Một số vấn đề đặt ra về công tác quản lý tài chính đối với các trường đại học công lập ở Việt Nam hiện nay

ThS. HOÀNG THỊ THU HIÊN (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản)

TÓM TẮT:

Trong điều kiện hiện nay, việc huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục đại học là hết sức cần thiết. Tự chủ đại học là xu thế tất yếu của xã hội phát triển, buộc các trường đại học công lập phải thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động và chất lượng đào tạo, đặc biệt là phải đổi mới công tác quản lý tài chính. Trước áp lực đó, cơ quan quản lý và các trường đại học cần có phân tích, đánh giá thực trạng quản lý tài chính hiện nay để nhận diện những rào cản và thực hiện một số giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính ở các trường trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.

Từ khóa: Quản lý tài chính, quản lý tài chính công, giáo dục đại học công lập.

1. Một số vấn đề lý luận về quản lý tài chính đối với các trường đại học công lập

1.1. Khái niệm và đặc điểm quản lý tài chính tại các trường đại học công lập

Trường đại học công lập là một đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện chức năng đào tạo trình độ cao đẳng, đại học và trình độ sau đại học hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà hướng tới mục tiêu vì cộng đồng xã hội. Các trường đại học công lập có nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng đội ngũ tri thức, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Quản lý tài chính trong các trường đại học công lập là quản lý quá trình huy động, quản lý quá trình phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính thông qua việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra kiểm soát hoạt động tài chính của nhà trường theo cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước nhằm đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động của nhà trường.

Quản lý tài chính trong các trường đại học công lập có 5 đặc điểm chủ yếu:

- Quản lý tài chính của trường đại học công lập không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì lợi ích phục vụ cộng đồng và xã hội;

- Nguồn kinh phí hoạt động của trường đại học công lập phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm đầu ra là sinh viên được đánh giá trên các khía cạnh: thương hiệu nhà trường, chương trình đào tạo có phù hợp hay không, chất lượng đào tạo;

- Quan hệ tài chính của các trường đại học công lập là các mối quan hệ liên quan đến Nhà nước, người học, cộng đồng xã hội, đối tác nước ngoài và cán bộ viên chức;

- Quản lý tài chính trong các trường đại học công lập hướng tới mục tiêu chủ yếu là giải quyết hài hòa các mặt lợi ích giữa lợi ích của người học, lợi ích của Nhà nước, của xã hội và cả lợi ích tổng thể của nhà trường;

- Quản lý tài chính trong các trường đại học công lập có sự phân cấp trong quản lý.

1.2. Nội dung quản lý tài chính trong các trường đại học công lập

Căn cứ vào sự vận động nguồn tài chính trong các trường đại học công lập, nội dung quản lý tài chính trong các trường đại học công lập bao gồm:

1.2.1. Quản lý nguồn kinh phí

Trong các trường đại học công lập nguồn tài chính thường được sử dụng bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp phát; nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học; nguồn thu từ việc cung ứng các dịch vụ bổ trợ; nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước… Mỗi một nguồn tài chính có đặc điểm sở hữu và vận động riêng, vì vậy việc huy động các nguồn tài chính đó cần có phương thức, biện pháp riêng. Quản lý việc huy động nguồn tài chính đối với các trường đại học công lập là đưa ra các quyết định lựa chọn về quy mô nguồn lực cần huy động, cơ cấu nguồn lực tài chính cần huy động và tổ chức quản lý kết quả huy động. Tất cả những quyết định trên phải giải quyết giữa mối quan hệ tài chính với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của nhà trường; quan hệ giữa lợi ích huy động với chi phí huy động.

1.2.2. Quản lý các khoản chi

Phổ biến hiện nay các khoản chi trong các trường đại học công lập bao gồm: (i) Các khoản chi thực hiện nhiệm vụ thường xuyên (Chi thường xuyên); (ii) Chi đầu tư; (iii) Chi các chương trình dự án (nếu có). Mỗi một khoản chi có cơ chế quản lý riêng theo quy định của Nhà nước. Do đó, việc quản lý các khoản chi trong các trường đại học công lập trước hết phải tuân thủ theo những quy định của Nhà nước, bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc:(i) Bảo đảm cân bằng giữa thu và chi; (ii) Theo kế hoạch, đúng mục đích; (iii) Tiết kiệm, hiệu quả, tránh phân tán dàn trải.

