Một số vấn đề lý luận cơ bản về chính sách việc làm cho lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước

ThS. VŨ THỊ YẾN (Trường Đại học Thương mại)

Tóm tắt:

Bài viết giới thiệu một số vấn đề lý luận cơ bản về chính sách việc làm cho lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước. Trong đó, các chính sách việc làm chủ yếu cho lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước bao gồm: chính sách phát triển thị trường lao động, chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển kinh doanh tạo việc làm, chính sách đào tạo nghề và đào tạo lại, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh.

Từ khóa: Chính sách việc làm, lao động xuất khẩu, lao động xuất khẩu về nước.

1. Giới thiệu

Chính sách việc làm, hệ thống chính sách và giải pháp thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển thị trường lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn được xem là một trong những chính sách cơ bản nhất của quốc gia.

Chính sách việc làm nhằm giải quyết thỏa đáng nhu cầu việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm, góp phần đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển xã hội. Giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đồng thời cũng là trách nhiệm của nhà nước đối với người lao động, trong đó bao gồm cả nhóm lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm nước ta có khoảng 100.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động (lao động xuất khẩu). Vì thế, hàng năm số lượng lao động trở về nước sau khi hết thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, gia nhập vào thị trường lao động trong nước là rất lớn.

Điều này đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước địa phương, cần phải thực hiện các chính sách việc làm để hỗ trợ lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước tìm kiếm được việc làm phù hợp với tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài, giảm thiểu tỷ lệ tái thất nghiệp cho lao động xuất khẩu về nước, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, lao động từ cac huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số,… Đồng thời, thu hút lực lượng lao động có kỹ năng và tay nghề này tham gia vào khu vực kinh tế, để phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tổng hợp và khái quát một số vấn đề lý luận cơ bản về chính sách việc làm cho lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước.

2. Cơ sở lý luận về chính sách việc làm cho lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước

2.1. Khái quát về lao động Việt Nam đi xuất khẩu và lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước

2.1.1. Lao động Việt Nam đi xuất khẩu

Ở Việt Nam, người đi xuất khẩu lao động (lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2007 ban hành theo Quyết định của Quốc hội khóa XI số 72/2006QH11, ngày 29 tháng 11 năm 2006, như sau:

"Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này".

Hiện nay, lao động Việt Nam đi xuất khẩu theo một trong các hình thức sau đây:

  • Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
  • Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
  • Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
  • Hợp đồng cá nhân.[4]

Một số ngành nghề chủ yếu của lao động Việt Nam đi xuất khẩu: Lao động làm việc trên biển (thuyền viên); Công nhân xây dựng; Công nhân nhà máy; Lao động giúp việc gia đình; Lao động chăm sóc người bệnh tại gia đình hoặc trại dưỡng lão. Ngoài các loại hình lao động nêu trên thì một số nước như: Nhật Bản hiện nay và Hàn Quốc trước năm 2004, nhận lao động dưới dạng tu nghiệp sinh, tức là đi học tập, nâng cao tay nghề. Tuy nhiên lao động đi xuất khẩu được coi như là lao động tại nước tiếp nhận do các nước này không khuyến khích nhận lao động nước ngoài, nhất là lao động phổ thông.

2.1.2. Lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước

 Lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước (hay nguồn nhân lực sau xuất khẩu lao động) là đội ngũ những người lao động từ nước ngoài trở về nước sau khi hoàn thành hợp đồng di chuyển đi lao động ngoài nước của tổ chức được phép xuất khẩu lao động [1]. Đây là một bộ phận của lực lượng lao động nói chung trong cả nước, những người đi xuất khẩu lao động thường trong độ tuổi từ 18-25 tuổi, do đó khi hết thời hạn lao động ở nước ngoài (thường từ 2 đến 5 năm), người lao động xuất khẩu trở về nước thường ở độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi.

Có thể thấy, lực lượng lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước là những người lao động trẻ có đầy đủ năng lực, thể chất và tinh thần cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, người lao động xuất khẩu khi về nước được coi là lao động có trình độ tay nghề nhất định. Do đã được đào tạo nghề, học ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết trước khi đi xuất khẩu lao động; đồng thời trong thời gian làm việc tại nước ngoài họ có cơ hội tiếp cận với những kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại nên đã tích lũy được không ít các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc.

 2.2. Khái niệm chính sách việc làm và chính sách việc làm cho lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước

2.2.1. Khái niệm chính sách việc làm

Chính sách việc làm là một trong những chính sách xã hội cơ bản của nước ta, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng các chính sách xã hội, bởi xét cho cùng sự phát triển kinh tế là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chính sách việc làm quốc gia là một tầm nhìn và một kế hoạch thực tiễn, để đạt được các mục tiêu việc làm của một quốc gia. Để thực hiện một kế hoạch như vậy, Chính phủ phải thấy rõ cơ hội và thách thức của quốc gia phải tham khảo rộng rãi để đạt được thỏa thuận chung giữa tất cả các bên quan tâm trong nền kinh tế, bao gồm cả người chủ sử dụng lao động và người lao động. [6].

Ở nước ta, chính sách việc làm là giải pháp đầu tiên mà Chính phủ và các chuyên gia kinh tế nghĩ tới đầu tiên để khắc phục tình trạng thiếu việc làm. Chính sách việc làm là chính sách xã hội được thể chế hóa bằng luật pháp của Nhà nước, một hệ thống các quan điểm, chủ trương, phương hướng và biện pháp để giải quyết việc làm cho người lao động nhằm góp phần bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển xã hội. Đây là cách nhìn nhận khá đầy đủ và toàn diện về chính sách việc làm, được tác giả Nguyễn Hữu Dũng, Trần Hữu Trung khẳng định trong cuốn:“Về Chính sách việc làm ở Việt Nam” năm 1997. [2]

Bên cạnh đó, theo tác giả Lê Quốc Lý (2016) trong đề tài: “Chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ”, tác giả cho rằng: Trên phương diện vĩ mô, chính sách việc làm hay chính sách hỗ trợ tạo việc làm là hệ thống các chủ trương, đường lối, giải pháp của quốc gia và địa phương nhằm khuyến khích tạo chỗ làm việc và điều kiện để có được việc làm. Tuy nhiên, ở phương diện vi mô hay trong thực tiễn chính sách việc làm là tổ hợp các chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần tạo thêm việc làm mới cho nền kinh tế và tạo điều kiện để có nhiều hơn những cơ hội việc làm. [3]

Như vậy có thể hiểu, Chính sách việc làm là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các mục tiêu, các giải pháp và công cụ của Nhà nước nhằm sử dụng lực lượng lao động và tạo việc làm cho lực lượng lao động đó. Nói cách khác, chính sách việc làm là sự thể chế hóa pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực lao động và việc làm, là hệ thống các quan điểm, phương hướng mục tiêu và các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động.

Chủ thể ban hành chính sách việc làm là Chính phủ, trong đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện và quản lý (Theo điều 7, Luật Việc làm năm 2013); Đối tượng chịu tác động của chính sách việc làm là người lao động, người sử dụng lao động, và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm. (Theo điều 2, Luật Việc làm năm 2013); Mục tiêu của chính sách việc làm là giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo cho mọi người trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm. [5]

 2.2.2. Chính sách việc làm cho lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi hết thời hạn lao động quay trở về nước hòa nhập vào lực lượng lao động chung của cả nước. Do đó, chính sách việc làm cho lao động Việt Nam khi về nước cũng nằm trong khuôn khổ của chính sách việc làm nói chung.

Chính sách việc làm cho lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các mục tiêu, các giải pháp và công cụ của Nhà nước nhằm sử dụng lực lượng lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quay trở về nước tham gia vào nền kinh tế và tạo việc làm cho lực lượng lao động đó.

Hàng năm lực lượng lao động Việt Nam đi xuất khẩu về nước tương đối lớn, sẽ rất lãng phí nguồn lực nếu như không có kế hoạch sử dụng lượng lao động này cho hiệu quả. Tạo việc làm cho người lao động xuất khẩu khi về nước là góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp chung cho cả nước.  Có thể thấy người xuất khẩu lao động về nước chủ yếu là lao động chính trong gia đình, nếu họ thất nghiệp sau khi về nước sẽ dẫn tới những hệ lụy như: kinh tế hộ gia đình suy giảm, chất lượng cuộc sống thấp, bản thân người lao động và gia đình họ có thể lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận với y tế và giáo dục. Do đó, chính sách việc làm cho người lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện.

 2.3. Các chính sách việc làm chủ yếu cho lao động xuất khẩu Việt Nam khi về nước

2.3.1. Chính sách phát triển thị trường lao động

Chính sách phát triển thị trường lao động bao gồm hệ thống pháp luật về kinh tế, pháp luật về lao động và các chính sách kết nối cung cầu lao động.

Hệ thống pháp luật kinh tế và lao động có tác động đến cả cung và cầu về lao động nhằm đảm bảo quyền tự do lao động, tạo việc làm, tăng cường cơ hội việc làm cho lao động xuất khẩu khi về nước, được thể hiện rõ trong Luật Việc làm năm 2006 và Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006. Thời gian qua, Nhà nước ta đã xây dựng một số chính sách nhằm tạo việc làm và phát triển thị trường lao động cho bộ phận người lao động đi xuất khẩu lao động về nước. Tuy nhiên, một số chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện, chính sách thiếu đồng bộ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, vai trò kiểm soát, giám sát thị trường lao động của Nhà nước còn nhiều bất cập do thiếu hệ thống thông tin, nhân lực và tài chính.

Các chính sách kết nối cung cầu lao động đóng vai trò làm tăng cơ hội để người lao động xuất khẩu sau khi về nước tiếp cận thông tin về việc làm để lựa chọn công việc phù hợp với kinh nghiệm, kỹ năng và tay nghề mà họ tích lũy được khi làm ở nước ngoài.

Hoạt động kết nối cung cầu lao động bao gồm việc cung cấp thông tin về xu hướng thị trường lao động (việc làm, việc làm còn trống, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, xu hướng về cung lao động, người thất nghiệp, người có nhu cầu tìm việc làm…) và thực hiện các môi giới về lao động (người tìm việc biết và đến địa chỉ của người sử dụng lao động để tìm hiểu và có thể đi đến thỏa thuận về việc làm, hoặc cung cấp thông tin về người có nhu cầu làm việc cho người sử dụng lao động tiếp xúc và có thể đi đến thỏa thuận tuyển dụng. Đối tượng phục vụ là người lao động xuất khẩu sau khi về nước có nhu cầu tìm việc làm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hoạt động kết nối cung cầu lao động cho LĐXK về nước thông qua việc phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và các trung tâm dịch vụ việc làm.

  • Phát triển thông tin thị trường lao động: Chính phủ đã từng bước thực hiện các hoạt động như: thu thập, cập nhật, xử lý, phân tích, khai thác, phổ biến thông tin, xây dựng bản đồ việc làm, thực hiện các dự báo thị trường lao động và công bố các báo cáo về xu hướng thị trường lao động. Đồng thời, xây dựng những chính sách quản lý giám sát thị trường lao động, hỗ trợ việc kết nối cung cầu lao động cho bộ phận người lao động đi xuất khẩu về nước.

- Phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm: Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2011- 2020, đã từng bước hoàn thiện hệ thống khung pháp lý cho dịch vụ việc làm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu kết nối cung cầu lao động và hỗ trợ tìm việc làm. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích và đầu tư chi phí cho các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo về khởi sự doanh nghiệp cho LĐXK khi về nước.

Ngoài ra, đối với người lao động thuộc huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài trở về, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ đặc biệt và cụ thể hơn:

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài để quản lý và trợ giúp, hỗ trợ người người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong quá trình thực hiện Đề án;

+ Tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động phù hợp với ngành nghề, kinh nghiệm đã học hỏi và tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

Tuy vậy, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm bị chia cắt theo các Bộ, ngành, địa phương và chưa phát triển đến các vùng nông thôn; tỷ lệ người lao động sau xuất khẩu về nước cũng như doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm còn thấp; mối quan hệ gắn kết giữa các trung tâm trên cùng địa bàn cung cấp các thông tin về thị trường lao động chưa tốt. Các cơ quan quản lý về lao động chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ nghề nghiệp (về trình độ tay nghề, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc làm) nên không tạo ra sự kết nối tốt giữa cung và cầu về lao động trong nước. Nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp và các địa phương rất thiếu lao động có chuyên môn và kỹ thuật trong khi lao động trở về không sử dụng được kiến thức ở nước ngoài.

2.3.2. Chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm

Người lao động Việt Nam sau khi đi xuất khẩu về nước có thể được hỗ trợ vay vốn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về Việc làm, chương trình Mục tiêu Quốc gia về xóa đói, giảm nghèo để phát triển kinh doanh thông qua các mô hình kinh doanh nhỏ như kinh doanh trang trại chăn nuôi, trồng trọt bằng số vốn họ tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài và vay thêm vốn hỗ trợ tín dụng khởi nghiệp.  Tuy nhiên, chính sách về tín dụng ưu đãi với riêng NLĐ xuất khẩu trở về để tái lập nghiệp hiện nay vẫn còn thiếu.

Chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh cho người lao động sau khi kết thúc hợp đồng lao động nhằm mục đích khuyến khích người lao động sử dụng số tiền tích lũy được sau thời gian làm việc ở nước ngoài một cách hữu ích, tận dụng tay nghề, kỹ năng với các định hướng của Nhà nước để họ có thể phát triển sản xuất kinh doanh tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Tuy vậy, việc thực thi các chính sách ưu đãi tín dụng cho lao động sau xuất khẩu về nước vẫn còn nhiều khó khăn do có nhiều văn bản chính sách chồng chéo trên cùng một đối tượng; chính sách tín dụng chưa phù hợp về điều kiện vay và mức vay; thiếu gắn kết giữa cho vay vốn và hỗ trợ đầu vào tiếp cận thị trường nên hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.

2.3.3. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và đào tạo lại

Mục tiêu chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và đào tạo lại nhằm tăng cường cơ hội cho các nhóm lao động sau xuất khẩu có cơ hội nâng cao tay nghề có thể tái xuất khẩu lao động hoặc tìm được công việc mới phù hợp với tay nghề, kinh nghiệm và kỹ năng mà họ đã tích lũy trong thời gian lao động ở các nước phát triển.

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sử dụng lao động sau xuất khẩu lao động và doanh nghiệp xuất khẩu lao động phối hợp trợ giúp người lao động được đào tạo lại về tay nghề, kỹ năng theo đơn hàng việc làm hoặc đào tạo người lao động theo nhu cầu của chính người lao động cần đào tạo hay giúp họ tham gia học tập tạo nghề mới.

Mặc dù đã có khá nhiều chính sách về hỗ trợ đào tạo và đào tạo nghề cho người lao động trước và sau xuất khẩu, nhưng việc học nghề chưa được quan tâm đúng mức, chưa nhận được sự hưởng ứng của xã hội và chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của nền kinh tế; hệ thống các cơ sở dạy nghề chưa phát triển đầy đủ ở những vùng khó khăn, chưa có các chính sách đào tạo phù hợp; các chương trình đào tạo nghề, đặc biệt cho lao động nông thôn có nơi còn chưa hiệu quả.

2.3.4. Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh

Dựa trên chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích người lao động có vốn, có kỹ năng và kinh nghiệm tham gia đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người lao động về nước sử dụng tiền vốn và kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy trong thời gian là việc ở nước ngoài, để về nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác. Cụ thể như sau:

- Xây dựng các chương trình hỗ trợ người lao động xuất khẩu sau khi về nước bao gồm: tạo sinh kế và phát triển nghề nghiệp, tư vấn kinh doanh hoặc đào tạo kinh doanh cho những người đủ vốn để giúp họ khởi nghiệp.

- Cung cấp tín dụng hỗ trợ tái hòa nhập: Chính phủ đưa ra một số chính sách cho vay sinh kế đối với người lao động, các khoản vay trợ giúp nhóm, giúp người lao động hồi hương có thể phát triển sản xuất, kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, tay nghề và số vốn họ đã tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Vì thế, người lao động xuất khẩu sau khi về nước nhận được một số chính sách hỗ trợ từ phía Sở Lao động Thương Binh và Xã hội địa phương giúp họ nhanh chóng nắm bắt các cơ hội thành lập doanh nghiệp nhỏ hoặc mở các cơ sở sản xuất - kinh doanh tại địa phương.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Đức Chính (2016), Chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng từ nước ngoài trở về, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật., Hà Nội.
  2. Nguyễn Hữu Dũng và Trần Hữu Trung (1997), Về chính sách giải quyết việc làm ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Lê Quốc Lý (2016), Chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
  4. Quốc hội (2006), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  5. Quốc hội (2013), Luật Việc làm.
  6. ILO (2015), National employment policies, Employment policy department.

 

Some basic theoretical issues about employment policies for overseas Vietnamese workers when they return home

Master. Vu Thi Yen

Thuongmai University

Abstract:

This article introduces some basic theoretical issues about employment policies for overseas Vietnamese workers when they return home. These main employment policies inclue labor market development policies, preferential credit policies to support business development in order to creat jobs, vocational training and retraining policies and business development support policies.

Keywords: Employment policies, labour export, overseas labours return home.