Một số ý kiến về dự án bộ luật tố tụng dân sự

Sự cần thiết và ý nghĩa của việc thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự. Năm 2004, Quốc hội dự kiến thông qua 17 dự án luật, nghị quyết và cho ý kiến về 17 dự án luật khác. Trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ

  Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 3 ngày 9/2/2004, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho biết, do tính chất phức tạp và quan trọng của dự luật, Uỷ ban thường vụ đã quyết định lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Thời gian góp ý cho dự luật Tố tụng dân sự từ 10/2 đến 31/3.

Việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các ngành, các cấp lần này sẽ được cải tiến, tiết kiệm thời gian, giúp các cơ quan hữu quan chủ động hơn trong việc nghiên cứu, chỉnh lý Dự án Bộ luật.

Như chúng ta đã biết, dự án Bộ luật Tố tụng dân sự đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XI (vào 2 ngày 10-11/2003), nhưng đến nay còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong ngày 9/2/2004, các đại biểu chuyên trách dành nhiều thời gian thảo luận các nhóm vấn đề như: phạm vi điều chỉnh của bộ luật, thẩm quyền của toà án cấp huyện, thành phần hội đồng xét xử, chứng cứ trong tố tụng dân sự, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời...

Bộ luật Tố tụng dân sự (gồm 9 phần, 36 chương, 424 điều) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ  5. Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự rất rộng, gồm các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình, lao động và nhiều vấn đề dân sự khác. Trước đây, các mảng quan hệ trên được giải quyết theo thủ tục riêng, quy định trong ba pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế; và thủ tục giải quyết các vụ án lao động

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp luật Tố tụng dân sự từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. BLTTDS là cơ sở pháp lý cho các hoạt động TTDS tại Toà án.

Những vấn đề đóng góp.

Trong một nhà nước pháp quyền thì ý nghĩa nhất, liên quan đến tất cả con người đang sống và thậm chí cả khi đã chết, là Bộ Luật dân sự  và Bộ Luật Tố tụng dân sự. Những bộ luật này liên quan đến mọi mặt của đời sống con người, từ đứa trẻ mới sinh ra đến những người đã chết và nó còn liên quan đến rất nhiều đời sau (như vấn đề thừa kế, như giải thưởng Nobel được trao hàng năm, khi mà chủ nhân của nó đã chết rất lâu…). Rất tiếc, ở Việt Nam do nhiều hoàn cảnh khách quan, đến nay chúng ta mới xây dựng được BLTTDS. Mặc dù chúng ta đã có Bộ Luật dân sự. Cả 2 bộ luật quan trọng này, chúng ta đều xây dựng muộn. Nhiều người trong chúng ta đã được nghe câu nói nổi tiếng của Na - po - le - ong vào đầu thế kỷ 19: "Nhân loại sẽ nhớ đến ta là nhờ Bộ Luật dân sự, chứ không phải vì ta là một tướng tài". Và sự thật đúng là như vậy.

Chúng ta xây dựng BLTTDS chậm, đáng lẽ ra, chúng ta có nhiều điều kiện tham khảo để có một dự án BLTTDS hoàn chỉnh, nhưng rất tiếc, hệ thống luật pháp của chúng ta hiện nay thường bị chồng chéo. Do đó, nếu chúng ta có điều kiện nghiên cứu các luật, bộ luật khác có liên quan, thì mới thấy rằng, BLTTDS phải sửa nhiều, hoặc các luật và bộ luật khác phải sửa đổi theo BLTTDS. Xin nêu  thí dụ sau:

Tại Điều 356, trong tờ trình của TANDTC chỉ trình vấn đề đưa hay không đưa thủ tục xem xét, kết luận cuộc đình công hợp pháp hay bất hợp pháp vào phạm vi điều chỉnh của BLTTDS. Việc xem xét, kết luận tính hợp pháp của cuộc đình công chỉ là một phần trong thủ tục giải quyết đình công. Theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động hiện hành, thì sau khi thụ lý đơn yêu cầu giải quyết cuộc đình công, Toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải để Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thoả thuận với nhau về việc giải quyết cuộc đình công (Điều 94 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động). Và theo Điều 99 của Pháp luật này, thì chỉ khi không hoà giải được thì thẩm phán được phân công mới xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Vậy tại sao, chúng ta không xem xét thủ tục giải quyết cuộc đình công nói chung, chứ không chỉ thủ tục xem xét, kết luận cuộc đình công hợp pháp hay không hợp pháp. Nếu theo quy định của Bộ luật lao động, thì Toà án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền quyết định cuối cùng về những cuộc đình công và tranh chấp lao động tập thể. Pháp lệnh thủ tục giải quyết  các tranh chấp lao động hiện hành cũng đã quy định cho Tòa án thẩm quyền giải quyết đình công .

Về sự tham gia tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân cũng có nhiều điều cần làm rõ.

Theo Điều 162 của dự án BLTTDS thì:" Viện Kiểm sát nhân dân có quyền khởi tố vụ án trong những trường hợp theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình đối với những vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là người chưa thành niên, người tàn tật và các vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng khác". Như vậy, với trường hợp Viện KSND khởi tố vụ án hoặc kháng nghị thì Viện KS có nhiệm vụ tham gia phiên toà. Nếu theo quy định của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân năm 2002, thì Viện KSND không còn thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội v.v…nữa, để tập trung làm tốt hơn chức năng thi hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, trong đó có kiểm sát hoạt động xét xử. Theo Điều 21 của Luật tổ chức VKSND, thì VKSND có nhiệm vụ và quyền hạn "tham gia các phiên toà và phát biểu quan điểm của VKSND về việc giả quyết vụ án". Vậy chúng ta nên theo quan điểm nào đây? Có quan điểm cho rằng, đối với vụ án dân sự mà VKSND không khởi tố thì VKSND không nhất thiết phải tham gia phiên toà. Có quan điểm cho rằng, không nên giao cho VKSND quyền khởi tố vụ án có liên quan đến việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của người chưa thành niên và một số trường hợp về vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, VKSND chỉ nên hướng dẫn cho đương sự tự mình hoặc nhờ người đại diện khởi kiện.Vì nếu VKSND khởi tố vụ án, thì kiểm sát viên tham dự phiên toà vừa có vai trò như đương sự, vừa có chức năng giám sát xét xử, do đó, trong trường hợp này khó phân định kiểm sát viên là người tham gia tố tụng hay là người tiến hành tố tụng.

Một điều khó hiểu đối với những nhà soạn thảo luật nước ta là, ngay trong Bộ luật Hình sự, quy định mức độ nghiêm trọng của vụ cướp lại được đánh giá bằng giá tiền cướp được! Đến nay, trong BLTTDS cũng quy định "án kinh tế phức tạp là tranh chấp trên 500 triệu đồng" là chưa thuyết phục. án kinh tế chỉ dựa trên giá trị tranh chấp 500 triệu đồng để đánh giá là phức tạp sẽ không hợp lý, vì nhiều vụ án giá trị 100-200 triệu đồng, thậm chí ít hơn thế nữa, nhưng tính chất lại rất phức tạp.

Trên đây chỉ là những ý kiến nhỏ góp phần vào cuộc vận động tham gia góp ý cho BLTTDS mà Chủ tịch Quốc hội Nguyên Văn An đã kêu gọi. còn rất nhiều vấn đề trong BLTTDS cần được  làm rõ. Mong rằng, những nhà xây dựng luật nước ta nâng cao hơn nữa kiến thức về pháp luật để luật của chúng ta không phải sửa đi, sửa lại nhiều lần như hiện nay.

  • Tags: