TÓM TẮT:

Hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đang ngày càng được mở rộng và dần dần đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng có nhu cầu về BĐS. Sự mở rộng này cũng tạo nên sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường không chỉ về giá cả mà cả chất lượng. Môi trường kinh doanh BĐS đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng, từ đó, giúp ngành BĐS có những bước phát triển to lớn. Cùng với sự phát triển của ngành BĐS, các công ty thành lập ngày một nhiều, các loại hình kinh doanh BĐS mới xuất hiện, Luật Kinh doanh BĐS bắt đầu có nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình điều chỉnh pháp luật về điều kiện kinh doanh BĐS. Từ đó cho thấy, sự cần thiết phải có những quy định cụ thể rõ ràng hơn để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh. Do vậy, bài viết nghiên cứu một số vấn đề pháp lý về điều kiện hoạt động kinh doanh BĐS của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp kiến nghị.

Từ khóa: pháp luật, điều kiện kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài.

1. Quan niệm về điều kiện hoạt động kinh doanh BĐS của nhà đầu tư nước ngoài

Thực hiện kinh doanh dự án BĐS sẽ bao gồm kinh doanh BĐS và kinh doanh dịch vụ BĐS. Đồng thời, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã có những quy định rất rõ về phạm vi, điều kiện kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án kinh doanh BĐS tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan. Nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện dự án kinh doanh BĐS tại Việt Nam phải thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế Việt Nam. Theo đó, phạm vi kinh doanh BĐS của nhà đầu tư nước ngoài có phần hạn chế hơn so với các chủ thể khác. Quy định về hình thức kinh doanh BĐS của doanh nghiệp có vốn nước ngoài, bao gồm: Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua; Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua. Đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.

Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện kinh doanh BĐS tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần phải tiến hành thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam, từ đó có thể hiểu rằng: Điều kiện kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện áp dụng đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài, được thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế Việt Nam theo pháp luật Việt Nam và được phép thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.

2. Các hình thức thực hiện điều kiện kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài

1) Giấy phép kinh doanh là một giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp xác nhận doanh nghiệp đó đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực được cấp phép kinh doanh. Giấy phép kinh doanh được mang nhiều tên gọi khác nhau căn cứ theo điều kiện ngành nghề đó, như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh rượu, giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép hoạt động tư vấn du học, giấy phép hoạt động trung tâm đào tạo ngoại ngữ,... do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Ví dụ: doanh nghiệp muốn kinh doanh về lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hoặc đồ uống,... chủ thể kinh doanh sẽ được kinh doanh những ngành nghề này khi được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở y tế thuộc tỉnh cấp phép, hoặc thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép kinh doanh; hoặc muốn kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, hoặc thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ,... phải được Sở giáo dục thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hoạt động. Dù là loại hình giấy phép kinh doanh nào cũng chỉ có thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật.

2) Các điều kiện quy định về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về phòng cháy, chữa cháy, trật tự xã hội, an toàn giao thông và quy định về các yêu cầu khác đối với hoạt động kinh doanh (gọi tắt là điều kiện kinh doanh không cần giấy phép).

Theo Luật Đầu tư năm 2020 về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt  tại Điều 20, theo đó, việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quyết định và được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

- Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt: Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai. Hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo các hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Đầu tư năm 2020.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trên không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

+ Dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

+ Dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật Đầu tư năm 2020.

Trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và các luật khác.

Bên cạnh đó, quy định chung về ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề kinh doanh trong đó việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Vì các lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mà các cơ quan có thẩm quyền quản lý liên quan đặt ra và giám sát. Danh mục chi tiết các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.

Điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề quy định trên được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản pháp luật khác liên quan. Đồng thời được quy định trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Điều kiện kinh doanh phải được đưa ra, quy định phù hợp với mục tiêu hoạt động, đúng theo bối cảnh kinh tế thị trường và hoàn cảnh đất nước theo từng giai đoạn phát triển. Toàn bộ các quy định về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và công bằng cho các nhà đầu tư. Việc quy định về điều kiện kinh doanh cũng cần chủ trương tinh thần tiết kiệm thời gian thực hiện, tiết kiệm chi phí và yêu cầu sự tuân thủ, phối hợp của nhà đầu tư. Tránh các quy định gây khó khăn, rào cản, làm khó cho hoạt động thực hiện kinh doanh của các nhà đầu tư trong bối cảnh mở cửa phát triển thị trường hiện nay của Việt Nam.

Như vậy, từ quan niệm chung, kinh doanh BĐS là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch BĐS; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý BĐS nhằm mục đích sinh lợi. Nội dung này đã được quy định chi tiết tại Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014. Như vậy, căn cứ theo quy định này, việc kinh doanh BĐS sẽ bao gồm 2 hình thức cơ bản:

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS với đối tượng kinh doanh là hàng hóa BĐS;

+ Kinh doanh dịch vụ BĐS với đối tượng kinh doanh là dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ tư vấn BĐS, dịch vụ quản lý BĐS.

Hiện nay, theo Luật Đầu tư mới, kinh doanh dịch vụ BĐS không có yêu cầu về vốn pháp định nhưng cần đáp ứng điều kiện phải thành lập doanh nghiệp và các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất. Không chỉ tổ chức, cá nhân trong nước, mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đều có quyền kinh doanh các dịch vụ môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS, tư vấn BĐS, quản lý BĐS. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam không được phép cung cấp dịch vụ BĐS qua biên giới mà buộc phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề, hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư năm 2020, về cơ bản NĐT nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với NĐT trong nước. Trường hợp căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài, bao gồm:

- Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;

- Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Do đó, trong thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài để áp dụng khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành. Ngoài ra, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, NĐT nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lý do đặt điều kiện cho ngành nghề kinh doanh bất động sản đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bởi bất động sản là một loại hàng hóa đặc biệt. Kinh doanh bất động sản cũng là một ngành nghề kinh doanh đặc thù tại Việt Nam. Các quy định pháp luật về việc kinh doanh BĐS và những điều kiện kinh doanh xoay quanh dịch vụ này cũng cần được quản lý chặt chẽ và ràng buộc bởi các điều kiện pháp lý tương ứng. Nhằm sàng lọc và lựa chọn ra các nhà đầu tư xứng đáng, đủ năng lực và có trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đảm bảo được sự bình ổn thị trường, kiểm soát được thị trường kinh doanh BĐS trong tình hình kinh tế giai đoạn hiện nay. Việc đưa ra các điều kiện kinh doanh và giới hạn phạm vi kinh doanh của ngành nghề đặc thù này đối với nhà đầu tư nước ngoài, sẽ đảm bảo được mọi hoạt động kinh doanh nằm trong phạm vi kiểm soát và quản lý của nhà nước Việt Nam.

3. Gợi mở hoàn thiện pháp luật về điều kiện hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong thời gian tới

Thứ nhất, hướng dẫn rõ ràng hơn quy định điều kiện về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Cần mở rộng phạm vi hình thức đầu tư, như: góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp của công ty BĐS bằng như nhà đầu tư trong nước, không để tình trạng phạm vi hoạt động hoạt động kinh doanh BĐS của nhà đầu tư nước ngoài sẽ hẹp hơn so với nhà đầu tư trong nước. Cụ thể, căn cứ theo Luật Kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài được hoạt động dưới các hình thức sau: Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua; Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Thứ hai, cần đánh giá chính xác tiềm lực tài chính của những dự án đầu tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn triển khai các dự án vào thị trường BĐS Việt Nam, cần có giải pháp tháo gỡ rào cản pháp lý để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh BĐS có hiệu quả tại thị trường Việt Nam. Xây dựng quy định pháp luật kinh doanh BĐS đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bảo đảm không ảnh hưởng đến vấn đề quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở theo pháp luật đất đai và pháp luật nhà ở. Song, để thúc đẩy sự phát triển và tạo sự đột phá trong phát triển thị trường BĐS trong nước cần thiết phải tạo được không gian, phạm vi pháp lý thông thoáng hơn.

Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục và giao cho chính quyền cấp tỉnh thực hiện các bước thực hiện đầu tư kinh doanh BĐS của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo đó: Quyết định chủ trương đầu tư cần mạnh dạn giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh: tùy thuộc vào quy mô sử dụng đất, phương án di dân tái định cư, ảnh hưởng đến môi trường,… theo quy định của pháp luật đầu tư. Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó có nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân/tổ chức nắm giữ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài với công ty hợp danh. Nếu không thuộc trường hợp này thì sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể thực hiện dự án ngay.

Thứ tư, thời gian cấp phép đầu tư cần quy định rõ thời gian thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó, thời gian trả lời của các cơ quan được hỏi ý kiến. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian này rất khó được bảo đảm. Các cơ quan có liên quan về đầu tư, tài chính, xây dựng, quy hoạch, đất đai, ngân hàng,… thường cho ý kiến thẩm tra chậm so với quy định.

"Nguyên nhân là do một dự án đầu tư BĐS thường liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (đất đai, môi trường, xây dựng,…) và có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội của địa phương nơi có dự án đó, vì vậy, việc thẩm định một dự án BĐS rất phức tạp, công phu và mất nhiều thời gian. Theo nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đối với các dự án có sử dụng đất thì có tới 34 thủ tục hành chính, trong những điều kiện thuận lợi nhất cũng tiêu tốn ít nhất là 5 tháng (155 ngày) để hoàn thành việc cấp phép. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng, thời gian thực tế còn lâu hơn như vậy gấp nhiều lần, thậm chí có dự án phải mất đến 14 tháng để hoàn thành mọi thủ tục, giấy tờ.

Cũng theo VCCI, thủ tục đầu tư, đặc biệt là thủ tục đầu tư trong lĩnh vực xây dựng đang trở thành một trong những cản lực đối với đầu tư ở Việt Nam, làm giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam so với một số nước trong khu vực. Sự phức tạp, chồng chéo và chia cắt của hệ thống pháp luật cũng khiến các chính sách giảm hiệu lực thi hành. Chẳng hạn, từ khi nhà đầu tư có ý định đến khi xây dựng nhà máy liên quan tới 4 lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng thì riêng thủ tục hành chính đã chịu sự điều chỉnh của 5 Luật, 10 Nghị định, 9 Thông tư và một lượng lớn văn bản hướng dẫn cấp tỉnh. Các văn bản này vốn đã phức tạp, lại thường xuyên sửa đổi khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.Một dự án đầu tư Vốn đã phức tạp, doanh nghiệp trong nước muốn hoàn thành các thủ tục cấp phép phải mất tới hơn 34 bước với thời gian 500 đến 800 ngày, nhưng sẽ còn lâu hơn nếu là nhà đầu tư nước ngoài. Sự chậm trễ trong việc cấp phép dự án đầu tư khiến sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, môi trường đầu tư đi xuống.

Thứ năm, một vấn đề cũng rất quan trọng mà Luật Kinh doanh bất động sản hướng dẫn tiếp trong các văn bản đề cập đến, đó là thủ tục bổ sung chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án BĐS. Thực tế là, các hoạt động hợp tác, liên doanh đầu tư diễn ra liên tục và thường xuyên trong suốt quá trình thực hiện dự án BĐS. Tuy nhiên, có những bên liên doanh góp một tỷ lệ vốn lớn và họ mong muốn được đứng tên là một bên liên danh thực hiện dự án, chứ không đơn thuần là nhà đầu tư thứ cấp của chủ đầu tư. Hơn nữa, khi thị trường vốn đã phức tạp, đi vào giai đoạn chắt lọc dự án thì các nhà đầu tư lớn thường chọn giải pháp an toàn là phải được xác nhận tư cách là một chủ đầu tư bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính vì thiếu quy định về vấn đề này nên làm hạn chế việc tham gia góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án vốn đã phức tạp, tại Việt Nam, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như hiệu quả thực hiện của dự án, đặc biệt là các dự án lớn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2015). Rà soát pháp luật kinh doanh, Hà Nội.
  2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2017). Rà soát pháp luật kinh doanh, Hà Nội.
  3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2019). Rà soát pháp luật kinh doanh, Hà Nội.
  4. Quốc hội (2013). Luật số 45/2013/QH13: Luật Đất đai, ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2013.
  5. Quốc hội (2014). Luật số 66/2014/QH13: Luật Kinh doanh bất động sản, ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2014.
  6. Quốc hội (2014). Luật số 65/2014/QH13: Luật Nhà ở, ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2014.
  7. Quốc hội (2015). Luật số 91/2015/QH13: Bộ luật Dân sự, ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015.
  8. Quốc hội (2020). Luật số 61/2020/QH14: Luật Đầu tư, ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2020.

SOME LEGAL ISSUES RELATING TO REAL ESTATE BUSINESS

CONDITIONS FOR FOREIGNERS IN VIETNAM

• Master. Lawyer. LE THI DUNG1

• Assoc.Prof. PhD. DOAN HONG NHUNG2

1Singlaw Legal Company Limited

2School of Law, Vietnam National University - Hanoi   

ABSTRACT:

Real estate business is expanding and gradually meeting the diverse needs of customers. This expansion also creates a fierce competition in the market not only in terms of price but also quality. The real estate business environment in Vietnam has achieved great progress with a transparent and clear legal environment, faciliating the recent rapid growth of real estate industry. The development of real estate industry has led to the increase in the number of real estate enterprises and new types of real estate businesses. The Law on Real Estate Business has revealed some shortcomings and inadequacies in regulating real estate businesses. As a result, it is necessary to have clearer specific regulations to better regulate new issues which have arisen in the development of real estate market in Vietnam.

Keywords: law, conditions for real estate business, foreign investor.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]