TÓM TẮT:

Hoạt động xuất nhập khẩu là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trong nước với nước ngoài (ngoại thương) nhằm phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân với nhiều nét đa dạng, song cũng chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp, khác với buôn bán hàng hóa trong nước (nội thương). Trong môi trường này, ngoài việc tuân thủ pháp luật, còn có hành vi “phi thương mại” đó là buôn lậu. Buôn lậu không chỉ gây tác hại về mặt kinh tế, mà còn gây tác hại nặng nề đối với đời sống văn hóa - xã hội. Cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, lực lượng hải quan là chủ thể có vai trò, vị trí quan trọng nhất định đối với các lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, các quốc gia đều đặt ra những mục tiêu và dành sự quan tâm lớn đối với việc kiểm soát thương mại, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu của các chủ thể trong đó không thể thiếu lực lượng hải quan. Do đó, việc xác định các yếu tố tác động đến công tác này là thực sự cần thiết. Trong  bài viết này, tác giả đưa ra những yếu tố cơ bản tác động đối với công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu của lực lượng hải quan Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Buôn lậu, lực lượng hải quan, đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

1. Đặt vấn đề

Buôn lậu là một hiện tượng kinh tế - xã hội tiêu cực, xuất hiện cùng với sự ra đời của bộ máy nhà nước và hàng rào thuế quan quản lý hoạt động thương mại. Mỗi quốc gia có hàng rào thuế quan khác nhau, do vậy những mặt hàng buôn lậu cũng có sự khác nhau nhưng đều có điểm chung là hoạt động kinh tế bất hợp pháp, với mục đích đạt được lợi nhuận cao nhất. Từ đó, hành vi buôn lậu đã xâm hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, đến nền kinh tế quốc dân và kỷ cương xã hội. Nguy hại hơn, buôn lậu còn dẫn tới tham nhũng, làm suy thoái đạo đức, nhân cách của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Chính vì vậy, xuyên suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn và phòng ngừa “mối hiểm họa này”. Nhiều chủ trương, chính sách pháp luật được đề ra và triển khai thực hiện rộng khắp. Song, thực tế cho thấy, để đảm bảo hiệu quả cho công tác này, ngoài sự lãnh đạo của Đảng, mức độ hoàn thiện pháp luật của Nhà nước, còn cần sự phối hợp của nhiều yếu tố khác, nhiều chủ thể quan trọng khác bên cạnh vai trò chủ yếu của lực lượng hải quan.

2. Sự lãnh đạo của Đảng

Tệ nạn buôn lậu hình thành và phát triển từ nhiều nguyên nhân và gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ về mặt kinh tế, mà còn bao trùm lên cả lĩnh vực chính trị và đời sống văn hóa - xã hội. Do đó, để phòng, chống buôn lậu không chỉ là trách nhiệm của riêng một ngành, một cấp hay một chủ thể nào, mà cần phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của hạt nhân hệ thống chính trị - đó là Đảng chính trị, đặt trong hoạt động quản lý thường xuyên của Nhà nước và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của toàn thể nhân dân. Thực tế cho thấy, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cùng tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu sẽ tạo nên một mặt trận rộng khắp và hiệu quả trong công tác này.

Tuy nhiệm vụ cụ thể và mục tiêu hoạt động của lực lượng hải quan các nước có sự điều chỉnh khác nhau nhưng về cơ bản lực lượng hải quan trên thế giới cũng như tại Việt Nam sẽ thực hiện những nhiệm vụ và chức năng sau[1]: (1) Kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải và hành khách xuất, nhập cảnh, bảo đảm cho các hoạt động này diễn ra đúng pháp luật; (2) Thu thuế xuất, nhập khẩu và các loại thuế và lệ phí khác do pháp luật quy định; thực hiện chính sách thuế của Nhà nước trong quan hệ kinh tế với nước ngoài; (3) Điều tra, xử lý các hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan khác; (4) Thực hiện thống kê nhà nước về hải quan. Như vậy, ngành Hải quan tại các nước trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn và nặng nề, đặc biệt là những nhiệm vụ liên quan đến đấu tranh, phòng chống và xử lý hành vi buôn lậu. Do đó, tất yếu phải đòi hỏi vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ phải tiếp tục được nâng cao để giữ vai trò định hướng, giáo dục nhận thức; tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong đội ngũ đảng viên, đội ngũ cán bộ công chức và người lao động của toàn ngành Hải quan để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kể trên.

Ngày 20/11/1992, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về tiếp tục ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu (Chỉ thị số 15-CT/TW). Chủ trương này xác định ngăn chặn và bài trừ tệ nạn, tham nhũng và buôn lậu là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của các cấp ủy Đảng; có loại trừ tệ tham nhũng và buôn lậu thì chính quyền mới vững mạnh, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng. Sau đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, phát huy vai trò của nhân dân để tiến hành có hiệu quả những biện pháp chống buôn lậu trên các tuyến biên giới, vùng biển và trên thị trường nội địa. Ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại hoặc tiếp tay, bao che cho buôn lậu”. Như vậy, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu sớm được xác định là một trong những nhiệm vụ cách mạng quan trọng ở nước ta trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xác định tầm quan trọng của những chủ trương này đối với công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu nói riêng và nhiệm vụ xây dựng môi trường kinh doanh, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ nói chung, Nhà nước đã thể chế hóa các định hướng này thành những quy định của pháp luật. Lần lượt nhiều chính sách và văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được ban hành; các Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được thành lập ở Trung ương và tại các địa phương, được gọi là Ban Chỉ đạo 389. Bộ máy của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo một số Bộ, ngành chức năng và tại 63 tỉnh thành trong cả nước đều đã được kiện toàn. Các Ban chỉ đạo 389 đa phần đều có bộ phận thường trực giúp việc là lực lượng chức năng để thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa bàn phụ trách. Theo thống kê của các Bộ, ngành và địa phương từ năm 2014 đến năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.057.934 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91 nghìn tỷ đồng; số vụ khởi tố 8.788 vụ, với 10.404 đối tượng[2].

Mặc dù diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về cả quy mô, tính chất và địa bàn; thực tế công tác này vẫn còn nhiều hạn chế trong việc triển khai phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng nói chung và của lực lượng hải quan nói riêng. Song, những đường lối, quan điểm của Đảng về công tác này vẫn luôn tác động mạnh mẽ và tiếp tục là định hướng quan trọng để Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống buôn lậu tại nước ta trong thời gian tới.

3. Mức độ hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn lậu

Để đảm bảo việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống, hoạt động xây dựng, sửa đổi, bổ sung hay nói cách khác là sự hoàn thiện hệ thống pháp luật là một yêu cầu mang tính khách quan. Cũng giống như nhiều hoạt động khác của bộ máy nhà nước, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu của lực lượng hải quan luôn xác định hệ thống văn bản pháp luật là yếu tố bảo đảm có ý nghĩa quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của công tác này. Đấu tranh phòng, chống buôn lậu chỉ có thể được triển khai một cách có hiệu quả trên cơ sở các văn bản pháp luật được quy định đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất và khả thi; phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nhận thức rõ điều này, trên cơ sở những chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa bằng nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống buôn lậu. Điển hình như những văn bản sau: Quyết định số 114-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/11/1992 về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ nạn tham nhũng và buôn lậu; Chỉ thị số 701-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/10/1995 về đấu tranh chống buôn lậu trên biển; Nghị quyết số 85/CP của Chính phủ ngày 11/7/1997 đề ra một số biện pháp cấp bách về chống buôn lậu; Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11/10/1997 về công tác đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới.

Sau đó, nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt hơn công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 966/1997/QĐ-TTg ngày 13/01/1997 về việc thành lập Ban chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại (gọi tắt là Ban chỉ đạo 853TW), do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan làm Trưởng ban. Ngày 27/8/2001, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (gọi tắt là Ban 127TW) thay thế Ban chỉ đạo 853TW. Trước những yêu cầu mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 19/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) (Quyết định 389/QĐ-TTg), trong đó, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Trên cơ sở quy định của Quyết định số 389/QĐ-TTg, đến nay tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều thành lập Ban Chỉ đạo 389 của Tỉnh.

Trong suốt thời gian qua, kể từ khi được thành lập năm 2014, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết để kiện toàn bộ máy hoạt động từ Trung ương đến địa phương và các định hướng, chiến lược chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả mang tính cấp bách, toàn diện để thống nhất chỉ đạo phạm vi toàn quốc. Ban Chỉ đạo đã ký và ban hành nhiều quyết định, kế hoạch chuyên đề và các công điện để chỉ đạo công tác này. Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai đồng bộ, đặc biệt đã phát huy được cả hệ thống chính trị tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo được cả bề rộng và bề sâu.

Ngoài các văn bản quy định trực tiếp về phòng, chống buôn lậu nêu trên, hiện trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự... cũng có những quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn lậu hay xử lý hình sự đối với tội phạm buôn lậu. Đặc biệt, ngày 23/6/2014, Quốc hội nhất trí thông qua Luật Hải quan số 54/2014/QH13. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của hải quan. Sau đó, ngày 21/01/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 8/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan. Gần đây nhất, Nghị định này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018. Để có những hướng dẫn cụ thể hơn, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn do Thủ tướng Chính phủ phân công, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, nay được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018.

Như vậy, cho đến nay, ở nước ta đã xây dựng và ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật khá hoàn chỉnh và đầy đủ những vấn đề về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan nói chung và phòng, chống buôn lậu nói riêng. Nền tảng pháp lý này được hoàn thiện theo hướng nâng cao thẩm quyền, phạm vi trách nhiệm và đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống các quy định trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu. Việc xây dựng, ban hành và thực thi những quy định pháp luật kể trên đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm an ninh trật tự, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không chỉ vậy, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu còn nhận được sự đồng tình, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân. Những kết quả đạt được nêu trên rất đáng ghi nhận, song cũng thẳng thắng nhìn nhận công tác này trong thời gian qua vẫn chưa thực sự đáp ứng được những mong muốn của Chính phủ, cũng như sự kỳ vọng của người dân. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của tệ nạn buôn lậu đối với xã hội và kêu gọi tất cả các thành viên trong xã hội tuyệt đối không bao che, tiếp tay cho hành vi này.

4. Năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Hải quan

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng con người, trong Điều lệ Hải quan, Người yêu cầu phải ghi rõ đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư để nhân dân dễ phân biệt giữa nhân viên hải quan với lính “đoan” thời Pháp thuộc[3]. Người ví bốn đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” của người cách mạng như sự hiện diện của bốn mùa trong trời đất, là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của tinh thần thi đua ái quốc: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời; thiếu một phương thì không thành đất; thiếu một đức thì không thành người”[4]. Trong bối cảnh “tình trạng tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong Nhân dân”[5], lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, công chức ngành Hải quan có ý nghĩa vô cùng. Đây cũng chính là nội dung hưởng ứng phong trào rèn luyện “kỷ, cương, liêm, chính” theo thông điệp của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Ngày nay, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu 
và rộng thông qua việc chúng ta đã là thành viên đầy đủ của các tổ chức mang tầm thế giới và khu vực như WTO, ASEAN, APEC, ASEM, WCO. Với tư cách là người gác cửa nền kinh tế đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức hải quan phải đối mặt với những khó khăn, thử thách trong công việc vốn rất nặng nề và đối mặt cả với những “cám dỗ” vật chất mà các đối tượng gian lận thương mại luôn dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc. Do đó, việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hải quan, nhất là lực lượng chuyên làm công tác điều tra phòng, chống buôn lậu chính là nhằm nâng cao hiệu quả đối với công tác này. Hay nói cách khác, trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, danh dự nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Hải quan là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đấu tranh, phòng chống tệ nạn buôn lậu tại Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, đường lối, chủ trương có đúng đắn, pháp luật có quy định đầy đủ và rõ ràng như thế nào, phương tiện vật chất có hiện đại đến đâu, nhưng khi con người yếu kém về đạo đức, hạn chế về năng lực, thì mọi vấn đề sẽ không thể được giải quyết. 

5. Sự phối hợp với các lực lượng chức năng và sự tham gia, giúp sức của nhân dân

Mặc dù nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng hải quan theo quy định của pháp luật trong đấu tranh, phòng chống và xử lý hành vi buôn lậu là khá lớn. So với các lực lượng khác, hải quan có nhiều thuận lợi hơn trong việc nắm bắt những thông tin, cơ chế chính sách trong và ngoài nước, theo dõi những biến động, diễn biến của tình hình buôn lậu; phát hiện và khám phá những thủ đoạn buôn lậu mới, cũng như dự báo chính xác tình hình và phương thức hoạt động buôn lậu trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, khi tiến hành các hoạt động khám xét, bắt giữ, điều tra và xử lý các vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn rất nhiều hạn chế so với các cơ quan chức năng khác như công an, bộ đội biên phòng. Do đó, cần một cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng (công an, bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển, thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường) để có thể đạt được hiệu quả triệt để trong công tác này. Ở một khía cạnh khác, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng cũng nhằm phát huy được các thế mạnh của từng lực lượng, tránh sự chống chéo, “mạnh ai nấy làm”, từ đó việc xử lý những vụ việc phức tạp cũng sẽ được nhanh chóng và kịp thời hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đây là tư tưởng lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân để giải quyết mọi vấn đề về chính trị, an ninh quốc phòng hay kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu là một công tác khó, ảnh hưởng toàn diện đến mọi lĩnh vực của đất nước nên biết dựa vào nhân dân, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia là một trong những yếu tố, biện pháp quan trọng bên cạnh yếu tố phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết triệt để tệ nạn buôn lậu, cũng như tội phạm buôn lậu. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giác ngộ, vận động tầng lớp doanh nhân phải tự giác chấp hành pháp luật kinh doanh, tích cực làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội, làm giàu hợp pháp cho bản thân là đang xây dựng, phát triển đất nước; góp phần cùng các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

Xác định đúng về lý luận cũng như thực trạng các yếu tố cơ bản tác động đến đấu tranh phòng, chống buôn lậu có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần đề xuất các giải pháp đảm bảo hiệu quả cho công tác này thời gian tới, trong đó phải kể đến một số giải pháp, như: (i) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; (ii) nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Hải quan; (iii) đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng, ban hành pháp luật phòng, chống buôn lậu; (iv) chú trọng hoạt động phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng và vai trò của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2003), Luật Hải quan một số nước, Hà Nội, tr.23.

2 Đàm Thanh Thế (2019), Dấu ấn 5 năm thành lập Ban chỉ đạo 389 quốc gia, https://www.nhandan.com.vn/hanggiahangthat/item/39549102-dau-an-5-nam-thanh-lap-ban-chi-dao-389-quoc-gia.html, (19/3/2019).

3 Trần Thành Nam (2003), Xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch vững mạnh, Chuyên đề Hải quan, tr.9-10.

4 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 233.

5 Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.15.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.15.
  2. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2003), Luật Hải quan một số nước, Hà Nội, tr.23.
  3. Trần Thành Nam (2003), Xây dựng lực lượng hải quan trong sạch vững mạnh, Chuyên đề Hải quan, tr.9-10.
  4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 233.
  5. Đàm Thanh Thế (2019), Dấu ấn 5 năm thành lập Ban chỉ đạo 389 quốc gia, https://www.nhandan.com.vn/hanggiahangthat/item/39549102-dau-an-5-nam-thanh-lap-ban-chi-dao-389-quoc-gia.html, (19/3/2019).

SOME FUNDAMENTAL FACTORS IMPACTING ON THE FIGHT AGAINST SMUGGLING OF VIETNAM’S CUSTOMS FORCE

NGUYEN THI HUYEN HUONG

School of Political Studies of Long An Province

ABSTRACT:

Import-export activities are the exchange of goods between domestic and foreign partners in order to develop production and improve the lives of people. However, foreign trading activities also pose many issues including smuggling. Smuggling not only causes economic harms but also has adversely impacts on the socio-cultural life. Like most countries in the world, the customs force of Vietnam plays an important role in the import-export field, especially in the fight against smuggling. In the context of strong globalization, countries pay a great attention to trade control or improve the effectiveness of their fights against smuggling. As a result, it is necessary for the customs force to identify factors affecting the fight against smuggling. This study presents factors impacting on the fight against smuggling of Vietnamese customs force.

Keywords: Smuggling, customs force, fighting against and combating smuggling.