Một số kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng về phát triển kinh tế và phòng chống dịch Covid-19

TS. GVCC. ĐÀO ĐĂNG KIÊN (Nguyên Phó trưởng Khoa, kiêm Trưởng Bộ môn quản lý nhà nước về kinh tế - Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, thành phố Hải Phòng nổi lên cả về phát triển kinh tế, đặc biệt là hạ tầng giao thông đô thị và trong công cuộc chống dịch như chống giặc hiện nay ở nước ta, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất không phải giãn cách xã hội nhờ thành công trong các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt. Bài viết phân tích những kết quả và một số kinh nghiệm bước đầu về phát triển kinh tế và phòng chống dịch Covid-19 của thành phố Hải Phòng trong thời gian gần đây.

Từ khóa: chống dịch Covid-19, thành phố Hải Phòng, phát triển kinh tế.

1. Vài nét về thành phố Hải Phòng và kết quả phát triển kinh tế

1.1. Về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Hải Phòng có địa hình khá phức tạp, đa dạng, gồm cả lục địa và hải đảo, bị chia cắt bởi sông và kênh đào, có mật độ sông lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ. Về ranh giới hành chính, Thành phố có: Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Nam giáp tỉnh Thái Bình; phía Tây giáp tỉnh Hải Dương; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

Tổng diện tích của thành phố Hải Phòng là 1.519 km2, bao gồm cả huyện đảo (Cát Hải và Bạch Long Vĩ). Đồi núi chiếm 15% diện tích, phân bố chủ yếu ở phía Bắc, do vậy địa hình phía Bắc có hình dáng và cấu tạo địa chất của vùng Trung du với những đồng bằng xen đồi; phía Nam có địa hình thấp và khá bằng phẳng kiểu địa hình đặc trưng vùng đồng bằng thuần túy nghiêng ra biển. Hiện nay, Hải Phòng có bao gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc với 7 quận (Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh), 8 huyện (An Dương, An Lão, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo), với 217 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

Hải Phòng có mật độ sông ngòi thuộc hàng cao nhất miền Bắc, cứ 1 km2 diện tích lại có 0,6 - 0,8 km sông. Nhiều con sông lớn chảy qua Thành phố như sông Đá Bạc - Bạch Đằng, sông Cấm, sông Thái Bình, sông Lạch Tray, sông Văn Úc,… Trước năm 2015, ngoài quốc lộ 5 nối Hà Nội - Hải Phòng để đi ra cảng biển, Thành phố gần như nằm biệt lập với các vùng xung quanh bởi sự ngăn cách giữa các con sông. Ở phía Bắc, Hải Phòng ngăn cách với Quảng Ninh bởi sông Bạch Đằng, gần như không có một cây cầu nào bắc qua, muốn đi lại chỉ có cách là đi đò và đi phà. Tương tự ở phía Nam, Hải Phòng ngăn cách với Thái Bình bởi sông Thái Bình, cũng gần như không có cây cầu kiên cố nào, chỉ có cầu phao hoặc đi đò. Phía tây, Hải Phòng ngăn sách với Hải Dương bởi sông Kinh Thầy, sông Văn Úc và một số nhánh của sông Thái Bình, hạ tầng cũng kém phát triển. Các quận, huyện của Hải Phòng bị chia cắt bởi các con sông, khiến sự phát triển không đồng đều.

Với điều kiện tự nhiên, sông ngòi chia cắt vừa là lợi thế vừa là khó khăn cho Hải Phòng phát triển kinh tế - xã hội. Lợi thế sông ngòi giúp Hải Phòng hình thành cảng biển sầm uất và lớn nhất phía Bắc nước ta, tuy nhiên cũng phải đối diện khó khăn bởi sông ngòi chia cắt khiến cho giao thông khó khăn, chậm phát triển kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, cùng phát huy sức mạnh của nhân dân, được Trung ương định hướng, giúp đỡ, hỗ trợ, những năm gần đây thành phố Hải Phòng đã đổi mới tư duy từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, khai thác các tiềm năng, lợi thế, vươn lên với những kết quả phát triển hạ tầng và kinh tế có nhiều dấu ấn đáng ghi nhận.

1.2. Một số kết quả phát triển hạ tầng và kinh tế

Ngay từ nhiệm kỳ 2016 - 2020, thành phố Hải Phòng đã chú trọng phát triển hạ tầng và coi đó là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã huy động 44.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Về cầu đường, đã xây mới 46 cầu, hằng trăm km đường bộ và hàng ngàn km đường liên thôn, xã. Năm 2019, khánh thành cầu Hoàng Văn Thụ nối liền trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên với giá trị 2.200 tỷ đồng. Tiếp đó, hàng loạt cây cầu cứng bê tông đã và đang được thi công nhanh chóng để xóa cảnh lụy đò, cầu phao, tăng kết nối nội vùng cho Hải Phòng. Đó là, những cây cầu sông Hàn nối Tiên Lãng với Vĩnh Bảo; cầu sông Hóa kết nối huyện Vĩnh Bảo với huyện Thái Thụy; cầu Quang Thanh nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), qua sông Văn Úc; cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) qua sông Kinh Thầy,…

Trong nội đô, những trục đường mới mở, tạo ra các không gian phát triển mới kết nối với các huyện, vùng để thu hút đầu tư. Hải Phòng cũng hỗ trợ xi măng từ ngân sách để xây dựng nhiều tuyến đường thôn, xóm, khu dân cư với tổng chiều dài hơn 1.400 km. Dự kiến hạ tầng Hải Phòng còn thay đổi vượt bậc hơn nữa trong 5 năm 2021 - 2025, Thành phố dự kiến xây 100 cây cầu với số tiền 38.000 tỷ đồng. Hải Phòng đang được đánh giá là vùng phát triển về hạ tầng thuộc hàng nhanh nhất cả nước.

Về kinh tế, trước đây khi nói đến kinh tế của thành phố Hải phòng, có thể nhận thấy các đặc điểm như sau:      

Thứ nhất, kinh tế chỉ có kho bãi và xi măng. Người Hải Phòng có câu “Hải Phòng có bến Sáu Kho/Có sông Tam Bạc có lò xi măng”.

Thứ hai, kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp và cảng biển, gồm nhiều nhà máy sợi tơ, nhà máy sản xuất thủy tinh, nhà máy dệt, nhà máy cơ khí, nhà máy đóng tàu,... Đến nay, kinh tế Hải Phòng vẫn phụ thuộc vào cảng biển.

Thứ ba, thu nội địa cân đối ngân sách chỉ khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu phần lớn thuộc về Trung ương, do đó, số chi ngân sách của Hải Phòng rất hạn chế. Chi thường xuyên của Hải Phòng đã là 3.700 tỷ đồng, chi cho đầu tư phát triển chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, cùng một lúc Hải Phòng phải giải 2 bài toán, đó là vừa phải huy động được nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, nhưng cũng phải chú trọng phát triển kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kinh tế cảng biển như trước.

Kết quả phát triển kinh tế nhờ sự quyết tâm cao, quyết liệt thực hiện của Đảng bộ, chính quyền Thành phố về đổi mới tư duy, đẩy mạnh qui hoạch phát triển đô thị, khai thác thế mạnh tiềm năng về đất đai, nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng. Có thể nhận thấy sự đổi mới trên một số kết quả như sau:

Thứ nhất, tính đến hết năm 2020, Hải Phòng thu hút được 567 dự án đầu tư trong và ngoài nước (gồm 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ USD và 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 146.000 tỷ đồng). Trong đó, LG 6 tỷ USD,VinFast đã đầu tư 4 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư khác như AEON, Bridgestone, Geleximco, Sun Group,… cũng đã có những dự án lớn tại đây.

Thứ hai, phát triển kinh tế - xã hội và qui mô kinh tế đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội. GRDP bình quân 5 năm 2016 - 2020 tăng 13,94%/năm, gấp hơn 1,3 lần mục tiêu, gấp 2 lần giai đoạn trước. Năm 2020, ước đạt 280.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD, gấp gần 2 lần của cả nước (3.000 USD).

Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã từng bước không phụ thuộc vào cảng biển. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12% năm 2015 lên 39,15% năm 2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành Chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.

Thứ tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn 2016 - 2020, khu vực công nghiệp - xây dựng có bước phát triển nhảy vọt, tăng từ 39,91% năm 2015 lên 52,99% năm 2020. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ giảm từ 52,56% năm 2015 còn 42,09%.

Thứ năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 408 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 5 năm đạt 120 nghìn tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2010 - 2015.

Thứ sáu, cơ cấu vốn đầu tư chuyển mạnh theo hướng xã hội hóa. Trong đó, vốn khu vực ngoài nhà nước và FDI đạt 532.150 tỷ đồng, gấp 6,14 lần so với nhiệm kỳ trước. Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 9,41 tỷ USD, gấp 1,23 lần năm năm trước.

Như vậy, giai đoạn 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, có tính đột phá, trên mọi lĩnh vực, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới. Kết quả thực hiện phát triển kinh tế hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, có những chỉ tiêu tăng trưởng vượt bậc, như: hoàn thành vượt mức 12/20 chỉ tiêu, trong đó có 7/12 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức mục tiêu giao từ 1 - 3 năm. (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả kinh tế năm 2020 của thành phố Hải Phòng

TT

Danh mục

Tỷ lệ/năm

 (%)

Qui mô

1

GRDP

14

Gấp 2 lần (2011-2015)

2

GDP

280.000 tỷ

Thứ 2 miền Bắc

3

Thu nhập bình quân

5.863 USD

Gấp 2 lần cả nước

4

Xuất khẩu

30%

Gấp 5 lần năm 2015

5

Công nghiệp

21%

Gấp 1,47 lần

6

Thu hút FDI

16 tỷ USD

Tăng 1,38 lần

                                                 Nguồn: Cục Thống kê thành phố Hải Phòng

2. Một số kinh nghiệm phát triển kinh tế và phòng chống dịch Covid-19 của Hải Phòng

Hiện nay, ở nước ta và trên thế giới đang diễn biến phức tạp của tình hình và hậu quả tiêu cực do dịch Covid-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra). Từ ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu và ở Việt Nam. Dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu, có tốc độ lây lan nhanh, không chỉ gây thiệt hại trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mà còn khiến số người tử vong ngày càng cao và được coi là vấn đề cấp bách, quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhất hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.

Thực hiện Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 về việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã có những nỗ lực và quyết tâm cao, hạn chế thấp nhất sự lây lan và tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng hiện tại là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất không phải giãn cách xã hội nhờ thành công trong các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt. Nhờ vậy, kinh tế Hải Phòng tăng trưởng 13,5% trong nửa đầu năm, đứng thứ tư cả nước. Tính đến tháng 8 năm 2021, Thành phố vẫn duy trì gần như 100% nhà máy thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế, thậm chí còn tuyển thêm 35.000 công nhân, thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư. Doanh thu sản xuất công nghiệp ước đạt 12, 75 tỷ USD, xuất khẩu 11,12 tỷ USD tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đã thu hút 25 dự án FDI cấp mới với số vốn 304 triệu USD, 40 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 2,479 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn FDI thu hút từ đầu năm đạt gần 2,8 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020.

Hải Phòng tiếp tục duy trì đà sản xuất và đang là điểm sáng cho kinh tế cả nước trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Có thể nêu lên một số kinh nghiệm về phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh của thành phố Hải Phòng như sau:

Thứ nhất, đổi mới tư duy đầu tư phát triển, khơi thông mọi nguồn lực, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đã có tính đột phá quan trọng với tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố đạt 564.295 tỷ đồng, gấp 3 lần nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong đó vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội chiếm khoảng 90%, vốn đầu tư từ ngân sách là 10%. Nguồn vốn này có tác động lớn đến phát triển hạ tầng cho thành phố.

Thứ hai, lãnh đạo có quyết tâm cao, quyết liệt trong điều hành, gắn trách nhiệm với người đứng đầu, tăng cường kỷ luật trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ với không khí rất quyết liệt, không có sự nể nang trong thực thi công vụ. Mọi khó khăn đều được bàn đến cùng, truy trách nhiệm đến người cụ thể.

Thứ ba, kết hợp hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình đầu tư hạ tầng. Thành phố đã thu hồi gần 10.500 ha đất, ảnh hưởng đến 54.000 hộ gia đình, trong đó có 11.000 hộ phải tái định cư. Đây được coi là chiến dịch thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn nhất trong lịch sử Hải Phòng. Tuy nhiên, Thành phố lại nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân, khi thực hiện công việc với nguyên tắc người dân phải đạt được lợi ích cao nhất.

Thứ tư, có hạ tầng và mặt bằng vẫn là chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư lớn.  Thành phố đã quan tâm đặc biệt đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí thứ 28 năm 2015 lên thứ 10 vào năm 2020, về xúc tiến đầu tư tại chỗ, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất. Mối quan hệ phối kết hợp được quan tâm đặc biệt giữa phối hợp sử dụng đất với qui hoạch, thủ tục đầu tư,... giữa cơ quan nhà nước cấp thành phố với các quận huyện và với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng chung tay, hỗ trợ, phối hợp vì mục tiêu phát triển và hiệu quả kinh tế.

Thứ năm, Thành phố chủ động sử dụng cán bộ trẻ dưới 35 tuổi bổ sung cho các quận huyện trong năm 2021, phấn đấu 6 - 9 quận, huyện có cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) giữ chức vụ phó bí thư, phó chủ tịch UBND quận, huyện; mỗi quận, huyện có 1 - 2 xã, phường, thị trấn có cán bộ lãnh đạo chủ chốt trẻ (dưới 30 tuổi) đảm bảo năng lực, sức trẻ năng động “Chống dịch như chống giặc”.

Thứ sáu, điểm mới trong phòng dịch là Hải Phòng xây dựng một bộ tiêu chí để doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày theo tỷ lệ %. Bộ tiêu chí này gồm rất nhiều yếu tố như tỷ lệ lao động ngoại tỉnh, các yếu tố nhập hàng, vận chuyển, các yếu tố có thể tác động đến sản xuất.

Thứ by, trong quá trình chống dịch, Thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Thành phố thống nhất tùy theo tình hình thực tế tại doanh nghiệp có thể xây dựng các phương án khác như “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc “1 cung đường, nhiều điểm đến, các doanh nghiệp cũng đã chủ động mua sắm, dự trữ nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho người lao động và nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, đảm bảo có thể triển khai ngay các phương án khi có tình huống đột xuất phát sinh.

Thứ tám, tổ chức tập huấn, diễn tập, rút kinh nghiệm và xây dựng các đề án mẫu để phù hợp với tình hình thực tế, không bị động, các quận; huyện cũng đã rà soát các địa điểm có thể sử dụng phục vụ nhu cầu tạm trú, đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp có khó khăn về việc bố trí chỗ ở cho người lao động.

Thứ chín, quản lý lao động và người ngoài tỉnh vừa phải chặn từ xa vừa phải vận động, thuyết phục vì những đối tượng này gây áp lực lớn cho việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người lao động. Vận động doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất trong “thời dịch” bằng cách chủ động bố trí nơi ở, hỗ trợ kinh phí để người lao động ngoại tỉnh ở lại Hải Phòng làm việc. Ban quản lý cũng vận động hạn chế việc sa thải lao động.

3. Kết luận

Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội do tác động của dịch bệnh Covid-19 những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã có nhiều cố gắng đổi mới tư duy phát triển kinh tế, sáng tạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng tạo ra một Thành phố có hạ tầng phát triển hiện đại, khang trang và kết nối nội tỉnh với khu vực và cả nước. Hải Phòng  có nhiều kinh nghiệm mới, nổi trội, kết hợp có hiệu quả phòng chống dịch bệnh với phát triển kinh tế, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, phấn đấu trở thành Thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào năm 2030./.

TÀI  LIỆU  THAM  KHẢO:

  1. Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải phòng (2021) về tình hình phát triển kinh tế và thực hiện phòng chống dịch Covid-19.
  2. Phạm Cường (2021), Hải Phòng tạo bước phát triển vượt bậc với những dấu ấn mới, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/hai-phong-tao-buoc-phat-trien-vuot-bac-voi-nhung-dau-an-moi-565477.html
  3. Vũ Thị Thùy Dung (2020), Thành phố Hải Phòng điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội nhờ cải cách hành chính, Tạp chí Quản lý nhà nước, số tháng 8.
  4. Lê Gia Phong (2021), Kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 tạo đà và bứt phá, Tạp chí Con số và Sự kiện. http://consosukien.vn/kinh-te-xa-hoi-thanh-pho-hai-phong-giai-doan-2016-2026-tao-da-va-but-pha.htm

Some initial results of Hai phong City about economic development and COVID-19 prevention

Ph.D Dao Dang Kien

Senior Lecturer, Former Vice Dean and Head of Department of State Management on Economic Affairs

ABSTRACT:

In recent years, Hai Phong City has experienced a rapid economic grwoth and a strong urban transport infrastructure development. Hai Phong City is the only municipality in Vietnam that has avoided a COVID-19 lockdown so far thanks to the city’s strong and drastic anti-COVID-19 measures. This paper analyzes some initial results of Hai phong City about economic development and COVID-19 prevention in recent time.

Keywords: the fight against COVID-19 pandemic, Hai Phong City, economic development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]