Một số thay đổi trong kinh doanh dịch vụ kế toán áp dụng từ năm 2017

ThS. VŨ THỊ DUYÊN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiện nay, xu hướng mở cửa hội nhập cùng với nhu cầu của doanh nghiệp trong nước khiến thị trường kinh doanh dịch vụ kế toán ở Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. Đây là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán, song cũng là thách thức đặt ra đối với thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam mới được hình thành và thừa nhận còn rất non trẻ và đầy tiềm năng. Luật Kế toán sửa đổi 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) dành riêng một chương quy định rõ về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán. Theo đó, so với Luật Kế toán 2003, Luật Kế toán 2015 đã bổ sung thêm một số điểm mới.

Từ khóa: Dịch vụ kế toán, Luật Kế toán sửa đổi 2015, doanh nghiệp.

I. Đặt vấn đề

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sai lầm của các nhà quản trị là đánh giá sai tình hình tài chính được phản ánh qua những con số kế toán. Như vậy một yêu cầu đặt ra là phải giảm thiểu rủi ro có thể xuất hiện từ những con số biết nói này. Đây là điều kiện quan trọng cho sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ kế toán nói riêng trong nền kinh tế thị trường.

Theo cách phân loại sản phẩm của tổ chức Liên hợp quốc “Provisional Central Product Classification” thì dịch vụ kế toán bao gồm:

- Dịch vụ soát xét báo cáo tài chính: Là dịch vụ soát xét các báo cáo tài chính hàng năm, hàng kỳ và các thông tin kế toán khác, phạm vi soát xét nhỏ hơn kiểm toán, do đó mức độ tin cậy, tính pháp lý cũng thấp hơn.

- Dịch vụ lập báo cáo tài chính: Là việc lập báo cáo tài chính từ các thông tin khách hàng cung cấp. Nhà cung cấp dịch vụ không chứng nhận tính chính xác của các báo cáo tài chính được biên soạn. Nếu hợp đồng dịch vụ soạn lập báo cáo tài chính bao gồm cả phần soạn lập các các tờ khai thuế thì dịch vụ kê khai thuế cũng được coi là một phần của dịch vụ soạn lập báo cáo tài chính.

- Dịch vụ ghi sổ kế toán: Là loại dịch vụ bao gồm hoạt động phân loại, ghi chép các giao dịch kinh doanh theo đơn vị tiền tệ hoặc các đơn vị đo lường khác vào sổ kế toán.

- Các dịch vụ kế toán khác: Như là chứng nhận, đánh giá, lập các báo cáo không chính thức.

Các dịch vụ kế toán ngày càng được nói đến nhiều hơn trong nền kinh tế thị trường bởi nó mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước và cả nền kinh tế.

Đối với doanh nghiệp, việc được cung cấp dịch vụ kế toán bởi những công ty cung cấp dịch vụ kế toán uy tín, các chuyên gia kế toán chuyên nghiệp sẽ giúp họ đánh giá đúng thực trạng tài chính của mình, từ đó có các quyết định quản trị thích hợp; thiết lập, xây dựng, hoàn thiện bộ máy kế toán của chính doanh nghiệp sao cho hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy nhất.

Đối với các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý kinh tế, dịch vụ kế toán tạo điều kiện cho họ có được một cái nhìn khách quan, trung thực về tình hình tài chính của các doanh nghiệp mà họ quan tâm. Đây là cơ sở, là căn cứ quan trọng để họ thực hiện hoặc điều chỉnh các quyết định kinh tế (các nhà đầu tư), các cơ chế chính sách (các cơ quan quản lý kinh tế).

Đứng trước vai trò ngày càng quan trọng của dịch vụ kế toán, Luật Kế toán sửa đổi năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã dành riêng chương IV quy định về hoạt động kinh doanh loại hình dịch vụ này. Đây được coi là cơ sở quan trọng nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

II. Một số nội dung cần lưu ý trong kinh doanh dịch vụ kế toán áp dụng từ năm 2017

Nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế mới, Luật Kế toán năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017), đã quy định cụ thể về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán. Theo đó, so với Luật Kế toán 2003, Luật Kế toán 2015 đã bổ sung thêm một số điểm mới, cụ thể như sau:

- Chứng chỉ kế toán viên: Người được cấp chứng chỉ kế toán viên phải có 3 tiêu chuẩn: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính; Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên qua kỳ thi do Bộ Tài chính tổ chức và cấp bằng.

- Đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán: Quy định các điều kiện người có Chứng chỉ kế toán viên hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua DN kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán có 3 điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán và kiểm toán là 36 tháng và tham gia chương trình cập nhật kiến thức theo quy định; Quy định những người không được hành nghề dịch vụ kế toán.

- DN kinh doanh dịch vụ kế toán: Công ty TNHH hai thành viên trở lên; Công ty hợp danh và DN tư nhân phải đủ điều kiện về chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; Quy định DN nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với từng loại hình DN cụ thể: Công ty TNHH hai thành viên trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 4 điều kiện; Công ty hợp danh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 3 điều kiện; DN tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 3 điều kiện và chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 4 điều kiện.

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán: Bao gồm 7 loại giấy tờ.

- Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, trường hợp cần làm rõ vấn đề liên quan đến hồ sơ cần giải trình thì thời hạn tính từ khi hồ sơ hoàn chỉnh.

- Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán: Quy định rõ các trường hợp được cấp lại Giấy chứng nhận, hồ sơ xin cấp lại và thời gian hoàn trả.

- Phí cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán: Theo quy định của Chính phủ.

- Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán: Hộ kinh doanh được phép kinh doanh dịch vụ kế toán khi đáp ứng được 2 điều kiện: Có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và cá nhân, đại diện nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh phải là kế toán viên. Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

- Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính: Quy định những thay đổi DN kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày.

- Trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, DN kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, trong đó có quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

- Trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán: Có 6 trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán.

Ngoài ra, Luật Kế toán mới cũng quy định các trường hợp mà DN kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán; bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán phải chấm dứt việc kinh doanh dịch vụ kế toán; Các hộ kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ hoặc chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán; Các trường hợp mà kế toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán và bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

Như vậy, hành lang pháp lý về kế toán, kiểm toán của Việt Nam đã được đổi mới căn bản, từng bước, thừa nhận, áp dụng các Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Từ đó, giúp cho các DN kinh doanh dịch vụ kế toán và người làm kế toán hoạt động, phát triển và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ kế toán trong nước và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội, Luật Kế toán số 03/2003/QH11; Luật Kế toán số 88/2015/QH13;

2. Quốc hội, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

3. Chính phủ, Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004;

4. Chính phủ, Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 4/11/2004 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực kế toán;

5. Thông tư số 72/2007/TT-BTC ngày 27/6/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn đăng ký và quản lý hành nghề kế toán...

6. Trần Ngọc Lan, Kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh gia nhập TPP, AEC, Tạp chí Tài chính số 4/2016.

SOME CHANGES IN PROVIDING ACCOUNTING SERVICES FROM 2017

Master. VU THI DUYEN

Faculty of Accounting, University of Economics and Technical Industries

ABSTRACT:

The international economic integration process of Vietnam and the growing demand of domestic enterprises have brought both opportunities and challenges to accounting services market in Vietnam. Accounting services providers in Vietnam could take advantages of these opportunities to rapidly expand their business. However, the challenges could also have negatively impacts on the growth of accounting services firms which often lack experience. The Law on Accounting 2015 which took effect on January 1, 2017 contains a specific chapter related to providing accounting services with some new points.

Keywords: Accounting services, Law on Accounting 2015, enterprise.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây