TÓM TẮT:

Những năm gần đây, tình hình tranh chấp đất đai có chiều hướng gia tăng không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở các địa phương miền núi([1]). Thực tiễn cho thấy đây là các vụ việc khá phức tạp khi giải quyết theo các phương thức luật định, ví dụ tại Tòa án, từ việc áp dụng pháp luật, thẩm quyền giải quyết, nghĩa vụ của các cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền quản lý đất đai, chi phí thẩm định, định giá tài sản trong vụ việc đến vấn đề chế tài các hành vi cản trở hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ… dẫn đến việc giải quyết còn kéo dài và không thống nhất. Bài viết này phân tích một vài vấn đề về giải quyết tranh chấp đất đai và thực tiễn thực hiện tại tỉnh Sơn La với đặc thù địa phương và những khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm góp một vài ý kiến khắc phục những điều này.

Từ khóa: tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai, các phương thức giải quyết tranh chấp đất đai.

1. Đặt vấn đề

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai([2]). Về cơ bản, tranh chấp đất đai có thể khu biệt vào các nhóm: Tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất, tranh chấp về mục đích sử dụng đất và một số dạng tranh chấp khác. Việc phân chia có tính tương đối song rất quan trọng trong việc giải quyết chúng.

Do lợi ích của đất đai rất lớn nên tranh chấp xảy ra là tất yếu từ xa xưa và mức độ ngày càng gay gắt, việc giải quyết tranh chấp đất đai luôn được quan tâm ở mọi thời kỳ cả dưới góc độ lý luận và thực tiễn.

Thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này([3]) và kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề pháp lý quan trọng như khái niệm, đặc điểm, chủ thể, nguyên tắc, nội dung, cơ chế, bộ máy, chi phí… giải quyết tranh chấp đất đai.

Tuy vậy, theo suy nghĩ của chúng tôi, tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai cần phải được nghiên cứu sâu hơn từ góc độ thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các địa phương.

Vì vậy, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu vấn đề tranh chấp và giải quyết tranh chấp tại một địa bàn cấp tỉnh có một số đặc thù là tỉnh Sơn La, cố gắng phân tích, nhận định và đánh giá việc giải quyết tranh chấp đất đai qua thực tiễn tại tỉnh này. Có 2 vấn đề chính cần được nghiên cứu và thảo luận là: (i) Thực trạng các quy định về giải quyết tranh chấp đất đai; (ii) Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai qua thực tiễn tỉnh Sơn La mà chủ yếu bằng phương thức Tòa án.

2. Thực trạng các quy định về giải quyết tranh chấp đất đai qua thực tiễn ở Sơn La

Một là, các quy định về thẩm quyền hủy các quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai bằng Tòa án chưa rõ ràng. Để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, trong đó có các tranh chấp về đất đai thì nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định thuộc về luật về hình thức. Luật hình thức là cơ sở để áp dụng luật nội dung khi giải quyết các tranh chấp nói chung.

Thẩm quyền của Tòa án đã được quy định([4]) và khi xác định thẩm quyền của Tòa án đối với vụ án dân sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện phải căn cứ vào khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Tuy nhiên thực tiễn việc xác định thẩm quyền Tòa án trong trường hợp này vẫn còn có nhiều tranh luận, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Khi giải quyết vụ án dân sự mà có đương sự yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện thì thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, không phụ thuộc vào quyết định cá biệt đó có trái pháp luật hay không. Do có quan điểm này nên khi thụ lý các vụ án tranh chấp đất đai Tòa án cấp huyện thường hướng dẫn cho đương sự yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chuyển Tòa án tỉnh giải quyết, ảnh hưởng tới việc giải quyết khi số lượng vụ việc tăng lên ở Tòa án cấp tỉnh.

