chính của BHTG Việt Nam. Bên cạnh đầu tư thì cần phải có biện pháp quản lý tài chính chặt chẽ, tránh thất thoát, chi tiêu lãng phí.

- Đảm bảo thu phí BHTG đầy đủ đối với các ngân hàng tham gia BHTG để ổn định nguồn thu tài chính qua từng năm. Việc áp dụng thu phí theo mức độ rủi ro của từng tổ chức tham gia BHTG cũng là một cách để tăng cường thêm nguồn lực tài chính cho Quỹ BHTG. Trong trường hợp cần tăng mức phí BHTG để đáp ứng yêu cầu của Quỹ BHTG thì cần tính toán, kiểm tra mức độ chịu đựng (stress test) nhằm đảm bảo việc tăng phí BHTG không tác động nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của BHTG đối với các tổ chức tham gia BHTG. Một trong những cách thức hiệu quả liên quan đến vấn đề xử lý các tổ chức tài chính bị đổ vỡ là áp dụng tốt các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo rủi ro để hạn chế đổ vỡ xảy ra, cũng như để BHTG Việt Nam có thể chủ động ứng phó với các diễn biến của tình hình. Để làm được điều đó, BHTG Việt Nam cần tăng cường cải tiến công tác kiểm tra giám sát đối với các tổ chức thành viên, đảm bảo:

- Chức năng kiểm tra của BHTG Việt Nam đối với các tổ chức tham gia BHTG cần phải được quy định rõ ràng, cụ thể và có hiệu lực. Điều đó được đảm bảo thông qua việc quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động BHTG. Bên cạnh đó, vai trò kiểm tra của BHTG Việt Nam phải được khẳng định là độc lập với công tác kiểm ra của các đơn vị thực hiện chức năng thanh tra của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo tính hiệu quả của công tác này.

- Nội dung và quy trình kiểm tra của BHTG Việt Nam đối với các tổ chức tham gia BHTG cần phải được thể chế hóa, đảm bảo tính công khai, minh bạch của công tác kiểm tra.

- Cán bộ thanh tra, kiểm tra của BHTG Việt Nam cần được đào tạo để có đầy đủ kiến thức về hoạt động ngân hàng, nghiệp vụ đánh giá rủi ro và qua đó đánh giá được chính xác thực trạng của từng ngân hàng đang tham gia BHTG.

Kiểm tra và giám sát đối với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi là một nghiệp vụ quan trọng của BHTG Việt Nam. Đây là cơ sở để thực hiện các nghiệp vụ khác vì công tác giám sát từ xa cũng như kiểm tra tại chỗ được thực hiện tốt thì việc đánh giá, cảnh báo ngăn ngừa rủi ro, xử lý đổ vỡ cũng như chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền mới chính xác, kịp thời và hiệu quả và khi đó, BHTG Việt Nam mới phát huy tốt nhất vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.

Đối với hoạt động giám sát từ xa là hoạt động giám sát dựa trên các nguồn thông tin báo cáo của các tổ chức tham gia BHTG cung cấp và các nguồn thông tin khác của các cơ quan giám sát như Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính... Hoạt động giám sát từ xa giúp cho DIV thường xuyên nắm được tình hình hoạt động của các tổ chức BHTG, từ đó đưa ra các biện pháp, kiến nghị kịp thời. Khi chất lượng của hoạt động này được nâng cao thì khả năng đánh giá và xếp hạng rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG sẽ chính xác và có sức thuyết phục hơn. Vì vậy, muốn cải tiến chất lượng của hoạt động giám sát từ xa, cần quan tâm đến các vấn đề, như: chất lượng thông tin đầu vào, xây dựng và hoàn thiện quy trình giám sát và hiện đại hóa cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho hoạt động giám sát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. TS. Nguyễn Mạnh Dũng, Trao đổi xung quanh vấn đề tiếp nhận, xử lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, Thông tin bảo hiểm tiền gửi.

2. TS. Bùi Khắc Sơn, Xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi - Yêu cầu tất yếu và cấp thiết khi Việt Nam gia nhập WTO, Thông tin Bảo hiểm tiền gửi.

3. PGS. TS. Trần Đình Hảo, Về địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam, Thông tin Bảo hiểm tiền gửi.

4. Thúy Sen, Duy Cường, Khủng hoảng ngân hàng Northern Rock - Bài học không chỉ của “xứ sở sương mù”, Tạp chí Tài chính.

SOLUTIONS TO ENHANCE THE ROLE OF THE

DEPOSIT INSURANCE OF VIETNAM IN THE

VIETNAMESE BANKING SYSTEM

Ph.D. LE HAI HA

Faculty of Banking and Finance,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The main role of the Deposit Insurance of Vietnam is to protect interests of depositors against the bankruptcy of people’s credit funds in Vietnam. However, the function of the Deposit Insurance of Vietnam should be extended to play a more important role in ensuring the safe and sound development of Vietnamese banking system as the total assets of this organization is over 30 triillion VND.

Keywords: Deposit insurance, credit institutions, banks, the State Bank of Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây