Một số vấn đề pháp lý của Luật Chứng khoán 2019 - Những điểm mới doanh nghiệp cần biết

Lê Thị Thu Hiền (Khoa Luật học - Trường Đại học Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam)

Tóm tắt:

Với vai trò là trung gian tài chính, thị trường chứng khoán có ảnh hưởng quan trọng trong việc thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển, điều hòa vốn và tạo kênh huy động vốn hữu hiệu cho các doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng vốn có hiệu quả và là công cụ để Nhà nước thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ.

Luật Chứng khoán được ban hành vào năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010, khi thị trường chứng khoán còn sơ khai, đã tạo ra khuôn khổ pháp lý điều chỉnh thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hoạt động, với sự phát triển của kinh tế nói chung, sự gia nhập của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế và sự đổi mới của các bộ luật có liên quan, khiến Luật Chứng khoán dần bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp, gây khó khăn trong quá trình thực thi.

Vì vậy, Luật Chứng khoán 2019 được ban hành là điều cần thiết, góp phần giúp thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; từ đó, giúp TTCK ngày càng công khai và minh bạch, đặc biệt là sẽ nâng cao được năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý. Nội dung bài viết sẽ đề cập đến một số vấn đề pháp lý có thay đổi quan trọng của Luật Chứng khoán 2019.

Từ khóa: Chứng khoán, doanh nghiệp, trung gian tài chính, Luật Chứng khoán.

1. Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng

Thứ nhất, điều kiện chào bán dành cho các loại hình doanh nghiệp. Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010, quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ quy định chung cho các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Điều 15 của Luật Chứng khoán năm 2019 đã phân chia điều kiện của từng loại hình công ty là công ty cổ phần và công ty đại chúng.

Thứ hai, về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Luật Chứng khoán 2019 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng. Nếu khoản 2 điều 12 Luật Chứng khoán năm 2006 quy định “Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán” thì trong Luật Chứng khoán 2019, mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán được quy định là “từ ba mươi tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán” (tăng thêm 20 tỷ đồng). Quy định mới này nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như quy mô của thị trường chứng khoán. Trước đây, trong quá trình soạn thảo dự Luật, ban soạn thảo đã cân nhắc giữa việc quy định mức vốn 30 tỷ đồng hay 50 tỷ đồng vì các chuyên gia quốc tế đề nghị mức vốn 50 tỷ đồng để tương ứng với quy định của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên đang chiếm đa số, khoảng hơn 80% nên quy định mức vốn 30 tỷ đồng sẽ phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Muốn chào bán chứng khoán ra công chúng, Luật hiện hành quy định “Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm”; tuy nhiên, khi quy định về lãi năm trước, Luật Chứng khoán 2019 quy định nâng thời hạn lên “02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi”.

Bên cạnh việc sửa đổi quy định về điều kiện để chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng, Luật Chứng khoán 2019 đã bổ sung thêm một số quy định về điều kiện chào bán như:

  • Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
  • Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
  • Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
  • Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
  • Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
  • Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán[1].

Mặt khác, một trong những điểm mới của Luật là quy định về việc cổ phiếu, trái phiếu phải được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán. Đây là một trong những điều kiện của công ty cổ phần khi lần đầu chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng[2].

Nhìn chung, những quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp hơn so với các quy định trong Luật Chứng khoán hiện hành.

Thứ ba, điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng tại Luật Chứng khoán 2019 cũng được quy định chặt chẽ như phát hành lần đầu để bảo đảm chất lượng của cổ phiếu đưa ra thị trường chứng khoán, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, điều kiện chào bán thêm cổ phiếu của công ty cổ phần được quy định cụ thể như sau:

  • Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
  • Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;
  • Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.

Việc các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng được điều chỉnh sẽ giúp kiểm soát, tránh trường hợp doanh nghiệp tăng vốn quá nhanh, trong khi quản trị doanh nghiệp không theo kịp, bảo đảm việc huy động vốn của doanh nghiệp phải gắn với việc sử dụng vốn, đồng thời để bảo vệ các cổ đông thiểu số trong trường hợp không có đủ khả năng tài chính để thực hiện quyền mua cổ phiếu.

Thứ tư, điểm thay đổi đáng chú ý trong Luật Chứng khoán 2019 đó là quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ. Cụ thể, theo khoản 20 Điều 4 của Luật Chứng khoán 2019 quy định Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức: Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo đó, nội dung “không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet” trong Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung 2010 đã được loại bỏ và một trường hợp được thêm vào so với định nghĩa về chào bán chứng khoán riêng lẻ trong Luật Chứng khoán hiện hành.

Luật Chứng khoán 2019 cũng sửa đổi và bổ sung các điều kiện đối với việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ của công ty đại chúng. Một điều kiện quan trọng được bổ sung là đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Luật Chứng khoán 2019 đã bổ sung định nghĩa về nhà đầu tư chiến lược; theo đó, nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư được Đại hội đồng cổ đông lựa chọn theo các tiêu chí về năng lực tài chính, trình độ công nghệ và có cam kết hợp tác với công ty trong thời gian ít nhất 03 năm[3].

Bên cạnh đó, Luật mở rộng định nghĩa về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; theo đó nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm:

  • Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan;
  • Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch;
  • Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
  • Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
  • Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả[4].

Thêm vào đó, Luật Chứng khoán 2019 cũng sửa đổi và bổ sung thời hạn chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ và trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ của công ty đại chúng: thời hạn bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Điều 30 Luật Chứng khoán 2019 quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hiện nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ tại Điều 123 và chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tại Điều 127. Do đó, có thể thống nhất quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ với Luật Doanh nghiệp, tránh tình trạng một vấn đề mà do 02 Luật cùng điều chỉnh.

Thứ năm, mua cổ phiếu quỹ phải tiến hành giảm vốn điều lệ. Công ty đại chúng thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 36 phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phiếu[5].

2. Quy định về thủ tục cấp đổi giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán

Công ty chứng khoán là tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, dịch vụ tư vấn tài chính và dịch vụ tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Thay vì Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán được cấp qua một đầu mối là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện tại, theo Luật Chứng khoán 2019, sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, Điều 135 Luật Chứng khoán 2019 cũng quy định về điều khoản chuyển tiếp:

- Sau 02 năm kể từ ngày 01/01/2021, công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp giấy phép trước ngày Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thi hành phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện cấp phép được quy định trong Luật Chứng khoán 2019.

- Sau 02 năm kể từ ngày 01/01/2021, công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp giấy phép trước ngày Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thi hành mà đáp ứng các điều kiện cấp phép quy định trong Luật Chứng khoán 2019 thì thực hiện đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp mà không phải thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, trừ trường hợp có yêu cầu.

Khi ban hành Luật Chứng khoán 2019, một trong những kỳ vọng của nhà làm luật là thu hút đầu tư nước ngoài. Nhằm thực hiện được mục tiêu này, Luật Chứng khoán 2019 quy định những nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, phải tuân thủ các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo Luật Chứng khoán 2019, Chính phủ sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết liên quan đến quy định này. Những thay đổi này sẽ góp phần mở rộng thị trường cho những nhà đầu tư nước ngoài, theo lộ trình, nhằm đảm bảo một nền kinh tế phát triển làm cơ sở giúp các Bộ trong việc đàm phán và ký kết các thỏa thuận quốc tế.

3. Tăng cường minh bạch thông tin

Luật Chứng khoán 2019 bổ sung các đối tượng phải công bố thông tin như tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp; cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ[6]...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đồng thời tiếp cận với thông lệ quốc tế, tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật như giao dịch nội gián, thâu tóm doanh nghiệp bất hợp pháp..., Luật Chứng khoán sửa đổi đã có nhiều nội dung mới về công bố thông tin, sửa đổi quy định về công bố thông tin bất thường[7].

Để nâng cao chất lượng và tính minh bạch của báo cáo tài chính trong các đợt phát hành, điểm mới tại Luật Chứng khoán 2019 thể hiện tại khoản 3 điều 20 Luật Chứng khoán 2019 về báo cáo tài chính, báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; tổ chức phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.

4. Thống nhất Sở giao dịch chứng khoán

Bên cạnh việc bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) bao gồm: tổ chức, phát triển thị trường chứng khoán; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu; để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, Luật Chứng khoán 2019 quy định theo hướng chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất. Thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là quy định mới được đề cập tại Chương IV của Luật Chứng khoán năm 2019. Đây là doanh nghiệp rất đặc thù nên đã quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Những biến động về thị trường có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia, nên để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối, quy định duy nhất Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quản lý.

Hiện nay, có 2 Sở giao dịch chứng khoán đó là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hnx), Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Hose).

Ngoài Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán.

Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, không còn đề cập đến Trung tâm giao dịch chứng khoán thay vào đó quy định theo hướng chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất là Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Ngoài Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường giao dịch chứng khoán.

Đây là bước thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành, thống nhất về nền tảng công nghệ, thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin, tiêu chuẩn về thành viên và giao dịch… thay vì 2 hệ thống giao dịch và 2 hệ thống chỉ số chứng khoán thuộc 2 sở giao dịch chứng khoán như hiện nay.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, không có quy định về tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, nhưng, tại Luật Chứng khoán năm 2019, đã có quy định về việc thành lập Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Các quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được quy định tại Điều 55 của Luật Chứng khoán năm 2019.

5. Bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán

Theo Luật Chứng khoán năm 2019, có 7 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Như vậy, so với Luật Chứng khoán năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2010, Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung thêm và quy định rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm để phù hợp với thực tiễn. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mà bị xử lý vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại, truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 đã quy định thêm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán dưới đây:

- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

- Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

- Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.

6. Bổ sung chế tài xử lý vi phạm

Luật Chứng khoán 2019 quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật[8]. Ngoài ra, để gia tăng tính răn đe đối với các vi phạm, ngoài tăng mức phạt tiền, điểm mới tại Luật Chứng khoán 2019 là cấm đối tượng vi phạm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán. Theo quy định hiện hành, các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, Nghị định số 145/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tại Điều 132 của Luật Chứng khoán năm 2019 quy định:

- Mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm đối với hành vi:

+ Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.

+ Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

- Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 03 tỷ đồng đối với tổ chức.

- Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Tài liệu trích dẫn:

1 Xem: Điều 15 Luật Chứng khoán 2019

2 Xem: Điểm h khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019

Điểm i khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019

3 Xem: Khoản 17 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019

4 Khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán 2019

5 Khoản 5 Điều 36 Luật Chứng khoán 2019

6 Xem: Điều 118 Luật Chứng khoán 2019

7 Xem: Điều 120 Luật Chứng khoán 2019

8 Điều 132 Luật Chứng khoán 2019

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Luật Chứng khoán năm 2006.
  2. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Luật Sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán 2010.
  3. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật Chứng khoán năm 2019.

SOME NEW IMPORTANT LEGAL CONTENTS OF THE 2019 LAW ON SECURITIES

Le Thi Thu Hien

Faculty of Law, Da Lat University

Abstract:

The stock market, which is considered a financial intermediary, plays an important role in promoting the development of commodity production, regulating capital and creating an effective channel for raising capital for businesses, and encouraging the use of effective capital. The stock market is also considered a tool for governments to implement financial and monetary policies.

Vietnam’s Law on Securities was enacted in 2006, amended in 2010 when the stock market was in its early stage, creating a legal framework to regulate the stock market in Vietnam. However, after a long time of operation with the development of the economy in general, Vietnam's participation in international organizations and the innovation of related laws, the Law on Securities has gradually revealed its inadequacies.

Therefore, the 2019 Law on Securities is an important step, supporting the growth of the stock market, protecting the interests of investors, creating conditions for enterprises to mobilize capital and attracting foreign investment capital into Vietnam. It would help the stock market become more and more transparent and improve the management and supervision capacity of state administration agencies. This article is to discuss some important legal contents of the 2019 Law on Securities.

Keywords: Securities, businesses, financial intermediaries, Law on Securities.