TÓM TẮT:

Khuyến mại du lịch là một hình thức xúc tiến thương mại của thương nhân trong lĩnh vực du lịch nhằm thu hút khách hàng thông qua việc dành lợi ích nhất định cho khách hàng. Vì vậy, vấn đề này chịu sự điều chỉnh của pháp luật thương mại. Trong phạm vi bài viết, tác giả đánh giá thực trạng pháp luật và thực trạng thực hiện pháp luật về khuyến mại du lịch và chỉ ra một số vấn đề còn bất cập trong cơ chế thực thi. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về khuyến mại du lịch.

Từ khóa: Khuyến mại, du lịch, thương nhân, xúc tiến thương mại.

  1. Đặt vấn đề

Khuyến mại là cách thức, biện pháp thu hút khách hàng thông qua việc dành lợi ích cho khách hàng, bao gồm lợi ích vật chất (tiền, hàng hoá) hay lợi ích phi vật chất (được cung ứng dịch vụ miễn phí)1. Việc dành cho khách hàng những lợi ích nhất định để tác động tới thái độ và hành vi mua bán của họ là đặc trưng của khuyến mại phân biệt với các hình thức xúc tiến thương mại khác. Khuyến mại du lịch là một hình thức xúc tiến thương mại của thương nhân trong lĩnh vực du lịch nhằm thu hút khách hàng thông qua việc dành lợi ích nhất định cho khách hàng; và vì vậy, vấn đề này chịu sự điều chỉnh của pháp luật thương mại.

Pháp luật về khuyến mại du lịch (KMDL) hình thành và phát triển do nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật. Theo đó, pháp luật về khuyến mại du lịch là tổng hợp các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khuyến mại du lịch của thương nhân. Các quan hệ xã hội này bao gồm:

- Quan hệ sử dụng dịch vụ hình thành giữa thương nhân có nhu cầu KMDL với thương nhân kinh doanh dịch vụ KMDL hoặc các tổ chức khác có khả năng cung cấp dịch vụ;

- Quan hệ giữa thương nhân với người tiêu dùng, với chủ phương tiện thông tin khi thương nhân thực hiện hoạt động KMDL.

- Quan hệ giữa thương nhân với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ thuộc phạm vi Nhà nước quản lý về KMDL.

Nguồn của pháp luật về KMDL bao gồm nhiều văn bản, tập trung ở lĩnh vực pháp luật thương mại, như Luật Thương mại năm 2005, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định nhiều hình thức khuyến mại, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.

  1. Thực trạng pháp luật về khuyến mại du lịch

So với Luật Thương mại năm 1997, Luật Thương mại năm 2005 khi định nghĩa về khuyến mại có bổ sung hai điểm về mục đích của khuyến mại và cách thức khuyến mại thông qua quan hệ dịch vụ2. Cụ thể là, mục đích của khuyến mại không chỉ nhằm xúc tiến việc bán hàng mà còn nhằm xúc tiến việc mua hàng. Mặc dù khuyến mại để bán hàng là hoạt động phổ biến của thương nhân, do thương nhân tiến hành như một nhu cầu tất yếu để cạnh tranh mở rộng thị phần nhưng đối với các doanh nghiệp thương mại, việc khuyến mại để mua hàng, gom hàng cũng có thể trở thành nhu cầu cần thiết. Đáp ứng yêu cầu thực tế này, pháp luật hiện hành quy định khuyến mại là hoạt động thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ chứ không phải chỉ là xúc tiến việc bán hàng như trước đây.

Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định nhiều hình thức khuyến mại3. Việc nhận diện các hình thức này là cần thiết, bởi pháp luật hiện hành có một số quy định riêng đối với từng hình thức khuyến mại, chủ yếu là các quy định về hạn mức giá trị và thời gian khuyến mại, trình tự thủ tục tiến hành, nghĩa vụ của thương nhân thực hiện khuyến mại.

Dù các hình thức khuyến mại đã được pháp luật quy định chi tiết, nhưng trên thực tế việc áp dụng các hình thức này còn có nhiều sự nhầm lẫn. Nhiều thương nhân đã lợi dụng những “ranh giới” mong manh giữa các hình thức này để thực hiện hoạt động KMDL mập mờ, có tính chất lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong khuyến mại du lịch:

Để hoạt động KMDL diễn ra lành mạnh, an toàn, tôn trọng lợi ích của khách du lịch, khách hàng và thương nhân khác, pháp luật quy định cho thương nhân khuyến mại các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể. Thương nhân có quyền lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại; quy định những lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng; tự mình hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những quyền này, căn cứ vào Điều 96 Luật Thương mại năm 2005, thương nhân hoạt động KMDL (bao gồm cả thương nhân kinh doanh dịch vụ KMDL) có nghĩa vụ như sau:

- Nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện các hình thức KMDL. Nhìn chung, quy định hiện hành về vấn đề này khá thoáng, chủ yếu là thủ tục “đăng ký” hoạt động khuyến mại trước khi thực hiện và “thông báo” kết quả sau khi kết thúc đợt khuyến mại. Thủ tục “xin phép” vẫn tồn tại nhưng được áp dụng rất hạn chế, chỉ trong trường hợp thương nhân sử dụng các hình thức khuyến mại mà pháp luật chưa dự liệu đến.

- Nghĩa vụ thông báo công khai các nội dung thông tin về hoạt động KMDL cho khách hàng trên hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa hoặc tại địa điểm bán hàng và nơi để hàng hóa bày bán, tại địa điểm cung ứng dịch vụ hoặc dưới hình thức khác.

- Nghĩa vụ thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và các cam kết với khách hàng: Thương nhân thực hiện khuyến mại không được chấm dứt việc thực hiện chương trình KMDL trước thời hạn đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ trường hợp bất khả kháng. Việc chấm dứt chương trình KMDL trước thời hạn phải được thông báo công khai tới khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền.

- Nghĩa vụ trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng đối với hình thức KMDL mang tính may rủi quy định tại khoản 6 Điều 92 Luật Thương mại năm 2005, chẳng hạn như tổ chức các chương trình phát phiếu, thẻ dự thưởng, quay số, rút thăm, bốc thăm trúng thưởng.

  1. Thực trạng thực hiện pháp luật về khuyến mại du lịch

Thời gian gần đây, lượng khách du lịch lớn ồ ạt ‘cập bến’ các địa điểm du lịch ở Việt Nam dẫn tới sự nở rộ của một số sản phẩm du lịch có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có tính chất lừa đảo4. Điển hình như các tour du lịch giá rẻ, tour du lịch 0 đồng. Tour giá rẻ có thể được hiểu đơn giản nhất là khách du lịch mua sản phẩm du lịch gồm chi phí vé máy bay (tàu, thuyền, ô tô), phí visa, dịch vụ khách sạn và chương trình du lịch với mức giá thấp hơn nhiều mức chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả. Tour 0 đồng, tour âm đồng là tour mà công ty đón khách không thu bất kỳ một chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách, hiện tượng này còn được gọi là “mua đoàn”.

Nhìn nhận một cách khách quan dưới góc độ xúc tiến du lịch, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng cũng có tính chất quảng bá, giới thiệu du lịch địa phương, đất nước, tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu trực tiếp cho chính quyền, doanh nghiệp địa phương, nhất là Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển du lịch đại chúng, đây cũng vẫn là xu hướng chung của du lịch thế giới. Khi khách du lịch đặt chân vào Việt Nam thì khó có thể không ở khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống tại nhà hàng, đi xe, tàu, máy bay, mua vé tham quan và chi trả phí visa (với những thị trường chưa miễn visa). Tour 0 đồng, âm đồng cũng không nằm ngoài quy luật này. Vào mùa cao điểm, nhu cầu du lịch tăng cao, các công ty gửi khách thuận lẽ tự nhiên không cần giảm giá tour đến mức thấp nhất, nhưng ngược lại, vào mùa thấp điểm, những tour này lại góp phần bổ sung một lượng khách nhất định, đảm bảo duy trì ổn định các đường bay, duy trì hiệu suất khai thác của chuỗi các dịch vụ tại điểm đến, giảm bớt khoảng cách khác biệt giữa mùa cao và thấp điểm trong ngành Du lịch.5

Xét về khía cạnh pháp luật, các tour du lịch giá rẻ, tour du lịch 0 đồng này về bản chất là một hình thức KMDL dưới dạng giảm giá và tặng miễn phí hàng hoá, dịch vụ du lịch. Các thương nhân thực hiện hoạt động này thường thông qua các hình thức như đưa khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa6. Tuy nhiên, mức giảm giá đối với sản phẩm du lịch này đa phần vượt quá 50% giá trị của sản phẩm được cung cấp, thậm chí trong trường hợp tour du lịch 0 đồng thì mức giảm giá là 100%. Việc giảm giá như vậy vượt quá hạn mức giảm giá tối đa (50% tổng giá trị sản phẩm khuyến mại) mà pháp luật thương mại cho phép đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại. Cụ thể, hoạt động này vi phạm vào Điều 7 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/7/2018). Bên cạnh đó, các công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch giá rẻ, tour du lịch 0 đồng thường không thực hiện nghĩa vụ thông báo với cơ quan chức năng về việc tổ chức thực hiện khuyến mại, vi phạm Điều 17 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, để bù đắp cho các chi phí, các công ty lữ hành thực hiện hoạt động này thường phải đưa khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào. Tuy nhiên, một số lại biến tướng trở thành việc ép buộc khách du lịch phải mua hàng, nếu không sẽ bị bỏ rơi tại điểm du lịch7. Những hành vi như vậy có thể vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.

Căn cứ vào điểm g Khoản 3 Điều 48 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các thương nhân có hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin KMDL, khuyến mại vượt trần cho phép, có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các công ty lữ hành tổ chức KMDL, trong đó có các tour du lịch 0 đồng, có thể vi phạm Điều 17 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP nếu như không thực hiện nghĩa vụ thông báo với cơ quan chức năng về việc tổ chức thực hiện khuyến mại. Căn cứ vào điểm c Khoản 3 Điều 48 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với vi phạm như vậy của công ty lữ hành tổ chức tour du lịch như trên.

Theo pháp luật, các công ty lữ hành nếu có hành vi sắp đặt, o ép, chèo kéo khách du lịch mua hoặc sử dụng một số dịch vụ đã định sẵn rồi thu giá “chặt chém” sẽ không những vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh du lịch quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong  lĩnh vực thể thao, văn hóa, du lịch mà còn vi phạm quy định của Chính phủ về việc niêm yết giá tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP.

Việc tổ chức các tour du lịch giá rẻ, tour du lịch 0 đồng còn có thể vi phạm vào Điều 46 Luật Cạnh tranh năm 2004 bởi có dấu hiệu lợi dụng khuyến mại để cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Căn cứ vào Điều 34 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh năm 2004 về xử lí vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh, hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh có thể bị xử phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng do không cung cấp thông tin đầy đủ hoặc sai lệch để lừa dối khách hàng.

Trường hợp, thương nhân vi phạm các hành vi bị cấm liên quan tới KMDL, căn cứ vào Điều 48 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, mức xử phạt áp dụng là từ 10 đến 50 triệu đồng tùy vào hành vi và mức độ vi phạm. Đối với các vi phạm quy định về trình tự, thủ tục thực hiện KMDL, thương nhân có thể phải nộp phạt ở mức 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Mức phạt có thể được nhân đôi, nếu như hoạt động KMDL được tổ chức trên địa bản từ 2 tỉnh trở lên.

  1. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về khuyến mại du lịch

Hiện tượng tour du lịch giá rẻ, tour 0 đồng vẫn đang khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp quan ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và nguồn thuế thất thu8. Các quốc gia đều đã cố gắng kiểm soát, chấn chỉnh thị trường nhưng chưa quốc gia nào tìm được giải pháp triệt để, cuối cùng phổ biến nhất vẫn là xoay quanh bảo vệ lợi ích của khách, lấy khách du lịch làm trung tâm, xem xét mức độ khiếu kiện của khách để quyết định việc trừng phạt cũng như quản lý liên quan đến sản phẩm du lịch9.

Chính phủ Hàn Quốc tước giấy phép của 68 doanh nghiệp phục vụ tour 0 đồng cho khách Trung Quốc, quyết tuyên chiến với hiện trạng này, nhưng thực tế cho thấy loại tour này vẫn không hề giảm nhiệt. Các nước Âu Mỹ đều chấp nhận sự tồn tại của tour giá rẻ trên thị trường, nhưng phải cho khách du lịch biết rõ dịch vụ bao gồm và không bao gồm, vì thế tỷ lệ khiếu kiện của khách rất ít, khách du lịch hiểu và đồng thuận.

Tuy nhiên, đối với một vài quốc gia, việc giải quyết tình trạng khuyến mại du lịch gây thiệt hại cho khách du lịch lại không đơn giản. Cụ thể, năm 2016, Thái Lan đã áp dụng các biện pháp mạnh tay để chỉnh đốn tour 0 đồng và tour âm đồng, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, chi phí tour du lịch ở đây bị đẩy tăng cao, dẫn đến lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan sụt giảm nghiêm trọng, thị trường vô cùng ảm đạm. Sau đó, Thái Lan đã phải dần điều chỉnh, nới lỏng thị trường. Cuối năm 2016, đích thân Phó Thủ tướng Thái Lan cùng với Bộ trưởng Bộ Du lịch và các quan chức liên quan đã đến Quảng Châu tổ chức xúc tiến du lịch, đáp ứng và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các công ty tổ chức đoàn ngay tại chỗ. Điều này cho thấy việc giải quyết tốt tình trạng này không chỉ đòi hỏi phải có hành lang pháp lý vững chắc, mà còn cần có những biện pháp, cơ chế thực thi, phối hợp một cách khéo léo.

Qua nghiên cứu thực trạng pháp luật Việt Nam về khuyến mại du lịch ở mục trên, có thể thấy rằng các quy định hiện hành về khuyến mại du lịch đã tương đối đầy đủ và phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, các quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm trong khuyến mại du lịch đã được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 81/2018/NĐ-CP cũng đã có sự cập nhật so với thực tế và thích đáng, có mức độ răn đe, phòng ngừa. Tuy nhiên, quy định pháp luật là đầy đủ và phù hợp, nhưng thực trạng thực thi pháp luật lại cho thấy bức tranh khác. Nói khác đi, điều này đặt câu hỏi đối với việc kiểm tra, giám sát các hoạt động KMDL tại khu vực, địa phương. Nhìn chung, các cơ quan chức năng vẫn còn chậm trễ, thiếu chủ động trong việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch, dẫn tới một số hiện tượng du lịch nhức nhối trong thời gian vừa qua.

Đối với trường hợp của Việt Nam, một số giải pháp có thể sử dụng để quản lý hiệu quả các hình thức khuyến mại du lịch như sau:

Thứ nhất, phải quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế.

Thứ hai, với điểm mua sắm, nếu quản lý tốt thi đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ10. Các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách. Thực tế cho thấy, trong khi chúng ta khó lòng khiến khách từ các thị trường khác rút hầu bao mua sắm thì khách du lịch Trung Quốc lại có khả năng mua sắm rất cao, họ mua bất kỳ những gì có gắn mác “Made in Vietnam” khi đến Nha Trang.

Thứ ba, thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga; số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi từ khách sạn, sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Điều 88 Luật Thương mại năm 2005.

2Nguyễn Thị Dung, (2006), Pháp luật về xúc tiến thương mại ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 8.

3Các hình thức KMDL được pháp luật thương mại quy định chi tiết và cụ thể tại Điều 92 Luật Thương mại năm 2005, bao gồm: (i) dùng thử hàng mẫu miễn phí; (ii) tặng quà; (iii) giảm giá; (iv) tặng phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ; (v) phiếu dự thi có thưởng; (vi) tổ chức các chương trình may rủi; (vii) tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên; (viii) tổ chức chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí. Ngoài ra, các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại chấp nhận: như khuyến mại hàng hóa, dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác…

4Hà Trang, (2017), Tham gia tour 0 đồng: Hàng trăm người bị lừa mua hàng giá cao, đường dẫn: https://dantri.com.vn/su-kien/tham-gia-tour-0-dong-hang-tram-nguoi-bi-lua-mua-hang-gia-cao-20180905170906062.htm (21/10/2018).

5Phương Cúc, (2017), Tour du lịch 0 đồng: Ai chịu thiệt thòi nhất, đường dẫn: https://vov.vn/xa-hoi/tour-du-lich-0-dong-ai-thiet-thoi-nhat-782768.vov (21/10/2018).

6Báo Hải quan, (2016), Làm sao để quản lý tốt tour du lịch 0 đồng, đường dẫn: https://www.baohaiquan.vn/Pages/Lam-sao-de-quan-ly-tot-tour-du-lich-0-dong.aspx (21/10/2018).

7Minh Nhân, (2017), Tour du lịch 0 đồng: Bản chất và giải pháp, đường dẫn: http://vietnamtourism.gov.vn/ index.php/items/23543 (22/10/2018).

8Quang Đại, (2017), Tour du lịch 0 đồng có dấu hiệu bất thường: Công an vào cuộc, đường dẫn: https://laodong.vn/kinh-te/tour-du-lich-0-dong-co-dau-hieu-bat-thuong-cong-an-vao-cuoc-627317.ldo 21/10/2018).

9Phương Cúc, (2017), Tour du lịch 0 đồng: Ai chịu thiệt thòi nhất, đường dẫn: https://vov.vn/xa-hoi/tour-du-lich-0-dong-ai-thiet-thoi-nhat-782768.vov (21/10/2018).

10Minh Nhân, (2017), Tour du lịch 0 đồng: Bản chất và giải pháp, đường dẫn: http://vietnamtourism.gov.vn/ index.php/items/23543 (22/10/2018).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật Thương mại năm 2005.
  2. Luật Du lịch năm 2017.
  3. Luật Cạnh tranh năm 2004.
  4. Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
  5. Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, du lịch.
  6. Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh năm 2004 về xử lí vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh.
  7. Nguyễn Thị Dung. 2006. Pháp luật về xúc tiến thương mại ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

SOME REGULATIONS ON TOURISM PROMOTION AND SOLUTIONS TO ENHANCE THE ENFORCEMENT

Master. CHAU VU

Con Dao District Party Inspection Committee, Ba Ria – Vung Tau Province

ABSTRACT:

Tourism promotion is a form of trade promotion conducting by traders in the tourism sector to attract customers through giving certain benefits to tourists. Therefore, this kind of promotion is governed by Law on Commerce in Vietnam. This study assesses the legal situation, the status of complying with regulations on tourism promotion  and points out some problems related to the mechanism of enforcing regulations, thereby proposing recommendations to improve the effectiveness of law enforcement on tourism promotion.

Keywords: Promotion, travel, traders, trade promotion.