1.2.3. Phân phối kết quả tài chính

Hàng năm sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định, các trường đại học công lập tiến hành xác định chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên (nếu có), theo công thức sau:

Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại, hiệu trưởng trường đại học công lập được chủ động sử dụng để trích lập các quỹ cơ quan theo quy định, bao gồm: quỹ khen thưởng, phúc lợi; quỹ ổn định thu nhập; quỹ đầu tư phát triển.

- Đây là nội dung liên quan đến lợi ích các bộ phận trong nội bộ, đồng thời có ảnh hưởng đến sự phát triển của nhà trường trong tương lai. Vì vậy, trong quá trình phân phối, sử dụng kết quả hoạt động tài chính, một mặt phải tuân thủ những quy định quản lý tài chính của Nhà nước; mặt khác phải bảo đảm yêu cầu dân chủ, tạo ra sự đồng thuận trong nội bộ nhà trường, đảm bảo công khai, minh bạch.

1.2.4. Thu nhập tăng thêm của cán bộ viên chức

Kết quả hoạt động của trường đại học công lập ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra sản phẩm đầu ra có kết quả tốt thì việc tăng thu nhập cho cán bộ viên chức cũng là vấn đề quan trọng trong quản lý, bởi lẽ thu nhập được đảm bảo và tăng dần thì sẽ thu hút được người giỏi, có chuyên môn nghiệp vụ, động viên được cán bộ viên chức gắn bó lâu dài với nhà trường; đây cũng là tiền đề cho việc đảm bảo nâng cao chất lượng.

2. Một số vấn đề đặt ra về quản lý tài chính đối với các trường đại học công lập ở Việt Nam hiện nay

Với việc ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 về quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục công lập, giai đoạn 2014-2017, Chính phủ đã xác định tự chủ đại học là xu hướng tất yếu của các trường đại học công lập (ĐHCL). Theo đó, Chính phủ xác định: Đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội và tự chủ đại học tập trung 3 nội dung chủ yếu như: (1) Tự chủ công tác tổ chức - điều hành; (2) Tự chủ hoạt động; (3) Tự chủ tài chính. Trong đó, tự chủ tài chính đóng vai trò nền tảng để thực hiện hiệu quả và bền vững các nội dung tự chủ công tác tổ chức - điều hành và tự chủ hoạt động. Nguồn tài chính cho giáo dục đại học (GDĐH) ở nước ta hiện nay được hình thành từ nhiều nguồn, gồm cả nguồn ngân sách nhà nước và tư nhân. Cùng với sự phát triển về quy mô và yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đối với trường đại học thì áp lực về tài chính ngày càng tăng và đòi hỏi cao hơn về hiệu quả quản lý tài chính.

Phát triển GDĐH ở các nước phát triển cho thấy, việc trang bị kiến thức quản lý tài chính cho lãnh đạo cấp cao ở các trường đại học là rất quan trọng. Bởi, họ là người phải chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt định hướng chiến lược phát triển và khả năng tài chính của nhà trường; Giải trình trước cơ quan quản lý về việc thu và sử dụng các nguồn tài chính. Việc quản lý tài chính của một trường đại học cần xem xét trên ba vấn đề lớn sau: Quy mô đầu tư, hiệu quả, năng suất đào tạo và các nguồn thu nhập để hỗ trợ cho hoạt động đào tạo. Ở Việt Nam, quản lý tài chính ở các trường ĐHCL phần lớn vẫn theo cơ chế Nhà nước cấp phát ngân sách theo kiểu “bình quân chủ nghĩa”, căn cứ trên chỉ tiêu kết quả đầu ra hoặc nhiệm vụ được giao chứ chưa tính đến mặt hiệu quả. Hơn nữa, quản lý tài chính theo cơ chế này chưa làm rõ trách nhiệm chia sẻ kinh phí đào tạo giữa Nhà nước, xã hội và người học. Do vậy, việc khuyến khích các trường ĐHCL đầu tư cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, vẫn còn tạo ra sự thiếu bình đẳng về điều kiện phát triển của các trường ĐHCL với các cơ sở GDĐH ngoài công lập và đặc biệt là các cơ sở GDĐH có yếu tố nước ngoài. Ngay từ những năm 2000, nhiều nghiên cứu trong nước đã chỉ ra rằng, quản lý tài chính GDĐH cần tập trung vào các nội dung lớn là xây dựng các chỉ số và định mức về tài chính, xây dựng cơ chế phân phối nguồn lực, nhằm khuyến khích tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp, bảo đảm các nguồn lực được phân phối và sử dụng có hiệu quả, nuôi dưỡng và phát triển các nguồn thu. Về mặt triển khai thực hiện, quản lý tài chính muốn đạt hiệu quả cao cần thực hiện tuần tự qua các khâu lập kế hoạch tài chính, phân phối các nguồn lực, sử dụng các nguồn lực, đánh giá và kiểm toán. Ý thức về tầm quan trọng của tự chủ tài chính trong các trường ĐHCL, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tạo điều kiện cho các trường ĐHCL chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ và tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, những cơ chế chính sách vận dụng trong ngành Giáo dục và Đào tạo và quản lý tài chính lại chưa được sửa đổi một cách đồng bộ, nhất là trong các vấn đề: Làm rõ trách nhiệm chia sẻ kinh phí đào tạo giữa Nhà nước, xã hội và người học; quy định mức trần học phí; và cơ chế cấp phát ngân sách. Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/2014/NQ - CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐHCL, giai đoạn 2014 - 2017. Qua đó, Nhà nước thực hiện trao quyền tự chủ cho các trường ĐHCL một cách toàn diện hơn. Đầu năm 2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 16/2015/NĐ - CP, quy định quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP (bao gồm các trường ĐHCL) và xác định rõ lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị này. Rõ ràng, Chính phủ đã xác định tự chủ đại học là xu hướng tất yếu ở nước ta hiện nay, để từng bước hòa nhập vào môi trường quốc tế cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Như vậy, các trường ĐHCL buộc phải thích nghi với môi trường hoạt động mới: Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Trong hoàn cảnh này, công tác quản lý tài chính được coi là yếu tố quan trọng nhất, để đảm bảo cho yêu cầu của phát triển GDĐH trong điều kiện mới. Việc thực hiện tự chủ tài chính trong GDĐH được xem là dịch vụ công, được Nhà nước cung cấp nguồn lực tài chính để phục vụ lợi ích chung, nhằm thực hiện chính sách công bằng xã hội. Để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục, trong đó có GDĐH, tài chính là một nguồn lực rất quan trọng, đóng vai trò nền tảng để phát triển các nguồn lực khác như con người, cơ sở vật chất... những yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục. Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, đòi hỏi giáo dục nước ta phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu xã hội, Nhà nước ngoài việc trao quyền tự chủ tài chính cho các trường, tăng cường các biện pháp đảm bảo trách nhiệm xã hội, tăng cường quản lý cấp trường thông qua thành lập hội đồng trường... là điều hiển nhiên. Do vậy, cùng với việc gia nhập các tổ chức quốc tế trong bối cảnh hội nhập buộc chúng ta phải thay đổi quan điểm, cơ chế quản lý dịch vụ đào tạo, nhất là đối với đào tạo đại học ở các trường ĐHCL. Mặt khác, hiện nay, Việt Nam đang trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho GDĐH còn hạn hẹp, thì việc thực hiện tự chủ tài chính ở các trường ĐHCL là một tất yếu, để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thông qua việc huy động các nguồn lực của xã hội cho phát triển GDĐH và thực hiện chế độ khoán chi trong nội bộ đơn vị. Như vậy, thực hiện tự chủ tài chính ở các trường ĐHCL đã mở ra cơ hội cho các trường nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản của đơn vị, sử dụng ngân sách nhà nước được giao tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Những rào cản của đổi mới quản lý tài chính ở các trường ĐHCL trong bối cảnh thực hiện tự chủ tài chính, tự chủ đại học nói chung và tự chủ tài chính nói riêng, đã thực sự trao quyền và mở ra nhiều cơ hội cho các trường ĐHCL ở nước ta. Tuy nhiên, để phát huy tối đa quyền tự chủ tài chính thì công tác quản lý tài chính ở các trường ĐHCL vẫn còn phải đối mặt với các lực cản đáng kể sau:

Thứ nhất, tự chủ đại học cho phép các trường ĐHCL được tổ chức hoạt động đào tạo, tuyển sinh... nhưng do thiếu hướng dẫn cụ thể về mặt văn bản quy định của Nhà nước nên các trường ĐHCL hiện đang khá “lúng túng” trong việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ.

Thứ hai, với cơ chế phát ngân sách theo kiểu “bình quân chủ nghĩa” trong một thời gian dài, nên tình trạng trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước của các trường ĐHCL là một cản trở lớn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, điều này dẫn đến sự thụ động, thiếu linh hoạt và ít dám chịu trách nhiệm của các nhà quản lý.

Thứ ba, hạn chế trong đa dạng hóa nguồn thu. Nguồn thu của các trường ĐHCL hiện nay chủ yếu vẫn là từ học phí. Các nguồn thu khác như thu hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo theo hợp đồng cho các tổ chức và cá nhân trong nước... còn hạn chế.

Điều này cho thấy, các trường ĐHCL ở nước ta vẫn là trường đại học “đào tạo” chưa phải là trường đại học “nghiên cứu” như ở các nước có nền giáo dục phát triển mạnh trên thế giới.

Thứ tư, quản lý và sử dụng tài sản kém hiệu quả. Hiện nay, một số bộ phận/cá nhân được giao quản lý và sử dụng tài sản có tư tưởng đó là “của công” và tình trạng “cha chung không ai khóc” vẫn còn tiếp diễn đối với việc quản lý và sử dụng tài sản.

Mặt khác, do hạn hẹp về ngân sách nên việc đầu tư đồng bộ là rất ít. Nhiều trường ĐHCL được đầu tư cơ sở vật chất theo kiểu “nhỏ giọt” nên chi phí bảo dưỡng, sửa chữa lớn trong khi hiệu quả sử dụng không cao.

Thứ năm, cơ cấu chi phí đào tạo bất hợp lý. Các trường ĐHCL được tự chủ về mức chi nhưng không hoàn toàn được tự chủ về thu nên việc phân bổ sử dụng nguồn thu có xu hướng ưu tiên chi cho con người. Do đó, tỷ lệ chi cho vật tư và cơ sở vật chất phục vụ chuyên môn thấp dẫn đến tình trạng “học chay”.

Mặt khác, mức thu học phí thấp và hạn chế trong việc huy động từ các nguồn thu khác nên các trường ĐHCL không có đủ nguồn để cải thiện thu nhập cho giảng viên. Để khắc phục vấn đề này, một số trường ĐHCL “không ngại” xé rào, thực hiện nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu.

Thứ sáu, công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài chính là kế toán, kiểm toán và hệ thống kiểm soát nội bộ ở các trường ĐHCL chưa hoàn thiện. Việc tổ chức hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm tra, để phục vụ cho công tác quản lý tài chính ở hầu hết các trường ĐHCL hiện nay mới tập trung chủ yếu vào công tác kế toán tài chính nên dường như mới chỉ thực hiện chức năng theo dõi.

Trong khi đó, nhu cầu về thông tin tài chính mang tính thường xuyên, hàng ngày và đảm bảo tính chính xác, khách quan, minh bạch lại chưa được quan tâm nhiều.

3. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính đối với các trường đại học công lập ở Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý tài chính tại các trường ĐHCL trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy những ưu điểm, bám sát cơ chế chính sách của Nhà nước đã ban hành, các trường đại học cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Một là, hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với cơ chế hoạt động mới, để làm cơ sở cho việc quản lý tài chính thống nhất trong toàn trường. Quy chế chi tiêu nội bộ cần thực hiện trên nguyên tắc chi trả theo năng lực và hiệu quả công tác để khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ viên chức và người lao động.

Hai là, hoàn thiện bộ quy định quản lý nguồn thu. Quy định quản lý nguồn thu cần được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực, điều kiện hiện có của nhà trường và các hoạt động liên doanh liên kết.

Ba là, phân cấp quản lý tài chính cho các đơn vị trực thuộc trong trường. Trước hết, nhà trường mở rộng cơ chế khoán chi thường xuyên, nhất là đối với chi cho hoạt động chuyên môn, để các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao và nâng cao ý thức tiết kiệm, quản lý và sử dụng tài sản, thiết bị có hiệu quả.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thu - chi tài chính. Cùng với việc phân cấp và mở rộng khoán chi cho các đơn vị trực thuộc, nhà trường cần củng cố và hoàn thiện các quy định trách nhiệm giải trình về tài chính giữa các cấp trong trường, tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai tài chính. Đây là cơ sở, để đảm bảo cho công tác quản lý tài chính đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch.