Quan điểm thứ hai: Khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ án dân sự, trong trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của UBND huyện hoặc Chủ tịch UBND huyện mà có căn cứ xác định quyết định này trái pháp luật thì TAND huyện chuyển TAND tỉnh giải quyết. Trường hợp không có căn cứ xác định quyết định cá biệt đó trái pháp luật nhưng đương sự yêu cầu hủy quyết định đó thì Tòa án cấp huyện không thụ lý yêu cầu hủy quyết định cá biệt của đương sự mà hướng dẫn đương sự khởi kiện vụ án hành chính gửi Tòa án cấp tỉnh giải quyết và tạm đình chỉ vụ án dân sự chờ kết quả giải quyết của Tòa Hành chính. Vì theo quy định Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Tòa án chỉ có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Quy định này không đồng nghĩa với việc khi giải quyết vụ án dân sự Tòa án được xem xét giải quyết yêu cầu hủy quyết định cá biệt khi đương sự có yêu cầu, không kể quyết định đó có trái pháp luật hay không.

Hai là, các quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với vụ việc giải quyết chưa được hiểu và áp dụng chính xác.

Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định loại đất tranh chấp mà các bên chưa có bất cứ loại giấy tờ gì cũng thuộc thẩm quyền tòa dân sự, trong nhiều trường hợp, là trao vượt quá thẩm quyền cho tòa dân sự khi giải quyết tranh chấp đối với loại đất này (từ chỗ chỉ có quyền xác định ai vốn có quyền dân sự đang bị người khác tranh chấp nay có thêm quyền xác định ai được quyền sử dụng đất chưa có căn cứ pháp luật, chưa được công nhận về pháp lý, vì loại đất này vốn đang được xác định là “đất công”). Chúng tôi cho rằng, hiệu quả khi tòa án giải quyết tranh chấp sẽ không đạt được bởi 2 lý do sau: (i) Theo quy định của pháp luật thì chỉ những tài sản đã thuộc quyền sở hữu hợp pháp của một chủ thể, nay có chủ thể khác xâm phạm, tranh chấp thì Tòa dân sự căn cứ vào tài liệu chứng cứ để xác định thực chất tài sản đó là của chủ thể nào thì công nhận cho chủ thể đó, buộc bên đang chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho bên có quyền, chứ Tòa dân sự không có quyền phân định quyền, lợi ích cho bất kỳ bên nào, (ii) Đối với loại đất mà các bên chưa có bất kỳ loại giấy tờ gì, ví dụ: đất rừng chưa được giao cho ai sử dụng (đương nhiên cả các chủ thể đang tranh chấp). Theo quy định của pháp luật đất đai thì đất đai nói chung, đặc biệt là loại đối tượng nói trên, do cơ quan nhà nước về đất đai thực hiện quyền hạn và trách nhiệm quản lý, thực tế các bên chưa được quyền khai thác mà lại có tranh chấp quyền sử dụng đất này. Khi Tòa án được giao thẩm quyền giải quyết thì Tòa án sẽ phải quyết định đất đó (vốn chưa được Nhà nước công nhận là của ai) bên nào được quyền sử dụng, là không phù hợp với quy định về tính thống nhất trong quản lý đất đai theo quy định, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nói chung, Tòa Dân sự nói riêng, do đó, để giải quyết tốt đối tượng tranh chấp này sẽ rất khó.

Ba là, quy định về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn. Mặc dù các quy định về vấn đề này đã tương đối đầy đủ([5]) và phù hợp thực tiễn. Tuy vậy, thực tiễn hiện nay cách hiểu và áp dụng vẫn còn chưa thống nhất khi tiến hành các thủ tục tố tụng. Một ví dụ cụ thể ở tỉnh Sơn La:

Ngày 7/2/2018, TAND tỉnh thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất theo đơn khởi kiện của Nguyên đơn A. Ngày 01/4/2018, phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải được tiến hành. Trước và tại phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải ngày 01/4/2018, Bị đơn B không có yêu cầu phản tố. Sau đó Tòa án tiếp tục phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải thêm 2 lần nữa, bị đơn B cũng không đưa ra yêu cầu phản tố. Ngày 21/8/2018, Tòa án tiến hành mở phiên tòa, kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 241 BLTTDS 2015 (vì vắng mặt nguyên đơn). Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa. Ngày 29/8/2018, Bị đơn có đơn yêu cầu phản tố với nội dung: Đề nghị nguyên đơn buộc phải tháo dỡ, di dời tài sản trên đất và trả lại diện tích đất cho nguyên đơn. Ngày 12/9/2018, Tòa án thông báo về việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn. Ngày 9/10/2018, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải được tổ chức và sau đó ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Việc Tòa án thụ lý đơn phản tố của bị đơn như vụ án trên là không đúng theo quy định của BLTTDS năm 2015, vì việc thụ lý đơn phản tố phải trước giai đoạn xét xử, nằm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và hòa giải. Việc Tòa án thụ lý đơn phản tố trong giai đoạn phiên tòa xét xử sơ thẩm là vi phạm trình tự tố tụng bởi vụ án trên đã được Tòa án đưa ra xét xử vào ngày 21/8/2018. Tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đã tiến hành khai mạc phiên tòa, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng. Theo đề nghị của kiểm sát viên, Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Đây là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất nên khi giải quyết vụ án Hội đồng xét xử phải xem xét ra quyết định phần đất tranh chấp là của ai. Nếu có căn cứ cho rằng đất là của bị đơn nhưng có tài sản của nguyên đơn trên đất thì Tòa án có thể buộc nguyên đơn phải tháo dỡ tài sản để trả lại đất cho bị đơn hoặc công nhận đất cho nguyên đơn, buộc nguyên đơn trả lại giá trị đất tương ứng cho bị đơn và trong trường hợp này nguyên đơn được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản của mình trên đất. Các đương sự không tranh chấp về tài sản trên đất mà chỉ tranh chấp về quyền sử dụng đất. Do đó, đối với yêu cầu di dời tài sản trên đất tranh chấp nếu bị đơn không đưa ra yêu cầu thì Hội đồng xét xử cũng cần phải xem xét giải quyết để vụ án được giải quyết triệt để.

3. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai tại tỉnh Sơn La

Thứ nhất, khó khăn trong việc xác minh, thu thập chứng cứ tại cơ quan quản lý nhà nước về đất đai([6]).

Thực tiễn thi hành các quy định về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai([7]) cho thấy còn nhiều khó khăn. Trong hầu hết các vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất, Toà án đều phải tiến hành xác minh về nguồn gốc đất, thủ tục cấp đất tại cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, đây là chứng cứ quan trọng. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, việc xác minh tại cơ quan quản lý không đạt được kết quả thỏa đáng, thể hiện ở việc không thu thập được hồ sơ kỹ thuật thửa đất, không có trích lục bản đồ, không có hồ sơ, tài liệu về việc cấp đất, hồ sơ lưu trữ của UBND không có tài liệu gì về thửa đất tranh chấp, thời gian cung cấp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ trích lục đo thực trạng sử dụng đất kéo dài, cung cấp các tài liệu đều là bản chụp đơn giản. Cũng có trường hợp Tòa án nhiều lần có công văn yêu cầu cung cấp tài liệu nhưng cơ quan chức năng không phối hợp cũng như không có văn bản trả lời về việc cung cấp tài liệu hoặc có văn bản trả lời nhưng chỉ mang tính chất chung chung, không cụ thể rõ ràng. Việc không cung cấp tài liệu chứng cứ dẫn tới việc giải quyết vụ án của TAND bị kéo dài về mặt thời gian, không đảm bảo về thời hạn tố tụng theo quy định của BLTTDS, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong vụ án. Mặt khác, khi được triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì thường vắng mặt tại phiên tòa. Việc xin xét xử vắng mặt tuy không trái quy định pháp luật nhưng đã gây khó khăn cho công tác giải quyết án (không làm rõ được các nội dung liên quan đến việc khởi kiện, ý kiến của UBND trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)([8]).

Thứ hai, về chi phí thẩm định, định giá tài sản.

