Một số vấn đề về thị trường chứng khoán những tháng đầu năm 2020 trước bối cảnh dịch Covid-19

TS. MAI CÔNG QUYỀN (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội)

TÓM TẮT:

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ đầu năm đến nay đã trải qua nhiều phiên giao dịch thảm hại trong lịch sử do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19. Theo đó, thị trường phải đối mặt các phiên giao dịch với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán tháo về mức sàn và trắng bên mua. Bài viết phân tích một số vấn đề về TTCK những tháng đầu năm 2020 trước bối cảnh dịch Covid-19, từ đó đưa ra một số lưu ý đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Từ khóa: Thị trường chứng khoán, dịch Covid-19, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhà đầu tư, cổ phiếu, VN-Index.

1. Thực trạng TTCK những tháng đầu năm 2020

Từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số các TTCK lớn ở châu Âu đã sụt khoảng 20% do tác động kép của dịch Covid-19 và tình trạng giá dầu tuột dốc. Dịch Covid-19 hiện đang làm tê liệt một phần của nền kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc - quốc gia chiếm 20% GDP toàn cầu, có nước Ý - một thành viên của nhóm G7, nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Đó là chưa kể nước Pháp - cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 6 thế giới, cũng có thể sẽ bị giống như Ý.

Do mối lo ngại dịch bệnh này sẽ gây tác hại lâu dài lên nền kinh tế thế giới, mà ngày 09/3/2020 đã trở thành “ngày thứ Hai đen tối” với các TTCK trên toàn cầu. Chỉ số thị trường Franforct đã sụt giảm đến 7,94%- mức sụt giảm mạnh nhất kể từ đợt tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Hoa Kỳ. Thị trường Luân Đôn cũng bị mất 7,69%, còn Paris mất đến 8,39%, nặng nhất kể từ năm 2008, tức là năm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu (D. Bùi, 2020).

Đại dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân duy nhất khiến các TTCK toàn cầu chao đảo, mà bên cạnh đó còn có tình trạng giá dầu tuột dốc trong những ngày qua, mức sụt giảm được đánh giá là nặng nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

TTCK Việt Nam cũng không đứng ngoài “guồng xoáy” này khi cũng chỉ trong đầu năm 2020, TTCK Việt Nam nằm trong top 10 thị trường giảm mạnh nhất thế giới.

Theo ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), TTCK luôn là nơi phản ứng nhạy và mạnh nhất với diễn biến kinh tế - xã hội, tuy nhiên, các phản ứng gần đây có phần thái quá. Trước đây, khi xuất hiện dịch SARS, H5N1, TTCK cũng biến động tức thì, song phục hồi ngay khi có quốc gia công bố khống chế được dịch. Thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh thường là khi các chỉ số chứng khoán phục hồi. 

Báo cáo của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Vũ Thị Mai trình bày tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020 vào ngày 05/02/2020 cho biết, trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý ngày 30 - 31/1/2020, TTCK Việt Nam đã giảm mạnh, mất gần 45 điểm, tương đương 4,54%.

Mức giảm của TTCK Việt Nam tương đương với nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện những ca nhiễm bệnh.

Tuy vậy, bắt đầu từ tháng 02/2020, TTCK Việt Nam đã thu hẹp đà giảm. Tính chung 2 phiên đầu tháng 2, chỉ số VNIndex chỉ giảm 0,8%, đứng ở mức 929 điểm.

Riêng ngày 4/2 là ngày sắc xanh đã quay trở lại, tăng 0,95 điểm so với ngày hôm trước. Ngày 5/2, chứng khoán trong nước hồi phục tốt khi mở cửa phiên giao dịch, nhưng sau đó đảo chiều vì nhóm ngân hàng suy yếu. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, nhưng tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng. Điều này thể hiện qua việc thanh khoản giảm phiên thứ hai liên tiếp. Khối ngoại cũng duy trì trạng thái bán ròng hơn 170 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu trụ trong rổ VN30, như: SAB, BID, VCB... ghì thị trường khá mạnh, cộng thêm nhóm cổ phiếu dược phẩm, như: DHG, TRA tiếp tục chịu áp lực bán tháo là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm 3,18 điểm, chốt phiên tại 925,9 điểm. 

Đến thời điểm phiên giao dịch ngày 5/2, chỉ số Vn-Index đang dao động trong vùng 925 điểm, giảm 6,7% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi và nằm trong top 10 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới tính từ đầu năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2016, chứng khoán Việt Nam giảm trong tháng 1/2020.

Sang đến tháng 3/2020, TTCK Việt Nam tiếp tục trải qua 1 tuần giao dịch thảm hại trong lịch sử do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19. Thị trường phải đối mặt các phiên giao dịch với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán tháo về mức sàn và trắng bên mua.

Tuần giao dịch trên TTCK Việt Nam từ ngày 09 đến ngày 13/3 có VN-Index giảm gần 130 điểm (-4,5%) so với tuần trước đó, xuống còn 761,78 điểm. Vốn hóa toàn thị trường giảm 613.000 tỷ đồng (26,3 tỷ USD) xuống 4,1 triệu tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, vốn hóa giảm 443.017 tỷ đồng (18,9 tỷ USD) từ mức 3 triệu tỷ đồng xuống chỉ còn 2,6 triệu tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong phiên giao dịch ngày 9/3, VN-Index mất gần 56 điểm (gần 6,3%) - đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của thị trường kể từ năm 2002. 

Lý giải phiên lao dốc kinh hoàng này, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh là khó tránh khỏi, bởi phiên này trùng với điểm rơi của nhiều tin xấu cộng hưởng. Giá dầu thế giới giảm và có thời điểm giảm đến 30%. Trước các diễn biến trên, ngân hàng Goldman Sachs đã dự báo giá dầu Brent năm 2020 sẽ tiếp tục giảm sâu về mức 20 USD/thùng (Nhung Nguyễn, 2020).

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến TTCK Việt Nam chịu áp lực bán mạnh của khối ngoại. Tuần TTCK giảm mạnh vừa qua cũng có nguyên nhân do khối ngoại tiếp tục duy trì việc bán ròng mạnh. Nhiều nhà đầu tư không còn tiền mặt để cứu tài khoản sẽ bị các công ty chứng khoán force sell (bán bằng mọi giá).

Nhiều chuyên gia nhận định, việc nhà đầu tư bán tháo có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc rút ròng quá mạnh của các nhóm nhà đầu tư nước ngoài, làm hụt dòng tiền thị trường và buộc nhà đầu tư phải cắt lỗ để bảo toàn danh mục. Khi giá cổ phiếu rơi trên 30%, tất yếu dẫn đến việc xử lý margin hàng loạt.

Thực tế cho thấy, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà cả tổ chức, thậm chí quỹ đầu tư nước ngoài đang bán mạnh cổ phiếu, chứng tỏ họ vẫn e ngại về diễn biến giá cổ phiếu trong tương lai. Một yếu tố lớn đang chi phối tâm lý nhiều nhà đầu tư là tình trạng bán tháo đang diễn ra trên khắp các sàn chứng khoán thế giới. Khi chứng khoán thế giới còn giảm, VN-Index khó mà đi ngược lại.

2. Những động thái của cơ quan quản lý nhà nước nhằm ổn định TTCK trước tác động của dịch Covid-19

Theo Bộ Tài chính (2020), trước tình hình chứng khoán giảm điểm của thị trường chứng khoán, thì Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Trong ngắn hạn, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, chủ động theo dõi diễn biến của thị trường quốc tế, diễn biến của TTCK trong nước hằng ngày, yêu cầu 2 Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như Trung tâm Thông tin chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hằng ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn. Yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho báo chí để dư luận nắm bắt, hiểu đúng tình hình và không bị tác động về tâm lý.

Về giải pháp trung và dài hạn, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021. Năm 2020, tập trung xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn để Luật Chứng khoán có hiệu lực, bao quát đầy đủ và khắc phục những nhược điểm đã tổng kết, đánh giá và đã được thông qua tại Luật Chứng khoán năm 2019.

Bên cạnh đó, năm 2020, Bộ Tài chính cũng tập trung đẩy mạnh, cơ cấu lại TTCK để phát triển hiệu quả hơn, năng động hơn theo Đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư và giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó cho TTCK trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Một số nước sử dụng hệ thống tự động ngắt mạch giao dịch khi giá chứng khoán giảm quá ngưỡng cho phép. Nhưng, Việt Nam chưa có chính sách này nên việc tạm ngưng giao dịch (nếu có) sẽ theo quyết định của cơ quan điều hành (Phương Đông, 2020).

Còn theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm: Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết.

Theo phản ánh của thành viên thị trường, một số quy định giá dịch vụ áp dụng cho TTCK phái sinh đang ở mức cao. Theo chức năng nhiệm vụ, việc xem xét sửa đổi Thông tư 127/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ do Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá các khoản thu để trình bộ xem xét, quyết định trong trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, trong điều kiện cần có giải pháp chính sách kịp thời để hỗ trợ thành viên thị trường và nhà đầu tư đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trao đổi thống nhất với 2 Sở giao dịch chứng khoán, VSD và đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh một số loại giá dịch vụ liên quan đến TTCK.

Như vậy, việc giảm giá dịch vụ trong bối cảnh hiện nay là hợp lý và cần thiết để hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Ngày 18/3/2020, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC điều chỉnh giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán; giảm 4 loại giá dịch vụ trên TTCK phái sinh tại VSD về mức hợp lý.

Bên cạnh đó, các loại giá dịch vụ khác trên thị trường sẽ tiếp tục được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét và xin ý kiến Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện khi cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời nhất cho nhà đầu tư và thị trường.

3. Một số lưu ý đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới

Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư tiếp tục vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, dịch bệnh làm ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế của nước đó, gián tiếp ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Vì vậy, các việc cần làm, dựa trên lịch sử các đợt dịch bệnh và phản ứng của TTCK là hạ đòn bẩy với các nhà đầu tư đang nắm nhiều cổ phiếu, nhưng không bán hoảng loạn bằng mọi giá.

Ngoài ra, giảm tỷ trọng các cổ phiếu trong các ngành có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ dịch bệnh, nhất là với nhà đầu tư ngắn hạn. Cùng với đó, tìm cơ hội tăng tỷ trọng tại các ngành, cổ phiếu theo lịch sử là được hưởng lợi. Trong khi đó tiếp tục cập nhật thông tin về dịch bệnh và phản ứng của TTCK các quốc gia để có hành động hợp lý theo diễn biến chung.

Dịch bệnh có thể chưa kết thúc ngay, nhưng khó khăn nào cũng có điểm dừng. Nhà đầu tư cần cân nhắc giữa việc giữ vị thế an toàn trong ngắn hạn (hạ tỷ trọng cổ phiếu) với việc duy trì trạng thái dài hạn đối với những doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này. Với những doanh nghiệp trong danh mục hoặc trong tầm ngắm, nhà đầu tư cần nhìn nhận đầy đủ về những yếu tố có thể ảnh hưởng như gián đoạn nguồn cung, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hay mức độ ảnh hưởng về thị trường đầu ra kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát trước khi ra quyết định giao dịch.

Hơn nữa, các nhà đầu tư cần cân nhắc giữa việc giữ vị thế an toàn trong ngắn hạn (hạ tỷ trọng cổ phiếu) với việc duy trì trạng thái dài hạn đối với những doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này. Với những doanh nghiệp trong danh mục hoặc trong tầm ngắm, nhà đầu tư cần nhìn nhận đầy đủ về những yếu tố có thể ảnh hưởng như gián đoạn nguồn cung, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hay mức độ ảnh hưởng về thị trường đầu ra kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát trước khi ra quyết định giao dịch./. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2020). Báo cáo trình bày tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020, vào ngày 05/02/2020.
  2. Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (2020). Báo cáo thị trường chứng khoán tháng 01/2020
  3. Bùi (2020). Thị trường chứng khoán thế giới lao dốc vì tác động của dịch Covid-19, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/thi-truong-chung-khoan-the-gioi-lao-doc-vi-tac-dong-cua-dich-covid19-320424.html
  4. Phương Đông (2020). Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: Thị trường đã phản ứng thái quá, truy cập từ https://vnexpress.net/kinh-doanh/chu-tich-uy-ban-chung-khoan-thi-truong-da-phan-ung-thai-qua-4049782.html
  5. Nhung Nguyễn (2020). Thị trường chứng khoán lao đao, truy cập từ https://www.sggp.org.vn/thi-truong-chung-khoan-lao-dao-651597.html
  6. Tổng hợp các tuần giao dịch TTCK Việt Nam trên HNX, HOSE.

 

SOME ISSUES OF VIETNAM’S STOCK MARKET IN THE FIRST MONTHS OF 2020 BEFORE THE HAPPENING OF COVID-19 PANDEMIC

Ph.D MAI CONG QUYEN

Hanoi Housing Development and Investment Corporation

ABSTRACT:

Vietnam’s stock market has plunged in many trading sessions since the begining of this year as investor sentiment has been hurt amid the increase in the number of Covid-19 cases. Many large-cap stocks of Vietnam’s stock market have been sold off. This article analyzes some issues about the stock market in the first months of 2020 before the happening of Covid-19 pandemic, thereby making some notes for investors in the coming time.

Keywords: Stock market, Covid-19 pandemic, Ministry of Finance, State Securities Commission of Vietnam, investors, stocks, VN-Index.