TÓM TẮT:

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, giá trị công lý đã được từng bước khẳng định và chiếm một vị trí trọng yếu, thiêng liêng trong đời sống chính trị - pháp lý - xã hội của Việt Nam. Qua các văn kiện quan trọng của Đảng và của pháp luật, Đảng và Nhà nước ta ngày càng ghi nhận rộng rãi và nỗ lực nhằm lượng hóa những giá trị công lý trong đời sống và coi hiệu quả của hoạt động bảo vệ công lý của Tòa án như là một tiêu chí đánh giá mức độ thành công của cải cách tư pháp cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới và bảo vệ đất nước.

Trong bài viết này, tác giả sẽ làm rõ những vấn đề lý luận về công lý để góp phần định hướng cho việc nghiên cứu công lý trong lĩnh vực xét xử mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra. Nội dung bài viết sẽ đề cập đến khái niệm, đặc điểm, nội dung, phương thức thể hiện của công lý và một số loại công lý trên thực tế.

Từ khóa: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công lý, giá trị công lý, cải cách tư pháp.

1. Khái niệm về công lý

Công lý là một khái niệm phức tạp được các học giả nghiên cứu ở nhiều góc độ, xoay quanh các vấn đề về lẽ phải, lẽ thật, lẽ đúng đắn, đạo đức, sự công bằng… để tạo lập một xã hội có trật tự, phát triển hoặc để giải quyết những tranh chấp, xung đột trong xã hội.

Đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, quy luật chung của sự phát triển xã hội là tuần tự từ hình thái kinh tế-xã hội thấp lên hình thái kinh tế xã hội cao hơn. Động lực thúc đẩy tiến trình phát triển đó là xã hội phải tạo ra một phương thức sản xuất vật chất có năng suất lao động cao hơn năng suất lao động của xã hội trước. C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, trong các nhà nước bóc lột không thể có công lý theo đúng nghĩa, trái lại các nhà nước ấy càng làm bất công xã hội lên cao và dọn đường cho các cuộc cách mạng xã hội. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản với tính cách là hình thái kinh tế - xã hội phát triển cao của nhân loại, nơi mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” [2] mới có khả năng thực hiện công lý đích thực.

Khi bàn về công lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa một nền công lý chân chính là phải đối lập với nền công lý giả tạo dựa trên sự bất bình đẳng và chà đạp quyền con người do thực dân Pháp dựng nên. Người đã chỉ rõ: “Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật sư người An Nam”; “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội” [4]. Vì lẽ đó, ngay sau khi thành lập nhà nước cách mạng, Người đã ban hành Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 quy định: “Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý” (Điều 47[1]); khi các Phụ thẩm nhậm chức phải tuyên thệ: “Tôi thề trước công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi hay vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc” (Điều 25[1])…

Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với một trong những đặc trưng quan trọng là tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người”; “Xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý” [3]. Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” [6]…

Trên cơ sở tiếp thu những hạt nhân hợp lý từ những quan điểm, tư tưởng của các học giả nghiên cứu, chúng tôi định nghĩa: Công lý lẽ đúng đắn mà mọi người đều thừa nhận, dùng làm cơ sở để phán xét, để xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia trong những mối quan hệ nhất định.

2. Những đặc điểm cơ bản của công lý

- Công lý thuộc về ý thức xã hội, thuộc về những quan điểm, tư tưởng mang tính hệ thống, phản ánh sâu sắc tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định và có mối liên hệ biện chứng với tồn tại xã hội. Bên cạnh đó, mọi tồn tại đều gắn với không gian và thời gian nên công lý phản ánh tồn tại cũng chỉ có thể được xác định trong một không gian và thời gian cụ thể. Không có khái niệm công lý vĩnh cửu cũng như là công lý bất biến.

- Tồn tại xã hội vận động phát triển không ngừng nên công lý phản ánh tồn tại xã hội cũng vận động phát triển không ngừng. Các tri thức khách quan về mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên ngày càng được khám phá qua sự tiến bộ của khoa học; quyền con người ngày càng được đảm bảo và mở rộng, từ cá nhân đến tổ chức, dân tộc, quốc gia; các thỏa thuận trong đời sống ngày càng đa dạng, các giá trị ngày càng được khám phá để mang lại lợi ích cho con người… Điều đó làm cho nội dung của công lý luôn vận động phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

- Công lý có tính ổn định tương đối. Do công lý có chứa đựng những giá trị truyền thống, những quy tắc cốt lõi, những quyền, lợi ích, giá trị cơ bản… nên so với tồn tại xã hội, công lý có tính ổn định rất cao, đóng vai quan trọng trong việc duy trì và giữ vững ổn định trật tự xã hội.

- Công lý là biểu hiện của sự đan xen, giao thoa của các hình thái ý thức xã hội với nhau. Công lý liên hệ với ý thức chính trị qua lợi ích các giai tầng trong xã hội; liên hệ với ý thức pháp luật qua các phán xét về tính đúng sai, đánh giá tính hợp pháp và không hợp pháp; liên hệ với ý thức đạo đức qua các giá trị tôn vinh, quy tắc đạo đức trong các quan hệ xã hội; liên hệ với ý thức thẩm mỹ qua những biểu tượng về công lý; liên hệ với ý thức tôn giáo qua các tín ngưỡng; liên hệ với ý thức khoa học qua các sự thật khách quan…          

- Công lý có mối liên hệ đặc biệt đối với ý thức pháp luật. Trong xã hội có giai cấp, ý thức pháp luật của giai cấp khác nhau sẽ có sự khác nhau. Giai cấp thống trị muốn các giai cấp khác phục tùng ý chí của mình thì giai cấp thống trị phải viện dẫn những lý lẽ chung làm bệ đỡ cho các quan điểm, tư tưởng của mình để các giai cấp khác có thể chấp nhận, phục tùng. Công lý không phải là ý chí, lý lẽ của số đông, mà là ý chí, lý lẽ chung, ở đó phải có sự “gặp gỡ” của các ý chí, ý kiến khác nhau, phải trở thành những ý chí, lý lẽ chung đúng đắn mà mọi người đều thừa nhận, đó mới là công lý. Nói một cách khác, công lý chính là sự giao thoa của các ý thức pháp luật của các giai tầng trong xã hội có giai cấp, là “cái chung đúng đắn” trong ý thức pháp luật.

- Công lý có mối liên hệ chặt chẽ với công bằng. Công bằng cũng là lẽ đúng đắn được mọi người thừa nhận, nó chứa đựng lẽ thật khách quan, quy tắc “có đi có lại”, các giá trị… để xác định sự tương xứng giữa vai trò và vị thế, giữa cái tạo ra, cái đáp ứng với cái nhận lại hay để đối xử khách quan, vô tư trong những quan hệ nhất định… Chính vì vậy, nhiều học giả nghiên cứu đều cho rằng, công bằng chính là công lý hoặc công lý chính là lý lẽ của sự công bằng. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có sự khác biệt, công bằng là lẽ đúng đắn hướng về kết quả là sự tương xứng, sự không thiên vị khi xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm; còn công lý là lẽ đúng đắn thiên về căn nguyên để xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm hơn.

- Công lý, pháp luật và nhà nước là các hiện tượng không thể tách rời. Xét về bản chất, công lý chính là thuộc tính xã hội bên cạnh thuộc tính giai cấp, một trong hai thuộc tính thể hiện bản chất của nhà nước và pháp luật. Công lý phản ánh những lợi ích chung, thuộc về số đông rộng lớn, thể hiện ở những giá trị chung, lẽ đúng đắn, mang tính ổn định; còn tính giai cấp phản ánh ý chí của giai cấp thống trị, thuộc về thiểu số, thể hiện tính nhanh nhạy, tính khuynh hướng, nắm bắt nhu cầu phát triển.

Trong mối quan hệ với tính giai cấp, công lý được xem là cái ưu thế, là cái có trước hoặc là cái nền tảng để tính giai cấp của pháp luật dựa vào đó bộc lộ, thể hiện, thuyết phục và để quản lý xã hội cho hiệu quả. Như Ăng-ghen đã nhận định, những hoạt động về mặt xã hội là cơ sở của sự thống trị và sự thống trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện những hoạt động về mặt xã hội của nó. Lịch sử đã thể hiện, sự phát triển các kiểu nhà nước và pháp luật qua các chế độ, chẳng qua là sự thừa nhận vai trò ngày càng to lớn của tính xã hội so với tính giai cấp trong đời sống xã hội [5]. Bên cạnh đó, việc xác định công lý là nền tảng của tính giai cấp không có nghĩa là hạ thấp tính giai cấp mà chỉ là nhấn mạnh, nêu rõ tầm quan trọng của tính xã hội để quản lý xã hội cho hiệu quả. Mặt khác, việc xác định công lý là thuộc tính xã hội không có nghĩa là pháp luật và nhà nước chứa đựng hoàn toàn tính công lý, bởi công lý và pháp luật chỉ giao thoa với nhau, công lý vẫn còn có phạm vi điều chỉnh khác như tập quán, lẽ sống, đạo đức… nơi mà pháp luật không thể hoặc không cần tác động, điều chỉnh.

3. Những nội dung cơ bản của công lý

Lẽ đúng đắn mà mọi người đều thừa nhận, dùng làm cơ sở để phán xét, để xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm nhất định được thể hiện khái quát ở những nội dung sau đây:

Thứ nhất, công lý luôn chứa đựng sự thật khách quan, đó là những phản ánh trung thực về những gì tồn tại có liên quan về các mối quan hệ xã hội nhất định. Sự thật khách quan này phản ánh những tồn tại trong mối quan hệ xã hội, thể hiện sự nhận thức của con người về đối tượng nhận thức, về các hoàn cảnh khách quan, các đặc điểm của chủ thể trong mối quan hệ, về các khách thể mà chủ thể hướng tới, về các hành vi khách quan gắn với ý muốn chủ quan của chủ thể… Sự thật khách quan là cơ sở, nền tảng cho các nhà xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật hay xét xử xác lập, thực hiện, đánh giá các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể tham gia trong các quan hệ pháp luật nhất định.

Thứ hai, công lý luôn là sự đề cao, tôn trọng phẩm giá vốn có và quyền bình đẳng của con người. Phẩm giá vốn có của con người là giá trị khách quan tạo nên các quyền sống, quyền tự do, quyền an toàn cá nhân... của con người và tạo nên quyền bình đẳng giữa người với người. Công lý luôn đòi hỏi mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền con người ở mức cao nhất, vì đó là vô giá, không thể đem ra đổi chác, mặc cả. Lịch sử đã chứng minh, ở đâu có sự chà đạp lên quyền con người thì ở đó sẽ có đấu tranh vì công lý.

Thứ ba, công lý có mối liên hệ chặt chẽ với truyền thống văn hóa và tín ngưỡng. Yếu tố truyền thống văn hóa và tín ngưỡng luôn ảnh hưởng đến việc đánh giá, lựa chọn, cân nhắc các giá trị để xác định nội dung quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong các mối quan hệ nhất định. Yếu tố này làm cho việc đánh giá cái gì là công bằng và cái gì là bất công trong mỗi cộng đồng có sự khác biệt với nhau.

Thứ tư, công lý chứa đựng quy tắc “có đi có lại” trong các mối quan hệ của con người. Quy tắc “có đi có lại” đòi hỏi bên kia phải đối xử với mình giống như mình đã đối xử với bên kia, hoặc cái mình không muốn người khác đối xử với mình thì mình không được đối xử như vậy đối với bên kia, hoặc vì bên kia đã xử như thế nên bên này phải đối xử như vậy; hoặc muốn có quyền thì phải có nghĩa vụ, hoặc đã hưởng thụ thì phải có phải cống hiến, có trách nhiệm… Quy tắc này tự thân sẽ tiến tới có sự tương xứng giữa cái “có đi” và cái “có lại”, bởi nếu một bên vượt quá cái “có lại” thì lại trở thành cái “có đi” để bên kia thực hiện cái “có lại” tương ứng. Quy tắc “có đi có lại” là cơ sở xử sự của các bên tham gia trong các mối quan hệ, kể cả có sự tự nguyện hay không của các bên tham gia.

Thứ năm, công lý gắn với sự tôn trọng các cam kết, các thỏa thuận mà các bên đã tự do, tự nguyện tham gia trên cơ sở “có đi có lại”, qua đó xác định nội dung quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Những cam kết này có tính ràng buộc bởi nó xuất phát từ tính tự nguyện trước đó, có mang lại lợi ích cho các bên và có quan hệ “có đi có lại” giữa các bên. Những thỏa thuận này nếu hợp lý và thông dụng, được sử dụng lặp đi lặp lại trong một thời gian dài có thể trở thành tập quán được pháp luật ghi nhận hoặc nâng lên thành pháp luật.

Thứ sáu, công lý luôn hướng đến các giá trị và liên quan đến việc đánh giá các giá trị. Giá trị là điều mang lại lợi ích tốt đẹp cho con người. Có những giá trị về vật chất như lợi ích về kinh tế, tiện lợi… và có những giá trị về tinh thần như nhân đạo, nhân văn, dân chủ…; có những giá trị mang tính tôn vinh và có các giá trị mang tính phê phán; có những giá trị trước mắt và những giá trị mang tính lâu dài… Giá trị là mục đích mà các bên hướng tới khi tham gia các quan hệ và làm cho việc xác lập các hành xử của các bên có ý nghĩa.

Thứ bảy, công lý có liên hệ chặt chẽ với yêu cầu về lô-gích hình thức. Lô-gích hình thức thể hiện ở 4 yêu cầu: yêu cầu đồng nhất, yêu cầu không mâu thuẫn, yêu cầu không có cái thứ ba và yêu cầu về lý do đầy đủ. Các yêu cầu đồng nhất, không mâu thuẫn và không có cái thứ ba đòi hỏi mỗi một nhận định về một sự vật, hiện tượng nào đó, khi được lặp lại trong cùng một quá trình suy luận, phải giữ nguyên nội dung mang tính nhất quán. Trong trường hợp sự vật, hiện tượng đang là chính nó thì trong cùng một khoảng thời gian, không gian và trong cùng một mối quan hệ nhất định, không được gắn cho sự vật, hiện tượng đang nghiên cứu hai thuộc tính phủ định nhau, tức là một là đúng hoặc là sai không thể có cái thứ ba là cùng đúng và cùng sai. Yêu cầu về lý do đầy đủ đòi hỏi các nhận định phải có tính căn cứ xuất phát từ những luận đề hiển nhiên, phải có lý do tồn tại, nguyên nhân, mục đích nhất định. Yêu cầu về lô-gích hình thức làm cho sự thể hiện của công lý có tính nhất quán và tính thuyết phục.

Tóm lại, bảy nội dung nêu về những lẽ đúng đắn được khái quát hóa từ những quan điểm, tư tưởng phổ biến của con người về công lý trong suốt quá trình vận động, phát triển. Trong các nội dung này, nội dung hướng đến các giá trị và bảo đảm tính “có đi có lại” được coi là nội dung cốt lõi của công lý. Bởi lẽ mục đích sống của con người suy cho cùng là truy cầu lợi ích và mong được nhận những gì xứng đáng được hưởng; ở đó lợi ích đạt được khi có hành vi đúng đắn là sự tán thưởng, có lợi, nhận được giá trị tôn vinh; ngược lại, khi có hành vi sai trái thì sẽ bị chê bai, bất lợi, phải bị phê phán.

Xét vai trò của từng nội dung này làm cơ sở cho việc phán xét, xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, có thể thấy:

- Sự thật khách quan, sự tôn trọng phẩm giá con người và sự liên hệ truyền thống, tín ngưỡng đóng vai trò làm cơ sở nền tảng;

- Sự hướng đến các giá trị đóng vai trò là cơ sở mục đích;

- Sự tôn trọng thỏa thuận và bảo đảm “có đi có lại” đóng vai trò là cơ sở phương thức thực hiện;

- Sự bảo đảm tính lô-gích hình thức đóng vai trò là cơ sở hình thức thể hiện.

Tuy mỗi nội dung có vai trò khác nhau nhưng chúng đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên cơ sở lý lẽ vững chắc để xem xét, cân nhắc, quyết định xem ai có quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm gì, hoặc để phán xét ai đúng, ai sai trong những mối quan hệ nhất định. Chẳng hạn, xác định công lý trong một số ví dụ sau:

Ví dụ 1: Giả sử xuất hiện một tình huống có một nhóm khủng bố bắt cóc một số người trên một máy bay đang định tấn công vào một điểm đông dân cư. Trường hợp để xảy ra khủng bố tấn công thì số lượng thiệt mạng là rất lớn, còn nếu tiêu diệt máy bay thì số người bị bắt cóc bị thiệt mạng, số lượng sẽ ít hơn. Vậy xử sự nào là bảo đảm công lý, có cần phải tiêu diệt máy bay để ít người chết hơn hay không?

Cơ sở nền tảng nói rằng, tính mạng con người là vô giá, dù là một hay nhiều người thì vẫn là vô giá. Cơ sở phương thức thực hiện là quy tắc “có đi có lại” nói rằng, những người bị bắt cóc và những người đang sống ở điểm dân cư đều vô tội, đều không đáng phải bị tiêu diệt. Cơ sở mục đích xác định, không thể mang lại giá trị hoặc đại diện cho giá trị khi cho phép giết một số ít người để cứu số người nhiều hơn. Cơ sở hình thức lô-gích xác định, nếu giả sử cho rằng trong hoàn cảnh này phải chấp nhận hy sinh số ít người để cứu nhiều người hơn thì phải nhất quán áp dụng cho những hoàn cảnh tương tự, chẳng hạn như phải giết một người mà không cần có sự đồng ý của người đó để lấy nội tạng cứu sống nhiều người đang cần cấy ghép nội tạng… Như vậy, xét các cơ sở nội dung của công lý đều đi đến phủ nhận quan điểm cần phải giết ít người để cứu nhiều người, vì đó là bất công.

Ví dụ 2: Liên quan vấn đề án tử. Chẳng hạn một người bị mắc bệnh nan y xin được chết để khỏi bị đau đớn. Nếu bác sĩ đồng ý cho bệnh nhân một liều thuốc để chết theo nguyện vọng thì có đảm bảo công lý hay không?

Cơ sở nền tảng yêu cầu phải tôn trọng quyền con người trong đó có quyền sống, vậy quyền được chết thì sao? Ở đây, mặc dù có cơ sở thực hiện là sự tự nguyện, tuy nhiên xét về cơ sở mục đích và cơ sở hình thức, nếu công nhận quyền sống của con người là vô giá cần phải bảo vệ, thì nhất quán xã hội phải đi tìm và chỉ tôn vinh những giá trị nào hướng tới việc bảo vệ quyền sống và sẽ phải phê phán những gì chống lại nó. Hay nói cách khác, xã hội sẽ phải khuyến khích tạo hướng đi, động lực để tìm các phương án cứu chữa hoặc chí ít là giúp người bệnh giảm đau đớn hơn là quy định cho con người quyền được chết để biện minh cho việc bất lực hay vì lợi ích chung chung. Do đó, xét các nội dung cơ sở của công lý, quan điểm công nhận quyền được chết là không đảm bảo công lý.

Ví dụ 3: Liên quan đến việc quyết định hình phạt. Chẳng hạn một người phụ nữ chỉ có hai người con, một người vì lý do không chính đáng đã giết chết người kia. Giả sử tình tiết phạm tội của người đó đáng bị nhận án tử hình thì mới tương xứng với hành vi, mới đảm bảo giá trị phê phán. Tuy nhiên, giá trị nhân đạo nói rằng, không thể để người mẹ mất cùng lúc hai đứa con vì người mẹ lúc này là người đau khổ nhất. Vậy trong trường hợp này quyết định hình phạt thế nào là bảo đảm công lý?

Việc người phạm tội giết người thì phải nhận hình phạt tương xứng thì mới bảo đảm tính “có đi có lại”, tuy nhiên quyết định hình phạt trong trường hợp này như thế nào là xuất phát từ việc lựa chọn giữa giá trị phê phán và giá trị nhân đạo thuộc về cơ sở mục đích, cái nào sẽ phải ưu tiên hơn. Cân nhắc cơ sở nền tảng là truyền thống văn hóa, ở những nước có truyền thống tôn trọng phụ nữ như Việt Nam sẽ có khuynh hướng chọn giá trị nhân đạo hơn, đa số sẽ đồng tình không nên áp dụng án tử hình mà chỉ nên áp dụng hình phạt chung thân là bảo đảm công lý…

4. Phương thức thể hiện của công lý

Phương thức thể hiện của công lý được thực hiện qua nội dung các quy định pháp luật và những kết quả tích cực của sự điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội (thông qua hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật, thực hiện pháp luật của nhà nước và xã hội).

- Nội dung quy định pháp luật thể hiện vai trò của công lý qua hai góc độ:

+ Ở góc độ cấu trúc quy phạm pháp luật, công lý nêu ra sự thật khách quan về hoàn cảnh, chủ thể tham gia… được bộ phận giả định của quy phạm xác định; công lý cung cấp các lẽ đúng đắn về sự tôn trọng phẩm giá, quyền bình đẳng của con người, các giá trị tuyền thống, quy tắc “có đi có lại” để xác định các nguyên tắc, các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong bộ phận quy định cũng như xác định trách nhiệm pháp lý khi có sự vi phạm pháp luật trong bộ phận chế tài. Những lẽ đúng đắn trong nội dung công lý phải là bộ phận không thể thiếu để xây dựng các quy phạm pháp luật có chất lượng, có tính điều chỉnh hiệu quả trong đời sống xã hội.

+ Ở góc độ hệ thống pháp luật, công lý được biểu hiện tập trung và rõ nét qua hiến pháp, qua những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phán ánh những lợi ích của các giai cấp, những giá trị chung, các nguyên tắc chung mà các giai cấp đều thừa nhận, đã được nhân dân thông qua bởi hình thức đại diện hoặc trực tiếp (bởi hiến pháp là văn bản thể hiện tính xã hội rộng lớn và ổn định nhất, thể hiện một cách tập trung, đầy đủ và cao nhất ý chí chung và lẽ chung của nhân dân). Dưới hiến pháp là các luật, các văn bản dưới luật, các tập quán được nhà nước thừa nhận và các án lệ, tất cả đều phải tuân thủ trật tự thứ bậc hiệu lực pháp lý thống nhất, trong đó cao nhất là hiến pháp, tiếp đến là các luật, văn bản dưới luật… theo thứ tự hiệu lực từ cao đến thấp và theo những nguyên tắc nhất định, tất cả phải phù hợp, thống nhất, nhất quán, không được trái với hiến pháp. Với tính xã hội rộng lớn, tính ổn định và tính nhất quán, công lý được thể hiện tập trung qua hiến pháp và trật tự thứ bậc hiệu lực pháp luật với hiến pháp là cao nhất, được gọi tắt là trật tự hiến pháp.

- Những kết quả của sự điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội thể hiện vai trò của công lý sẽ tồn tại dưới dạng một trật tự xã hội, ở đó các mối quan hệ xã hội đều ổn định, trật tự, hài hòa, mọi tổ chức, cá nhân đều sống và làm việc theo hiến pháp và pháp  luật. Tuy nhiên, trật tự xã hội đó chỉ có thể xác lập thông qua các hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật và thực hiện pháp luật một cách tự giác và nghiêm chỉnh của nhà nước và xã hội nói chung. Việc tổ chức thực hiện pháp luật và thực hiện pháp luật bảo đảm công lý được thể hiện qua việc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện trên cơ sở của sự tôn trọng sự thật khách quan, tôn trọng hiến pháp và pháp luật và có tinh thần bảo vệ trật tự hiến pháp như Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”, “Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý” [6].

5. Các loại công lý

Căn cứ vào các tiêu chí khác nhau, công lý sẽ được phân loại như sau:

- Dựa vào hệ thống quyền lực nhà nước, có công lý trong lĩnh vực lập pháp, công lý trong lĩnh vực hành pháp và công lý trong lĩnh vực tư pháp. Công lý trong lĩnh vực lập pháp nói về sự thể hiện công lý trong hoạt động lập pháp của cơ quan lập pháp (quốc hội, nghị viện). Công lý trong lĩnh vực hành pháp là sự thể hiện công lý trong hoạt động hành pháp của cơ quan hành pháp (chính phủ, tổng thống). Công lý trong lĩnh vực tư pháp là sự thể hiện công lý trong hoạt động chủ yếu là xét xử của tòa án.

- Dựa vào nội dung tác động của pháp luật, có công lý nội dung và công lý thủ tục. Công lý nội dung chỉ về mối liên hệ giữa công lý với các quy định, sự thực thi hay áp dụng pháp luật để xác định các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các chủ thể. Công lý thủ tục chỉ về mối liên hệ giữa công lý với các quy định, sự thực thi hay áp dụng các trình tự, thủ tục để các chủ thể thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý của mình, hoặc để chủ thể tiến hành áp dụng pháp luật hay truy cứu trách nhiệm pháp lý.

- Dựa vào tính tuyệt đối và tính tương đối của sự thật khách quan, có công lý tuyệt đối và công lý tương đối. Công lý tuyệt đối chỉ về sự thật khách quan được khẳng định  dựa trên những chứng cứ đầy đủ, chính xác, không còn nghi ngờ. Công lý tương đối chỉ về ở một sự thật khách quan cần chấp nhận ở một mức độ tương ứng với khả năng nhận thức của chủ thể trong những điều kiện cụ thể nhất định.

Tóm lại, những vấn đề lý luận cơ bản về công lý là những nội dung hết sức quan trọng, góp phần định hướng đúng đắn cho hoạt động nghiên cứu lý luận và hoạt động thưc tiễn liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ công lý mà Đảng và Nhà nước đã giao cho Tòa án nhân dân thực hiện ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:   

1. Chủ tịch nước (1946), Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 quy định cách tổ chức Tòa án và các ngạch Thẩm phán;

2. C.Mác, Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.4, tr.628;

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020;

4. Hồ Chí Minh (2005), Bàn về Nhà nước và Pháp luật, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.163-174;

5. PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan (2014), Hướng dẫn môn học Lý luận Nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội,tr.52,303;

6. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

SOME BASIC THEORETICAL ISSUES ON JUSTICE

● Ph.D student TRAN TRI DUNG

Bar Association of Binh Duong Province

ABSTRACT:

In the process of building and perfecting the socialist rule of law state which is established by people, belongs to people and acts for people, the value of justice has been gradually affirmed and occupied a vital and sacred position in the political, legal system and society of Vietnam. Through important documents of the Party and the law, the Party and State have increasingly widely recognized and endeavored to quantify the values of justice in life. The Party and State have also seen the effectiveness of the justice protection activities of courts as a criterion for assessing the success of judicial reforms as well as in the construction, innovation and protection of Vietnam. This article is to clarify theoretical issues of justice, contributing to guide the study of justice in the field of trial that the Party and State have outlined. The article introduces the concept, characteristics, content, mode of expression of justice and some kinds of real justice.

Keywords: Socialist rule of law state, justice, justice value, judicial reform.