Năm là, đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đơn vị trong trường, để đảm bảo thu - chi tài chính của các đơn vị trong toàn trường đúng chế độ của Nhà nước và quy định của nhà trường, gắn với trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong toàn trường.

4. Kết luận

Trong bối cảnh mở rộng tự chủ đại học, việc quản lý tài chính trong các trường đại học công lập ngày càng phức tạp và khó khăn hơn. Nếu như trong cơ chế bao cấp, việc quản lý tài chính trong các trường đại học công lập được vạch sẵn với những quy định khá chi tiết, các trường đại học công lập cứ rập khuôn thực hiện. Tuy nhiên, khi quyền tự chủ của các trường đại học công lập được mở rộng, Nhà nước không can thiệp sâu vào các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ kể cả hoạt động tài chính mà chỉ thực hiện chức năng tạo ra khuôn khổ pháp lý cho sự quản lý tài chính của các trường. Dựa trên khuôn khổ pháp lý của Nhà nước, các trường đưa ra các quyết định quản lý hoạt động tài chính của nhà trường và chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước về những quyết định đó. Chính điểm khác biệt này, đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu một cách bài bản từ góc độ lý thuyết đến thực tiễn công tác quản lý tài chính ở các trường ĐHCL trong bối cảnh quyền tự chủ ngày càng mở rộng.

Với cách đặt vấn đề như vậy, bài báo đã tập trung nghiên cứu, phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn công tác quản lý tài chính tại các trường ĐHCL ở Việt Nam hiện nay, đồng thời nêu ra một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý tài chính tại các trường ĐHCL đang gặp phải như: thiếu hướng dẫn cụ thể về mặt văn bản quy định của Nhà nước, sự thụ động, thiếu linh hoạt và ít dám chịu trách nhiệm của các nhà quản lý, hạn chế trong đa dạng hóa nguồn thu, quản lý và sử dụng tài sản kém hiệu quả, cơ cấu chi phí đào tạo bất hợp lý,… Trên cơ sở những khó khăn đó, tác giả đã mạnh dạn đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính đối với các trường ĐHCL ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trần Đức Cân (2012), “Hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính các trường đại học công lập ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

2. Đặng Văn Du (2004), “Các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho đào tạo đại học ở Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ, Học viện Tài chính.

3. Phạm Thị Hoa Hạnh (2012), “Tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập: Trường hợp Trường Đại học Đà Lạt”, Luận văn thạc sĩ (MS: 60 34 20), Trường Đại học Quốc gia Hà Nội: Trường Đại học Kinh tế.

4. Nguyễn Thu Hương (2014), “Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao trong các trường đại học công lập Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

5. Trần Trọng Hưng (2015) “Huy động nguồn ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học công lập ở Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ, Học viện Tài chính.

6. Lê Phước Minh (2005), “Hoàn thiện chính sách tài chính cho giáo dục đại học Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ, Học viện Ngân hàng - Hà Nội.

7. Arben mailaj, Fatmir Mema, and Sybi hida (2005), “Albania, Financial management in the Education System: Higher Eduction”.

8. Arthur M.Hauptman (2006), Higher education Financing: Trend and Issues, International handbook of Higher Education, Spinger, p83- 106.

9. Bryan Cheung (2008), Higher education Financing Policy: Mechanisms and Effects, University of South Australia.

10. Estermann, T. (2011), “The challenge of financial sustainability”.

ISSUES RELATING TO FINANCIAL MANAGEMENT

OF PUBLIC UNIVERSITIES IN VIETNAM

● MA. HOANG THI THU HIEN

Vocational Technology, Economy and Fishery college

ABSTRACT:

Under the current conditions, the mobilization of financial resources for the development of higher education is absolutely vital. University autonomy is an indispensable trend of the developed society, forcing public universities to innovate their operational and training quality, especially improving their financial management. Under this pressure, regulators and universities need to analyze and assess the current state of financial management to identify barriers and implement solutions to improve management efficiency in the context of implementation of autonomy.

Keywords: Financial Management, Public Finance Management, public education.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây