Một số yêu cầu bảo đảm thực hiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đối với dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Thị Kim Loan (Ủy ban nhân dân phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thực hiện một dự án, công trình là một trong những vấn đề lớn của thành phố Hồ Chí Minh riêng và cả nước nói chung, đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của chính quyền địa phương các cấp. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những tiêu chí quan trọng trong mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bài viết tập trung vào một số yêu cầu và giải pháp để bảo đảm thực hiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự án nâng cấp đô thị.

1. Quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với dự án nâng cấp đô thị

Chế định bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong Luật Đất đai năm 2013 được quy định tại 2 điều (Điều 41, 42 và 43) và trên thực tế không thể thể chế, truyền tải hết các quy định mang tính nguyên tắc để thực hiện thống nhất khi xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh trong thực tiễn thu hồi đất, bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư tại các địa phương, các Bộ, ngành. Điều 74 Luật Đất đai năm 2013, về nguyên tắc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất cần chú ý 3 nội dung cụ thể như sau:

Một là, những người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường thì sẽ được bồi thường (những điều kiện này phải căn cứ theo quy định tại điều 75 của Luật này).

Hai là, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi (điều này cho thấy nhằm đảm bảo về tính công bằng đối với chủ sở hữu đất được thu hồi). Và trong trường hợp nếu không có đất để bồi thường, chủ sở hữu đất sẽ được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Ba là, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải công khai, kịp thời, bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan và đúng quy định của pháp luật.

Nguyên tắc trên thể hiện khi Nhà nước lấy đi phần lợi ích của người dân mà người dân có đầy đủ điều kiện được bồi thường thì Nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Khi Nhà nước lấy đất thì bồi thường bằng đất cùng loại; nếu không có đất cùng loại, phải bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương. Cách tiếp cận này xuất phát từ quan niệm coi đất đai là tài sản có thể được trả thay bằng tiền bồi thường để mua được một thửa đất tương đương. Việc bồi thường phải dân chủ khách quan, tức là phải đảm bảo khi người dân bị thu hồi đất mà có đủ các điều kiện nhận bồi thường, họ phải được bồi thường.

Điều 88, Luật Đất đai 2013 quy định khi Nhà nước thu hồi đất cần phải chú ý những nội dung như sau: Nếu Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi bị Nhà nước thu hồi đất mà phải ngừng sản xuất, kinh doanh nếu có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.

Thực hiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là quá trình hoạt động có mục đích của các chủ thể trong quan hệ pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm cho các quy định của pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và kịp thời.

Theo Khoản 3, Điều 54, Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Luật Đất đai 2013 quy định 4 nhóm trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất bao gồm:

Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Như vậy, trong trường hợp cần thiết, phải thực hiện thu hồi đất tập thể và cá nhân có liên quan phải tuân thủ việc thực hiện các quy định, nghị định, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án nâng cấp đô thị.

2. Yêu cầu bảo đảm yêu cầu và giải pháp đề bảo đảm thực hiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Trong quá trình thực hiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thấy rằng vẫn còn những hạn chế, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư, ảnh hưởng lớn đến đời sống và quyền lợi thiết thực của người dân. Việc tồn tại các hạn chế cũng dẫn đến việc kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xảy ra khá nhiều. Nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thêm vào đó, các quy định của pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vừa chồng chéo, không rõ ràng, vừa thiếu quy định thống nhất. Chính vì vậy, tác giả đưa ra các yêu cầu cụ thể sau:

(i) Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện nay, các quy định của hệ thống pháp luật đất đai điều chỉnh quan hệ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Đất đai năm 2003. Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định, Thông tư, Quyết định của Chính phủ, các Bộ ngành, chính quyền ở địa phương ban hành hướng dẫn... vừa tản mát, vừa khó tìm hiểu, áp dụng, do vậy cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan.

(ii) Góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân về vị trí, vai trò của pháp luật; Cần phối hợp giữa các phòng ban, đơn vị trong việc nâng cao nhận thức của người dân lẫn cán bộ thực hiện nhiệm vụ, tạo cơ sở đồng thuận từ người dân chính là chìa khóa giải quyết thành công trong quá trình thực hiện dự án; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc nhắc nhở, tránh trường họp phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cơ chế đồng bộ trong xây dựng nguồn nhân lực cần được chú trọng qua ba khâu là bồi dưỡng, đào tạo và quy hoạch. Hiện nay, công tác đào tạo đội ngũ chuyên trách phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chưa thực sự tốt, dẫn đến việc cán bộ chưa đáp ứng đủ và đúng như cầu thực tiễn.

(iii) Thể hiện sự tôn trọng và quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế mà Nhà nước tham gia, ký kết. Việc thực hiện dự án trên cơ sở ngân sách và vốn vay từ nước ngoài là nhằm mục đich góp phần vào xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, xứng tầm là đầu tàu kinh tế của cả nước, đồng thời giúp cải thiện đời sống của người dân thuộc dự án, đảm bảo điều kiện tốt hơn.

3. Giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Để khắc phục những điểm mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động thực hiện pháp luật, công việc thiết yếu trước hết là tiến hành rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật có liên quan để tiến hành loại bỏ những quy định không phù hợp. Những nội dung có ý nghĩa quan trọng trên thực tế để điều chỉnh các quan hệ xã hội (sự tác động của các quy phạm pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến hành vi của các chủ thể) cần được bổ sung, sửa đổi để bảo đảm sự phù hợp, hợp lý, nhằm tạo sự thuận tiện cho chủ thể trong việc tuân thủ, sử dụng và trong hoạt động áp dụng pháp luật.

Các văn bản hướng dẫn thi hành cũng phải dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp. Nội dung các văn bản này còn phải bảo đảm yếu tố phù hợp, tính thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành như pháp luật về: đất đai, nhà ở. Trong tương lai, pháp luật cần dự liệu một cách bao quát nhất các khả năng xảy ra, cùng những chế tài tương ứng nhằm hạn chế tối đa việc ban hành các văn bản hướng dẫn. Để tạo nên sự thống nhất khi sử dụng và áp dụng pháp luật cần phải xóa bỏ sự phân chia, tách biệt trong việc ban hành các văn bản pháp luật giữa các cơ quan Bộ, ngành. Có như vậy, quy phạm pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mới khách quan để được xã hội tự giác chấp hành và tuân thủ nghiêm minh.

Ngoài việc hoàn thiện pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn bảo đảm sự đồng bộ của việc tổ chức thực hiện pháp luật, kiện toàn tổ chức hoạt động nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ; từng bước chuyên môn hóa cơ quan thực hiện bồi thường; hệ thống lưu trữ, trao đổi, kết nối thông tin liên quan đến đất đai, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện nay, đã có quy định sau khi thu hồi đất phải tạo việc làm cho người dân, nhưng các chủ dự án thường chuyển sang bồi thường bằng tiền để người dân tự tìm việc làm. Các Trung tâm phát triển quỹ đất ở các địa phương khi thực hiện dự án chỉ tập trung vào việc thu hồi, đền bù của dự án đó, còn việc làm sau khi thu hồi cho người dân chuyển qua cơ quan Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lại không có quy định đặc thù nào cho đối tượng mà Nhà nước thu hồi đất. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh cần có phương án trình UBND thành phố cần xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả của dự án, trong đó có tiêu chí về đào tạo nghề, tiêu chí khả năng giải quyết việc làm, bảo đảm tái định cư cho người dân không còn chỗ ở và đánh giá tác động của dự án đối với tình hình kinh tế - xã hội. Chính quyền địa phương cần hoàn thiện quy định về mức độ chi tiết đối với thông tin về phương án tái định cư và phương án hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề; cũng như đồng bộ hóa việc công khai các thông tin này một cách chi tiết đầy đủ, đúng thời điểm theo quy định pháp luật.

Tăng cường các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trong thực hiện pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật cho một tình huống cụ thể, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý (khác) nhằm giúp khách hàng thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tuy hoạt động tư vấn pháp luật rất khác biệt về mục đích, nội dung, phương pháp so với các hoạt động khác, như: cung cấp thông tin pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hay hoạt động giảng dạy pháp luật; tất nhiên, thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, cũng góp phần tuyên truyền phổ biến, giải thích pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho người dân.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2014), Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất.
  2. Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2014), Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
  3. Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2013). Hiến pháp
  4. Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2013). Luật Đất đai
  5. Phạm Thu Thủy (2014), Luận án tiến sĩ: “Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp ở Việt Nam”, Đại học Luật Hà Nội.
  6. Trần Cao Hải Yến (2014), Luận văn, “Thực thi pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay”, Đại học Luật Hà Nội.

SOME REQUIREMENTS FOR ENFORCING THE COMPENSATION, SUPPORT AND RESETTLEMENT IN COMPLIANCE WITH LAWS WHEN THE AUTHORITIES REVOKE THE LAND USE RIGHTS FOR LAUNCHING URBAN UPGRADING PROJECTS IN HO CHI MINH CITY

Nguyen Thi Kim Loan

People’s Committee of Ward 5, District 8, Ho Chi Minh City

Abstract:

Making compensation, providing support and doing resettlement when the authorities launch a project is one of major problems of Ho Chi Minh City in particular and of Vietnam in general. These issues are also major tasks of local authorities at all levels in Vietnam. Making compensation, providing support and doing resettlement well are important criteria for enhancing competitiveness and creating an attractive investment environment for investors, contributing to socio-economic growth. This article analyzes some requirements and proposes some solutions to enforce the compensation, support and resettlement in compliance with laws when the authorities revoke the land use rights for launching urban upgrading projects in Ho Chi Minh City in the current period.

Keywords: Revocation, compensation, support, resettlement, urban upgrading projects.