Để thực hiện việc thẩm định, thì đương sự phải nộp tạm ứng chi phí. Song pháp luật chưa quy định rõ số tiền nộp tạm ứng chi phí cho mỗi lần xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, việc xem xét miễn, giảm đối với đương sự thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn… nên gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện. Việc Tòa án ấn định cho đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền mà Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ([9]). Đồng thời tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản là số tiền mà Hội đồng định giá tạm tính để tiến hành việc định giá tài sản theo quyết định của Tòa án([10]). Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, rõ ràng về trình tự thủ tục thu, chi liên quan đến loại chi phí này và mỗi lần thẩm định, định giá số tiền là bao nhiêu, nên việc ấn định số tiền tạm ứng thường theo ý chủ quan của Tòa án. Mỗi Tòa án thực hiện khác nhau, mỗi thẩm phán cũng có cách thực hiện khác nhau, thậm chí cùng một thẩm phán nhưng cũng có những vụ án thực hiện không giống nhau. Thực tế những khoản chi trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ thường bao gồm những khoản sau: chi phí đo vẽ nhà đất, được tính theo giá của cơ quan có chức năng đo vẽ nhà, đất (có hợp đồng, biên lai thu tiền của những cơ quan này nên việc quyết toán khoản này không có gì vướng mắc). Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ đo vẽ tùy từng trường hợp cụ thể, mức chi khoảng 100.000 đ/lượt/người; nhưng cũng có thẩm phán chi 300.000 đ/lượt/người…

Vấn đề chi phí cho đại diện UBND cấp xã tham gia thẩm định cũng bất cập. Mức chi được các Tòa án áp dụng khác nhau, có Tòa án áp đặt mức chi 50.000 đ/người theo định mức đã thống nhất, có Tòa án chi 100.000 đ/người, cũng có Thẩm phán chi 200.000 đ/người vì cho rằng Tòa án rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của UBND không chỉ trong hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ, mà còn phải giữ mối quan hệ tốt với cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp địa phương. Mặc dù, đối với phần lớn các vụ án, sự có mặt của đại diện UBND là thủ tục tố tụng bắt buộc, nhưng thực tế địa phương cho thấy họ đã dành thời gian tham gia và chịu trách nhiệm trong hoạt động tố tụng của Tòa án nên cần xem xét việc chi phí cho họ. Ngoài ra, có những vụ phải xem xét, thẩm định lâu hơn, địa điểm ở xa, Tòa án phải bố trí ăn trưa cho tất cả những người tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ mà không biết lấy kinh phí từ nguồn nào.

Thứ ba, nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất chưa đầy đủ.

Về phía đương sự: Một số vụ án còn diễn ra tình trạng đương sự không hợp tác, gây cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ như: đương sự không cho đo vẽ nhà đất khi Hội đồng thẩm định đến làm việc (đóng cổng, đóng cửa, mỗi khi Tòa án đến xem xét, thẩm định tại chỗ), hoặc vắng mặt không tham gia thẩm định, cũng có trường hợp tỏ thái độ không hợp tác, bất bình với Tòa án khi Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định. Sự bất hợp tác của đương sự dẫn tới việc Tòa án không thể giải quyết được vụ án, các thẩm phán ở địa phương đã phải vận dụng nhiều cách khác nhau từ việc phối hợp với chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc, tổ chức Đảng... để giải thích, thuyết phục đương sự hợp tác, để Tòa án tiến hành được việc đo vẽ, định giá nhà đất tranh chấp.

Về phía người làm chứng: Đa số các vụ án tranh chấp quyền sử đụng đất, Tòa án đều tiến hành xác minh đối với người làm chứng về nguồn gốc sử dụng đất, quá trình sử dụng đất giữa các đương sự, nhưng người dân còn chưa hiểu hết về quyền và nghĩa vụ của mình dẫn tới việc xác nhận bằng chứng, xác nhận lời khai một cách không có căn cứ, lời khai mâu thuẫn với các chứng cứ dẫn tới những khó khăn khi xác minh tính chân thực của chứng cứ.

Qua nghiên cứu thực trạng trên, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số ý kiến mang tính chất khuyến nghị sau đây:

Một là: Cần nghiên cứu để xác định thời điểm phù hợp chuyển giao tất cả các tranh chấp đất đai cho Tòa án thụ lý giải quyết, bởi lẽ, chuyển giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Tòa án sẽ giảm được áp lực cho các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, các tranh chấp đất đai được Tòa án giải quyết sẽ đảm bảo sự khách quan, công bằng, chính xác hơn do cán bộ làm công tác giải quyết tranh chấp đất đai tại các cơ quan nhà nước hiện nay thường là kiêm nhiệm, trình độ hiểu biết, áp dụng pháp luật trên thực tiễn chưa cao.

Hai là: Cần có một cơ chế xử lý thích hợp, có hiệu quả đối với những trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang nắm giữ tài liệu, chứng cứ của vụ án mà thiếu sự hợp tác hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ của vụ án để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật.

Quy định xử phạt hành chính cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ([11]) mới chỉ dừng lại ở việc xử lý đối với hành vi “không thi hành”; còn hành vi làm chậm về thời gian dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ còn diễn ra tương đối nhiều, nhưng luật chỉ quy định “có thể bị xử phạt hành chính” là chưa đảm bảo trách nhiệm phải cung cấp chứng cứ, tài liệu đang quản lý cho Tòa án. Hành vi này đã gây trở ngại cho quá trình giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án.

Ba là: Để thống nhất về trình tự, thủ tục thu, chi đối với chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ tạo điều kiện cho thẩm phán thực hiện nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến loại chi phí này, cần ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể, trong đó xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí, nghĩa vụ nộp, mức nộp và trình tự thủ tục thu chi.

Về vấn đề đương sự không hợp tác, cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ dẫn đến không đo đạc xác định được hiện trạng quyền sử dụng đất đang tranh chấp. Để hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án đúng quy định của BLTTDS năm 2015, cần có hướng dẫn chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 6 Điều 489 BLTTDS năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan, ban hành biểu mẫu (Biên bản vi phạm hành chính, Quyết định xử lý vi phạm hành chính…) để xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng. Chính phủ sớm có văn bản quy định chi tiết cũng như hướng dẫn về việc phối hợp giữa TAND các cấp với ngành tài nguyên và môi trường và chính quyền địa phương các cấp trong việc xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) TAND tỉnh Sơn La, Báo cáo tổng kết công tác của TAND tỉnh Sơn La các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.

(2) Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013.

(3) Có thể kể đến: Nguyễn Ngọc Điện về "Cấu trúc kỹ thuật của hệ thống pháp luật sở hữu bất động sản Việt Nam - một góc nhìn Pháp", Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 6/2007; Nguyễn Thị Chi, (2019),“Tìm hiểu quy định về giải quyết tranh chấp đất đai, quy định về bồi thường thiệt hại, tái định cư khi thu hồi đất”, NXB Lao động; Mai Thị Tú Oanh (2013), Tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai bằng Tòa án ở nước ta, Luận án Tiến sỹ Luật học, Học viện Khoa học Xã hội,... và nhiều công trình nghiên cứu khác.

(4) Khoản 4 Điều 34 BLTTDS năm 2015.

(5) Khoản 1&2, Điều 200 BLTTDS năm 2015.

(6) Phạm Văn Thinh, Phạm Thu Hà (2018), “Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất”, Tạp chí Kiểm sát, 13(7), tr. 55-58

(7) Điều 7 BLTTDS năm 2015.

(8) Viện KSND tỉnh Sơn La, Kiến nghị số 17/KN-VKS ngày 5/7/2018 kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về việc khắc phục vi phạm đối với việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.

(9) Khoản 1, Điều 155, BLTTDS  2015

(10) Khoản 1, Điều 163, BLTTDS 2015

(11) Điều 495 BLTTDS năm 2015

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội, (2013), Luật Đất đai.
  2. Quốc Hội (2015), Bộ luật Tố tụng dân sự.
  3. Quốc Hội (2015), Luật Tố tụng hành chính.
  4. Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7/4/2017 của TAND Tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.
  5. Nguyễn Thị Chi, (2019), Tìm hiểu quy định vể giải quyết tranh chấp đất đai, quy định về bồi thường thiệt hại, tái định cư khi thu hồi đất, NXB Lao động.
  6. Tưởng Duy Lượng, (2018), Pháp luật tố tụng dân sự và thực tiễn xét xử, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, tr. 98

Some problems arising during the land dispute settlement at the court in Son La Province

Vu Quang

School of Economics & Management, Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

In recent years, the number of land disputes tends to increase not only in big cities but also in mountainous localities. The fact shows that it is quite complicated to resolve land disputes by using statutory methods. This paper analyzes some issues of land dispute resolution and practical implementation of land dispute settlement in Son La Province with provincial characteristics. The paper also presents difficulties and problems arising during the process of land dispute settlement. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to overcome the land dispute settlement’s problems.

Keywords: land disputes, land dispute resolution, land dispute resolution methods.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]