Chú thích ảnh
Một người phụ nữ mua sắm tại cửa hàng Đồ chơi R Us ở Alhambra, California. Ảnh: AFP

Một số nhà sản xuất đồ chơi của Mỹ cho biết nếu sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, thay vì Trung Quốc, sản phẩm của họ sẽ đắt gấp năm lần và người tiêu dùng sẽ không mua sản phẩm với mức giá cao như vậy. Trong trường hợp Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với nguyên liệu thô, các doanh nghiệp có thể phá sản hoặc buộc cắt giảm nhân công. 

Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi lớn chuyển xưởng sản xuất sang các thị trường khác, một xu hướng vốn đã diễn ra do chi phí ngày một gia tăng tại Trung Quốc. 

Hãng sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới Hasbro của Mỹ có kế hoạch giảm lượng sản phẩm đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc xuống còn 60% vào năm 2020, so với mức 69% năm 2018 và 86% năm 2012. Hãng này dự kiến sẽ di chuyển một số hoạt động sản xuất sang các thị trường Mỹ, Mexico, Việt Nam và Ấn Độ.

Theo số liệu từ tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor International, lĩnh vực sản xuất đồ chơi tại Indonesia, Malaysia và Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn từ năm 2012-2017.

Trong một diễn biến khác, giới chuyên gia nhận định thị trường đồ chơi có trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng khởi sắc, nhờ dân số trẻ em đông đúc, tầng lớp trung lưu ngày một mở rộng và các thiết bị số ngày càng phổ biến.

Phát biểu bên lề Hội chợ Đồ chơi New York 2019, diễn ra từ ngày 16-19/2, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Kidz Global, Philippe Guinadeau, cho rằng các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc có tiềm năng lớn trên thị trường đồ chơi. Theo số liệu từ The Toy Association, doanh số bán đồ chơi truyền thống tại Trung Quốc năm 2017 đạt 11 tỷ USD. Giữ vị thế là thị trường đồ chơi lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có 236 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 0-14 tuổi và 76% dân số thành thị dự kiến sẽ trở thành tầng lớp trung lưu vào năm 2022, với mức thu nhập cao hơn.